Trên thế giới có 3 loại người: người may mắn, người xui xẻo và bình thường. Ai cũng muốn là người may mắn, nhưng không phải ai cũng được như thế. Nhưng nếu biết cách, bạn sẽ là người may mắn.
GS Richard Wiseman,
ĐH Hertfordshire (Anh) đã làm một cuộc nghiên cứu cực kì công phu trên
400 người từ 18-84 tuổi trong suốt hơn 10 năm, để tìm hiểu về quy luật
may mắn của con người.
Qua nghiên cứu này, ông đã rút ra được khá nhiều điều lý thú và hữu ích cho tất cả mọi người muốn mình trở nên may mắn hơn.
Cuộc sống là một trò chơi tìm kiếm
Trong một cuộc thí
nghiệm, GS Wiseman đưa cho người may mắn và xui xẻo 2 tờ báo và hỏi họ:
“Hãy tìm cho tôi có bao nhiêu tấm hình trong tờ báo này?” Người xui xẻo
mất 2 phút, trong khi người may mắn chỉ mất có vài giây. Tại sao lại như
vậy?
Vì ở ngay trang 2 của tờ
báo có một dòng chú thích: “Đừng tìm nữa, tờ báo này có 43 tấm hình”.
Cuộc thí nghiệm được làm lại nhiều lần và người xui xẻo chẳng bao giờ
nhìn ra dòng chữ ấy.
Bài học rút ra là: người
xui xẻo đã bỏ lỡ cơ hội vì họ quá bận rộn, quá tập trung vào những gì
đang làm. Trong khi đó, người may mắn luôn biết nhận ra những gì khác
biệt hơn là những gì họ tìm kiếm.
May mắn thường gõ cửa những người luôn sáng tạo và luôn biết cách làm mới mình, làm mới môi trường xung quanh mình.
Nếu ví sự may mắn là trái
táo và môi trường quanh bạn là một vườn táo. Hàng ngày, bạn chỉ cứ hái
mãi ở một vườn, càng ngày bạn sẽ càng khó tìm thấy, vì táo ít đi từng
ngày.
Nhưng nếu bạn sang một vườn táo mới, xác suất hái được táo của bạn sẽ tăng lên đột ngột. Đó chính là sự may mắn!
Biết là mình may mắn
Sở dĩ GS Wiseman chia ra
làm hai loại người: may mắn và không may mắn vì… chính họ đã tự nhận
mình là như vậy. Cùng một sự việc, người may mắn và xui xẻo có thể nhìn
dưới 2 khía cạnh khác hẳn nhau.
Cũng như một đội tuyển
tham dự Olympic vậy, năm nay họ thi đấu chỉ đoạt huy chương đồng, sang
năm, họ tập luyện chăm chỉ hơn và rồi đạt huy chương bạc. Nhưng bạn hãy
thử đoán xem, lúc nào họ vui hơn?
Khi đoạt huy chương bạc,
họ cảm thấy xui xẻo vì chỉ còn một chút nữa thôi là họ có thể làm được
điều tốt nhất. Còn khi chỉ đoạt huy chương đồng, họ lại thấy may mắn, vì
nếu họ không cố gắng dù chỉ là một chút nữa thôi thì họ đã không có gì
cả.
Các nhà nghiên cứu gọi
đây là hiện tượng suy nghĩ “phản thực” (counter-factual). Những người
may mắn là người biết biến sự xui xẻo thành cảm giác may mắn.
Trong một thí nghiệm khác, GS Wiseman đặt ra trường hợp rằng: một ngày bạn vào nhà băng, thế rồi bất chợt bọn cướp xuất hiện, chúng bắn bừa một viên đạn thế nào lại trúng vào vai bạn. Quan điểm của người xui xẻo là: “Ôi trời, sao tôi xui xẻo đến thế. Đến nhà băng ngày nào không đến, lại đến đúng ngày có cướp viếng, đã thế lại bị tai bay đạn lạc”.
Trong khi đó, quan điểm của người may mắn là: “Ôi may quá! Đạn chỉ trúng vào vai mà không vào đầu mình”!
Chính quan điểm ấy giúp họ có một cuộc sống tràn đầy tự tin và hy vọng. Họ luôn lạc quan ngay cả khi khó khăn nhất.
Luyện để trở thành người may mắn
Mục đích của nghiên cứu này là rút ra những kinh nghiệm và thói quen có thể giúp chúng ta tìm thấy nhiều sự may mắn hơn.
GS Wiseman tổ chức một
cuộc trao đổi giữa hai nhóm người. Những người may mắn sẽ nói về cách họ
suy nghĩ, cảm nhận về cuộc sống, cách họ tìm kiếm may mắn, phá vỡ các
thói quen và giải quyết những xui xẻo.
Những người xui xẻo được giao nhiệm vụ là hãy thay đổi một số thói quen, lối sống.
Sau đó chỉ một tháng, những kết quả báo lại thật bất ngờ: 80% số người
xui xẻo đã cảm thấy sống tốt hơn, vui vẻ hơn và may mắn hơn.
Piper, một người thuộc
nhóm xui xẻo nói: “Tôi đã tự lập ra một số sở thích và thói quen bất
chấp những hạn chế của mình. Ví dụ như vào các sáng thứ 7, tôi rất muốn
đi câu, vì vướng chuyện học lại thôi.
Nhưng lúc đó, tôi vẫn cứ
đi câu bất chấp vẫn còn một đống bài ở nhà. Trong khi câu cá, chúng tôi
đã trao đổi cùng nhau về bài luận, tôi đã nhận ra khá nhiều điều lý thú
và tôi đã có một bài luận điểm A”.
Alesadra nói: “Tuần
trước, tôi thấy có một cái váy rất đẹp, nhưng không mua. Hôm sau tôi
quay lại để mua thì người ta đã bán mất. Nếu là trước đây, tôi sẽ thất
vọng, buồn rầu mà đi về. Nhưng sau khi đi một vòng, tôi lại tìm được một
cái khác đẹp hơn và còn rẻ hơn thế. Thật là may mắn”!
Có lẽ, may mắn hay xui
xẻo cũng chỉ là một khái niệm trừu tượng và do quan điểm của mỗi chúng
ta. Vậy là bài học rút ra ở đây thật sự chẳng có gì cao siêu cả.
Nếu bạn muốn là người may
mắn, hãy tự xếp hạng mình là người “số đỏ”. Hãy luôn suy nghĩ tích cực,
rằng những may mắn đến với bạn là do bạn xứng đáng được hưởng, còn
những xui xẻo chẳng qua là những thử thách giúp chúng ta cứng cỏi hơn mà
thôi.
Hãy nhớ rằng: “Khi một cánh cửa sập lại với bạn, chắc chắn sẽ có 5, 7 cánh cửa khác trải thảm đỏ đón bạn”!
Phương Thành Trung
Theo Reader’s Digest
Theo Reader’s Digest
Nguồn:dantri.com.vn
No comments:
Post a Comment