“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!”(Kiều)
Một đài phát thanh địa phương vừa mở ra chương trình hội thoại với
gợi ý “hiện nay, vùng Little Saigon nhếch nhác vì có quá nhiều người
không nhà mang bảng “homeless” đứng ở các góc đường, như vậy có nên cho
tiền những người này không?”
Khoảng 80% thính giả gọi vào đều lên án những người này là chây lười,
hút xách, cờ bạc, rượu chè, trộm cắp… và đi đến kết luận là nhất định
không cho tiền những người này. Không cho tiền họ thì “tệ nạn” này sẽ
chấm dứt, cho tiền là khuyến khích những người này tiếp tục “xuống
đường” tạo nên một hình ảnh không đẹp mắt cho thủ đô tị nạn Little
Saigon này.
Tôi thật xót xa khi điều này làm tôi liên tưởng đến các bà nội trợ
thường căn dặn con cái, thu vén thực phẩm ngoài vườn để tránh chuyện ban
đêm chuột ra ăn, thức ăn nhiều thì chuột càng sinh sôi nảy nở kéo nhau
đến đây càng nhiều.
Nhiều người nghĩ đến mỹ quan của khu phố Little Saigon, nơi có hàng
trăm nghìn người Việt, vì nếu hôm nay chúng ta thấy nhiều người không
nhà hiện diện ở đầu đường thì chúng ta cảm thấy “mất mặt” chăng?
Trước hết, sở dĩ vùng Little Saigon càng ngày càng có nhiều người
không nhà, đủ sắc dân đến đây đứng ở chỗ đèn xanh đèn đỏ, hay trước
những khu chợ Việt Nam, ngửa bàn tay ra xin bố thí, vì họ nghĩ rằng cộng
đồng người Việt mình dễ dãi, có lòng trắc ẩn, biết thương người nên họ
có thể kiếm được chút tiền hơn là những khu vực khác.
Người Việt lại có tình đồng hương, biết đùm bọc nhau và người nghèo
lại thường sĩ diện không dám chường mặt ra đứng đường, thậm chí cũng
không dám chen chân đến chỗ Home Depot đợi người thuê mướn để sống tạm
qua một ngày. Vậy mà trong một phóng sự mới đây trên trang địa phương
báo Người Việt chúng ta lại thấy nhiều người Việt tỏ ra kỳ thị người
Việt, nói rằng gặp người Việt đứng đường là họ nhất quyết không cho
tiền.
Nước Mỹ cũng chưa phải là một đất nước hoàn hảo, cũng có kẻ sướng,
người khổ, có băng đảng trộm cướp, nhưng cảnh sát chưa bao giờ nghĩ đến
chuyện bài trừ, bắt bớ, nhốt tù những người không nhà đứng đường cho
“đẹp mặt” xã hội của họ, trong khi chính phủ chưa đem lại sự no ấm cho
tất cả mọi người. Ngay những người con yêu ưu tú của đất nước là những
cựu chiến binh trở về từ những chiến trường xa nước Mỹ, trong đó có Việt
Nam của chúng ta, chính phủ cũng bất lực chưa giải quyết nỗi cho đời
sống của họ, để họ phải ra nằm đường.
Một sự thật phũ phàng, là theo một thống kê mới nhất, nước Mỹ hiện
nay có 49,933 người vô gia cư là cựu chiến binh, chiếm 8.6% tổng người
không nhà ở Mỹ.
Nhiều người nói nước Mỹ là một đất nước có chương trình an sinh xã
hội tốt để giúp người nghèo có housing, thực phẩm, thuốc men, nên không
ai chết đói. Nếu như vậy thì đã không có người xuống đường ăn xin như
chúng ta đã thấy. Chúng ta thử hỏi một viên chức xã hội, nếu chúng ta
không có một cái địa chỉ nhà, không có điện thoại, không có nổi một thẻ
căn cước… chúng ta có đủ tiêu chuẩn để xin trợ cấp xã hội hay không?
Chúng ta sợ khuôn mặt khu phố của chúng ta mất vẻ mỹ quan khi có
nhiều người homeless hiện diện trên đường, trong khi chúng ta cũng muốn
che dấu đi những tệ nạn trong cộng đồng: gian lận, lường gạt, bội tín,
trộm cắp… mà không muốn cho ai biết.
Chúng ta lấy cái đạo đức tốt đẹp, may mắn của cô con gái nhà lành để
lên án những thiếu nữ sa chân vào vũng bùn dơ. Những người vô gia cư đã
khởi đầu những bước đi như chúng ta, lương thiện, có học hành, có bằng
cấp, có một mái ấm gia đình, có người còn được gọi là những anh hùng,
nhưng giờ đây bị lâm vào hoàn cảnh rủi ro khắc nghiệt phải cầm tấm bảng
homeless ra đứng đầu đường.
Có những người Việt Nam đã đến Mỹ, nuôi giấc mộng bình an, hạnh phúc
như chúng ta, nhưng rồi bị số phận vật ngã, không gượng đứng dậy được,
bị dòng nước định mệnh cuốn trôi, chúng ta lấy tư cách gì để lên án họ.
Có người than phiền bị những người vô gia cư lừa, như chuyện lấy cùng
một lý do nào đó để than khổ và sau đó lập lại chuyện đó với một người
khác, nhưng nếu chúng ta so sánh một kẻ cùng đường lừa bạn $5, với một
bậc khoa bảng, có nhà bạc triệu trên đồi, có xe hơi lộng lẫy, lừa bạn
qua một dịch vụ chuyên môn bạc nghìn, thì ai đáng lên án hơn ai?
Cũng có người yêu cầu giao tiền cho các tổ chức cộng đồng, tổ chức
tôn giáo chứ không trao cho những người vô gia cư. Nhưng chúng ta nghĩ
xem, cả hai cộng đồng người Việt ở đây đã có kế hoạch nào giúp đồng bào
chưa? Chúng ta bỏ thùng “công đức” mỗi ngày rằm, mồng một, góp tiền cho
nhà thờ, nhưng có nhà thờ hay ngôi chùa nào đêm nay mở cửa cho những
người homeless vào ngủ qua đêm chưa? Có những chủ khu phố đổ dầu nhớt
hay đóng đinh nhọn trước cửa tiệm mình để tránh những người không nhà
đến ngủ. Liệu cái cộng đồng giàu có, xe cộ, phố xá nhộn nhịp, mang ơn
nước Mỹ này đã giúp gì cho những kẻ bần cùng của xã hội này chưa? Liệu
một vài tháng, mời người không nhà đến ăn một tô phở hay một bữa cơm
chay đã đủ gọi là biết “chia cơm, xẻ áo” cho người khác chưa?
Liệu bạn có đồng ý cho một người homeless bẩn thỉu, hôi hám xin dùng
phòng vệ sinh cửa tiệm hay nhà bạn, nói gì chuyện tắm rửa. Vậy trách gì
họ râu tóc, áo quần hôi hám, bẩn thỉu! Và nếu họ có đủ tiền, muốn ăn một
tô phở, là chủ tiệm bạn có vui lòng mời họ vào tiệm như đã tiếp đón
những người khách lành lặn, sang trọng hay không?
Đứng trước một người vô gia cư đang cầm cái bảng “I’ll Work For
Food,” có lẽ chúng ta cũng chẳng cần biết họ là ai, lý do để họ trở
thành homeless, mà ngay lúc đó họ đang cần một đô la. Cho họ một đô la
chúng ta không nghèo đi chút nào, mà người bất hạnh kia cũng không giàu
có hơn lên, nhưng có điều chắc chắn, là cả hai, lòng người cho và người
nhận đều cảm thấy vui.
Một phóng viên báo chí có làm một cuộc điều tra cho biết những người
homeless đứng đầu đường kiếm “khá bộn” tiền vì sự hảo tâm của người qua
đường. Khá bộn là bao nhiêu sau những giờ chạy lui chạy tới trên những
giải phân cách giữa hai con đường xuôi ngược?
Bạn có dịp nào để đến thăm một khu tập trung những người vô gia cư
chưa? Họ dựng lều hay kiếm băng đá góc cây, đắp trên mình một tấm bạt
nhầu nát, cạnh mỗi người là một chiếc xe đẩy hàng lấy từ các siêu thị,
chất đầy “gia tài,” chăn chiếu, áo quần, thức ăn, ve chai lọ.
Hoàng tử William của nước Anh đã có lần “vi hành,” trà trộn sống thử
24 tiếng đồng hồ với những người homeless để hiểu đời sống của họ ra
sao. Ông có cái cảm giác sợ hãi, bất an, suốt đêm không ngủ. Có trò
chuyện với họ anh mới thấu hiểu được cái khổ của đói lạnh, và sự nguy
hiểm rình rập, chưa kể nỗi đau tinh thần, bệnh tật không có thuốc men.
Những người khốn khổ này rất dễ dàng đi vào con đường nghiện ngập ma túy
hay rượu, những chuyện có thể giúp họ quên đi số phận phiền não của
mình.
Lên án người thì dễ, nhưng mở lòng cưu mang giúp đỡ họ mới là khó.
Huy Phương
bai viet rat hay
ReplyDelete