Pages

Friday, July 21, 2017

TT Trump Đốt Địa Cầu? - Vũ Linh


Địa cầu bị hâm nóng và môi sinh bị ô nhiễm là những tai họa có thật, không ai phủ nhận.

Nói TT Trump là “vua quậy” thật quả không sai. Bất cứ ông làm hay nói gì, hay không làm, không nói gì, cũng đều có thể nổ đùng ra như bom nguyên tử!

Quyết định mới nhất của ông, rút Mỹ ra khỏi thỏa ước Paris về biến đổi khí hậu đã gây tranh cãi hơn vỡ chợ, mà đại đa số là cãi theo phe nhóm trong khi hiểu biết thật sự thì mù mờ hơn sương mù sáng sớm Đà Lạt.

Bên này kết án TT Trump đã ký án tử hình cho nhân loại, bên kia cám ơn TT Trump đã cứu nước Mỹ khỏi trở thành một loại máy ATM phát tiền cho cả thế giới xài chơi trong khi dân Mỹ thất nghiệp, đói dài người.

Ta cần hiểu vấn đề cho rõ hơn một chút trước khi bàn. Hiểu về chuyện hâm nóng địa cầu (theo sự hiểu biết lờ mờ của kẻ này), và về Hiệp Định Paris.

HÂM NÓNG ĐỊA CẦU

Đây là một vấn đề cực kỳ phức tạp cả ngàn khoa học gia đã, đang, và sẽ tiếp tục tranh cãi.

Đại cương là trái đất trải qua những chu kỳ nóng lạnh không tránh khỏi, bất kể có nhân loại hay không. Cái khác biệt là có nhân loại và nhân loại đang làm nhiều chuyện sai lầm nên tốc độ thay đổi trở nên nhanh hơn. Như thời kỳ đông đá sau cùng cách đây 15.000 năm, phải đợi tới 5.000 năm sau, trái đất mới đủ ấm lại cho nhân loại bắt đầu sống được. Bây giờ, theo giả thuyết bi quan nhất, thay vì cả vài ngàn năm mới có thay đổi thì có thể vài trăm năm là có thể bị hâm nóng đến mức hủy diệt hết nhân loại, hay vài chục năm là nhân loại sẽ điêu đứng vì chết đói, vì bão lụt,…

Nhân loại đã làm gì?

Tạo hoá có bàn tay thần. Cả tỷ năm về trước, trái đất toàn là núi lửa, xịt ra chất carbon dioxide, hâm nóng trái đất đủ ấm để cây cỏ, sinh vật ra đời và sống được. Rồi tạo hoá sinh ra cây cỏ là thứ tiêu thụ bớt carbon sinh ra chất oxygen. Oxy nuôi dưỡng thú vật và con người. Chúng ta hít oxy và thở ra carbon trả lại cho cây cỏ tiếp tục sống. Một sự cân bằng nhu cầu tuyệt hảo của tạo hóa.

Thế rồi nhân loại trở nên văn minh, chế đủ loại nhà máy để tạo đủ loại hàng hóa cho nhân loại tiêu dùng. Những nhà máy đó đốt quá nhiều oxy trong khi thải ra quá nhiều carbon, mất thế thăng bằng. Chưa kể hàng loạt phát minh mới như xe hơi, máy bay, xe lửa, máy lạnh, máy sưởi,… tất cả đều thải carbon. Số carbon đó một phần bị giam lỏng trong lớp khí quyển của địa cầu, không thoát ra được, một phần phá lớp ozone cản bớt sức nóng của mặt trời, đưa đến tình trạng khí quyển bị hâm nóng (là chuyện không liên quan gì đến thay đổi thời tiết).

Theo phe bi quan, hâm nóng quá sẽ đưa đến tình trạng không khí bị xáo trộn mạnh gây ra bão táp ngày một mạnh, hay gây ra hạn hán phá hại mùa màng, trong khi làm tan chẩy các tảng băng đá tại bắc và nam cực, sẽ nâng mức nước biển, thay đổi địa dư cả thế giới với các vùng ven biển bị chìm sâu dưới nước biển, kể cả các thành phố lớn như New York, Miami, Los Angeles,…

HIỆP ĐỊNH PARIS (HĐP)

Đây là hiệp định về thay đổi khí hậu được 195 quốc gia bắt đầu ký tháng Chạp năm 2015 tại Paris. TT Obama chần chừ cả năm vì biết rất bất lợi cho Mỹ, đợi đến vài ngày trước khi về hưu mới ký.

HĐP có ông tổ ra đời từ sau thế chiến, sau đó là các hiệp định con cháu. Hiệp định “bố” của HĐP là Nghị Định Thư (Protocol) Kyoto 1997, do TT Clinton ký, nhưng TT Bush con rút ra.

Tất cả dòng họ hiệp định này có hai đặc điểm:

1) Cứ vài năm lại đẻ ra một thằng con, có tên mới, dáng dấp thay đổi đôi chút để đáp ứng với những khám phá mới về thay đổi khí hậu, và để thu hút càng nhiều nước càng tốt.

2) Tất cả đều chẳng có tính áp chế, chỉ là những hứa hẹn mà tôn trọng hay không là chuyện… tùy hỷ. Thành ra dùng danh từ “hiệp định” không chính xác.

Ta không cần đi vào chi tiết kỹ thuật quá khó hiểu, chỉ cần biết theo HĐP, tất cả các quốc gia ký tên đều cam kết sẽ tự nguyện lấy những biện pháp để cắt giảm việc thải carbon, làm chậm lại sự hâm nóng địa cầu, cho dù chẳng ai biết chậm được bao nhiêu năm.

XXX

Trên đây là đại cương. Bây giờ ta bàn sâu hơn.

Ít ai chối cãi đang có hiện tượng hâm nóng địa cầu. Những điều tranh cãi là 1) bao nhiêu phần là trách nhiệm của nhân loại và bao nhiêu là chuyện thiên nhiên, 2) mối nguy diệt chủng là sang năm hay vài ngàn năm nữa, và 3) làm sao cân bằng nhu cầu của đời sống ngày hôm nay với những hậu quả xa vời vợi.

Trách nhiệm của nhân loại và thời gian đi đến đại họa là chuyện mà cả ngàn khoa học gia, với đủ loại Nobel, tranh cãi hơn mổ bò. Mà ai cũng sẵn sàng trưng đủ mọi bằng chứng, từ các con số khoa học mà thiên hạ chẳng ai hiểu gì ráo, cho đến những bức hình xanh đỏ chụp bề dầy của các tảng băng đá mà cũng chẳng ai đo được. Nếu có 30 nhà khoa học ra tuyên cáo trái đất sẽ cháy thành tro trong 100 năm nữa, thì cũng sẽ có ngay 30 nhà khoa học khác bảo đảm trái đất sẽ yên ổn thêm một vạn năm nữa.

Những người tin vào đại họa đã có những tiên đoán mà chỉ mới nghe cũng đủ thấy... nóng thật, toát mồ hôi hột.

Năm 1970, gs Paul Ehrlich la hoảng chỉ một chục năm nữa là sẽ có khoảng 100-200 triệu người chết đói mỗi năm. Kinh hoàng hơn nữa, George Wald của Harvard cảnh báo đến 2000, văn minh nhân loại sẽ cáo chung. Năm 2009, văn minh nhân loại may mắn thay, vẫn còn đó, nhưng cựu PTT Al Gore báo động “có 75% triển vọng tất cả băng đá bắc cực sẽ tan chẩy hết trong vòng 5 tới 7 năm nữa”. Bây giờ đã là 8 năm rồi. Vậy chứ ông Gore được giải Nobel Hòa Bình về công trình nghiên cứu hâm nóng địa cầu đấy, không đùa đâu.

Tại sao họ sai lầm dữ vậy? Một phần vì phóng đại để hù dọa, phần còn lại là vì họ tính sai bét, hay cố lờ đi rất nhiều yếu tố. Chẳng hạn như không tính việc con người rất sáng tạo, khoa học tiến bộ rất nhanh, đã phát minh rất nhiều công nghệ mới, ít nguy hại hơn. Như cách đây 30 năm một chiếc xe với một ga-lông xăng chỉ chạy được một chục dặm trong khi bây giờ, cũng một ga-lông xăng đó cho phép ta chạy tới 30-40 dặm. Chưa kể xe điện chẳng cần một ga-lông xăng nào.

Nhân loại hiện có 7 tỷ người sống trên khoảng 5% diện tích của trái đất. 95% còn lại là biển, sông, hồ, núi, rừng, sa mạc, băng đá không sống được. Thử hỏi cái khối người sống trong 5% đó làm sao có thể thải carbon tới mức tiêu diệt hết nhân loại trong vòng vài trăm năm chứ đừng nói tới vài chục năm?

Theo các nhà khoa học, mỗi năm hiện nay, nhân loại thải ra khoảng 7 tỷ tấn carbon, trong khi đó tạo hoá thải ra hơn 200 tỷ tấn, gấp 30 lần, qua các núi lửa cũng như qua cây cối hư thối, thú vật trong rừng và cá dưới sông biển khi chúng thở ra carbon. Nhân loại có cắt giảm 20% thì chỉ giảm được hơn 1 tỷ mỗi năm, chẳng thay đổi được gì nhiều.

Thật ra, nếu – một chữ “nếu” rất lớn - trái đất bị hâm nóng thật thì cũng phải kéo dài cả mấy trăm năm nếu không phải là mấy ngàn năm. New York nếu có bị chìm thì cũng không phải như bị tsunami nhận chìm trong vài tiếng đồng hồ, cả triệu người chết, mà phải là trong 5-7 trăm năm, dân cư dư thừa thời giờ di cư vào sâu trong đất liền, hay phát minh ra cách gì ngăn cản được hâm nóng địa cầu. Vài trăm năm là thời gian rất rất dài: 200 năm trước, Gia Long còn đang làm hoàng đế, Tự Đức chưa ra đời.

Năm 1998, TT Clinton ký Nghị Định Thư Kyoto 1997 (bố của HĐP), nhưng không được Thượng Viện phê chuẩn vì trước đó, Thượng Viện đã thông qua một quyết nghị chống Nghị Định Thư với số phiếu 95-0. Tất cả nghị sĩ, CH và DC, đều chống. TT Obama đơn phương ký HĐP, cũng không có phê chuẩn của Thượng Viện vì ông biết Thượng Viện sẽ bác. Thiên hạ đang xúm lại sỉ vả TT Trump, nhưng không một ai hỏi sao tất cả các nghị sĩ của cả hai đảng cũng đều chống HĐP. Sao không đả kích họ mà chỉ đả kích TT Trump?

Đây là căn bản của thỏa thuận Paris: 195 nước cam kết sẽ “cố gắng” giảm việc thải carbon, như bớt khai thác và xử dụng than đá, dầu thô; giảm số lượng nhà máy kỹ nghệ; kiểm soát lượng carbon do mấy nhà máy đó thải ra; khai thác các nguồn năng lượng khác như gió, nguyên tử, khí thiên nhiên, mặt trời; bắt các hãng xe phải chế ra xe tiêu thụ ít xăng hơn, chế ra các máy lạnh, tủ lạnh thải ít carbon hơn,...

Những biện pháp và tiêu chuẩn do chính các quốc gia đó tự đặt và đưa ra qua những “kế hoạch” ngũ niên, nộp cho tổ chức quốc tế kiểm soát mỗi 5 năm. Các nước cũng cam kết đóng góp vào một quỹ để giúp các nước nghèo cáng đáng chi phí cần thiết để thực hiện kế hoạch.

Còn đây là hai điểm – trong nhiều điểm - thấy có vẻ... không công bằng lắm cho nước Mỹ mà TT Trump nêu lên:

- Mỹ phải có biện pháp ngay từ 2017, trong khi Trung Cộng, với số lượng carbon thải ra hiện nay cao gấp hai lần Mỹ, chỉ “hứa” tới 2030 sẽ cắt giảm 60%. Có nghiã là 13 năm nữa mới thấp hơn Mỹ bây giờ một chút. Chỉ là hứa thôi. Ai muốn tin cộng sản, xin tùy tiện. Dù sao thì Mỹ phải bắt đầu đóng cửa các mỏ than đá ngay từ bây giờ trong khi Trung Cộng “từ từ” tiến tới trong hơn một thập niên tới. Hậu quả cụ thể: nhân công mỏ than Mỹ mất việc ngay, trong khi nhân công Trung Cộng vẫn còn job cả chục năm nữa.

- Quỹ tài trợ các chương trình giảm carbon cần 100 tỷ đô, một tỷ được TT Obama đóng vài ngày trước khi bàn giao cho tân TT Trump. TT Obama hứa 3 tỷ, còn thiếu 2 tỷ. Có 43 nước, phần lớn là Âu Châu, hứa sẽ đóng góp tổng cộng khoảng 7 tỷ, nhưng chưa có nước nào đóng một xu nào. Phần của các đại cường thủ phạm chính của việc tăng carbon, Nga, Trung Cộng, Ấn Độ? Zero! Quỹ còn thiếu 99 tỷ, hay 92 tỷ nếu các nước khác giữ lời hứa đóng 7 tỷ. Có nghiã là bác đại gia Sam sẽ phải “tình nguyện” thêm vài tỷ hay vài chục tỷ nữa. Lấy tiền đâu ra nếu không phải là lại tăng công nợ, tăng thuế, cắt Medicaid-Medicare, hay cắt ngân sách chống khủng bố?

Có người trách TT Trump thiển cận, chỉ nhìn thấy nhu cầu công ăn việc làm cho vài chục ngàn nhân công mỏ than mà không nhìn thấy cái chết của cả nhân loại, trong đó có cháu chắt của ông ta.

Các đại công ty dầu hỏa ExxonMobil, Shell,… sao lại ủng hộ HĐP? Các công ty này mang tiếng là công ty dầu hoả, thực sự đã chuyển qua sản xuất khí thiên nhiên (natural gas) từ cả chục năm nay. Như khối dự trữ nhiên liệu của Exxon hiện có 39% dầu thô, 55% khí thiên nhiên. Khai thác khí thiên nhiên là chuyện HĐP cổ võ, cũng là ưu tiên hiện nay của các hãng dầu. HĐP cũng giúp bóp chết các công ty nhỏ hơn đang khai thác than đá và dầu hỏa tại Mỹ, là đối thủ cạnh tranh của các đại công ty dầu. Các đại công ty này ủng hộ HĐP chỉ vì quyền lợi kinh tế, chẳng liên hệ gì đến thay đổi khí hậu hết.

Các đại công ty khác như Apple, Nike, Pepsi,… cũng ủng hộ HĐP và xác nhận HĐP sẽ giúp gia tăng việc làm. Có thể. Họ là những đại tập đoàn quốc tế, có cơ sở kinh doanh, hãng xưởng, và khách hàng khắp thế giới, dĩ nhiên sẽ có dịp phát triển, tạo thêm job thật. Nhưng mà là job trên thế giới trong những nơi với giá nhân công rẻ mạt và luật môi trường lỏng lẻo như Việt Nam, Bangladesh,… chứ không phải job cho dân Mỹ.

Trong khi đó thì New York Times loan tin việc Mỹ rút ra được giới kỹ nghệ cấp nhỏ và trung hoan nghênh triệt để. Tại sao?

Loại hiệp định như Paris đẻ ra vô số luật lệ bảo vệ môi trường, gây khó khăn lớn cho các công ty nhỏ. Các công ty Mỹ đóng cửa, đi mở lại tại các nước chậm tiến không phải chỉ vì giá nhân công rẻ không, mà còn vì mấy xứ này không có những luật lệ quá gắt gao về môi sinh, bó tay họ quá nhiều. Những công ty lớn có thể đi ra nước ngoài, nhưng công ty nhỏ thì không làm được, đành chịu chết tại Mỹ. Với việc bỏ bớt những luật lệ quá khắt khe, các công ty nhỏ và trung có thể giảm giá thành, phát triển, gia tăng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ. Việc giảm bớt luật lệ cũng sẽ giúp giảm giá xăng, giúp kích động kinh tế cả nước.

Tại sao Âu Châu lại nhất loạt chống việc Mỹ rút? Vì Mỹ rút ra có thể kéo theo cả chục nước khác rút ra theo, tức là có thể giết HĐP. Đã vậy, còn cần tới 99 tỷ nữa, mất bác Sam, ai trám lỗ trống?

Hơn nữa, hàng Mỹ với giá thành thấp hơn cũng sẽ gây khó khăn cạnh tranh cho các nước khác trên thế giới, nhất là Âu Châu, là nơi sản xuất những loại hàng gần với hàng Mỹ hơn Á Châu, như xe hơi, máy móc nặng, công nghệ cao. Sau khi TT Trump tuyên bố rút, kỹ nghệ xe Đức đã yêu cầu chính phủ Đức xét lại luật môi sinh ngay để giúp xe Đức cạnh tranh với xe Mỹ.

Không nên quá ngây thơ nghĩ Âu Châu chống Mỹ rút ra vì mê cây xanh, quý mạng người hơn Trump. Cũng chỉ là quyền lợi kinh tế thôi.

Quyết định của TT Trump sẽ giúp tạo việc làm tại Mỹ, không phải chỉ trong ngành khai thác mỏ than, dầu hỏa hay năng lượng cổ điển –traditional energy, mà cho toàn thể kỹ nghệ nhỏ và trung của Mỹ. Quyết định của TT Trump là quyết định của một người lãnh đạo có trách nhiệm lo cho nhu cầu thực tế của dân Mỹ ngày hôm nay, không phải quyết định của một nhà khoa học ngồi phòng lạnh nghiên cứu khí hậu giả tưởng của 500 năm tới.

Cái lo lắng của dân Mỹ là có job hay không, có tiền trả tiền nhà đầu tháng tới không, hay gần hơn nữa, có tiền cho bà xã đi chợ cho bữa ăn tối nay không? Hâm nóng địa cầu là mối nguy có thật, nhưng là mối nguy của tương lai xa vời. Dù sao, cũng cần phải được cân nhắc so đo với nhu cầu bữa ăn tối nay. Không có bữa ăn tối nay thì chết đói ngay, làm sao sinh ra con cháu để mà lo.

TT Trump là tổng thống Mỹ, không phải tổng thống thế giới. Chẳng có ông công dân thế giới nào đã bỏ phiếu cho Trump, hay đóng thuế cho bác Sam để bác Sam mang tặng cho thế giới. Chẳng có ông công dân thế giới nào có quyền sỉ vả Trump.

Đối với những người ven vét tiền chợ tối nay, cũng như đối với các nước nghèo chậm tiến, chuyện hâm nóng địa cầu chỉ là chuyện các cụ ta gọi là “phú quý sinh lễ nghĩa”.

Tệ hơn nữa, có người cho rằng tất cả chỉ là âm mưu của các cường quốc muốn ngăn cản, không cho các nước chậm tiến kỹ nghệ hóa, để phải vĩnh viễn lệ thuộc các “đế quốc” trên phương diện kỹ thuật, vĩnh viễn bị trói chặt trong khu vực canh nông.

Ở đây, cũng phải nói là những tố cáo của TTDC có tính phóng đại và bóp méo. TT Trump không hề nói là ông không tin khí hậu đang thay đổi, nhưng ông cho rằng vấn đề đã bị thổi phồng quá mức, và carbon do con người thải ra chỉ là một yếu tố nhỏ trong việc thay đổi khí hậu khi địa cầu đã trải qua biết bao chu kỳ nóng lạnh từ hơn 4 tỷ năm nay. Hơn nữa, HĐP là một hiệp định không cân xứng, chèn ép Mỹ quá nhiều. TT Trump rút ra để có thể điều đình lại những tiêu chuẩn cho hợp lý và công bằng với Mỹ hơn, nhìn nhận nhu cầu ngày hôm nay của kinh tế và xã hội Mỹ.

TTDC bắt bẻ HĐP không có tính cưỡng bách bất di bất dịch, mỗi nước có thể thay đổi tiêu chuẩn bất cứ lúc nào, đâu cần rút ra rồi điều đình lại nếu TT Trump muốn thay đổi chỉ tiêu của Mỹ. Thật ra, TT Trump muốn thay đổi cả chỉ tiêu đã thỏa thuận cho các nước khác luôn, chẳng hạn như ông không muốn cho Trung Cộng tự do thải carbon trong 13 năm tới, hay ông muốn tăng tỷ lệ giảm carbon của các quốc gia kỹ nghệ Âu Châu, hay tăng số tiền đóng góp của các nước như Nga, TC, Ấn Độ. Các chính quyền thế giới hiểu ngay ý định của TT Trump nên mới nhẩy dựng lên bác bỏ mọi ý kiến điều đình lại. Họ cũng hiểu là điều đình với Trump khác xa điều đình với Obama.

Một điều mà những người chống đối không muốn nhìn nhận là ngay cả trong thời gian TT Bush con bác bỏ Thỏa Ước Kyoto, Mỹ vẫn tiếp tục tự chế, giảm mức phế thải carbon tới 18%, so với tiêu chuẩn Paris đòi hỏi là 26% trong một chục năm nữa.

Một lỗ hổng khổng lồ mà những người chỉ trích TT Trump hình như chưa ai nói đến: Mỹ rút ra hay không rút ra thì khác nhau như thế nào? Địa cầu sẽ bị hâm nóng chậm lại hay nhanh hơn bao nhiêu năm? 10 năm, 100 năm, 1.000 năm, hay 10.000 năm?

Việc TT Trump công bố ý định rút thật ra chỉ là tuyên cáo chính trị, xác nhận một quan điểm và lời hứa bảo vệ việc làm cho dân Mỹ của ông. Dân Mỹ bầu ông vì lý do này chứ không phải bầu ông để cứu thế giới khỏi một tai họa mà chẳng ai biết bao giờ sẽ xẩy ra. Dù vậy, TTDC đang tìm cách quậy tung như thể TT Trump đang châm lửa thiêu cả thế giới trong tháng tới. Chỉ là một lý cớ nữa để đánh TT Trump, không hơn không kém.

Địa cầu bị hâm nóng và môi sinh bị ô nhiễm là những tai họa có thật, không ai phủ nhận. Nhưng khi bàn về những chuyện này, cũng không thể quên công ăn việc làm ngày hôm nay của người dân, bất kể dân Mỹ hay Tầu hay Ấn, là những ưu tư sinh tử trước mắt. Những cảnh báo hù dọa quá đáng sẽ gặp phản ứng ngược, trở thành trò cười cho thiên hạ, không ai tin nữa. (02-07-17)

Vũ Linh

No comments:

Post a Comment