Pages

Friday, June 9, 2017

Tiếng Việt Của Trẻ Con Việt Nam Ở Mỹ - Phan Ngọc Vinh

  

   - Mẹ ơi cây bút chì của con  nó té  đâu rồi  ?
  -  À, à , để  Mẹ  kiếm xem . 
      Thằng con  7 tuổi của  Cô An  nó đang tìm cây bút chì  và hỏi  Mẹ nó cây  bút  "té " đâu mất  rồi.

      Thằng nhỏ nầy  qua Mỹ  năm 4 tuổi, anh nó 6 tuổi, đứa lớn tên  Minh, đứa nhỏ  tên Tâm. Ông xã cô lúc  mới qua Mỹ, đã phán một câu như đinh đóng cột với hai thằng con:
     - Đứa nào muốn nói chuyện với Bố thì  phải nói tiếng Việt .

Vì hai vợ chồng cô nghĩ  tụi nhỏ tiếp xúc với  trẻ con Mỹ hàng ngày trong lớp học hay ngoài đường, đương nhiên nó sẽ nói được tiếng Mỹ như Mỹ con, còn tiếng Việt kh̉ông bắt nó nói thì nó sẽ quên luôn. Lo xa như vậy nên họ buộc con họ phải nói tiếng Việt trong gia đình. Đôi khi nghe con mình nói tiếng Việt kiểu dịch sát nghĩa tiếng Mỹ mà cô không thể nhịn cười. Thí dụ có lần cô biểu nó làm gì đó thì  nó trả lời  :
    - Chờ con đi giặt (wash) cái đầu đã mẹ ơi !

Hình hai trẻ khi còn ở Việt Nam
         
      Hồi mới qua Mỹ, cách  đây 22 năm, ông Chủ tiệm Donut  trong  ban tổ chức Lễ Tất Niên thấy thằng  con lớn  của cô An  nói tiếng Việt giỏi, ông đề nghị cho thằng Minh  đại diện các  em thiếu nhi  đọc diễn văn  chúc mừng Ông Bà, Cha Mẹ, Bà Con, Cô Bác....tại Hội Tất Niên làm  gia đình  Cô An hãnh diện vô cùng. Ông xã cô An  nghe vậy lập tức  vào Sears  lựa  cho 2 thằng con  2 bộ Suit mắc tiền nhất, dù biết rằng chỉ mặc  một lần, sang năm sẽ  không  mặc vừa  nữa, nhưng vẫn cứ mua, vì đây là vinh  dự lớn  của gia  đình  mới tới Mỹ .

Hình Minh đại diện trẻ em đọc thư chúc Tết .
      
      Ngày chờ đợi cũng đến, hôm ấy  thằng Minh  ăn mặc chững chạc, cầm tờ giấy bố viết, dõng dạc đọc vang cả Hội trường, ai cũng khen  thằng nhỏ giỏi quá, qua Mỹ mới đi học, học tiếng Mỹ mà còn biết đọc tiếng Việt mình trôi chảy như vậy thật là đáng khen. Từ ấy trở đi  các gia đình  Việt  có con  em còn nhỏ, ai cũng khuyến khích chúng đi học tiếng Việt ở những lớp Việt ngữ do cộng đồng tổ chức để chúng còn biết được ngôn ngữ văn hóa mẹ đẻ của mình.
      
     Ông An hay nói với vợ con là theo thiển ý của ông, người  lớn muốn  học tiếng Mỹ  thì cứ đến trường  học ESL, nghe CD, hay tiếp xúc với Mỹ, nghe họ nói riết cũng  quen chớ không nên học tiếng Mỹ qua con trẻ bởi vì người lớn khi phát âm tiếng Mỹ thế nào cũng không bỏ được cái "accent" Việt Nam, vô hình chung sẽ làm cho con trẻ lây cách phát âm không chuẩn của người lớn. Chi bằng chỉ nên nói tiếng Việt với chúng khi chúng ở  nhà, vừa dạy chúng tiếng Việt, vừa không khiến chúng bị tiêm nhiểm tiếng Mỹ giọng Việt Nam.
    Có  lần vào tiệm ăn, năm đó  Tâm 15 tuổi,  ăn mặc rất lịch  sự, sơ mi, áo bỏ vô quần,  chú waiter Việt Nam  đến hỏi tiếng Mỹ :
  -  What would you like to order?  ( Cậu muốn  kêu món gì ? ) 
  Thằng Tâm  muốn khoe tiếng Việt nên nhìn  chú waiter, nói tiếng  Việt :
  -  Thưa chú, con muốn  ăn cơm  nướng thịt (thịt nướng). 
    Cả nhà cười ầm lên, chú lấy  order thích quá  vì nghe  cậu nhỏ  kêu Chú, xưng Con  và thưa gửi đàng hoàng, lát sau bưng ra dĩa cơm  thật nhiều thịt  như để thưởng cho  Cậu nhỏ, còn khen thằng nhỏ lễ phép quá  !

    Năm thằng Minh  lên Đại Học,  xéo cửa  trường có xe Lunch Truck,  bán  đồ ăn cho  sinh viên, đề tên  bên hông xe  là " Ánh Hồng ". Sinh viên bên Mỹ  gồm nhiều  sắc tộc trên thế giới tuy nhiên ai cũng nói với nhau bằng tiếng Mỹ, vừa luyện giọng  Mỹ , vừa học hỏi lẫn nhau, riết rồi quen miệng. Thấy bà Á Châu bán hàng  chẳng biết bà có giỏi tiếng Mỹ không  nhưng cũng cứ order  đồ ăn bằng tiếng Mỹ, đương nhiên dù bà không thông thạo tiếng Mỹ nhưng với những món ăn của Bà thì Bà hiểu rất  rành. Có  hôm thằng bạn  VN kêu thằng Minh nói :
     - Mầy  biết tiếng Việt thì nói tiếng Việt đi, bả sẽ bán  rẻ lắm !
     Gì chứ cái nầy thì trúng tủ  thằng Minh, hôm đó khi sắp hàng  đến lượt mình, nó  nhìn  Bà bán hàng ung dung nói :
    - Thưa Dì, hôm nay con muốn ăn cơm  sườn trứng !
 
     Bà bán hàng mở mắt to nhìn nó, chắc Bà ngạc nhiên,  một thằng Á Châu  thường ngày nói tiếng Mỹ như Mỹ con, hôm nay bỗng  dưng nói tiếng Việt  mà còn thưa Dì thật là ngọt sớt !
    Thế là Bà vừa gắp đồ ăn vừa  hỏi :
   -  Sao mọi ngày  con không nói tiếng  Việt mà hôm nay con nói vậy ?.
     Nó chỉ cười, như muốn nói "Con chỉ biểu diễn  sơ sơ vậy thôi ". Và như để thưởng cho thằng Minh, hôm nay ngoài sườn trứng  Bà còn tặng thêm cho nó cái đùi gà, còn bảo :
    - Dì cho con thêm cái đùi gà, ăn no  rồi ráng học nhe !.

     Cuối tuần thằng Minh về nhà, kể lại câu chuyện nầy, cả nhà  nghe mà  xúc động, không phải  xúc động vì mỗi ngày được thêm  đồ ăn,  mà  vì tình đồng hương xứ sở. Đất khách quê người, bỗng dưng nghe được tiếng người mình, hỏi sao không thấy thân thương gần gũi? Chắc hẳn  bà bán hàng đã  xúc động lắm khi nghe những lời xưng hô ngọt ngào đúng vai vế theo VN, chứ không phải  là "I and You" cụt ngũn vô phép tắc.
 
    Ông An dạy con  rất kỹ, bà con ai gọi Phone tới nhà  nghe cách trả lời của 2 đứa  nhỏ  cũng đều khen  nức nở, vì ngoài nói tiếng Việt, tụi nhỏ còn kèm theo lời thưa gửi rất lễ độ, ai ai cũng thích, nếu không nghe nhằm những từ đảo ngược  được  dịch từ tiếng  Mỹ sang tiếng Việt, thì cứ tưởng  nó đang ở Việt Nam.

Hình Bố Mẹ đi dự Lễ Vinh Danh Kỹ Sư Master trẻ nhất Tiểu Bang.

    Thằng Tâm học xong Đại Học, được job gần nhà, nếu lái xe về nhà Bố Mẹ cũng khoảng 1 giờ, nên nó thuê nhà gần hãng, hôm đi dự Hội Nghị Kỹ Sư vinh danh những Kỹ Sư trẻ, mà nó là một trong năm kỹ sư trẻ nhất của Tiểu Bang,  bận rộn quá nó quên xem lại bộ đồ Suit, ngày mai phải đi sớm, trưa nay nó mới thử lại bộ đồ, thấy áo còn vừa nhưng quần thì ngắn củn vì nó cao lên. Vì vậy  nó phải chạy đi mua cái quần mới. Quần mới thì dài quá thành thử nó phải đi kiếm chỗ Alteration sửa đồ nhờ lên lai. Nó vào một tiệm sửa quần áo của hai vợ chồng người Á Châu, nhìn hai ông bà chủ tiệm nó không biết là người Chinese hay Korean, nên nói tiếng Mỹ với họ là muốn sửa cái quần cho ngắn. Ông chủ tiệm bảo ngày mai mới xong. Nó ngần ngừ định nói không được, ngày mai nó phải đi dự Hội Nghị rồi, nếu ông không làm được hôm nay thì  chắc nó phải đem đi tiệm khác, hoặc đem về nhờ mẹ. Đang lưỡng lự phân vân chưa biết tính sao, chợt nghe hai ông bà chủ tiệm nói với nhau tiếng Việt, là nếu thằng nầy đòi sửa gấp thì phải lấy tiền thêm. Nó mừng rỡ nói: 
 - Thưa Bác, Bác sửa dùm con, sáng mai con phải mặc đi dự Hội Nghị rồi, Bác muốn con trả bao nhiêu cũng được. 
Hai ông bà cười rộ lên ....
 - Con là người Việt Nam hả, qua Mỹ hồi nào mà nói tiếng Việt rành quá vậy , thôi ngồi đây chờ chút, bác sửa cho nghe. 
Qua câu chuyện, bác sửa quần áo biết thằng Tâm qua Mỹ từ năm 4 tuổi, mà vẫn còn giữ được tiếng Việt, ông khen rối rít và chỉ lấy nửa giá là 10 đô, thay vì 20 đô.

Tâm về nhà kể chuyện Bố Mẹ nghe, hai ông bà rất vui và hãnh diện về con.

Quý vị ơi, xin hãy giữ gìn tiếng Việt cho con cái, vì khi nó lớn lên sẽ giúp ích cho Cộng Đồng người Việt mình rất nhiều trong tất cả mọi ngành nghề ở Mỹ, Nhật, Anh, Ý, Pháp, Đức vv... Cho dù thế hệ thứ hai, thứ ba cũng vậy, dù sinh trưởng ở xứ người cũng nên học cho biết tiếng mẹ đẻ để có thể hãnh diện tự hào với người bản xứ rằng ta là con cháu nước Việt dù lưu vong vẫn không quên tổ tiên cội nguồn.

Pennsylvania, mùa hè 2017.
Phan Ngoc Vinh

8 comments:

  1. NV cám ơn Chi NPN, thân chúc Chi và gia đình bình an, mạnh khoẻ.

    ReplyDelete
  2. Xin lỗi quý đoc giả, hôm đi dự lễ, đó là Lễ Vinh Danh " Engineer of the Year ", chứ không phải vinh danh kỷ sư trẻ. Xin đính chánh.

    ReplyDelete
  3. Chúc mừng bạn hiền, gia đình hạnh phúc,dậy dỗ con giỏi, ngoan "công thành danh toại" cố gắng giữ gìn tiếng mẹ đẻ cho các con.Tiếng Việt còn, nước Việt còn!
    Chúc bạn vui và nhiều an lành.Thân mến.BTT

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn Tâm nhé ! Chúc Bạn và gia đình mạnh khỏe , bình yên, hạnh phúc . Thân .
      NV

      Delete
  4. Tác giả xin bổ túc thêm : 23 năm về trước, chúng tôi từ VN đến nước Mỹ, vùng nầy ở miền Đông HK, có bốn mùa, mùa Đông tuyết rơi đầy đường, trời lạnh lẽo nên rất ít người Việt Nam chịu ở vùng nầy, khi ra đường chúng tôi tiếp xúc toàn người bản xứ, hai vợ chồng phải cố lội tuyết đi học tiếng Mỹ, con thì chưa biết một chữ tiếng Anh nào, khi gửi con vào Trường, họ chỉ định một cô giáo viên nguời Mỹ mỗi ngày 2 giờ dạy tiếng Mỹ chỉ cho hai con chúng tôi sau giờ học chính, vì hiếm dân nhập cư đến vùng nầy , chắc vì họ sợ lạnh.
    Ngoài giờ học thêm, vào thứ bảy cô giáo xin phép chúng tôi cho cô chở hai nhóc đi shop, đi xem phim, đi nhà hàng, .....lúc đi như vậy cô giáo dạy con chúng tôi đủ thứ để hội nhập với cuộc sống mới. Chúng tôi vô cùng cảm kích cô giáo, trường học nơi con chúng tôi học, cám ơn người Mỹ , nước Mỹ , tấm lòng của họ rất quãng đại, bao dung, sẵn sàng chung tay góp sức đào tạo nhân tài.
    Thật sự trong tận đáy lòng, chúng tôi rất biết ơn sâu xa đất nước nầy, xem như là quê hương thứ hai của chúng tôi, cầu xin ơn trên phù hộ cho nước Mỹ mãi mãi giàu mạnh, phồn vinh, cho mọi người trên thế giới đổ về đây, cơm no, áo ấm, giúp người, giúp đời....
    PNV

    ReplyDelete
  5. Minh rat vui va hanh dien co nguoi ban nhu V ,da vuot nhieu kho khan hy sinh cho chong con hết mình ,su thanh cong của các con đã nói lên V la một người mẹ dam đang, chịu thương chịu khó rong ra mấy chuc năm nay...dang phục thay.
    Thân thương
    Minh Johnson.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Minh thân, Vinh cám ơn bạn rất nhiều . Thân Chúc bạn và người thương được toàn sở nguyện, gia đình yên vui hạnh phúc .
      Thân mến.
      PNV

      Delete
  6. Chi Vinh oi, minh vừa đăng xong.

    Mời chi coi lại.

    Hai cháu hồi nhỏ dep trai qua. Bay gio khôn lớn thành đạt, chỉ chờ cuới dâu rồi bồng cháu nội.

    Cám ơn Chị.

    NPN

    ReplyDelete