Pages

Tuesday, April 25, 2017

Cuộc Nói Chuyện Giữa 2 Ông Lão Châu Á Và Châu Âu


Một ông lão châu Á cứ luôn phàn nàn rằng con trai và con dâu bất hiếu, ông lão châu Âu nói mấy câu khiến cho tất cả đều im lặng.


Ông lão châu Á nói: “Con của tôi thật sự là không có lương tâm!”
Ông lão châu Âu: “Có chuyện gì vậy ông?”
Ông lão châu Á nói: “Con tôi hỏi tôi có nguyện ý đến ở viện dưỡng lão không?”
Ông lão châu Âu: “Viện dưỡng lão rất tốt mà, tôi cũng đang ở đó”.
Ông lão châu Á: “Thật vậy sao? Nơi đó mà ông cũng đến được sao?”
Ông lão châu Âu: “Tại sao lại không đi chứ?”.
Ông lão châu Á: “Nơi đó chỉ dành cho những người không có con cái thôi. Nếu tôi tới đó, nhất định sẽ bị bạn bè chê cười, tổn thọ mất”.
Ông lão châu Âu: “Không đúng đâu. Khi đã có tuổi, ở trong nhà dưỡng lão là thuận tiện nhất, sao lại có thể bị chê cười được chứ?”
Ông lão châu Á: “Đến một độ tuổi nhất định, thường thích ở cùng với con cháu, cảm nhận tình cảm gia đình. Sống trong viện dưỡng lão, cô đơn tịch mịch, thật đáng thương lắm”. 
Ông lão châu Âu xua tay: “Ở cùng con cái sao? Vậy không được đâu, tôi mà ở cùng con cháu quá 2 tuần sẽ không thoải mái, chịu không được”. 
Ông lão châu Á: “Ở cùng con cháu mình chẳng phải rất vui vẻ sao, sao lại không thoải mái chứ?”
Ông lão châu Âu: “Con của tôi 18 tuổi đã ra ngoài sống độc lập rồi, nó trở về nhà ở mấy ngày tôi rất hoan nghênh. Nếu nó ở trong nhà lâu, còn mang theo vợ con, sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của tôi”.
Ông lão châu Á: “Tôi thật không hiểu, tại sao các ông lại thiếu tình cảm đến thế, chưa gì đã đuổi con cái ra khỏi nhà, lại cho bọn chúng vay tiền đóng học phí. Khó trách con cái các ông đều đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão”.
Ông lão châu Âu: “Con cái 18 tuổi là đã trưởng thành rồi, nên tự lập. Cho vay tiền đóng học phí, là tự chúng lựa chọn. Nếu như chúng muốn ở trong nhà, chúng tôi cũng không có ý kiến gì”.
Ông lão châu Á: “Không có ý kiến? Vừa rồi ông chẳng nói con cái ở trong nhà lâu thì cảm thấy khó chịu đấy thôi?”.
Ông lão châu Âu: “Tôi nói là, nếu chúng mang theo vợ con đến ở thời gian lâu, cuộc sống của tôi sẽ bị ảnh hưởng”.
Ông lão châu Á: “Vậy ông ở lâu trong nhà chúng, chẳng phải không cần đến viện dưỡng lão rồi?”.
Ông lão châu Âu nói dứt khoát: “Vậy không được, đến đó vài ngày thì còn được, nhưng vượt quá 2 tuần tuyệt đối không thể được”.
Ông lão châu Á: “Ông thật là kỳ quái, cái này cũng không được, cái kia cũng không xong. Chẳng lẽ cứ phải ở viện dưỡng lão mới chịu sao?”.
Ông lão châu Âu: “Chúng ta có cuộc sống riêng, con cái cũng có cuộc sống của chúng. Nếu chúng ta ở viện dưỡng lão, có thể kết bạn được với rất nhiều người, nếu sinh hoạt có gì phiền toái, đều có nhân viên chuyên nghiệp hỗ trợ. Chúng ta ở riêng ra rất tự do, không phải sao?”
Ông lão châu Á: “Lời của ông nghe thật sảng khoái. Nhưng ông nuôi con tới năm 18 tuổi, chúng đã báo đáp được cho ông cái gì chưa?”
Ông lão châu Âu: “Báo đáp ư? Báo đáp cái gì?”
Ông lão châu Á: “Đương nhiên là đưa ông về ở cùng một nhà, cho ông an hưởng lúc tuổi già rồi. Dù sao ông vào nhà dưỡng lão, thì chẳng được hưởng phúc gì. Con ông có cho ông tiền không?”
Ông lão châu Âu: “Cho tôi tiền ư? Tại sao?”
Ông lão châu Á: “Thì để biểu thị lòng hiếu thảo”
Ông lão châu Âu: “Không, không, không! Tôi không cần con cái cho tiền. Chúng có thể trả nợ hết các khoản đã vay, còn tiền dư thì nghỉ ngơi an dưỡng, tôi vậy là đã vui lắm rồi, tôi không cần chúng cho tiền”.
Ông lão châu Á: “Tôi thấy con của ông thật vô tâm quá, một chút trách nhiệm cũng không có”.
Ông lão châu Âu: “Trách nhiệm sao? Con của tôi đối với tôi không có trách nhiệm gì cả”.
Ông lão châu Á: “Không có trách nhiệm ư? Nếu như ông không có tiền, liệu ông có cần con cái trông nom không?”
Ông lão châu Âu: “Tôi có lương hưu, hơn nữa nhà của tôi cũng đã cho thuê, tôi có đủ tiền dưỡng lão”.
Ông lão châu Á: “Nếu như ông có bệnh, chẳng lẽ không cần con cái chăm sóc sao?”.
Ông lão châu Âu: “Nếu như tôi có bệnh, viện dưỡng lão sẽ đưa tôi đi gặp bác sĩ”.
Ông lão châu Á: “Nếu ông vào bệnh viện, cần người ở cạnh giường chăm sóc, chẳng lẽ không phải con cái ông sao?”
Ông lão châu Âu: “Người châu Âu chúng tôi không có kiểu con cái trực bên giường. Chúng tôi chỉ cần con cái tới thăm, là đã thấy vui rồi”.
Ông lão châu Á: “Nếu ông nằm viện không trả nổi tiền thuốc men, chẳng lẽ không phải con cái ông phải trả sao?”.
Ông lão châu Âu: “Chúng tôi nằm viện miễn phí, không tốn tiền”.
Ông lão châu Á: “Trời ơi! Nuôi con dưỡng già đối với người châu Âu các ông xem ra hoàn toàn không thích hợp”.
Ông lão châu Âu: “Nuôi con dưỡng già là sao? Chúng tôi sinh con, là vì yêu chúng, chưa bao giờ trông cậy con cái phải báo đáp gì lúc tuổi già. Con cái còn có rất nhiều việc phải hoàn thành, phải cố gắng làm việc để trang trải cuộc sống cho gia đình nhỏ, cũng cần hưởng thụ cuộc sống”.
Ông lão châu Á: “Tôi cũng yêu con mình, tôi cũng biết chúng đang ở giai đoạn rất vất vả. Cho nên tôi mới tình nguyện chăm sóc con cho chúng. Nhưng tôi đâu ngờ, chúng thậm chí còn muốn đưa tôi vào viện dưỡng lão”.
Ông lão châu Âu: “Ông còn giúp trông con cho chúng sao? Than ôi, thật không thể hiểu được”.
Ông lão châu Á: “Tại sao trông con giúp chúng lại không thể hiểu được?”.
Ông lão châu Âu: “Trông con là chuyện của cha mẹ, đâu có quan hệ gì tới ông chứ?”
Ông lão châu Á: “Con cái phải đi làm kiếm tiền, tôi dù sao cũng đã về hưu, không có việc gì làm, giúp chúng một chút có sao đâu”.
Ông lão châu Âu: “Tại sao không đi bộ, thư giãn, uống coffee, chơi bóng, đọc sách, làm những việc mình yêu thích?”.
Ông lão châu Á: “Chăm sóc cháu trai, chúng tôi thấy rất thuận ý”.
Ông lão châu Âu: “Điều này chẳng khác nào đánh mất cuộc sống của mình. Chúng ta đã chăm sóc con cái, còn những đứa cháu là không phải trách nhiệm của chúng ta”.
Ông lão châu Á: “Tôi biết mà, các ông từ sớm đã đuổi con cái ra khỏi nhà, đến cháu trai cũng khôn muốn bế. Ông không nói đến tình thân, ông quá ích kỷ, khó trách ông chỉ có thể vào viện dưỡng lão”.

Ông lão châu Âu: “Nếu tôi làm ngược lại thế thì chính là đã hồ đồ rồi. Ông vì con trai mà đi trông cháu, giống như không còn cuộc sống của mình, đây là dưỡng già sao? Quan niệm mỗi nước có khác nhau, đối với viện dưỡng lão cách nghĩ cũng bất đồng. Cha mẹ cũng có cuộc sống của mình, khi về già, con cái nên để cha mẹ được tự do”.

Tuệ Tâm biên dịch

No comments:

Post a Comment