Pages

Sunday, February 12, 2017

Chuyện Xứ (Mỹ) Của Tôi - Ngô Đình Châu


Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới là tự sự về chuyện chọn vùng an cư trên đất Mỹ.


*** * *

Gia đình tôi đến Mỹ năm 1993 đến nay 2016 đã được 23 năm, vì hoàn cảnh sinh sống chúng tôi phải di chuyển qua nhiều nơi chốn, thế nên biết thêm được nhiều điều về nước Mỹ.

Thoạt đầu đến Mỹ chúng tôi cư ngụ tại thành phố Hawthorne - nam Cali vì do bà chị giúp đở sponsor cho. Ở đây chúng tôi share phòng với nhà chị, vợ chồng con cái dồn vào một phòng nhỏ tí thật bất tiện rồi dần dà cũng quen. Ở Hawthorne, vợ chồng tôi đi đến trường chuyên dạy nghề nail để học lấy cái bằng. Rồi kể từ năm 1995 chúng tôi sinh sống bằng nghề này, một nghề duy nhất cho đến bây giờ.

Cali là nơi sinh sống lý tưởng cho người Việt Nam khí hậu mát mẻ quanh năm như Đà Lạt. Ở VN có món ngon gì thì Cali cũng có đủ, có khi còn ngon tuyệt hơn nữa vả lại thực phẩm được kiểm tra rất nghiêm ngặt nên không sợ độc hại như bên nhà. Ra đường gặp toàn người Việt đi đâu cũng nói tiếng Việt thoải mái, sống trên đất Mỹ mà hoàn cảnh sống gần như VN.

Chỉ kẹt một điều nghề Nail ở Cali bị cạnh tranh rất dữ, nên giá "bèo" hơn các Tiểu bang khác nhiều lắm nhất là so với các Tiểu bang miền Bắc. Thứ hai nhà cửa Cali lại rất mắc mỏ, có người ví von bán một căn nhà ở Cali đem tiền qua Tiểu bang khác mua được hai căn nhà. Vợ chồng tôi lúc đó đã trung niên e rằng khó lòng mua nổi một căn nhà cho dù trả góp.

Sau 4 năm ở Cali vợ chồng con cái lại đùm túm qua Tiểu bang khác, về thành phồ Joliet thuộc TB Illinois, một thành phố nhỏ gần Chicago cách đó khoảng 1 giờ lái xe. Chúng tôi đến Joliet vào mùa đông thấy tuyết bay đầy trời mà lòng kinh hãi. Tất cả cảnh vật đều phủ một màu trắng toát và lạnh kinh hồn. Cảm nghĩ đầu tiên của tôi về Joliet đây là nơi chốn không thể sống lâu dài được, chỉ sống tạm bợ để kiếm tiền rồi chuồn thẳng.

Có lẽ hầu hết người VN đều rất sợ lạnh đồng thời lại rất sợ cái khung cảnh u buồn của mùa đông, cảnh buồn người có vui đâu bao giờ, bầu trời âm u màu chì kéo dài suốt 6 tháng khiến người ta cảm thấy chán chường, không còn cảm thấy muốn sống háo hức nữa cho dù nơi đây chúng tôi kiếm rất nhiều tiền. Sau 5 năm, chờ cho con gái học xong lớp 12 chúng tôi quyết định đi về miền nắng ấm tiểu bang Florida. Ngày đi, bao nhiều đồ đạc sắm sửa tạm bợ vất đi hết chỉ mang theo quần áo và đồ dùng cần thiết. Xong xuôi, chúng tôi lên xe bấm 3 hồi còi dài để giã từ Joliet, giã từ vùng tuyết trắng lạnh lùng. Sau đó giong ruổi qua một quãng đường dài 1200 miles để đến Jacksonville - Florida.

Tôi chọn Jacksonville vì muốn trốn cái lạnh cái buồn nơi miền Bắc và xuôi nam để hưởng nắng ấm mặt trời quanh năm. Ngoài ra, ở đây tôi còn có một người bạn rất thân từ hồi Trung học, muốn gần gủi bạn bè cho vui. Té ra không phải vậy chúng tội bận rộn tíu tít với công việc, đâu có thời gian mà gặp gỡ nhau nhiều. Lâu lâu tiệc tùng họp mặt uống vài chai bia và tán gẫu dăm ba câu chuyện, rồi chia tay ai về nhà nấy.

Chúng tôi ở Jacksonville thấm thoát được 13 năm một thời gian khá dài cho một nơi chốn. Trước nay chưa khi nào chúng tôi ở một chổ lâu đến như vậy. Hàng năm vào ngày Labor Day chúng tôi thường hay kéo xuống Tampa, thăm gia đình người em trai của tôi cách đó 4 giờ lái xe.

Có một lần không biết nghĩ sao, em tôi nói:" Khi nào anh chị về hưu, xuống đây mua một ngôi nhà, có mảnh vườn bao quanh, tha hồ mà trồng trọt vui với tuổi già. Tampa khí hậu nóng ẩm quanh năm, trồng cây gì cũng được." Nghe nói như thế, giống như mọt tia chớp lóe lên trong đầu tôi:" nếu có thú vui này, sao không về Tampa sinh sống, càng sớm càng tốt !" Ở Jacksonville, mùa đông đôi khi lạnh dưới không độ C, trồng cây gì cũng chết, ngoại trừ cam bưởi.

Thế rồi một lần nữa và có lẽ lần cuối cùng, chúng tôi quyết định dời về Tampa. Sau đó, chúng tôi tiến hành hai công việc, mua ngay một căn nhà tại Tampa và sau đó bán căn nhà tại Jacksonville. Công việc mua bán không đơn giản, cũng may em dâu tôi làm nghề địa ốc, nên mọi chuyện rồi cũng suôn sẻ. Đồng thời đóng cửa tiêm Nail gọi người đến cho hết đồ đạc.

Rồi ngày dọn nhà cũng đã đến, công việc dọn nhà lần này nhọc nhằn hơn hai lần trước. Bởi lẽ các lần trước, chúng tôi chủ trương sống tạm bợ nên không sắm sửa gì nhiều bây giờ ngổn ngang trăm thứ. Suốt một tuần lễ, cả nhà tập trung cao độ đóng gói đồ đạc vào các thùng giấy, rồi bưng bê ra gara chất đống chờ người đến bốc dỡ. Có chuyện khôi hài khi dọn nhà, ngày nào vợ chồng cũng cãi nhau, ông muốn vất hết những đồ không dùng đến, còn bà thì cứ ôm theo hết, nhất quyết không buông bỏ. Có người ví von rằng, một lần cháy nhà bằng hai lần dọn nhà, để nhằm nói lên nỗi nhọc nhằn khiếp đảm của việc dọn nhà. Cho đến nỗi, có người dọn nhà chỉ một vài lần là đủ tởn, thề không bao giờ dọn nữa, trong đó có tôi.

Tampa nằm ở khoảng giữa và thuộc bên bờ Tây của Florida, nó nằm trên một vịnh nhỏ có tên là Tampa Bay, vịnh này thông ra vịnh Mexico khổng lồ. Tampa có dân số trên 1 triệu người, đứng hàng thứ 3 tại Florida, sau Miami và Orlando. Tuy có dân số cao nhưng diện tích lại nhỏ hơn các thành phố khác cho nên dân cư cảm thấy đông đúc hơn, luôn luôn lúc nào cũng thấy xe cộ chạy dày đặc trên đường. Thời tiết Tampa có bốn mùa rõ rệt, mùa Thu cũng quét lá mệt nghỉ, mùa Đông cũng hơi hơi lạnh khoảng 50 độ F (khoảng 10 độ C) mùa Hè nóng hừng hực trên 90 độ F (32 độC).

Căn nhà ở Tampa của chúng tôi đã trên 30 tuổi, nhà nhỏ chỉ có 1,100 sqf (khoảng 100 mét vuông), cũng có 3 phòng ngủ và 2 phòng tắm, giá mua là 129K. Căn nhà sơn 2 màu xanh trắng, mặt ngó thẳng ra hướng Đông, đúng cái hướng mà các Thầy Tử vi khuyên tôi nên chọn cho hạp tuổi, không biết có đúng như vậy không, thôi thì có kiêng thì có lành. Trước và sau nhà có 2 cây sồi (oak) cổ thụ tỏa bóng mát trông thật đẹp, nhưng ngặt một điều là không trồng trọt gì được dưới tàn cây của chúng. Cây sồi được coi là tài sản cảu Florida, tỉa nhánh mé cành thì không sao, còn muốn đốn bỏ phải xin phép.

Khi dọn nhà đi thì chứa đồ đạc ở trong thùng, khi đến chổ mới thì dỡ đồ đạc ra để xếp vào các nơi, cả nhà xúm lại làm suốt ngày, khoảng 2 tuần sau thì tạm ổn. Đến cuối tháng, có bửa nghe điện thoại reo, tôi nhấc lên thì được biết có người chủ tiệm Nail được bạn bè giới thiệu bèn gọi đến mời vợ chồng tôi đi làm. Thế là yên phận sống trong căn nhà mới.

Bước ra mảnh vườn, chủ trước họ trồng cây kiểng um tùm trông phát ớn. Tôi kêu một anh Mể tới dọn dẹp, anh chàng này ngơ ngác không biết nói tiếng Anh, muốn bàn công việc phải nói qua điện thoại với vợ hắn. Anh Mể ra giá tiền công là 500 đô, tôi chẳng biết gì nên cứ gật đầu bừa cho xong. Trước nay tôi có nghe nói đàn ông Mể có sức khỏe kinh người, bây giờ khi tận mắt chứng kiến cái cảnh anh Mể này làm việc mà kinh sợ, sợ anh ta ngã lăn ra chết bất tử. Anh ta làm việc dưới trời nắng như đổ lửa và ghê gớm ở chổ, suốt từ sáng tới chiều anh ta chớ hề nghỉ tay. Tới trưa tôi chạy đi mua cho anh một cái bánh hamburger, anh ta nhai nhồm nhàm xong nốc cạn lon Coca, rồi hì hục làm tiếp. Anh ta cứ làm như thế suốt 3 ngày trời, khuôn mặt bình thản, không than vắn thở dài gì hết, mọi chuyện đều bình thường đối với anh ta. Thiệt đáng nể.

Dọn dẹp mảnh vườn xong, tôi chưa biết chỗ nào bán cây ăn trái để mua về nhà trồng. Thời may con gái có người bạn giới thiệu cho Khu Chợ Trời bên thành phố St Petersburg. Nằm kề cận Tampa có 2 thành phố vệ tinh là St. Petersburg và Clearwater. Cả ba tạo thành một hình tam giác, từ nhà đi qua hai nơi này khoảng nửa tiếng.

Theo sự hiểu biết của tôi, thành phố St. Petersburg gọi tắt là St. Pete. (phe ta kêu là Săn Pí) tuy nhỏ hơn Tampa, nhưng không hiểu sao người Việt lại quần tụ đông hơn, chợ búa và nhà hàng Việt Nam đông hơn bên Tampa. Chợ tuy nhỏ cũng có bán đủ thứ hàng, cũng có quày thịt cá tươi sống, cũng có đủ các loại to go như bún mì phở... còn các loại ăn chơi thì ê hề. Nhà hàng VN cũng nho nhỏ, có nhiều nơi cũng có thức ăn ngon nổi tiếng. Tóm lại sinh hoạt của người Việt nơi St. Pete khá nhộn nhịp.

Từ Tampa qua St. Pete phải chạy qua cây cầu Howard dài 6 dặm, cây cầu rất đẹp, đẹp ở chỗ cầu chạy sát mặt biển, khiến ta có cảm giác sóng biển đang vờn bên má mình, đến giữa thì cầu nhô lên cao cho tàu thuyền qua lại. Sáng sớm chúng tôi chạy qua cây cầu này, rồi nhìn qua hai bên, mặt biển lặng im xanh ngắt và trải rộng mênh mông tới chân trời, có những chiếc thuyền rẽ sóng ở xa xa, đã tạo nên một khung cảnh kỳ thú tuyệt đẹp. Từ đó mỗi sáng sớm Chủ nhật, chúng tôi đi qua cây cầu để đến Chợ Trời, chưa bỏ qua một lần nào hết.

Khu Chợ Trời (Flea Market) St. Pete, nằm trên một khu đất rộng, khung cảnh nhộn nhịp bát nháo như bất cứ Khu Chợ Trời nào khác, tuy nhiên mọi nơi đều sạch sẽ, không hề thấy ai xả rác. Những người bán hàng, họ dựng lều hoặc che dù san sát nhau, người người đi lại tấp nập. Vợ chồng tôi khi lần đầu tiên đến đây, chỉ đi dạo một vòng là trong lòng bỗng nhiên cảm thấy vui thích lắm.

Theo tôi, Chợ Trời St. Pete là một nét văn hóa đặc sắc của vùng vịnh Tampa. Sau này khi có bạn bè đến thăm viếng, chúng tôi đều đưa đi thăm Chợ Trời và mọi người đều rất thích thú, kể cả người từ VN qua. Tôi thấy người mua kẻ bán ở đây rất đông người Việt và kỳ lạ một điều, những người Việt hiện diện tại đây đều có gốc gác từ miệt Đồng bằng sông Cửu Long, không hề thấy ai nói giọng Bắc giọng Trung ( hay là có nói mà tôi chưa gặp) Phần lớn những người này lại xuất thân từ vùng đồng quê chứ không ai xuất thân từ thành phố, cho nên giọng nói của họ nghe quê rặc và rất thiệt thà chơn chất, nói sao bán vậy, chứ không hề nói thách một tiếng nào.

Tôi hỏi cô bán hàng trái cây: "Nhãn này giá bao nhiêu tiền một pound vậy cô?" Cô cười đáp: "Dạ, 3 đồng "gửi" một pound". Tôi nói giỡn: "Sao mắc vậy?" Cô ta cười lỏn lẻn: "Em bán "ghẻ ghề" mà anh chê mắc !" Tôi cười lớn: "Cha! cái giọng này sao nghe giống dân Rạch giá quá vậy ta?" Cô ta cũng cười theo: " Dạ đúng vậy, em quê Giồng Riềng- Rạch Giá đây anh".

Có một số người Việt lớn tuổi ở St. Pete không xin đi làm hãng được, bèn ở nhà trồng rau, nuôi gà vịt rồi mang ra chợ trời bán. Nhà cửa ở vùng này rất cũ kĩ và nhỏ xíu, nhưng được cái là có đất khá rộng chung quanh nhà, cho nên thoải mái trồng trọt. Ngoài những thứ thường thấy như rau cải, bầu bí, khổ qua... người ta còn thấy bày bán ở đây những thứ khó tìm như: rau càng cua, bông so đủa, bông điên điển, cọng bồn bồn, rau nhút, rau muống nước (loại rau này tôi chưa từng thấy ở những nơi khác)... Có nhà nuôi gà vịt "đi bộ", hay ấp trứng vịt lộn cũng mang ra chợ bán. Trái cây thì tràn ngập các loại trái cây VN, vùng đất này trồng mãng cầu, nhãn, thanh long rất tốt, ngoài ra còn có ổi xá lị, trái li ki ma, mít, xoài...

Xoài ở St. Pete có loại trái mập ú, trông ô dề xấu xí, nhưng khi ăn thì có mùi vị thơm ngon, hột lại nhỏ xíu, rất đặc sắc. Vú sữa cũng có, nhưng trái nhỏ tí như trái chanh, ai cũng chê chẳng thấy ai mua. Hầu hết các loại cây trái VN đều trồng được ở vùng này, ngoại trừ sầu riêng, chôm chôm và măng cụt.

Chúng tôi đi dạo qua khu bán cây ăn trái. Anh chủ khu này tên Sang, khoảng 40 tuổi người quê Bạc Liêu, hiện làm chủ một nông trại khoảng 20 acres (acre - mẫu Anh, cở 4000 mét vuông). Anh Sang chuyên nghề ghép cây ăn trái. Mấy cây nhãn, bưởi, cam, quít... cây thấp lè tè mà trái treo lúc lỉu trông thật "đã" mắt. Anh chàng này bán cây nổi tiếng khắp vùng Tampa. Những cây ăn trái của Sang thuộc loại hàng "độc". Anh ta có những loại xoài mà không chỗ nào có được, như một loại xoài lạ, khi trái còn xanh thì chua tê lưỡi, nhưng khi chín thì thơm ngon không thể tả, và lạ lùng không biết làm sao anh ta cũng có xoài cát Hòa Lộc của Mỹ Tho. Có loài mận VN, khi còn non trái có màu xanh, khi chín tới có màu hồng đào, cắn vào miệng nghe dòn tan ngọt lịm. Anh ta có đủ thứ cây ăn trái khác như hồng dòn, hồng mềm, cây bơ quả nhỏ mà béo ngậy, quít đường Cần thơ, bưởi Biên Hòa... tất cả đã được anh ta tuyển chọn công phu nên mua cây của anh ta chúng tôi đều rất yên tâm về chất lượng.

Đi dọc dài, người đi lại nhộn nhịp vui chưa từng thấy. Ngoài người Việt, còn có một sắc dân đặc biệt khác cũng chiếm số đông ở đây, đó là người H'mong, xuất phát từ vùng núi non của nước Lào ( lạ nhỉ ! không hiểu sao họ lại ở đây) Trong khi người Việt nói chuyện với nhau huyên thuyên bằng tiếng Việt, thì người H'mong cũng không kém ồn ào bằng tiếng nước họ.

Chỗ kia, có một anh người Việt chở nguyên một xe truck dừa xiêm đổ xuống một đống lớn, ai thích trái nào anh ta sẽ chặt dừa, xong cắm ống hút vào đưa cho khách, khách vừa đi vừa uống trông rất vui. Nơi khác người ta xúm xít quanh một cái bàn, chờ mua gỏi Thái Lan của hai vợ chồng người Thái, gỏi làm bằng đu đủ bào, cà pháo tươi, đậu phọng rang, trộn với nước chanh và mắm ba khía, mùi vị ngon khá lạ. Có người Việt kia đi chày tôm ngoài sông rồi đem ra chợ bán, tôm chứa trong thùng cooler, nghe anh ta rao hàng, tôm nhỏ giá 2 đô rưởi, tôm lớn 7 đô một pound. Có chỗ bán cá, bán hoa lan, bán nước mía tươi ép tại chỗ... Tất cả đã tạo nên một bức tranh hết sức sinh động và hấp dẫn của Chợ Trời St. Pete.

Lần hồi, tôi khuân về nhà lũ khủ các loại cây ăn trái, mỗi thứ một cây: xoài, nhãn, bơ, trái vải, quít đường, bưởi... rồi chạy ra chợ mua mấy bao phân bón vào gốc. Hàng ngày tôi ra vườn tưới tắm cho cây, cây lớn lên như thổi, đâm chồi ra lá xum xuê, một thời gian ngắn sau cây ra hoa kết trái, trái nhỏ tí trông dễ thương làm sao.

Trồng cây là một thú vui thanh tao, bởi vì không phải là mong tới ngày ăn quả, mà vì một niềm vui khác, khi trong lòng cảm thấy có một sợi dây tương thông thân ái với cây trái trong vườn nhà. "Cám ơn hoa đã vì ta nở. Thế giới vui từ mỗi lẻ loi". (Tô Thùy Yên)

Thành phố vệ tinh thứ hai của Tampa là Clearwater, một thành phố du lịch, nhà cửa mắc mỏ nên dân Việt ít người dám sống ở đây. Con đường dẫn vào thành phố tuyệt đẹp cũng có một cây cầu dài khác chạy sát mặt biển băng qua vịnh Tampa, trên đường có những lối rẽ cho ai muốn câu cá thì ghé vào. Hai bên đường có trồng hai hàng cây cọ trông rất thơ mộng, con đường chạy thẳng ra vịnh Mexico. Ngày cuối tuần, người ta ở các nơi kéo đến tắm biển đông nghịt như ở Nha trang bên quê nhà. Lúc đầu chúng tôi cũng ngại ngần chuyện tắm biển, nhưng sau đó thấy người người thản nhiên xuống tắm, đủ sắc dân, đủ dạng người, đủ lứa tuổi... nên chúng tôi cũng kéo xuống tắm cho vui. Té ra biển ở đây rất tuyệt, nước biển trong xanh và phẳng lì chứ không hề có sóng dữ, nước biển lại ấm áp, chứ không lạnh cóng như biển Cali. Khi đã tắm được một lần là coi như vượt qua rào cản ngại ngùng, từ đó cứ dăm ba tuần chúng tôi lại kéo đi tắm biển, rất khoan khoái và thư giản.

Tôi về Tampa đến nay đã được gần hai năm. Không biết có phải vì đất trời phong thủy vận hợp với mình hay sao, mà từ khi về đây tôi thấy trong người sảng khoái lắm. Đêm về, lên giường là ngủ một mạch đến sáng, điều này trước kia chưa hề có nơi tôi. Trong thời gian ở Jacksonville vì nặng nợ cơm áo gạo tiền, đêm đến tôi trằn trọc mãi thuốc ngủ lúc nào cũng thủ trên đầu giường, cho nên có thời gian dài tôi mang bệnh anxiety (bịnh lo sợ). Tôi cũng có đọc nhiều bài viết khuyên người ta nên biết buông sả khi lớn tuổi, phải tu đạo này hay theo đạo nọ, theo vị Thầy này hay theo vị thiền sư kia. Nhưng theo tôi tất cả chỉ là vô ích, khi người ta chưa tìm được một hoàn cảnh sống thích hợp thì khó mà tìm được sự an lạc trong đời thường. Đêm về tôi lắng nghe toàn thân, nghe nỗi sung sướng khoan khoái lan tỏa khắp người mình, hình như Thiên đường ở ngay trong lòng mình chứ không phải đâu xa xôi. Cám ơn Nước Mỹ, đã tạo cho tôi điều kiện tìm thấy hạnh phúc đích thực ngay trong đời thường.

Tôi lại nghĩ lan man sang chuyện khác. Trên cõi đời này có hàng triệu triệu người mong ước được đến sinh sống trên đất Mỹ. Đồng thời cũng có triệu triệu người căm ghét nước Mỹ. Tôi còn nhớ biến cố 911 khủng bố tấn công nước Mỹ, phần lớn loài người đều sững sờ kinh ngạc và biểu lộ lòng thương xót đến nước Mỹ. Nhưng không phải là tất cả, trong những giờ phút đầu tiên của biến cố, người Palestine đã đổ ra đường hò reo mừng rỡ cho thắng lợi của những người tử vì đạo. Có một phái đoàn báo chí một nước Á Châu lúc đó được mời đến thăm viếng Mỹ. Khi biến cố xảy ra họ đang đứng trong Trung tâm Báo chí, và đã có thái độ hân hoan vui mừng trong khi đất nước này đang chìm trong đau khổ. Ngay lập tức họ đã bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ và vĩnh viễn những con người này không bao giờ được phép đặt chân đến Mỹ. Vui mừng trước nỗi đau của đồng loại là hành vi man rợ, cho nên họ rất xứng đáng nhận lãnh hình phạt này. Nước Mỹ không hề đụng chạm đến đất nước họ, chỉ vì nước Mỹ giàu mạnh hơn, và dân Mỹ sống sung sướng hơn dân nước họ, chỉ đơn giản vậy thôi. Nhà văn NNN đã viết một câu rất hay:"... Có những người không chịu nỗi sự thành công của người khác. Bởi vì họ cứ coi sự thành công của người khác là sự thất bại của chính mình."

Người Việt cũng vậy, có rất nhiều người mê Mỹ và cũng có rất nhiều người ghét Mỹ. Từ sau biến cố 1975 người Việt đã tìm mọi cách để đến Mỹ. Sau khi phong trào vượt biên chấm dứt người ta tiếp tuc ra đi bằng nhiều cách, hợp pháp hay bất hợp pháp. Hợp pháp là đi theo con đường bảo lãnh thân nhân, cha mẹ, vợ con, hôn thê, hôn phu và sau này thêm diện đầu tư. Bất hợp pháp bằng cách du học du lịch rồi ở lại luôn, hay tìm cách kết hôn giả với người có quốc tịch. Giả thử có người mất vài chục ngàn đô cho công việc bất hợp pháp này, thì suy cho cùng họ còn quá lời. Cái lời trước mắt là con cái được hấp thụ một nền giáo dục ưu tú nhất thế giới, nếu còn ở trong nước mà muốn cho con đến Mỹ du học hàng năm phải tốn khoảng 20 ngàn đô. Còn nữa, món lời lớn nhất không thể tính bằng tiền bởi vì nó vô giá, đó là được sống trong môi trường xã hội quá lý tưởng, mà người Mỹ đã cố công gầy dựng từ hồi mới lập quốc cho đến bây giờ.

Một xã hội nề nếp, tất cả mọi đường lối chính sách đều rất minh bạch. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không có giai cấp nào, một thế lực hay đảng phái nào được đứng ngoài và đứng trên pháp luật. Mọi người sinh ra đời đều được tôn trọng như nhau, đều có cùng một cơ hội tiến thân như nhau. Cho nên nếu anh nghèo, anh thất bại, anh học hành ngu dốt, là do anh chứ không phải do lỗi của xã hội, không hề có cảnh con quan thì được làm quan, con sãi ở chùa thì quét lá đa. Một xã hội có tính ưu việt vượt trội quá xa những xã hội khác, tôi không dám kể ra đây nhiều nữa sợ nhiều người chạnh lòng.

Có người Việt chưa hề đặt chân đến nước Mỹ ngày nào, nhưng cũng ghét nước Mỹ thậm tệ. Hàng ngày họ xem phim ảnh, thời sự tin tức, họ thấy những cảnh bạo lực ghê rợn cướp của giết người hay sexy khêu gợi, hay mấy vụ cảnh sát bắn chết người da đen... xem riết rồi họ đâm ra ghê tởm nước Mỹ, và còn cho rằng những người Việt qua tới Mỹ rồi đi làm những chuyện xấu xa, là do:" Quít trồng ở Giang Nam thì ngọt, mang trồng ở Giang Bắc thì chua..." đúng là dạng người ếch ngồi đáy giếng.

Có người cứ mở miệng ra là chửi Mỹ như tạo ra cho mình một style lạ, hay chứng tỏ ta đây cũng có một thời "chống Mỹ cứu nước" nhưng thật ra không phải vậy, họ nói một đằng làm một nẻo. Đây là một trường hợp điển hình, hãy nghe nghệ sĩ Kim Tuyến nhận xét về nghệ sĩ Bạch Tuyết: "BT thù ghét nước Mỹ nhưng tại sao lại thích đi Mỹ. Cho con học ở Mỹ rồi lại lấy vợ Mỹ. Phải chăng BT muốn tìm một bãi đáp an toàn sau này ở Mỹ..."

Trong cộng đồng người Việt tại Mỹ có một hạng người không giống ai. Nếu họ là người homeless, hay cuộc đời gặp toàn thất bại thì không có gì đáng nói. Đàng này họ sống trên đất Mỹ đã vài chục năm, làm ăn sinh sống khá thành đạt cũng có của ăn của để, con cái học hành thành tài. Vậy mà hễ cứ có dịp là họ chửi Mỹ, nào là làm ra bao nhiêu tiền, bảo hiểm và sở thuế ăn hết, chủ tư bản bóc lột đến tận xương tủy (câu này sao nghe quen quen!) Có người thấy vậy chướng mắt bèn nói móc họng: "Nếu ông thấy sống ở Mỹ có quá nhiều điều không ưng ý, thì ông nên về Việt Nam sinh sống để khỏi vướng mắt đến những điều này." Lặng thinh! không nghe câu trả lời, những người này rất xứng đáng mang cái tên là "ăn cháo đá bát".

Suy cho cùng, để cảm nhận thật sự nước Mỹ phải có thời gian để cho cái "chất Mỹ" nó ngấm vào người. Chứ còn chỉ đi du lịch hay thăm thân nhân vài ba tháng, hay được bảo lãnh qua Mỹ sống vài năm, thì thật tình chưa biết gì nhiều về nước Mỹ. Những người đó cảm thấy nước Mỹ sao chán ngắt, vừa buồn hiu vừa lạnh lùng. Đi đâu cảnh vật cũng từa tựa như nhau, giống y như câu thơ của Nguyên Sa:" Trời trên đất khách buồn vô hạn. Trăng rất quen mà vẫn chẳng quen.". Thời giờ lúc nào cũng eo hẹp, cặp mắt cứ láo liên ngó đồng hồ. Không hề có cảnh sáng cà phê cà pháo cả tiếng đồng hồ, chiều lai rai bia bọt, kiếm người tán gẫu không phải dễ. Cái xứ gì mà người ta phải ôm đồm đủ thứ nợ: nợ nhà, nợ xe, nợ thuế, nợ bảo hiểm, nợ thẻ tín dụng... Cho nên có rất nhiều người Việt qua Mỹ một thời gian rồi lại quay về cố quốc.

Muốn cái "chất Mỹ" nó ngấm vào người theo tôi nghĩ cũng phải mất cỡ 5 năm. Khi nào người ta thấy nỗi nhớ nhà nó dịu lại, nhìn cảnh vật chung quanh không còn thấy buồn như trước. Vào mùa Đông trời chớm lạnh ra đường thản nhiên vận áo T shirt, điều đó có nghĩa là không còn sợ lạnh như những năm tháng đầu đến Mỹ. Ra đường gặp ai bất kể lạ hay quen đều gật đầu chào:" Hello! How are you doing". Nói chuyện với người Mỹ không còn dùng body language nữa. Ăn uống không còn thuần túy: bún bò Huế, hủ tíu, mì phở... mà còn thích hamburger, hog dog, pizza, sushi, pasta... Khi nào cảm thấy vui với cái vui của nước Mỹ và buồn với cái buồn của người Mỹ, là coi như không còn có thái độ bàng quang như trước kia, là biết con người mình đã đổi khác. Cuối cùng một điều quan trọng nhất, là khi ta quay về cố quốc, lòng chợt bàng hoàng thảng thốt, đất nước không còn giống như trong tâm tưởng nữa rồi, mọi chuyện đời đều đã thay đổi... và một ý nghĩa buồn rầu nẩy ra là mong sao sớm trở về nước Mỹ. Như ai đó đã nói một câu như là chân lý: "Nước Mỹ không phải là Thiên đường, nhưng là một nơi đáng sống nhất trên cõi đời này".

Ngô Đình Châu

3 comments:

  1. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hai chữ "bàng quang" và "bàn quang" không có chữ nào đúng cả.
      "Bàng quan" có nghĩa là người ngoài.
      "Bàng quang" là "bọng đái"
      Cám ơn bạn đã góp ý.
      NPN

      Delete
  2. Toi nghi chu bang quang tac gia viet la khong dung. Chu bang quan moi dung hon.

    ReplyDelete