Pages

Monday, January 15, 2018

Hàng Trăm Lý Do Khiến Người Trung Quốc Không Thể Tự Hào


Gần đây, cộng đồng mạng tiếng Trung đang lan truyền bài viết của tác giả có bút danh “Lãng Phế” với tiêu đề “Hàng trăm lý do không thể tự hào khi làm người Trung Quốc”. Bài viết liệt kê những sự thật đơn giản, cho thấy những lý do mà người Trung Quốc hiện nay dù muốn cũng không thể tự hào được. Với những ý tứ sâu xa, bài viết nêu lên những thực tế như sau:

“Kinh tế của chúng ta được xếp vào nhóm “hàng đầu thế giới”, nhưng thu nhập bình quân đầu người thì lại rất thấp.

Kinh tế của chúng ta thuộc hàng phát triển “mạnh mẽ nhất” trên thế giới, nhưng hoàn cảnh môi trường lại bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất.

Chúng ta tiêu thụ lượng xi măng và than đá nhiều nhất trên thế giới, nhưng lại tạo ra nhiều sản phẩm giả mạo và kém chất lượng nhất thế giới.

Chúng ta được mệnh danh là nhà xưởng của thế giới, nhưng chúng ta chủ yếu là đi làm thuê tại công xưởng của những nước khác.

Chúng ta có nền văn minh 5.000 năm, nhưng vẫn chưa thực sự tiến nhập vào thời dân chủ hiện đại.

Chúng ta có Đại hội Đại biểu Nhân dân, nhưng không có đại biểu của nhân dân.

Chúng ta xưa nay vẫn không có “đại biểu của nhân dân”, nhưng chưa bao giờ thiếu đại biểu nhân dân.

Chúng ta có chế độ tập trung dân chủ, nhưng dân chủ của chúng ta đều bị tập trung lại và giải quyết xong cả rồi.

Chúng ta có hiến pháp thành văn, nhưng chúng ta chưa bao giờ có hiến pháp trong hiện thực.

Chúng ta có một hệ thống pháp luật đồ sộ, nhưng chúng ta vẫn không có pháp trị thực sự.

Chúng ta thích nói đến thuyết “Tam đại diện” (do cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân khởi xướng), nhưng lại không thích tiến hành “tam quyền phân lập”.

Chúng ta có “quân đội nhân dân”, nhưng quân đội đó chỉ nghe theo chỉ huy của đảng.

Chúng ta thời cổ đại “bách gia chư tử” có không biết bao nhiêu hệ tư tưởng, nhưng hiện tại chỉ được phép tin vào một chủ nghĩa duy nhất.

Chúng ta rất chú trọng giáo dục, nhưng đầu tư giáo dục của chính phủ chỉ xếp vào hàng áp chót trên thế giới.

Chúng ta nói rằng giáo viên là một nghề thiêng liêng và cao quý, nhưng họ thường phải làm những việc hèn kém nhất để sinh tồn.

Chúng ta ủng hộ giáo dục chất lượng, nhưng thi cử mới là điều quan trọng nhất ở trường học.

Chúng ta nói muốn xây dựng kinh tế thị trường, nhưng chúng ta vẫn là không có thành tín.

Chúng ta có phương tiện truyền thông cho công chúng lớn nhất thế giới, nhưng chỉ rất ít trong số đó là đáng tin cậy.

Chúng ta thúc đẩy phát triển toàn diện con người, nhưng sinh viên của chúng ta chỉ giỏi làm bài thi.

Chúng ta đề xướng “tám điều vinh” trên khắp toàn quốc, nhưng người Trung Hoa khắp nơi đều nổi danh “tám điều nhục”.

Pháp luật của chúng ta không cho phép mại dâm kỹ nữ, nhưng tệ nạn mại dâm phát triển ở khắp mọi nơi.

Chúng ta có quan hệ ngoại giao với gần hai trăm quốc gia, nhưng không có mấy quốc gia sẵn sàng miễn thị thực cho chúng ta.

Chúng ta có nhiều tờ báo và tạp chí, nhưng không ai trong số họ cho phép chúng ta tự do ngôn luận thể hiện quan điểm của mình.

Hiến pháp của chúng ta quy định tự do ngôn luận và xuất bản báo chí, nhưng rốt cuộc thì sau này rất nhiều điều chỉ có thể nói với không khí.

Chúng ta có tòa án nhân dân, nhưng có vô số người muốn khóc trong quá trình khiếu nại tại tòa.

Diện tích của đất nước chúng ta có đến 9,6 triệu km vuông, nhưng vẫn là không có quyền tự do di trú.

Trong lịch sử dân tộc chúng ta gặp không ít thiên tai, nhưng số người chết vì thiên tai không thể so sánh với số người thiệt mạng do chính con người gây nên.

Chúng ta có các đoàn thể, nhưng đều không phải là tổ chức của người lao động.

Chúng ta có “chế độ đa đảng hợp tác”, nhưng những đảng phái này đều là nhận kinh phí hoạt động từ công quỹ chính phủ.

Chúng ta có rất nhiều “đảng phái dân chủ”, nhưng họ chưa bao giờ đấu tranh vì tự do dân chủ cho chúng ta.

Chúng ta cũng có bầu cử quốc gia, nhưng xưa nay đều không cần biết ai là người được bầu.

Chúng ta có “đầy tớ của nhân dân”, nhưng họ chỉ có trách nhiệm với cấp trên của họ.

Chính phủ của chúng ta có Vụ tổ chức Cán bộ, nhưng xưa nay vẫn không có quyền chỉ định các quan chức chính phủ.

Chúng ta có Viện Kiểm sát, nhưng vẫn không đủ nên phải thiết lập thêm Cục Chống tham nhũng.

Chúng ta có Cục Chống tham nhũng, nhưng vẫn không đủ nên phải thiết lập thêm Cục Phòng chống tham nhũng.

Chúng ta nói cần phải tiến hành chống tham nhũng ngay từ đầu, nhưng bất quá cũng chỉ là sau khi xảy ra tham nhũng rồi mới đến chống tham nhũng.

Cơ quan tổ chức của chúng ta chính là Đảng Cộng sản, nhưng quan chức các cấp mới thật sự quản lý toàn bộ Trung Quốc.

Suốt hai thập kỷ chúng ta vẫn luôn nói rằng đảng và chính phủ cần phải tách bạch, nhưng điều đó xưa nay chưa từng là thực.

Chúng ta nói rằng người khác đang nói dối, nhưng thực tế mỗi ngày chúng ta đều đang nói dối.

Chúng ta nói rằng người khác xúc phạm chúng mình, nhưng chính chúng ta cũng đang xúc phạm bản thân.

Chúng ta thường đòi hỏi những người khác xin lỗi mình, nhưng chính phủ không bao giờ xin lỗi người dân của mình.

Chúng ta nói rằng cần phải kiến thiết vệ sinh thành thị, nhưng trên đường phố của chúng ta lúc nào cũng đầy rác.

Chúng ta nói rằng truyền hình cần phải phản ánh hiện thực và ý nguyện của người dân, nhưng những gì họ làm đều là theo định hướng của CCTV.

Kênh truyền hình trung ương CCTV của chúng ta được cho là của quốc gia và chính phủ, nhưng nó lại chiếm thế độc quyền trục lợi trên thị trường.

Chúng ta nói rằng Hồng Kông hay Đài Loan là của Trung Quốc, nhưng người dân ở Hồng Kông hay Đài Loan không có quyền lợi xem truyền hình trung ương như chúng ta.

Chúng ta nói mọi người có quyền tự do thông tin, nhưng hễ ai lắp chảo vệ tinh thì bị tính là phi pháp.

Chúng ta nói cần phải giải phóng tư tưởng  thêm một bước nữa, nhưng tư tưởng của chúng ta vẫn luôn lấy một chân lý tuyệt đối duy nhất của đảng làm tiền đề.

Hiến pháp của chúng ta nói rằng người dân có quyền tự do biểu tình và diễu hành, nhưng muốn làm điều đó thì phải chờ được phê chuẩn.

Chúng ta nói thể thao không phải là chính trị, thế nhưng người phụ trách quản lý thể thao của chúng ta lại chính là quan chức chính trị cấp cao.

Khoản thu ngân sách quốc gia của chúng ta lên đến hơn 5 nghìn tỷ, nhưng thu nhập của người dân thì lại rất thấp.

Chúng ta nói rằng khoản tiền tiết kiệm của mình rất lớn, nhưng nó lại chỉ được sử dụng để nuôi sống những người không có khả năng kiếm sống.

Lao động của chúng ta quả thực là nhân công giá rẻ, nhưng bất động sản thì lại là giá trên trời.

Tiền lương của chúng ta mỗi ngày một tăng, nhưng các khoản cần chi tiêu lại càng mở rộng ra nhiều hơn.

Các quan chức của chúng ta đều coi trọng tư tưởng chính trị, nhưng người dân đều biết đó chỉ là những lời phát biểu trên sân khấu.

Cán bộ của chúng ta nói rằng họ kiên trì với chủ nghĩa Mác, nhưng người dân đều biết đó chỉ là bài phát biểu trong các kỳ họp.

Đảng viên và quan chức cấp cao của chúng ta luôn rao giảng liêm khiết và tận tâm, nhưng lượng tài sản của họ chính là bí ẩn và cơ mật quốc gia.

Chúng ta nói rằng quan chức là “đầy tớ của nhân dân”, nhưng phục vụ chủ nhân lại có nghĩa là có thể tùy ý lấy tiền của chủ nhân để chi tiêu xa hoa ăn chơi trác táng.

Công quyền chính phủ của chúng ta là để phục vụ đại chúng, nhưng bất kỳ điều gì họ làm đều phải thu phí.

Mọi khoản thu mua của chính phủ chúng ta đều là đấu thầu cạnh tranh, nhưng hợp đồng lại được hoàn thành một cách riêng tư.

Rất nhiều quan chức của chúng ta không nhận quà, nhưng họ lại thích những tờ tiền được in ấn tinh mỹ.

Mỗi ngày các quan chức của chúng ta đều phát biểu phát biểu, nhưng lại không có gì quan trọng để đưa lên báo chí.

Vận hành kinh tế của chúng ta đầy những nguy cơ và vấn đề, nhưng tình hình tựu chung lại xưa nay đều rất tốt.

Thị trường bất động sản của chúng ta đã là “bong bóng” rồi, nhưng nó vẫn chưa thể nào dừng lại và vẫn tiếp tục thổi phồng thêm nữa.

Giá hàng tiêu dùng của chúng ta đang tăng lên mỗi ngày, nhưng lương của chúng ta lại là “ổn định” nhất.

Đảng viên của chúng ta yêu nước, nhưng con cái của họ có thể đã là công dân nước ngoài gốc Hoa rồi.

Chúng ta nói rằng lịch sử là do người dân viết nên, nhưng sau cùng lại là do đảng thẩm định và xem xét.

Doanh số bán báo của chúng ta được xếp vào hàng đẳng cấp thế giới, nhưng thực tế là cần xem xét lại yếu tố chèo kéo và ép buộc độc giả.

Chúng ta có tự do tín ngưỡng tôn giáo, nhưng chịu trách nhiệm tổ chức tôn giáo lại là phía quan chức và hành chính.

Chúng ta có tiếng Trung Quốc phong phú và ưu mỹ, nhưng nếu muốn xin được việc thì nhất định phải biết tiếng Anh.

Chúng ta nói văn hóa là đa nguyên, nhưng phương ngôn khẩu ngữ thì bị cấm.

Chúng ta nói sản nghiệp hóa giáo dục là sai, nhưng giáo dục đại học của chúng ta lại hết sức đắt đỏ.

Chúng ta nói thực hành pháp trị, thế nhưng có những người chưa qua tòa án xét xử đã bị đẩy đến các trại cải tạo lao động.

Chúng ta nói tích cực phòng chống AIDS, nhưng bác sĩ Cao Diệu Khiết (một nhà hoạt động phòng chống AIDS đã đào thoát khỏi Trung Quốc) lại bị áp đặt hạn chế và đối xử kỳ thị.

Chúng ta nói cần phải phát triển kinh tế quốc hữu, thế nhưng nó đã trở thành lợi ích độc quyền của những nhóm người vốn nắm lợi ích trong tay.

Chúng ta nói rằng chúng ta nên chú trọng chất lượng giáo dục, nhưng những đứa trẻ hiện nay đang nai lưng ra học ngày học đêm để có thể làm tốt các bài thi.

Chúng ta phát rất nhiều vệ tinh, nhưng người dân lại không có quyền lắp chảo thu sóng vệ tinh.

Chúng ta nói rằng tổ quốc hùng mạnh, nhưng người dân thì lại quá yếu nhược.

Chúng ta nói cần phải giảng pháp trị, nhưng thông thường ở đâu cũng chỉ rao giảng chính trị, rao giảng kỷ luật.

Chúng ta thường nói đến chính trị và kỷ luật, nhưng bất quá thì pháp trị của chúng ta chỉ có trong “thời tương lai”.

Chúng ta nói rằng đất đai là sở hữu nhà nước, nhưng thực tế thì quan chức địa phương có thể đem bán để trục lợi.

Chúng ta có ngành công nghiệp sữa lớn nhất thế giới, nhưng những gì con em chúng ta uống đều là độc hại.

Chúng ta có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, nhưng cũng chỉ để cho người Mỹ chi trả các hóa đơn mua vui.

Tàu vũ trụ và phi hành gia của chúng ta có thể bay vào không gian, nhưng đạo đức của chúng ta thì theo hướng ngược lại đi xuống địa ngục.”

Hồng Ngọc (biên dịch)
Nguồn: trithucvn.net

No comments:

Post a Comment