Pages

Tuesday, January 10, 2017

Donald Trump – Con Chim Báo Bão - Nguyễn Xuân Nghĩa


Thế giới vừa trải qua một năm 2016 đầy bất ngờ thì nên tự chuẩn bị cho một năm 2017 còn nhiều biến động hơn nữa, với trung tâm sẽ là Hoa Kỳ, siêu cường có nền kinh tế và hệ thống quân sự vẫn còn ảnh hưởng toàn cầu.
Chúng ta thường nói đến sự đổi thay qua ẩn dụ “biển dâu,” biển xanh bỗng lại biến thành nương dâu. Những biến động ấy thật ra âm ỉ đã lâu, nhưng ít được thấy, cho tới khi gây ra những thay đổi mà chúng ta gọi là “bỗng,” vì bị bất ngờ. Nhìn từ bên ngoài, Hoa Kỳ cũng chẳng thoát quy luật đó từ thời lập quốc: trung bình thì cứ hai thế hệ, chừng 50 năm, lại có một đợt thay đổi sau nhiều chuyển động ngầm ở dưới đáy có thể kéo dài cả chục năm.


Bàng bạc bên dưới, chuyển động ngầm và mãnh liệt là “chủ nghĩa quốc gia” tái xuất hiện tại nhiều nơi và đe dọa trật tự toàn cầu đã thành hình từ 70 năm trước. Năm 2017 càng thấy ra điều ấy nên ta cần tự chuẩn bị cho nhiều biến động lớn hơn.

Nói đến viễn ảnh 2017, chúng ta phải khởi sự từ Hoa Kỳ vì quốc gia này có hệ thống kinh tế và bộ máy quân sự giàu mạnh nhất, với ảnh hưởng toàn cầu và cũng vừa qua một cuộc cách mạng xã hột có nội dung phát huy chủ nghĩa quốc gia mà ông Donald Trump sớm hiểu ra và trở thành biểu tượng cho nên thắng cử và nay đang giải thích nội dung của chủ nghĩa ái quốc về an ninh lẫn kinh tế.

Sự bất mãn của nhiều người manh nha đã lâu, từ Âu sang Mỹ, mà giới học giả và truyền thông không thấy ra. Vì vậy, các chính đảng cổ điển đều thất cử, các xu hướng cực đoan ở ngoài lề thắng lớn tại nhiều nơi mà vẫn bị coi thường. Thời sự 2017 sẽ là khủng hoảng của truyền thông vì tưởng mình biết hết mà chỉ là con vẹt nhắc lại mấy chân lý giả tạo của giới thượng lưu chính trị và không theo kịp sự chuyển động hay nổi giận của xã hội.

Tại Hoa Kỳ, sự nổi giận manh nha từ cuộc bầu cử năm 2010 khi phe bảo thủ giúp đảng Cộng Hòa chiếm lại Hạ viện mà các bậc trưởng thượng của đảng chẳng nhìn ra nên thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Sau đấy, đảng vẫn không hiểu ra sự phẫn nộ của thành phần cử tri nòng cốt. Qua năm 2014, Cộng Hòa thắng lớn tại Quốc hội nhờ phe bảo thủ mà các bậc trưởng thượng vẫn chưa hiểu nên đòi chặn làn sóng đã đưa một tay ngang là Donald Trump lên đỉnh. Mà chặn không nổi.

Bên Dân Chủ còn tệ hơn vì gây sự phẫn nộ mà bất cần khi duy trì chính sách kinh tế bao cấp và vận động thiểu số làm nòng cốt dưới sự lãnh đạo của thành phần ưu tú có nếp sống sa hoa phóng đãng mà bất chấp sự lầm than kinh tế xã hội ở dưới. Bà Hillary Clinton thất cử vì đã gian lại kiêu, đảng Dân Chủ bị nặng hơn mà chưa biết. Lý do không biết là vì cái tài hùng biện của Tổng Thống Barack Obama và vì ảo giác là lần đầu tiên Hoa Kỳ có một tổng thống da đen có vẻ cấp tiến.

Thực tế thì trong ba cuộc bầu cử không có ông Obama, là 2010, 2014 và 2016, đảng Dân Chủ đại bại tại cả Hạ Viện, Thượng Viện, cấp Thống Đốc. Năm 2010 thì giữ đa số tại 60 trong 99 quốc hội tiểu bang, nay chỉ còn 30! Sống tại California trong túi đảng Dân Chủ và cứ nghe truyền thông thì ta khó thấy ra chuyển động ấy của Hoa Kỳ!

Nhìn vào tương lai thì ông Donald Trump chỉ là triệu chứng, chứ không là động lực cách mạng nhằm phát huy và bảo vệ quyền lợi an ninh của nước Mỹ và quyền lợi kinh tế dân Mỹ. Sau khi đắc cử, ông Trump làm hai việc đáng chú ý là chọn ban tham mưu và thăm các tiểu bang đã giúp ông thắng cử. Người ta tưởng ông ta ham đi đây đó để nói cho vui, chẳng khác Obama! Thật ra ông đi từng nơi là để củng cố hậu thuẫn của quần chúng cho những gì sẽ làm. Quần chúng đó sẽ giúp ông tranh đấu với Quốc Hội, Cộng Hòa lẫn Dân Chủ. Ông Trump hiểu rằng tổng thống Mỹ không có toàn quyền mà phải chia quyền với lập pháp và ông trực tiếp nói với người dân, qua đầu truyền thông và các chính khách.

Khi lập ban tham mưu, ông Trump tìm ba thành phần là chiến tướng có trí tuệ, doanh gia có thành tích và người có kinh nghiệm từ đời sống thật, hơn là các học giả hay chính khách. Người ta đả kích lối chọn lựa đó mà không thấy Hoa Kỳ có vấn đề cần giải quyết chứ không thể tiếp tục theo lối cũ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà giới đả kích là chính khách, học giả và truyền thông!
Còn đảng Dân Chủ thì vẫn cố xoay ngược kết quả bầu cử với sự yểm trợ công khai của Tổng thống sắp mãn nhiệm vì ông Obama cần bảo vệ di sản “cải tạo” của mình…

Tổng Thống Donald Trump được quần chúng đưa lên để thay đổi hiện trạng và ông vẫn nói đến những thay đổi tốt đẹp hơn cho Hoa Kỳ. Trong lịch sử cận đại của Mỹ, có hai tổng thống gặp hoàn cảnh tương tự là Franklin Roosevelt bên Dân Chủ và Ronald Reagan bên Cộng Hòa khi kinh tế suy thoái và quốc gia bị bên ngoài thách đố. Thời Roosevelt là biến động từ Âu sang Á dẫn tới đại chiến; thời Reagan là sự sa sút tinh thần của Hoa Kỳ sau thảm bại Việt Nam và trước đà bành trướng của Liên Xô.

Bài toán của ông Trump khó hơn vì chẳng được đa số như hai vị kia, lại còn gặp sự hoài nghi bên Cộng Hòa và sự chống phá cay cú của đảng Dân Chủ chưa kịp lột xác. Ngược lại, từ bên ngoài, các đồng minh lẫn đối thủ thì đều rõ đây không là đoạn kết mà chỉ là bước đầu của trận đấu mới, trong đó ai cũng muốn chiếm thượng phong vì vậy, 100 ngày đầu sẽ quyết định về Chính quyền Trump.
Ông mà đem lại niềm tin thì giới dân cử Hạ Viện sẽ ủng hộ, nếu không, vì sợ bị thất cử vào năm 2018, họ sẽ chống.

Sau khi ông Trump thắng cử, thị trường cổ phiếu vọt tăng giá lên mức kỷ lục khiến người ta lạc quan nói đến một kỷ nguyên mới. Thật ra, trong lãnh vực kinh tế tài chánh, thị trường chứng khoán có hai loại là thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. Thị trưởng cổ phiếu là phản ứng tâm lý trước các biến chuyển kinh tế, còn thị trường trái phiếu mới là linh hồn của sự chuyển động tài sản. Thị trường hối đoái hay mua bán ngoại tệ chỉ là biến thái từ thị trường trái phiếu vì đồng bạc lên hay xuống giá so với ngoại tệ khác là do khác biệt lãi suất nên ảnh hưởng đến phân lời. (Truyền thông của ta nên dịch đúng interest là lãi suất và yield là phân lời!)
Nói về trái phiếu, là tờ giấy nợ, thì mối nguy số một của Hoa Kỳ là gánh nợ.

Tổng Thống Donald Trump thừa hưởng di sản Obama là gánh nợ liên bang gần $20 ngàn tỷ sau tám năm tăng chi. Ông còn một di sản khủng khiếp hơn, là gánh nợ của quỹ An Sinh Xã Hội và Trợ Cấp Y Tế tích lũy từ lâu và sẽ sụp đổ vì tuổi thọ tăng, dân số lão hóa, người hưởng tiền An Sinh và cần dịch vụ y tế chiếm tỉ lệ cao hơn thành phần lao động góp tiền cho hai quỹ này. Chưa kể là lớp người Hậu Chiến, sinh sau Thế Chiến, từ 1946 tới 1964, sẽ ồ ạt về hưu và cần tiền hưu liễm.

Vì vậy, chính sách kinh tế nhằm nâng sản lượng và tạo ra việc làm sẽ bị kẹt nếu lại giải quyết bằng tăng chi khi bội chi ngân sách lên tới ngàn tỷ và sẽ lên tới 2,000 tỷ một năm, bên trong có cả tiền lời của khối nợ 20 ngàn tỷ từ nay sẽ thành đắt hơn, khi lãi suất và phân lời cùng tăng.

Qua các chi tiết được trình bày, ông Trump cố kích thích sản xuất bằng kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở ruỗng nát của Hoa Kỳ, nhưng không tài trợ bằng tăng chi ngân sách như các chính quyền trước vì lại chất thêm núi nợ đã quá cao. Ông khuyến khích tư doanh tham gia việc xây dựng và phát triển đó qua biện pháp giảm thuế. Ngoài ra, ông đòi làm cuộc cách mạng luật lệ để thay đổi môi trường kinh doanh cho tiểu doanh thương được làm ăn tự do hơn chứ không chết cứng trong hệ thống kiểm soát nhiêu kê có tới 10 vạn trang của chính quyền.

Tinh thần kinh tế nổi bật của Trump là cải tiến niềm tin và năng suất thay vì cải tạo xã hội theo ý thức hệ của Obama. Nếu thành công, ông ta làm tiếp cuộc cách mạng chính trị là giới hạn khả năng tăng chi của Quốc Hội để dần dần quân bình lại nền tài chánh công quyền. Nếu ông thất bại, vị tổng thống kế nhiệm phải thực hiện việc này từ năm 2020 trở về sau. Năm 2017 vì vậy mới chỉ là màn đầu của nhiều thay đổi lớn bên trong nước Mỹ khi Donald Trump xuất hiện như con chim báo bão. Với bên ngoài? Chúng ta sẽ tìm hiểu trong một kỳ khác.

Chúc mừng năm mới, với dây lưng an toàn!

Nguyễn Xuân Nghĩa

No comments:

Post a Comment