Pages

Wednesday, December 21, 2016

Thương Tiếc Bùi Bảo Trúc - Tạp Ghi Huy Phương

Bùi Bảo Trúc tại tòa soạn Người Việt năm 2015. (Hình: Huy Phương)

Người ta nói, người dậy sớm “có cả thế giới trong tay,” thì tôi cũng xin nói thêm, “biết được tất cả mọi chuyện sớm hơn mọi người.” Cũng vì cái tội dậy trễ, mãi đến 12 giờ trưa Thứ Bảy tôi mới được tin Bùi Bảo Trúc qua đời qua điện thoại của Phan Dụy ở Houston, mà nguồn tin này lại phát xuất từ gia đình Trần Duy Đức, một người ở không xa tôi đến mấy dặm đường.

Đây cũng là một tin khá đột ngột, vì mấy năm nay tôi biết tin Bùi Bảo Trúc mổ tim rồi sau đó được một thời gian, bỗng yếu đi, bỏ rất nhiều sinh hoạt đang thực hiện, qua làn sóng phát thanh thì lúc có lúc không. Ngày trước lúc còn khỏe, chúng tôi vẫn có dịp gặp nhau ở quán Song Long, rồi Bùi Bảo Trúc bỏ thói quen ngồi quán. Sau này ông không còn đủ sức đến trụ sở của Little Saigon Radio cũng là đài truyền hình Hồn Việt, mà chỉ còn nói chuyện từ nhà với thính giả qua mục “Ngày Này Năm Xưa,” phát thanh mỗi ngày vào lúc 10 sáng, từ California.

Cách đây hai tuần, còn được gặp Bùi Bảo Trúc qua điện thoại, gần đây có ngày mừng nghe tiếng ông trở lại trên đài phát thanh, ngày Thứ Tư, texting với ông câu nhắn, không thấy hồi âm, thì đêm Thứ Sáu, ông đã ra đi. Không ngờ! Hai tiếng “không ngờ” chúng ta vẫn thường dùng, vì chẳng bao giờ hiểu nỗi sự sống sự chết, và biết được lúc nào chúng ta bỏ cuộc đời này ra đi.

Bùi Bảo Trúc ra đi, để lại trong lòng bạn bè, độc giả, thính giả của ông nhiều thương tiếc. Thương là vì chúng ta đã mất đi một người bạn thân tình, tiếc là tiếc cho một con người lịch lãm, tài hoa khó kiếm. Những trang báo, những câu chuyện qua làn sóng phát thanh, những talk show, Bùi Bảo Trúc đang thực hiện trên đài truyền hình, khi ông ra đi, có thể nói là không có người thay thế. Bùi Bảo Trúc uyên bác hay Bùi Bảo Trúc có một trí nhớ tốt cũng là một cách nói. Sách vở và giấy bút không thể nào giúp cho một người “host” trong vòng nửa giờ trên đài phát thanh hay truyền hình làm việc trôi chảy, nếu không có một trí nhớ tốt.

Có trí nhớ tốt chưa đủ, mà người dẫn chương trình dù chúng ta thấy mặt hay chỉ nghe tiếng nói phải có cái duyên dẫn dắt câu chuyện. Trong vòng nửa giờ, người nghe cảm thấy chưa hả dạ thì đã đến giờ tạm biệt, xin hẹn gặp lại chương trình sau, và có cái gì đó để người nghe có thể mong đợi, đến giờ này, ngày mai mở lại chương trình để đón nghe giọng nói thân quen của một chương trình kế tiếp.

Bởi vậy, khi Bùi Bảo Trúc ra đi, chúng tôi thật sự mất một người bạn quý, nhưng tôi hiểu sự mất mát lớn lao khó bù đắp của chương trình “Ngày Này Năm Xưa” của Little Saigon Radio và “Chào Hoàng Hôn” của Hồn Việt TV. Giọng nói và khuôn mặt của Bùi Bảo Trúc đã là một điều gì đó rất quen thuộc, hẹn giờ, với tất cả khán, thính giả của các cơ quan truyền thông rất phổ cập này.

Người ta dùng nhiều danh xưng để nói về Bùi Bảo Trúc, nhà văn, ký mục gia, nhà báo, ký giả, có sự hiểu biết rộng rãi, hay một MC lịch lãm, duyên đáng trên sân khấu. Ông cũng là giáo sư Anh Ngữ tại Hội Việt Mỹ từ năm 1965 và London School ở Sài Gòn của ông Nguyễn Ngọc Linh, nhưng ít ai gọi ông là giáo sư. Đối với ông hai tiếng gọi thân thiết “nhà báo” là đủ: “Nhà báo Bảo Lâm.”

Bùi Bảo Trúc là một người sinh hoạt từ trong nước ra đến ngoài nước, có dịp đi đây đó nhiều, được nhiều người biết và biết đến nhiều người, nhưng không thể dùng tiếng “quảng giao” để nói đến ông, nếu hiểu theo đúng nghĩa “quảng giao” là giao thiệp rộng rãi với nhiều người. Bùi Bảo Trúc có nhiều bạn bè nhưng con số giao tiếp không nhiều, vì ông có một cá tính đặc biệt, kiêng nể ai thì thấy rõ, nhưng ghét bỏ ai thì cũng ra mặt. Đối với Bùi Bảo Trúc, không có chữ “xuề xòa,” không phải ai cũng là người ông vui vẻ bắt tay xã giao, kiểu “quảng giao” cho xong chuyện, “chín bỏ làm mười,” mà “thương ai thì nói rằng thương, ghét ai thì nói rằng ghét,” dù đó là một kẻ thù chính trị khác ranh giới hay cả một người ông vẫn thường gặp ngoài đường, hay trong sở làm.

Có lần, trong một tiệm ăn, một bác sĩ “dược thảo,” chưa quen biết gì, đã bước đến bàn ăn của Bùi Bảo Trúc, ngỏ lời nhờ ông đứng ra quảng cáo giúp cho thương vụ bán thuốc của mình, ông đã đáp lại rất nặng lời, những lời mà tôi nghĩ không tiện ghi lại ở đây. Bùi Bảo Trúc là vậy!

Đó là xấu tốt phân minh, thiện ác rõ ràng, qua lối viết của ông. Khi ghét ông dùng chữ rất thậm tệ, khi thương kính ông không tiếc lời trang trọng. Bùi Bảo Trúc thường công nhận lối viết của ông không “hiền,” là rạch ròi, nếu cần dùng chữ nghĩa để diễn đạt ý nghĩ và tâm tính của ông.

Bởi vậy, ông có nhiều người thương mà cũng không thiếu người ghét, ngay cả khi ông mất, còn có người theo đuổi kê kích ông.
Trên đời, người đào hoa và hào hoa chưa hẳn là người có hạnh phúc. Bùi Bảo Trúc không nằm trong những người có biệt lệ. Trong sinh hoạt thường ngày, ông vẫn nhận mình là người “cơm hàng cháo chợ,” ăn uống thất thường, không có người thân sống gần bên cạnh, có lẽ vì như vậy, mà lúc đã luống tuổi, sức khỏe ông giảm sút rất nhanh.

Có những câu chuyện xảy ra trong đời, mà Bùi Bảo Trúc cảm thấy ray rứt khôn nguôi, hối hận, xem đây như là những chuyện sai lầm nhất của cuộc đời mình. Một người sống như thế làm sao có thể là một con người hạnh phúc trên đời này được.

Trong những ngày cuối đời, thấy Bùi Bảo Trúc không được vui. Một người thân thiết với ông, qua dòng nước mắt, đã nói với chúng tôi rằng, Bùi Bảo Trúc thấy không còn tha thiết với cuộc sống này nữa. Vậy cuối cùng, thì sự ra đi cũng là ý muốn của ông.

Bùi Bảo Trúc ơi! Mong ông đừng chấp trách, phiền lòng, ông thích nói thật thì nhớ đến ông hôm nay, tôi cũng nói sự thật mọi điều.
Bùi Bảo Trúc đã không còn ở trên đời này nữa! Bùi Bảo Trúc ra đi rồi thật sao!
Thất thập cổ lai hy! Mới bước qua ngưỡng cửa “thất thập” chưa bao lâu mà ông đã bỏ anh em ra đi. Cái chết của Bùi Bảo Trúc không phải là non yểu mà cũng là một cái chết sớm, vì ông còn những việc đang làm và phải làm. Vẫn biết sống chết là lẽ vô thường, nhưng sao cái chết của ông làm cho chúng tôi ngậm ngùi khôn xiết.

Chung quanh đây người ta đang rộn ràng chuẩn bị đón Giáng Sinh và Năm Mới, mà Bùi Bảo Trúc lại vẫy tay từ biệt cuộc đời. Hình như đối với những người luống tuổi, những ngày cuối năm không bao giờ là những ngày vui. Rồi sẽ còn ai nữa, sắp bỏ “cuộc chơi?”
Sáng mai này, thức dậy, rất nhiều người theo thói quen mở đài phát thanh hay đài truyền hình, sẽ nhớ nhiều đến ông.
Thôi, “Bạn Ta!” Xin đừng nói lời vĩnh biệt!

Người xưa nói, cái chết như trở về đi trên con đường làng xưa! Ông đã được trở về, tất cả chúng ta rồi cũng sẽ trở về thôi!

Huy Phương

No comments:

Post a Comment