“Mẹ tôi hiện đang bệnh nặng nằm trong
nhà thương, có thể sẽ ra đi bất cứ lúc nào. Chúng tôi có người bạn là
một Phật tử thuần thành cho biết rằng nếu trong tang lễ mà chúng tôi
nhận đồ phúng viếng thì mẹ tôi sẽ mang nghiệp nợ nần, có nhận của người
ta thì phải trả người ta, chết rồi không trả được thì những kiếp sau tái
sinh sẽ phải trả tất cả những món nợ đồ phúng viếng đó, từ tiền bạc
nhang đèn cho tới vòng hoa viếng mẹ tôi. Vì thế gần đây có những đám
tang người ta ghi là “Xin miễn phúng điếu kể cả vòng hoa” là để người
chết khỏi vướng vào nghiệp nợ nần.
Xin giúp ý kiến sớm để chúng tôi biết
nên ứng xử thế nào, nhất là gia đình tôi đông anh chị em, bạn bè, thông
gia nhiều, phần lớn theo lối xưa, rất tôn trọng nghi lễ, chắc chắn sẽ
phúng điếu ít nhất là vòng hoa. Ngoài ra, chúng tôi có nên đặt sẵn trên
bàn thờ cái hộp để đựng tiền và tấm giấy ghi rõ “Tiền phúng điếu sẽ tặng
các hội từ thiện” để khỏi mắc nợ chăng?
Xin cám ơn
HNM
Đáp:
Kinh Tăng Nhất A Hàm dạy “Tác Ý là
Nghiệp”. Như vậy, chúng ta có thể tóm tắt rằng theo giáo lý nhà Phật
về Nghiệp thì “khởi Tâm, tác Ý là tạo Nghiệp”, ngược lại, nếu “không
khởi Tâm, tác Ý thì không tạo Nghiệp.
Trường hợp người đã qua đời không Tác
Ý trong việc những người khác đến phúng viếng thì không hề tạo ra
nghiệp, không gieo nhân trả quả gì cả.
Để thấu triệt vấn đề
Nghiệp, chúng tôi xin lược trích lời giảng của ngài Narada Maha Thera
viết trong cuốn The Buddha and His Teachings, do cư sĩ Phạm Kim Khánh
dịch như sau:
“Karma, Nghiệp, theo đúng nghĩa của
danh từ, là hành động, hay việc làm. Định nghĩa cùng tột của Nghiệp là
Tác Ý. Tư tưởng, lời nói, việc làm, thường khởi xuất do “ý muốn làm” tạo
động cơ. Phật Giáo gọi ý muốn làm ấy là Tác Ý. Tất cả những hành động
có tác ý, dầu biểu hiện bằng thân, khẩu, hay ý , đều tạo Nghiệp. Tất cả
những hành động có tác ý, thiện hay bất thiện, đều tạo Nghiệp.
Đức Phật dạy:
“Nầy hỡi các Tỳ Khưu, Như Lai xác nhận rằng chính Tác Ý là Nghiệp. Do có ý muốn mới có hành động, bằng thân, khẩu hay ý “.
Một vài hệ thống tín ngưỡng cũng nhìn
nhận rằng mọi chênh lệch trong xã hội đều do Nghiệp, nhưng khi đề cập
đến Nghiệp, lại chủ trương rằng mọi hành động, dù có tác ý hay không,
đều tạo Nghiệp.
Theo chủ trương ấy, một người giết cha,
giết mẹ dầu cố tâm hay vô ý, đều phạm trọng tội như nhau. Cũng như đối
với lửa, dầu vô tình hay cố ý thọc tay vào lửa thì phải bị phỏng như
nhau, không hơn không kém.
Lập luận như vậy dĩ nhiên sẽ đưa đến
một định thức phi lý. Đứa bé trong bào thai vô tình làm cho mẹ đau đớn,
hay bà mẹ do vô ý làm đau đứa con trong lòng mình, chẳng lẽ cũng tạo
Nghiệp bất thiện chăng?
Trong sự báo ứng của Nghiệp, Tâm là yếu
tố tối quan trọng. Tất cả những việc làm, lời nói và tư tưởng đều do
Tâm ảnh hưởng. “Khi không điều phục được Tâm tức nhiên không thể kềm chế
được việc làm, lời nói, và tư tưởng. Điều phục Tâm tức kềm chế thân,
khẩu, ý.”
“Chính Tâm dẫn dắt thế gian, chính Tâm lôi kéo thế gian; và tất cả mọi người đều làm chủ cái Tâm.”
Kinh Pháp Cú có câu:
“Tâm dẫn đầu mọi hành động. Tâm là chủ.
Tâm tạo tác tất cả. Nếu nói hay làm với tâm ác thì do đó, đau khổ sẽ
theo liền với ta như bánh xe lăn theo dấu chân con bò kéo xe.”
Trên đây là lời giảng của ngài Narada Maha Thera.
Như thế, quý vị hẳn đã thấy rõ là
theo giáo lý nhà Phật, người chết không Tác Ý vào việc mua vòng hoa
phúng viếng, cho nên không vay nợ ai, sẽ không phải trả nợ ai.
Nếu nói rằng mỗi khi tặng quà cho ai là
gieo nợ cho người ta hoặc nhận quà của ai là mắc nợ người ta, chưa kịp
trả mà chết bất tử thì sẽ phải trả trong những kiếp lai sinh, thì có lẽ
cả cái xã hội loài người sẽ phải xét lại rất nhiều vấn đề.
Thí dụ về vấn đề lễ nghi trong đời
sống, người Việt Nam chúng ta vẫn còn duy trì một số tập tục theo truyền
thống văn hóa, thí dụ tặng quà lẫn nhau nhân dịp Tết, tặng thân bằng
quyến thuộc trà bánh trong lễ hỏi, tiền mừng trong đám cưới, quà mừng
mới sanh em bé, tặng hoa mừng khai trương, hoặc theo các phong tục của
người Tây Phương như tặng cha mẹ anh chị em áo quần đồ dùng đặc biệt
trong dịp mở quà lễ Giáng Sinh, tặng quà tặng hoa mừng sinh nhật, mừng
kỷ niệm nhân dịp gì đó, tặng hoa chào đón khách từ xa mới tới, chàng rể
tặng hoa cho cô dâu, mở tiệc rượu mừng thăng chức, mừng họp mặt, rất
nhiều cơ hội để tiêu tiền, với những món tiền lớn, những chai rượu đắt
giá, những áo quần giầy dép theo thời trang lên đến năm bảy trăm hoặc
hàng ngàn dollars.
Tất cả những chi tiêu kể trên đều là
những chuyện hằng ngày trong đời sống xã hội, nhất là tại những nơi có
nền kinh tế tương đối ổn định. Cùng với những chi tiêu đó, người ta cũng
thiết lập những hội từ thiện, những nhóm thiện nguyện để làm những việc
giúp đỡ người nghèo khổ, tật nguyền, những trường hợp cần thiết, thiên
tai, động đất, bão lụt.
Việc giúp đỡ lẫn nhau trong xã hội là
bổn phận của mọi người, động lòng trắc ẩn trước những hoàn cảnh thương
tâm, gửi tặng phẩm giúp đỡ là việc bình thường, chính những việc đó cùng
với mọi sinh hoạt phải chi tiêu tạo thành đời sống xã hội. Cho nên
chúng ta không thấy những lời kêu gọi ngưng chi tiêu vào các việc kể
trên để dùng tiền làm việc thiện. Bởi vì mọi việc đều có những lý do
để tồn tại.
Tuy nhiên, trong khi không có ai thắc
mắc đề nghị gì về tất cả các loại chi tiêu, dù đôi khi có thể coi là
hoang phí, nhưng lại nổi lên những lời kêu ca than vãn, nhân danh làm
việc thiện để đòi ngưng phúng điếu người qua đời.
Vậy phúng điếu có ý nghĩa như thế nào trong văn hóa Đông Phương?
Phần lớn phong tục tập quán về nghi lễ
của dân tộc chúng ta bắt nguồn từ Nho học. Sách Trung Dung của Khổng Tử
dạy rằng: “Thờ kính cha mẹ lúc chết rồi cũng như lúc còn sống, kính
trọng những người cha mẹ đã kính trọng, quý mến những người cha mẹ đã
quý mến”.
Cho nên tang lễ cha mẹ thường được con cái lo liệu rất tươm
tất, gọi là báo hiếu công lao dưỡng dục lần cuối, thậm chí suốt 3 ngày
sau khi hạ huyệt, con cháu còn dựng lều ở lại ngoài mộ cho vong hồn cha
mẹ khỏi bơ vơ sợ hãi.
Mới chỉ khoảng năm, sáu chục năm trước
thôi, tang lễ cha mẹ còn được con cái cử hành rất long trọng. Chúng tôi
nhớ lại dịp tham dự một tang lễ mà hình ảnh vẫn còn bàng bạc trong tâm.
Đó là tang lễ mẹ thầy hiệu trường
trường Tiểu Học mà chúng tôi đang theo học lớp Nhì. Đám học trò chúng
tôi chia thành từng nhóm nhỏ bước vào chiếu lạy 2 lạy và 1 vái, theo lời
thày giáo dặn. Trong khi chúng tôi xụp lạy thì thày hiệu trưởng và các
con đứng ngay bên cạnh bàn thờ cụ thân mẫu cũng xụp xuống lạy chúng tôi 1
lạy. Sau này ra ngoài, chúng tôi được thày giáo giảng cho biết rằng:
– Chúng ta lễ cụ 2 lễ không phải là lễ
cái xác mà là vinh danh công đức cụ nuôi dạy con nên người đóng góp công
ích cho xã hội là thày hiệu trưởng. Thày hiệu trưởng đáp lễ không phải
là lạy chúng ta mà là để trả hiếu đối với mẹ, cảm tạ sự cung kính của
chúng ta khi vinh danh mẹ thày.
Không chỉ thân nhân người quá cố mang
khăn tang mà hàng xóm và bạn bè thân tại các làng quê còn theo truyền
thống văn hóa cổ cũng để tang nhau 3 ngày, cho tới khi hạ huyệt xong
xuôi rồi mới cởi bỏ.
Như thế, sự phúng điếu đối với nền văn
hóa Đông Phương mang những ý nghĩa rất sâu sắc, là biểu tượng của tấm
chân tình gắn bó từ trong gia đình ra tới ngoài xã hội, chòm xóm.
Truyền thống phúng viếng tiền là những
cách tương trợ lẫn nhau trong trường hợp tang chủ thanh bạch, hoặc phúng
điếu đối, trướng là dịp để viết lên những lời ca ngợi vinh danh người
qua đời.
Ngoài ra còn có những hình thức phúng
tiền, nhưng thực tế không phải là phúng điếu, mà là góp tiền để làm việc
ân nghĩa, thí dụ trong tang lễ thày học thời xưa, thày đối với trò như
cha đối với con, khi thầy qua đời thì bổn phận tất cả các học trò, dù
nay đã làm quan lớn, hay chỉ là một người nghèo, cũng phải tùy tâm đóng
góp để tang lễ thày được chu đáo. Hoặc trong các nhóm bạn bè, nếu có ai
gặp chuyện tang chế, cần tiền gấp, thì xúm nhau lại góp thành một món,
đưa cho tang chủ, đó là tiền tương trợ lẫn nhau.
Dần dần, cùng với sự tiến bộ trong tổ
chức xã hội, người ta thành lập các hội tương tế như hội Quảng Thiện
Tương Tế, hội Hợp Thiện Tương Tế, hội Việt Nam Tương Tế vân vân. Từ đó,
sự đóng góp để tương trợ có quy củ và tiện lợi, mọi người gia nhập hội
và khi cần sẽ có hội góp trả lại khoản tiền trang trải cần thiết.
Còn một loại phúng điếu trong trường
hợp người qua đời là thân nhân của quan lớn, thì các thuộc hạ cũng đóng
góp những món tiền, gọi là phúng điếu, nhưng đích thực là một hình thức
hối mại quyền thế, những quan chức tham nhũng nhìn vào phong bao tiền
gọi là phúng điếu đó để nâng đỡ cất nhắc cho thuộc hạ. Chuyện này không
xảy ra nơi các quan thanh liêm vì họ từ chối không nhận phúng điếu bằng
tiền.
Sau này, chuyện phúng điếu bằng tiền ít
dần, vì trường hợp cần hỗ trợ tiền đã giảm bớt. Phúng đối, trướng cũng
hiếm vì chỉ còn lại rất ít người biết đọc và viết chữ Nho. Thay vào đó
người ta dùng vòng hoa phúng điếu. Trên mỗi vòng hoa có quàng một băng
vải viết tên người hoặc nhóm người chia buồn với tang gia và lời chúc
lành cho hương linh người quá cố.
Có thể tạm coi như vòng hoa phúng điếu
làm nhiệm vụ của những bức trướng, đối, nói lên sự liên hệ cuối cùng
giữa người còn sống với người đã chấm dứt sự sống, đã vĩnh viễn ra đi
không bao giờ còn gặp lại.
Những nhận định đúng, sai, hay, dở,
trong thế gian đều không phải là chân lý tuyệt đối, đều chỉ là quy ước
trong từng xã hội, từng thời đại. Điều xã hội này, dân tộc kia cho là
đúng, là phải, chưa chắc đã được các dân tộc khác hoan nghênh. Có những
bộ lạc thời xưa khi gả con gái, họ được nhà trai bồi thường con bò, con
trâu, rất thực tế, hợp lý. Mất một lao động thì có lao động khác bù
vào. Tục lệ đó còn kéo dài cho mãi tới hằng ngàn năm, chuyển dần từ con
vật sống thành con vật làm món ăn, thành con heo quay dẫn cưới sau này.
Dần dần, trải qua một thời gian dài,
nền văn minh của nhân lọai đã chuyển nếp suy nghĩ của loài người từ
thuần vật chất, miễn có miếng ăn để mà sống, có hang động chui vào tránh
mưa nắng, che thân để khỏi chết rét, trốn hùm beo thú dữ, nay đã tiến
lên thành ra những nền văn hóa ẩm thực, những nền văn minh kiến trúc,
nền nghệ thuật thời trang, lấy ngon, lấy đẹp, lấy ấn tượng làm tiêu
chuẩn.
Từ suy nghĩ đó, chúng ta nhìn vào vấn đề “có nên nhận sự phúng điếu tiền và vòng hoa chăng?”
Trước nhất, chúng ta bàn về cái hộp
đựng tiền phúng điếu đặt trên bàn thờ hoặc bên cạnh bàn thờ với lời cáo
bạch “Tiền phúng điếu sẽ tặng các hội từ thiện”
Về điều này, chúng tôi xin thưa rằng
nếu tang gia muốn dùng tiền phúng điếu để tặng hội từ thiện thì khi
khách đến viếng tang đưa ra bao thư, cứ thản nhiên nhận rồi sau khi tang
lễ xong xuôi, sẽ dùng số tiền đó làm việc thiện. Tiền người ta đã
phúng tang lễ thì thuộc quyền sở hữu của tang gia, muốn tiêu vào đâu
hoàn toàn tùy ý, không cần phải thông báo cho mọi người biết rằng
“chúng tôi không dùng tiền của quý vị mà sẽ đem tiền này làm chuyện từ
thiện”. Đó là cách nói lịch sự, nhưng thực tế có nghĩa là “chúng tôi
không cần tiền của quý vị mà sẽ đem tiền này cho kẻ khó”.
Như thế thì quả thật đã phụ lòng người tới phúng viếng, muốn tỏ chút tâm thành với người đã khuất biết là bao!
Có người lại cho rằng để sẵn cái hộp
như thế sẽ khuyến khích người khác làm việc thiện. Nếu với ý nghĩ đó
mà để cái hộp trên bàn thờ người quá vãng thì quả là thiếu tế nhị, là
mặc nhiên coi như khách chưa biết làm việc thiện, cần được một bài học.
Thực tế, ngày nay có rất nhiều người đang âm thầm làm nhiều việc thiện
mà không khoe khoang nên mọi người không biết, đó là cách bố thí
ba-la-mật, bố thí Tam Luân Thể Không của nhà Phật.
Trong xã hội tân tiến ngày nay, chúng
ta có rất nhiều cuộc gây qũy để làm việc thiện, đều rất đáng được hoan
nghênh. Tuy nhiên, tang lễ là một nghi lễ vô cùng quan trọng, thiêng
liêng, là giây phút đau đớn tử biệt sinh ly, những người thân yêu sẽ xa
cách nhau muôn đời, chúng ta nên giữ bầu không khí trang nghiêm, thanh
tịnh, không nên coi như một cơ hội để gây quỹ, để kiếm tiền.
Cũng nên tránh cảnh ngỡ ngàng cho khách
đi viếng tang không định đưa tiền, nay nhìn thấy cái hộp đâm ra sượng
sùng với cảm giác như mọi con mắt chung quanh bàn thờ đang nhìn mình coi
có bỏ tiền vào hộp chăng, mà bản thân lại có thói quen dùng thẻ tín
dụng khi chi tiêu, nên không đem theo tiền mặt để có thể bỏ đại vào hộp
tờ giấy bạc cho khỏi ngượng.
Tóm lại, chúng tôi xin góp ý rằng:
Về tiền, bà có thể thông báo dứt khoát
là “Xin miễn phúng điếu tiền mặt”. Trường hợp lỡ có ai cứ đưa tiền mà
gia đình không cần dùng tới thì cũng cảm ơn người ta và để riêng ra, sau
tang lễ sẽ lặng lẽ đem số tiền đó đi tặng các cơ quan từ thiện, như thế
là bố thí ba-la-mật, không phải là bố thí vì muốn khoe khoang sự cao cả
của mình, nói gọn là khoe khoang cái Tôi, cái Bản Ngã.
Cũng xin thưa rằng sẽ không có ai, kể
cả người qua đời, phải trả nợ Nghiệp vì quý vị không Tác Ý đòi ai đưa
tiền. Tuy nhiên, trong xã hội con người với nhau, có qua có lại, người
ta đưa lễ khi nhà mình có tang thì khi nhà người ta có tang mình cũng
đưa lễ theo phép xã giao, không phải là trả nợ.
Về hoa, chúng tôi thiết nghĩ trong bất
cứ lễ nghi nào cũng đều trang hoàng bằng hoa và nghi thức cúng bái bằng
hương, gọi là hương hoa. Có người nói rằng vì đám tang chỉ có vài ngày
là liệng bỏ hoa nên phí. Nếu nói như thế thì trong thực tế, có nhiều
trường hợp hoa chỉ được dùng một thời gian ngắn hơn, thí dụ bó hoa chú
rể tặng cô dâu, chỉ vài giờ là liệng bỏ, những xe hoa đi diễn hành ngoài
đường phố mà giá thành mỗi cái lên đến hàng trăm ngàn dollars, có khi
tới vài trăm ngàn, cũng chỉ dùng trong một ngày, hoặc những buổi lễ lớn
tổ chức nơi công cộng dùng hoa để trang trí cũng chỉ tồn tại một ngày là
tối đa, qua hôm sau hoa sẽ bị vứt bỏ khi quét dọn.
Trường hợp hoa trong nhà quàn, hoa đã
làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng của kiếp hoa, là tỏa hương thơm ngát để
thay thế người đã nằm xuống tiếp đón những người thân tới thăm nhau lần
cuối cùng, rồi từ nay xa cách muôn trùng. Còn đâu nữa chén trà thân ái
đưa vào tận tay nhau, còn đâu nữa nụ cười cảm thông trìu mến, tất cả đã
qua đi, đã trôi vào dĩ vãng, chỉ còn quanh quất đâu đây hình bóng nụ
cười của người quá cố bàng bạc trong không gian mênh mông bát ngát hương
thơm.
Chúng ta nỡ nào tước bỏ những bông hoa
tiễn biệt cuối cùng đưa người về nơi vĩnh cửu, có chăng thần thức còn
phảng phất trong làn khói hương quyện với mùi hoa thoang thoảng, trong
tiếng cầu nguyện êm đềm nhè nhẹ bên những người thương yêu đã xa cách
ngàn đời.
No comments:
Post a Comment