Pages

Sunday, March 5, 2017

Khô Mắt Vì Dùng Màn Hình Quá Lâu - Trọng Thành


Máy tính, truyền hình, điện thoại ngày càng trở thành phương tiện làm việc, giải trí quen thuộc với con người ngày nay. Việc sử dụng màn hình của các phương tiện nói trên không đúng cách có thể gây hại nhiều đến sức khỏe, đặc biệt đối với giới trẻ, trước hết với cặp mắt. Theo một nghiên cứu của Pháp, thanh niên lứa tuổi 16-24 có thời gian dùng màn hình cao nhất, trung bình gần 8 giờ/ngày.

Báo Le Figaro ngày 25/06/2014 cho biết một kết quả nghiên cứu mới đây của Hiệp hội quốc gia về sức khỏe thị lực Pháp (Asnav). Nghiên cứu thấy, trong thời gian 2013-2014, đối với các thanh niên lứa tuổi 16-24, khoảng thời gian sử dụng màn hình trung bình là 7 giờ 54 phút/ngày/người, vượt một giờ so với trước đó. Lớp tuổi cao hơn sử dụng màn hình điều độ hơn với thời gian trung bình 5 giờ 13 phút/người.

Tuy nhiên, một thống kê của Viện quốc gia Pháp về thống kê và kinh tế học (INSEE) đưa ra một con số rất khác, người Pháp dành một nửa thời gian rỗi cho màn hình trung bình 2 giờ 30 phút/ngày (số liệu 2010). Lứa tuổi từ 15 đến 24, trung bình có 2 giờ/ngày trước màn hình vô tuyến, 1 giờ 40 phút trước màn hình máy tính, và 16 phút trước cùng lúc cả hai màn hình.

Cũng theo số liệu của Hiệp hội quốc gia về sức khỏe thị lực Pháp, được Le Figaro trích dẫn, 29% người Pháp nói chung, và 40% thanh niên cảm thấy các triệu chứng như mỏi mắt, ngứa ngáy mắt, rối loạn thị giác, thị lực sút giảm hay mắc chứng đau nửa đầu.

Một loạt các nghiên cứu y khoa cho thấy màn hình có rất nhiều khả năng là thủ phạm gây ra tình trạng mệt mỏi và chứng khô mắt. Cụ thể là, những người trẻ làm việc thường xuyên với màn hình (trên 7 tiếng/ngày), thường mô tả các triệu chứng gắn liền với bệnh khô mắt, như đau, ngứa, khó chịu, hơn là những người sử dụng màn hình ít hơn 5 giờ/ngày. Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng khô mắt là lượng protein MUC5AC, có trong nước mắt bị giảm xuống.

Giáo sư Christophe Baudoin, Viện thị giác Paris, nhắc lại là : « mắt bị khô có thể tác hại đến chất lượng cuộc sống, cụ thể là nếu như điều này khiến giác mạc bị hỏng. Hệ quả là một số người cả thấy bỏng rát, rối loạn thị giác, thậm chí có người bừng tỉnh giữa đêm vì đau đớn ».

Vì sao nhìn màn hình lâu lại tăng nguy cơ bị khô mắt ?
Một nghiên cứu chỉ ra là tần số chớp mắt của người làm việc hay giải trí với màn hình chỉ chợp mắt trung bình thấp hơn 2,5 lần so với một người đang nói chuyện. Số lần chớp mắt càng giảm hơn đối với người làm việc với máy tính, trong hoạt động nghề nghiệp (do sự căng thẳng, tập trung), so với người giải trí trước màn hình TV hay máy tính bảng.

Một nguyên nhân khác có thể làm tăng độ khô mắt : đó là khi tầm mắt cao ngang với máy tính. Khi đó người nhìn buộc phải mở to mắt, và như vậy diện tích bề mặt giác mạc mở ra cũng tăng lên, khiến tăng độ bốc hơi của màng thủy dịch và tăng nguy cơ tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm từ môi trường. Tư thế này cũng đòi hỏi các cơ mắt phải căng lên, khiến mắt mau mệt.

Việc mắt bị tác động còn xuất phát từ hiệu ứng của ánh sáng màu xanh lơ, phát ra từ các màn hình LED. Sóng phát ra từ màn hình loại này đi vào mắt người xem kém hơn bình thường, khi màng thủy dịch của mặt bị thiếu hay chất lượng kém, đặc biệt khi mắt bị khô, khiến cho hình ảnh trở nên kém nét và mắt mau mệt. Sóng này cũng khiến võng mạc của mắt, tức bộ phận bao lấy con ngươi hay đồng tử, bị lão hóa nhanh chóng, khi bộ phận này có trục trặc.

Theo nhà nghiên cứu Viện thị giác Paris, người Nhật đã có cách để khắc phục chuyện này với các kính chống ánh sáng xanh lơ dùng cho người làm việc với màn hình. Cũng theo nhà nghiên cứu này, màn hình về bản chất không nguy hiểm cho mắt, nhưng vấn đề là phải biết cách sử dụng.

Biện pháp hạn chế tác hại
Các biện pháp dùng để hạn chế tác hại của việc nhìn lâu màn hình đối với mắt là, chớp mắt thường xuyên trong khi xem, đặt màn hình thấp hơn tầm mắt, di chuyển cái nhìn thường xuyên, mang loại kính thích hợp, sử dụng nước nhỏ mắt sinh lý và nhất là nghỉ ngơi thường xuyên giữa chừng.

Ông Yuichi Uchino, một nghiên cứu Nhật Bản, vừa có công trình công bố trên tờ Jama Ophtamology về chủ đề này, có lời khuyên : « mỗi cá nhân có một ngưỡng khác nhau khi làm việc với màn hình, không thể nào có một tiêu chuẩn chung cho tất cả. Ngược lại, tôi cho răng, sau mỗi giờ sử dụng màn hình, rất nên đổi sang một việc khác trong vòng mười lăm phút. Nhìn chung là, đối với cặp mắt cũng như với cơ thể, ngồi im không động đậy từ giờ này qua giờ khác làm sao mà có thể khỏe được ? ». 

Trọng Thành
RFI Tiếng Việt 

No comments:

Post a Comment