Pages

Monday, February 26, 2018

Thời Gian Thấm Thoát Thoi Đưa, Quanh Đi Quẩn Lại Đã Muời Sáu Năm! - Lê Hoàng Ân

Hình mới nhất của gia đình tác giả chụp vào đầu Xuân Mậu Tuất (do tác giả cung cấp)

Tác giả: Lê Hoàng Ân 
Nguyên Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Tù cộng sản gần 6 năm rưỡi. Sang Hoa Kỳ theo chương trình H.O. 12.
Đã từng được giải thưởng đặc biệt năm 2011 với bài viết: “Câu chuyện của một H.O.”
Đây là câu chuyện tiếp nối câu chuyện: “Con dâu Nam Bộ và Mẹ Chồng Bắc Kỳ” đã được đăng trên VVNM năm 2015”.

*****

Ngày 28 tháng 1 năm 2018 này sẽ là ngày đánh dấu 16 năm tôi lập gia đình với anh Bảo, người chồng thân thương, người bồ lý tưởng, nguời yêu suốt đời của riêng tôi, đồng thời cũng là ngày sinh nhật lần thứ 73 của bà mẹ chồng Bắc Kỳ yêu dấu của tôi! Ôi! Chính vì cái ngày đặc biệt này mà Austin thân mến của tôi đã có tuyết, dù ít, đến ba lần trong vòng một tháng!

Nhớ ngày nào mới chân ướt chân ráo qua Mỹ, đi có một thân một mình để mở màn cho cuộc sống mới với gia đình chồng, tôi bất giác rùng mình. Thật quả là liều!  Ba má mất từ lâu rồi, nhưng mà tất cả các anh chị đều còn ở Việt Nam, tôi là con và là em Út cưng đấy nhé, vậy mà chỉ vì có một chữ “tình” mà tôi bỏ hết để bước chân vào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm lạ lùng nhưng nằm trong ý muốn của tôi. Tay kéo chiếc túi sách tay nhỏ, tôi bước một cách thiểu não, vì quá mệt mỏi sau một chuyến bay dài mười mấy tiếng, từ máy bay ra cửa phòng nhà ga, phi trường Austin Bergstrom International Airport (ABIA) của thủ phủ Austin, tiểu bang Texas, Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, nơi tôì sẽ sống một cuộc sống hoàn toàn mới với những người xa lạ như Bố Mẹ chồng, họ hàng nhà chồng, và nhất là sẽ phải đương đầu với công việc mới đang đón chờ tôi để phụ với chồng trong cuộc sống hàng ngày. Kìa, anh Bảo chồng tôi kìa, đang kiễng chân lên cho thật cao để nhìn tôì rõ hơn, và bên cạnh chàng của tôi là hai ông bà già trông phương phi phúc hậu với nụ cười thật tươi. Qua được ngưỡng cửa cách biệt trong và ngoài, chồng tôi ôm lấy tôi âu yếm, trong khi hai ông bà nói liền: “Chào con! Con có mệt lắm không?” Chỉ vậy thôi mà cơn mệt của tôi đã tan biến mất. Tôi cảm thấy tôi như hoà tan ra trong vòng tay âu yếm của Bố Mẹ tôi. Ôi, tuy mất mát Ba Má ruột thật đó nhưng tôi còn có Bố Mẹ thay thế. Không phải là bố mẹ chồng nàng dâu mà là Bố Mẹ thực sự. Tôi nghĩ là tôi đã có hạnh phúc gia đình kể từ lúc đó. Lấy hành lý xong, chúng tôi về nhà. Anh Bảo chở tôi, một xe, Bố Mẹ và các va ly lớn nhỏ, cả gia tài của tôi đó, một xe. Tôi xin phép đi tắm rồi ra thắp nhang tại bàn thờ Phật và Tổ Tiên giòng họ Lê, Hoàng, Đỗ, Nguyễn, khẩn cầu xin cho tôi được hội nhập vào gia đình. Và tôi có cảm giác là tôi được đáp ứng ngay. Kể từ hôm nay tôi là dâu, không, là con trong giòng họ Lê. Hôm sau, tôi theo anh Bảo đi làm giấy tờ. Tôi xin đổi tên là Lê Kiều Yến thay vì giữ nguyên là Nguyễn Kiều Yến. Vài ngày sau, Bố đưa anh Bảo và tôi ra toà án để làm thủ tục cho giấy hôn thú tại toà án Austin. Dễ dàng thôi là vì ngoài việc làm tại Motorola, Bố còn làm thông ngôn cho các toà án trong Austin và San Antonio nữa. Bà chánh án đó là bà Nancy Hohengarten, đã vui vẻ chủ toạ lễ cưới, không những không lấy lấy án phí mà còn đại diện cho dân Austin, chào đón tôi nữa. Thật là dễ thương hết sức. Chung quy cũng nhờ Bố thôi. Vài tuần sau, với giấy I.94, Bố đưa tôi vào làm cho hãng Motorola cùng với Bố. Làm từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng, theo ca. Tuy nhiên, làm một thời gian tôi theo không nổi, tôi đành phải xin nghỉ. Nhưng Bố lại đưa tôi đến làm bí thư cho một luật sư mà Bố quen thân thiết. Tài giỏi chi đâu!  Đất Mỹ là đất có rất nhiều cơ hội. Chỉ cần cố gắng làm việc thì sẽ gặt hái kết quả tốt.  Người Mỹ có câu: “Hard work pays off!” mà! Người đến Mỹ chỉ biết ít tiếng Anh như tôi, bắt đầu bằng cái công việc thấp bé như tôi còn làm được thì liệu ai mà chẳng làm được! Làm tại văn phòng luật sư này tôi đã từ từ học hỏi được rất nhiều điều cần thiết cho tương lai của tôi sau này! Bí chữ gì đã có tự điển sống là Bố tôi!

Làm cho văn phòng luật sư này được một thời gian thì tôi phải xin phép nghỉ, vì tôi sinh ra con gái đầu lòng cho họ Lê. Cháu mang đầy đủ tên họ là Lê Hoàng Anh Nguyên, nhưng trong gia đình thì gọi là Cá Cơm. Một điều kỳ lạ là cháu sinh lúc 11 giờ 42 phút ngày 10-09-2003, tức là gìờ Tý ngày 14 tháng 08 năm Quý Mùi, có ít phút trước cái ngày giờ kỷ niệm lần thứ nhì của ngày 11 tháng 09 năm 2001. Và điều kỳ lạ thứ nhì là lúc tôì sinh thì có bà Nội và anh Bảo ở trong phòng sinh với tôi, Bố đứng chờ ngoài cửa phòng, nhưng khi cháu vừa lọt lòng thì bác sĩ lại cho gọi Bố vào và trao Cá Cơm cho ông nội bế đầu tiên. Chẳng ai biết vì sao, nhưng có lẽ vì vậy mà hai ông cháu luôn luôn quấn quýt với nhau. Tôi nghỉ một khoảng thời gian khá lâu, đủ để chăm lo cho Bố khi qua năm 2004 Bố bị mổ anterior cervical discectomy fusion tức là mổ để giảm cái sức ép của các đường gân trên tuỷ với mục đích là làm cho giãn thần kinh tuỷ sống. Sau đó một thời gian, do may mắn chăng, cả hai vợ chồng tôi cùng đều được nhận vào làm cho Sở Thuế Liên Bang (I.R.S.) sau một kỳ thi khá gay go, mới đầu còn làm công nhật sau đó thì được nhận luôn vào thường trực, và trở thành nhân viên thực thụ cho sở thuế Liên Bang (Federal Agent cho I.R.S.). Bây gìờ chúng tôi đã làm được gần mười năm rồi.

Nhưng có một chuyện mà cả anh Bảo và tôi phải khoe, là đến năm Đinh Hợi, vợ chồng chúng tôi đã đem niềm vui vô tả đến cho Bố Mẹ và gia đình họ Lê qua đứa cháu đích tôn độc nhất vào lúc 11 giờ 21 phút ngày 16 tháng 09 năm 2007 tức giờ Ngọ ngày 06 tháng 08 năm Đinh Hợi. Tên trên giấy tờ cháu là Lê Hoàng Nam, nhưng gia đình gọi là Simba. Lần này bà nội bế cháu đầu tiên, vì ông nội mới đi làm về, cần phải ngủ để buổi chiều còn đi làm tiếp. Cũng vì thế mà bà nội đá ông nội qua phòng khác để nằm ngay với Simba kể từ ngày đó cho đến ngày hôm nay. Nhưng nói gì thì nói, Simba có một cái điều mà ai cũng thấy rất rõ, đó là ông nội ăn gì thì cháu đòi ăn y chang, kể tất cả những món ăn thuần tuý Việt Nam, và thêm vào đó, ông nội có thói quen gì thì cháu cũng bắt chước y hệt. Thế là cả Cá Cơm lẫn Simba đều làm theo ông nội hết mình. Càng lớn càng giống. Thí dụ như ông nội thích ăn thịt gà KFC thì hai cháu cũng thích, ăn thịt vịt quay cũng thế, uống nước cam Sunkist không hà, không có Coca hay thứ khác, nhưng đó chỉ là vấn đề ăn uống, có cái giống này mới tốt, đó là cả hai cháu mê đọc sách lắm, và Cá Cơm đang học tiếng Tây Ban Nha và tiếng Tầu như ông nội vậy. Ba ông cháu như bóng với hình. Cả nhà đều gọi hai cháu là “em”. Em Cá Cơm, em Simba. Bà nội bắt đầu dậy cả hai cháu nói tiếng Việt Nam, ở nhà chỉ nói tiếng Việt, và không cho ngủ với ai khác ngoài bà nội. Một số thí dụ như: Trước khi ăn cơm phải mời ông bà bố mẹ ăn cơm rồi mới cầm đũa, không được nói chêm tiếng Anh, dù bây giờ một cháu đã học lớp 8, một cháu học lớp 4. Hai cháu đều có đi học viết và đọc tiếng Việt vào mỗi chủ nhật ở chùa, nơi ông bà nội và bố mẹ là Phật Tử, và cả hai cháu đều là Hướng Đạo Sinh Phật Tử. Cá Cơm thì theo học dương cầm đã được 6 năm và đánh bóng chuyền vì khá cao ráo, còn Simba thì học đàn guitar và võ Không Thủ Đạo, đai xanh, sắp sửa lên đai trên nữa, bắt chước bố cháu đang là đai đen cấp bốn đẳng. Còn ông nội thì môn Hiệp Khí Đạo, và bà nội thì Nhu Đạo.  Ông nội dự trù dậy hai cháu thổi khẩu cầm nữa, vì là Hướng Đạo Sinh mà, nhưng mà chưa biết bao giờ. Đi đâu khi về cũng tìm ông bà nội chào trước rồi làm gì mới làm. Tối đi ngủ thì chào và hôn ông nội, chúc ông nội ngủ ngon, rồi mới đi ngủ, Cá Cơm mới có phòng riêng, dọn dẹp theo ý muốn của một đứa con gái sắp đến tuổi dậy thì, Simba còn ngủ hết năm nay với bà nội rồi qua Tết cũng sẽ có phòng riêng. Đang dọn dẹp phòng ốc và sơn phết trang hoàng theo ý muốn của cháu. Còn đi học thì chào ông bà nội rồi mới đi học. Bố đưa hai cháu đi học, nhưng đến chiều thì ông bà nộì đón về.  Lẽ tất nhiên, bất cứ đứa trẻ nào cũng đều có những tính hư và xấu cá nhân của nó, nhưng chung quy thì vẫn còn kiểm soát và hướng dẫn được. Nghĩ chỉ còn hai năm nữa là Cá Cơm sẽ đòi tập lái xe, mà sợ. Bây giờ cả hai chị em đều có điện thoại riêng do ông bà nội cho, nhưng chỉ cho dùng khi cần, còn phải đưa cho bố hay mẹ giữ.  Rồi cũng sẽ đến lúc chim non sẽ mọc đủ lông đủ cánh rồi tung bay đi! Sau khi sinh Simba được ít tuần, Mẹ đã làm cho chúng tôi sợ bằng chết. Đó là việc Mẹ phải đi mổ tim vào sáng ngày 01-11-2007, (open heart surgery to mend the right valve) làm cho Bố và chúng tôi đứng tim luôn, vì van tim Mẹ cần phải vá, cũng may là chưa đến nỗi phải thay luôn van. Bố đứng ngoài cửa phòng mổ suốt trên 5 tiếng đồng hồ để lâu lâu nghe bác sĩ giải phẫu nói qua hệ thống loa diễn tiến vụ mổ. Ngày cũng như đêm chăm sóc cho Mẹ cho đến ngày Mẹ trở lại tình trạng bình thường mới thôi, và từ đó Mẹ không đi làm được nữa, chấp nhận về hưu non luôn, chỉ ở nhà chăm sóc cho ông nội và hai cháu rồi cùng ông nội đưa đón các cháu trong việc đi học cũng như làm những việc lặt vặt trong nhà.

Nhưng có điều mà tôi muốn đề cập, là sự gắn bó giữa vợ chồng tôì và Bố Mẹ. Anh Bảo là con trai, không nói làm chi. Nhưng tôi là dâu, dù được Bố Mẹ thật tình coi như con đẻ, tôi vẫn cảm thấy có một gì đó làm cho tôi luôn có mặc cảm, cho đến một ngày Mẹ gọi tôi vào phòng ngủ để đưa cho tôi xem hộp nữ trang của Mẹ và nói: “Khi Mẹ chết, con sẽ giữ và sau này khi Cá Cơm lập gia đình thì con thay Mẹ sẽ đeo cho “em” cái vòng này, đôi xuyến cả trăm năm này (của bà nội Bố cho Mẹ), đôi bông tai này, còn Simba khi nó lấy vợ sẽ cho nó cái tấm plaque của Bố (do chị Bố cho khi Bố Mẹ mới qua Mỹ để làm tiền đi học và làm vốn đi làm mà Bố vẫn giữ), rồi cái nhẫn chỉ huy của Bố sẽ cho Bảo, sợi giây chuyền có tượng Đức Phật bằng nanh heo rừng cho Simba vì Bố đã đeo nó gần 60 năm rồi, hên lắm đó, ngoài ra giấy chủ quyền nhà và xe, và tất cả những gì khác nữa, Bố Mẹ trao cho hai con để tuỳ nghi. Bố Mẹ cũng đưa cho hai con giấy Power of Attorney, Living Trust và Last Will để hai con có đủ quyền hạn giúp Bố Mẹ khi cần thiết. Con cứ xem từ từ và nếu có gì thắc mắc thì hỏi Bố hay Mẹ nhé”.
       
Bố Mẹ ơi,
Con là Yến nè. Bố Mẹ quá chu đáo. Không có một điều gì mà Bố Mẹ quên. Vài tháng tới đây, Bố Mẹ sẽ làm lễ kỷ niệm ngày cưới lần thứ 53. Ông Bà Nội của anh Bảo đã kỷ niệm ngày cưới lần thứ 64, sau khi Bố ở tù Việt cộng về được ít năm, trước khi hai cụ về với Tổ Tiên. Hai Bác (hai người chị khả kính của Bố, người nào thì cũng kỷ niệm ngày cưới, người thì 53 năm, người thì 57 năm) trong cuộc sống hầu như không có điều to tiếng theo Mẹ kể vì các Bác đều tương kính như tân, sang Mỹ từ 1975, không tù đầy Việt cộng, riêng Bố Mẹ thì con nhận thấy có lúc to tiếng, vì bất đồng ý kiến, thêm vào trước kia, chừng 5 năm trước, Bố uống rượu thái quá rồi say xỉn, gây những việc bất hoà với Mẹ, vì cứ lôi chuyện Việt cộng ra mà chửi. Bây giờ không uống rượu nữa, chỉ bia hay rượu chát đỏ chút đỉnh, thì đã khác. Không còn chửi Việt cộng, nhưng đôi khi cứ thừ người như bất mãn, rồi khóc thầm đó, cười thầm đó. Nhất là mỗi khi gần ngày 30-04 thì Bố không còn là Bố nữa. Bố chỉ ngồi nhìn vào cái khoảng trống không để rồi Bố chẩy nước mắt và khóc thầm một mình. Mẹ ơi, Mẹ hãy gần gũi Bố hơn nữa đi Mẹ, và giúp Bố lấy lại thăng bằng dùm con. Con là con, lại là gái, nên con sợ không biết phải làm gì. Mà anh Bảo lại nói không khéo, con sợ lại gây các điều phiền muộn thêm cho Bố. Dầu sao, Bố cũng là con nhà dòng dõi, cháu quan Tổng Đốc và Thượng Thư, như ở trong Nam sẽ gọi là con nhà giống nòi, thêm vào bản thân Bố cũng đã từng có những thành quả tốt đẹp, như là thày dậy học, làm chức vụ khá then chốt trong chính quyền cũ, nên khi bị uất ức thường hay có không nhiều thì ít những phản ứng thật bất mãn, gây buồn bã cho bản thân và gia đình. Con thì như lời hứa tiếp tục nấu nướng những món ngon cho Bố, còn Mẹ thì hãy đem những món ăn tinh thần lại cho Bố nhé. Còn Bố, Bố ơi, Bố hãy thương yêu Mẹ hơn  nữa, hãy hy sinh tự ái để đem đến cho Mẹ những gì Mẹ cần, làm cho cả Bố lẫn Mẹ đều cảm thấy cần nhau hơn, mà không thể tách rời được nữa. Hãy hoà hợp khoan dung lẫn nhau, và thoả mãn với cái gì đang có. Hãy luôn luôn dành cho nhau trọn vẹn tình yêu giữa vợ chồng vì khi trao nhau nhẫn cưới cách đây 53 năm thì Bố Mẹ đã có ước thề là sẽ hiến dâng thân xác và tinh thần cho nhau dù là trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào. Và rồi luôn luôn tận tình chăm sóc lẫn nhau để sẽ cùng nhau sống thoải mái về tinh thần và thể chất dù chỉ là một cử chỉ cầm tay thân ái, có khi chỉ một miếng ăn ngon lành, một nụ hôn nhẹ lên má… Dạo này con thấy trước khi đi ngủ Mẹ thường ôm Bố vừa hôn vừa nói: “Bonne nuit, chéri, je t’aime!” và Bố cũng làm như vậy. Thật quá đẹp. Ít người ở tuổi này mà còn làm được như vậy. Phải chăng cả Bố lẫn Mẹ vì xuất thân từ trường Tây mà làm như vậy? Hãy khoan dung tha thứ cho nhau vì mỗi người đều có những lỗi lầm lớn nhỏ, và đừng khó dễ với nhau. Bố đã chịu khó tự mình làm đồ ăn sáng và nấu nướng thay vì chờ Mẹ làm như trước kia. Cả Bố lẫn Mẹ hãy cùng lắng nghe nhau để hiểu tâm sự vui buồn của nhau rồi cùng tiếp tay nhau giải quyết. Xét ra, có hôn nhân nào mà chẳng có những mâu thuẫn, bất hoà, mà giải quyết những bất hoà đó đòi hỏi có sự thường xuyên đối thoại với nhau, hòa hoãn, và từ đó nhường nhịn với nhau. Đừng có Bố nói thì Bố nghe, Mẹ nói thì Mẹ nghe, vì người bình dân ta hằng ví rằng: Đạo vợ chồng khó lắm bạn ơi, chẳng dễ như ong bướm, đậu rồi lại bay. Và liệu có nên áp dụng cái phương thức dân gian: Một người giận, một người làm lành, miệng cười hớn hở rằng mình giận chi. Để cho: Đôi chồng vợ ra vào khắng khít, mắm muối mà vui, và vợ chồng cùng an hưởng tuổi vàng, coi mỗi ngày của những năm tháng bên cạnh nhau là một ngày lễ. (Có mượn mà không xin phép trước một vài góp ý của Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức trong đoạn này. Xin lỗi và cám ơn Bác Sĩ)

Bố Mẹ ơi,

Con xin Bố Mẹ hãy giúp anh Bảo và con có được một mái ấm gia đình giống như mái ấm gia đình của các Bác cũng như của chính Bố Mẹ nhé.  Chúng con cũng chỉ có một Bố một Mẹ thôi. Bố cũng có nói với con ước mơ về Việt Nam để hàng ngày đi thắp nhang cho các mộ phần các Chiến Sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà tại Nghĩa Trang Quốc Gia Quân Đội Biên Hoà khi không còn bóng Việt cộng nữa, rồi khi chết thì thiêu, lấy tro cho vào hai hũ, một chôn tại nghĩa trang Quân Đội Biên Hoà này bên cạnh những người đồng đội của Bố, phần còn lại đem trải tại quê hương thứ hai trong lòng Lake Lady Bird.

Con dâu và cũng là con gái của Bố Mẹ không dám chúc Bố Mẹ trường thọ, vì không dám thay Trời mà lộng ngôn, nhưng con và anh Bảo chỉ mong sao có cơ hội phụng dưỡng Bố Mẹ càng lâu càng tốt, để phần nào bồi đắp những công lao lớn như biển cả mà Bố Mẹ đã dành cho chúng con và hai cháu của Bố Mẹ.

Nay Kính, 
Lê Hoàng Đỗ Bảo,
Lê Kiều Yến,
Lê Hoàng Anh Nguyên
Lê Hoàng Nam

2 comments:

  1. Một gia đình hạnh phúc, nề nếp, mẩu mực đáng ngưỡng mộ. Con hiền dâu thảo cháu ngoan hiếm có trong thời đại này.
    Xin chúc mừng tác giả. Kính chúc toàn gia một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự cát tường.
    NPN

    ReplyDelete
  2. Cám ơn chị NPNchuyển, bài viết về gia đình thật hay và nhiều cảm động.Cám ơn tác giả Lê Hoàng Ân thật nhiều.
    Hồng Thúy

    ReplyDelete