Pages

Wednesday, February 14, 2018

Tìm Kiếm: Phước Lộc Thọ! - Huỳnh Quốc Bình

Ba chữ “Phước, Lộc, Thọ” rất quen thuộc với người Việt Nam chúng ta. Tại thành phố Westminster, California có một trung tâm thương mại mang tên “Phước Lộc Thọ”. Ai đến thành phố này cũng hay thăm viếng cho biết và nhân tiện mua sắm những món quà kỷ niệm, hoặc thưởng thức những món ăn thuần tuý của người Việt Nam. Trước trung tâm này có để ba pho tượng của ba ông Phước, Lộc và Thọ.. Các pho tượng có kích thước ngang ngửa với con người thật. Được biết, người ta đặt ba pho tượng đó ở nơi cửa chính để tạo sự chú ý của mọi người. Vì hình ảnh này mang biểu tượng của “phước hạnh”, “tài lộc” và “trường thọ” dành cho những ai tin điều đó.
Mua bán các pho tượng: Không riêng gì trung tâm thương mại này. Nhiều nơi khác cũng có những trung tâm mang giống tên và đặt để ba pho tượng tương tự. Một số tư gia của người Việt Nam hay Á đông cũng trưng tượng Phước Lộc Thọ nữa. Các pho tượng lớn hay nhỏ tuỳ theo túi tiền của gia chủ. Mà ba ông này là ai, quyền năng thế nào thì con người còn mơ hồ lắm. Hầu hết ai muốn có tượng để trưng bày trong nhà hay cơ sở thương mại của họ thì phải mua từ các cửa hàng tạp hoá, chứ không phải miễn phí. Vào mùa Tết, tượng ba ông, loại kích thước lớn, được một số cơ sở thương mại để đầy ngoài sân. Điều “phũ phàng” là ba ông phải chịu cảnh mưa gió, bão bùng, hoặc bụi bám nhện giăng… chờ chủ nhân bán hạ giá (on sales) cho khách hàng mang về trưng hay thờ. Tôi thấy trên Internet có những quảng cáo bằng tiếng Việt mà người ta cho là “cực sốc”. Quảng cáo ấy như sau:“Khuyến mãi cực sock sale 30% – 40% cho tất cả tượng… Phúc-Lộc-Thọ, Thần Tài- Thổ Địa”. 
Ngay cả Đức Phật mà còn khẳng định rằng Ngài không thể ban phước hay giáng họa, Ngài chỉ có thể chỉ đường cho chúng sanh tu… Vậy mà không ít người mua mấy pho tượng nêu trên mang về đặt trong nhà khấn vái để xin “phước- lộc-thọ”, thật là khó hiểu. 
Có một vài tài tiệu cho rằng, người dân xứ Tàu cộng có cách trưng bày tượng Phước-Lộc-Thọ với đủ kích thước và chất liệu khác nhau. Gia đình giàu có thường đặt những pho tượng Phúc, Lộc, Thọ rất lớn ở tiền sảnh. Gia đình trung lưu dùng tượng bằng gốm sứ, sơn màu sáng và đẹp, hoặc làm bằng vật liệu quý như ngà voi, vàng, với mong muốn cuộc sống sẽ gặp nhiều may mắn… Đọc tới đây chắc quý độc giả cũng sẽ đồng ý với tôi rằng: Giới nghèo khổ, tiền bạc không có, phải chạy từng lon gạo mỗi ngày mà nếu phải mua hay tạo thêm ba pho tượng của Phước- Lộ-Thọ cho gia đình mình, thì chắc chắn phải nghèo thêm. 
Con người yếu đuối bất toàn là như vậy đó, họ không chỉ mong đợi “phước, lộc và thọ”, nhưng họ cũng mê tín, dị đoan nhiều thứ lắm. Chính sự mê tín và dị đoan đã khiến con người thiếu sự khôn ngoan đáng lẽ họ phải có từ Đấng Tạo Hóa. Đạo của nhiều người Việt Nam là đạo thờ Trời, hiếu kính Cha Mẹ, Ông Bà, Tổ Tiên, chứ đạo hay văn hoá của nhiều người Việt Nam không phải những loại mê tín, dị đoan do kẻ thù truyền kiếp từ phương Bắc của dân tộc Việt Nam mang vào để áp đặt trong suốt ngàn năm chúng đô hộ người Việt, và cố tạo sự ngu muội cho dân tộc chúng ta.
Ý nghĩa của pho tượng Phước, Lộc, Thọ, hoặc ba chữ Phước, Lộc, Thọ: Đây là ba chữ Hán hay quốc ngữ.. Ba chữ này được tóm gọn ước mơ của con người, và nó thường thấy xuất hiện trên một số thiệp chúc Tết, hoặc lịch Tết. Người ta cũng đúc tượng hay tạc tượng ba ông Phước, Lộc và Thọ để mong được giống ba ông.
Tượng ông Phúc (Phước): Thời xưa, lúc chưa có cơ giới thì con người phải làm việc bằng sức người, cho nên gia đình nào có nhiều con là có phước. Dù họ có thể sử dụng trâu bò để thay người kéo cày thì cũng phải có con người điều khiển và hình ông Phúc bế đứa bé là tượng trưng cho sự đông con.
Tượng ông Lộc: Ông Lộc tượng trưng cho quyền lợi. Nói đến quyền lợi thì phải có cái lộc. Muốn có lợi và lộc thì thường phải làm quan, bởi quyền có cao thì lộc mới trọng. Do đó hình hay biểu tượng ông Lộc có cái mão cánh chuồn, cùng với trang phục sẵn sàng để chầu vua trong Triều Đình.
Tượng ông Thọ: Thọ là biểu tượng của sự sống lâu. Hình ông Thọ tay cầm gậy, tay kia cầm trái đào, trán hói, người thấp, ông ăn đào Tiên để sống lâu trăm tuổi.
Biểu tượng Phước Lộc Thọ đối với một số người cho là điều tích cực, tốt lành, may mắn…là ước mơ của con người. Nhắc đến điều này khiến tôi nhớ đến anh chị em của tôi hơn mười năm trước, lúc họ còn ở Việt Nam, họ gửi hình cho chúng tôi xem cho đỡ nhớ thương sau bao năm xa cách. Chúng tôi thấy trong nhà của họ cũng có các pho tượng Phước Lộc Thọ và nhiều trang thờ “ông thần tài”, “ông địa”, “ông tà” và “ông táo” v.v… Nhưng thật đáng thương, bởi anh em chúng tôi tại hải ngoại phải thường xuyên gửi tiền về trợ giúp cho anh chị em còn kẹt lại quê nhà có thể vượt qua cảnh nghèo đói, cho dù họ cũng có ba ông Phước, Lộc Thọ hay “Thần Tài” trong nhà.
Đó là chuyện Phước-Lộc-Thọ của thế gian, còn trong lẽ đạo của Chúa thì sao? Những ai chưa từng đọc Thánh Kinh nên không biết Chúa phán dạy điều gì thì không nói làm chi. Riêng con dân Chúa hay những ai đang tìm hiểu về sự cứu rỗi của Chúa, xin đừng biến Thiên Chúa thành một loại “thần tài” hay “lang băm” của thế gian. Đừng xác định phước hạnh của Chúa qua phương cách đo lường về vật chất đời này; và cũng đừng tìm kiếm Nước Trời bằng các loại chữa bệnh theo kiểu, “đụng té”, hay “xô ngả” của mấy ông bà “trời con” cho người bệnh được “lập tức hết bệnh”, nhưng rồi sau đó lại phải đem chôn, còn linh hồn của người bệnh thì không được giải thích rõ là sẽ về đâu? 
Thật sự thì Thánh Kinh có hé mở cho con người thấy rõ đường lối mà Ngài muốn con người tìm kiếm. Không phải lợi lộc của trần gian, mà là sự bình an vĩnh cửu của Nước Trời: “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Ðức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.” (Ma-thi-ơ 6:33). Đây là mới điều mà con người cần tìm.
Nụ cười đầu năm: Nói đến chuyện kiêng cử theo kiểu mê tín, dị đoan, tôi có “nhặt được” một bài Thơ vui, xin tặng quý độc giả trước khi tôi kết luận. Bài Thơ vui có tiêu đề: “Nụ cười đầu năm”. 
“Tết đến nhà kia đủ thứ kiêng.
Sắm chi cũng sợ gánh ưu phiền.
Mua chuối: sợ làm ăn khó “ngóc”.
Mua lê: sợ mách lẻo xóm giềng.
Mua bom: sợ suốt năm toàn “nổ”.
Mua xoài: sợ thiếu thốn triền miên.
Mua cam: sợ âm thầm chịu đựng.
Mua táo: sợ rồi… bón cả niên….
Mua dưa cũng sợ dây dưa mãi.
Bánh tét sẽ bị rách cả năm.
Sầu riêng càng nên không dám rớ.
Măng cụt thì bị ngẹt ngõ ra.
Ngoài ra cần cử trái thanh long.
Bởi vì vận số sẽ long đong.
Trái tắc lại càng nên kiêng đấy.
Bế tắc mọi điều xui cả năm.
Bánh ít không được ăn ngày Tết.
Cử gì đây nữa hỡi người ơi!!!
Xuân đến Xuân đi, ba ngày Tết.
Đỡ lo bánh trái, mừng ra phết.
Thôi thì ta chưng hoa với quả.
Cầu Vừa Đủ Xài khỏi lo xa!
Kết luận: Phước trong Chúa không phải là sống trong nhà lầu to lớn, chạy xe sang trọng thì mới gọi là phước, nhưng phải theo đuổi tám phước lành mà Chúa đã dạy. Tám cái phước đó ra sao, dịp khác tôi sẽ luận thêm từ Kinh Thánh. (Phúc Âm- Ma-thi-ơ 5:3-10).  Tám phước này tuy “khó nuốt” thật, nhưng đó là thức ăn thuộc linh cho sự sống đời đời.
Lộc trong Chúa không phải là ngoài đời thì làm quan, trong đạo thì phải làm sư, làm thầy theo kiểu ngồi trên đầu trên cổ người khác, mà là để phục vụ con người hay hầu việc Thiên Chúa, để cho dù ở vị trí nào cũng phải chu toàn vị trí đó.
 Thọ trong Chúa, không phải là lột da sống đời. Đời này là cõi tạm, cho nên đừng chỉ vì muốn thoả mãn nhu cầu xác thịt mà quên mất linh hồn của mình. Thọ trong Chúa là sự sống đời đời trên Thiên Quốc. Do đó, chúng ta cần tìm kiếm “phước lộc thọ” theo tiêu chuẫn của Chúa, chứ không phải của con người yếu đuối, bất toàn trên trần gian này.
Huỳnh Quốc Bình
P.O. Box 20361
Salem, OR 97307. USA
(503) 949-8752

No comments:

Post a Comment