Pages

Wednesday, March 28, 2018

Bao Giờ Việt Nam Hết Bệnh? - Nguyễn-Xuân Nghĩa


Việt Nam sẽ có tự do khi hết bệnh tâm thần phân liệt.
Nhìn lại 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, người ta có thể tự hỏi là đến bao giờ Việt Nam mới có tự do? Ðấy là câu hỏi chính đáng vì vào năm đó, nền tự do mong manh của phân nửa đất nước cũng cáo chung cùng chiến tranh.

Bài này sẽ nói về tương lai – ở sau lưng nước Việt. Và sẽ không thoa nước đường để ru ngủ.

Chân trời lý tưởng
Từ nhiều thế kỷ rồi, người ta đã luận giải về chữ “tự do.” Không định nghĩa nội hàm của tự do thì khó suy đoán ra diễn biến và thời điểm của việc đất nước Việt Nam sẽ có tự do. Vì vậy người viết xin đi từ một phương hướng khảo cập (approach) khác. May ra, khảo hướng này sẽ giúp ta tìm ra câu trả lời. Ðầu tiên, xin vẽ ra một “chân trời lý tưởng” cho đất nước để biết là mình muốn đi đâu.
Việt Nam cần một xã hội cởi mở về tư tưởng.
Cởi mở là khi người dân không bị chế độ cai trị áp đặt một thứ “chân lý độc quyền.” Ðộc quyền chân lý là khi có ai đó cho rằng mình duy nhất đúng và cấm xã hội nghĩ khác.

Nạn độc quyền chân lý là bước đầu của hệ thống toàn trị (totalitarian) vì tư tưởng chi phối mọi lãnh vực sinh hoạt của con người, từ tư duy đến hành động. Nếu kéo dài quá lâu, là hoàn cảnh của Việt Nam, nạn độc quyền chân lý làm thui chột sự sáng tạo, tiêu diệt khả năng suy nghĩ độc lập và làm mất cơ hội tìm ra giải pháp khác cho cuộc sống. Khi ấy, quyền tự do có thể là lang thang trong vô định.

Nếu ra khỏi nạn độc quyền chân lý do đảng và nhà nước đặt ra thì xã hội mới có thể tiếp nhận, thử nghiệm, đánh giá và áp dụng các tư tưởng khác để tìm ra giải pháp tốt đẹp – hoặc ít ra là ít tệ nhất. Cho nên, Việt Nam chỉ có tự do khi người dân có tự do về tư tưởng và chấp nhận sự suy nghĩ dị biệt.

Tai họa ngày nay có những nguyên nhân quá sâu xa khiến cho trong thế kỷ 20 dân ta không tìm ra giải pháp thỏa đáng cho hai nan đề lớn của quốc gia: không có độc lập và lụn bại dần khi so với các dân tộc khác. Trong hoàn cảnh ấy, Việt Nam mới lầm lạc ngả theo chủ nghĩa Cộng Sản.

Sau cuộc tương tàn trong một trận chiến dài nhất thế kỷ 20 với quá nhiều tổn thất, dân ta đi vào thế kỷ 21 mà vẫn không có độc lập và chẳng có cơ hội canh tân đất nước để theo kịp đà tiến hóa của các dân tộc khác.

Nạn độc quyền chân lý kéo dài còn khiến đa số người dân không ý thức được rằng quốc gia đang tụt hậu so với các nước khác trên thế giới. Nhìn vào sự lạc quan vênh váo của những kẻ tương đối có học nhất, ta phải thấy ra điều ấy. Tình trạng mất ý thức tụt hậu cũng là một cản trở lớn.

Thứ hai, từ quyền tự do tư tưởng, hãy bước tới cách tổ chức xã hội.
Trong các giải pháp cho tương lai, nguyên tắc dân chủ về chính trị không là lý tưởng mà chỉ là phương thức tổ chức sinh hoạt ít tệ hại nhất. Con người ta không thể có phương thức chính trị toàn hảo khả dĩ giải quyết được mọi vấn đề, cho nên mới phải chọn lựa và dung hòa. Xã hội cởi mở và chấp nhận dị biệt sẽ tạo điều kiện cho việc tìm kiếm và áp dụng giải pháp tối hảo mà không toàn hảo. Bảo rằng nếu có dân chủ nước ta sẽ khá là một sự hiểu lầm hay lừa mị, vì dân chủ không thể là mục tiêu mà chỉ là một cứu cánh.

Nhưng cứu cánh đó, nguyên tắc dân chủ, là cái gì – Dân chủ là sự bình đẳng của mọi người trước pháp luật.
Xã hội cởi mở về tư tưởng và bình đẳng về quyền lực là điều kiện tiên quyết cho dân chủ. Pháp luật đó là do người dân làm ra và liên tục cải tiến qua người đại diện của mình. Người đại diện cho dân để thiết lập hệ thống pháp quyền áp dụng đồng đều cho cả nước chỉ là lãnh đạo nhất thời. Họ được người dân chọn lựa, truất phế hay/và thay thế.
Khi có xã hội cởi mở và chính trị dân chủ, người Việt sẽ tìm ra giải pháp thỏa đáng, không tất nhiên là lý tưởng, để vượt qua những thách đố bao giờ cũng có mà lại thường xuyên đổi thay.

Cho nên, cái chân trời lý tưởng của chúng ta khởi đi từ một thực tế không lý tưởng: con người không có giải pháp toàn hảo mà phải tìm kiếm, thử nghiệm và cải sửa. Ai nói rằng ta có giải pháp thần diệu, luôn luôn đúng và không thể phê bình hay cải tiến, người ấy có tinh thần độc quyền chân lý, tức là độc tài.
Sau khi phác họa ra cái hướng mình muốn đi, ta hãy trở về thực tế. Thực tế ấy là một trường hợp bệnh lý. Là bệnh tâm thần phân liệt.

Tâm thần phân liệt

Việt Nam bị bệnh mãn tính và nguy kịch mà không biết.
Y khoa có chỉ ra đôi điều về bệnh tâm thần phân liệt, hay “schizophrenia,” còn được gọi là phân tâm loạn trí. Bệnh nhân có nhận thức lệch lạc về thực tại, sống tách rời khỏi thực tế, lấy ảo giác làm sự thật và tin vào nhiều mâu thuẫn, vì thế lại có phản ứng thất thường và nguy hại cho bản thân – mà vẫn không hay.
Xin hãy từ những hiểu biết phổ quát về khoa thần kinh tâm lý mà áp dụng vào trường hợp xã hội Việt Nam.

Chúng ta hãnh diện là người Việt Nam, tin vào “bản sắc dân tộc” vậy mà chẳng định nghĩa được bản sắc đó là gì. Một cách lờ mờ thì lại mượn nhiều nét văn hóa của Trung Hoa về làm “quốc giáo,” là niềm tin cao nhất, ngang hàng tín ngưỡng. Ðấy là một hiện tượng độc quyền chân lý “bất khả tư nghị,” không thể bàn cãi, từ tư tưởng đến tổ chức giáo dục và chính trị.

Qua nhiều thế kỷ, chúng ta sống trong trạng thái bối rối ấy, đến khi gặp thách đố – bị vài xứ Âu Châu vào dạy ta về một chân lý khác – thì không đối phó được sau một phần tư thế kỷ đấu tranh, từ 1859 đến 1883. Vì lui về bản sắc thì bất lực nên nhiều người ra ngoài tìm khí giới mới về tư tưởng và học thuật để giải quyết vấn nạn.
Khi ấy, dân ta bị thêm một tai họa nữa là nạn độc quyền chân lý của Cộng Sản.
***
Trong cả trăm năm, từ khi bị Pháp tấn công, xâm chiếm và cai trị, nhiều thế hệ của dân ta cùng theo đuổi hai mục tiêu song hành mà dính liền như hai mặt của một đồng tiền, là độc lập chính trị và canh tân xã hội. Vì xã hội không được canh tân nên mới mất chủ quyền và vì quốc gia không có độc lập nên không thể canh tân theo cái hướng có lợi cho đất nước.

Trong cuộc đấu tranh ấy, nhiều nhà cách mạng đã chấp nhận tinh thần cởi mở, cùng hợp tác mà tương dung sự khác biệt chứ không coi nhau là kẻ thù. Ðiển hình là phải có độc lập rồi mới canh tân được như theo Phan Bội Châu. Hoặc ngược lại, phải duy tân thì mới giành lại được độc lập, là lý luận của Phan Chu Trinh. Người Cộng Sản xuất hiện thì đòi làm cả hai. Nhưng trước hết là tiêu diệt bất cứ những ai nghĩ khác, ở trong đảng và trong nước.
Rồi họ chọn giải pháp tệ hại nhất cho dân tộc. Ðó là “quốc tế giáo” của ngoại bang.

Cho nên khi các nước thuộc địa Ðông Á đều giành được độc lập thì Việt Nam vẫn bị nạn đao binh tương tàn, cho quyền lợi ngoại bang, không là Liên Bang Xô Viết lại là Trung Cộng. Ðấy là trường hợp bệnh lý tâm thần từ đầu não khi tưởng mình là cái này mà lại làm điều kia!

Xin nhắc lại, con bệnh phân liệt tâm thần ưa có hành vi trái ngược mà bao giờ cũng cho là đúng.
Trong chế độ toàn trị thì cả nước mắc bệnh vì phải tin và nói rằng đảng đi đúng hướng dù đi ngược với những gì người dân đang thấy ở ngoài đời. Ðảng dối trá làm người dân cũng dối trá và cùng gọi đó là “đạo đức cách mạng” với hai ý trái ngược!

Tình trạng phân tâm, sống trong hai trạng thái trái ngược, nổi bật ở hai khía cạnh “xóa” và “xây.”
Từ lý luận, chủ nghĩa Cộng Sản không thể định nghĩa “xây dựng xã hội chủ nghĩa” là gì. Nhưng người Cộng Sản lại được dạy là muốn xây dựng cái mới thì phải xóa bỏ cái cũ qua tiến trình “cải tạo.” Sự phân liệt tư duy ấy mới dẫn đến một nghịch lý kinh hãi trong mọi chế độ Cộng Sản.

Khi đảng nói “xây dựng” thì đấy là lúc ra tay tàn phá – mà thế giới và nhất là người Mỹ lại không hiểu. Khi kinh tế suy sụp thì đảng phải sửa sai, không để xây dựng mà để tìm phương tiện bảo vệ chế độ. Vì vậy, thành phần bảo vệ chế độ là công an, vốn có nhiều thông tin nhất về sự lụn bại ở dưới, đều có vẻ thực tiễn hơn thành phần lý luận đầy ảo giá cỡ trên, nên càng dễ lừa được thế giới.
Nhưng bao giờ việc xóa bỏ cũng dễ hơn xây dựng nên tiến trình cải tạo tại Việt Nam là sự xóa bỏ triệt để, làm kinh tế kiệt quệ, xã hội khủng hoảng và quốc gia lại trôi vào một tranh chấp nữa, giữa hai nước lãnh đạo Cộng Sản, giữa Liên Xô và Trung Quốc.

Nói về tranh chấp là nhìn ra một sự phân liệt hai mặt khác.
Ban đầu, người Cộng Sản tranh đấu cho Quốc Tế Cộng Sản của Liên Xô mà gọi đó là đấu tranh vì độc lập dân tộc, bên trong là thanh trừng nội bộ cho độc quyền chân lý. Giữa cuộc chiến ngụy danh độc lập, lãnh đạo đảng lại chống Liên Xô vì chủ trương “xét lại” của Moscow, đòi tiến hành cải tạo theo kiểu Mao Trạch Ðông và sát hại bằng vu cáo tội chống đảng bất cứ ai không đồng ý với chủ trương ấy.

Sau đó, người dân miền Bắc là công cụ của đảng và đảng là công cụ của hai cường quốc Cộng Sản để thúc đẩy chiến tranh trên cả nước. Rồi khi đã thắng miền Nam thì vừa cải tạo làm cho cả nước tan hoang lại vừa lao vào một cuộc chiến khác tại Cam Bốt khiến Trung Quốc càng có lý cớ xâm lược. Khi Liên Xô tan rã thì từ năm 1991, đảng lại tìm chỗ tựa ở Bắc Kinh mà hy sinh cả độc lập.
Ðã vậy, bệnh phân liệt tâm thần mãn tính trở thành nguy kịch với tiến trình “đổi mới.”
***
Vì duy ý chí, giỏi xóa hơn xây mà chẳng biết xây cái gì thì đúng, sau 1975 đảng làm xứ sở kiệt quệ, lại còn phao phí tài nguyên cho 10 năm chiếm đóng Cam Bốt. Khi chế độ khủng hoảng thì đảng biết mình sai mà chẳng biết thế nào là đúng.

Ðại hội VI vào cuối năm 1986 mở ra năm năm “đổi mới” (Kế hoạch Năm năm 1986-1990) mà chủ yếu chỉ là nới lỏng bàn tay kiểm soát và bóc lột để dân chúng ở dưới có một chút tự do về kinh tế hầu nhà nước còn có thể trưng thu. Nội dung vẫn chỉ là một tập hợp của nhiều khẩu hiệu không thực chất. Nhưng về lý luận thì vẫn là hiện tượng tâm thần phân liệt – vì đảng vẫn có lý.

Ðấy là lúc xã hội có một chút thay đổi từ dưới lên, gần như tự phát.
Khi các nước Ðông Âu vùng dậy và Liên Xô tan rã (1989-1991) thì đảng ôm lấy Trung Quốc từ mật nghị tại Thành Ðô của tỉnh Tứ Xuyên: tiến hành đổi mới có bài bản hơn, từ trên xuống. Và lại tiếp tục bệnh phân liệt thần kinh.

Chủ nghĩa Cộng Sản đã phá sản và kinh tế thị trường mới là giải pháp phổ quát cho toàn cầu. Ðảng phải áp dụng giải pháp đó – mặc nhiên công nhận sự bất lực của xã hội chủ nghĩa – nhưng lại dùng kinh tế thị trường để… xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bệnh tâm thần được che giấu dưới khẩu hiệu “kinh tế thị trường theo định hướng nhà nước” rồi “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà chẳng ai biết được hoặc nói ra định hướng đó là gì.

Họ không thể nói ra vì định hướng thật chỉ là theo Trung Quốc để bảo vệ quyền lực đảng – và quyền lợi đảng viên. Nghĩa là con bệnh tiếp tục có hành vi đi trái lời nói. Lại còn bắt cả nước phải theo cái chân lý quái đản ấy và đàn áp những ai nghĩ khác, nói khác.
Nhìn như vậy thì hiện tượng tâm thần phân liệt đã có từ đầu nguồn, gần một thế kỷ trước, khi đảng Cộng Sản được thành lập dưới nhiều tên gọi khác nhau, cho những mục tiêu trái ngược với tôn chỉ. Rồi đảng tiếp tục qua thời chiến đến thời bình với hai diện phân thân đã thành truyền thống, nói một đàng làm một nẻo.
Kết cục thì tương lai của đảng cũng là một sự phân tâm loạn trí – mà họ cho là rất sáng.

Các đảng viên chỉ có thể thăng quan tiến chức nhờ cái tài rất gần với bệnh lý học. Khi họ lên tới đỉnh thì đóng gông cả nước vào cái khung “bốn tốt – 16 chữ vàng” của Bắc Kinh để nắm giữ quyền lực, mà tích cực trưng thu và rút ruột cả nước để chiếm đoạt tài sản – rồi tẩu tán ra ngoài
Bệnh phân liệt tâm thần này dẫn đến một tình trạng phân công lao động bi hài.

Bắc Kinh bảo vệ và răn đe chế độ tại Hà Nội, đảng bảo vệ quyền cướp nước của Bắc Kinh. Trung Quốc có cướp phá – cướp ở ngoài và phá ở trong – Việt Nam vẫn nín thinh. Còn đảng viên thì có sẵn tài sản và bãi đáp ở nước ngoài cho con cái, để khi ra ngoài thì chúng cũng ăn nói hỗn hào và phét lác như cha mẹ. Ðược cái là có tiền.
Bệnh tâm thần phân liệt không là một chứng tật truyền nhiễm, hay lây, mà là một bệnh từ trên truyền xuống. Truyền đây là tuyên truyền, là mệnh lệnh.
***
Y khoa có thể nói đến hiện tượng di truyền di chủng, khoa học xã hội chỉ ra một hiện tượng khác: di truyền chính trị xuất phát từ ách độc tài.
Chúng ta đừng tự ái. Một dân tộc văn minh như người Ðức vẫn có thể chấp hành chủ nghĩa Ðức quốc xã và có hành động diệt chủng. Người Nga có văn hóa vẫn có thể vì chủ nghĩa cộng sản mà tiêu diệt văn hóa của mình. Họ sống trong tình trạng phân liệt, làm trái với bản năng hay thiên lương mà vẫn nghĩ rằng đúng.
Việt Nam cũng không khác.

Trong cái thế phân công của cõi phân tâm toàn quốc, người dân vẫn phải tin, nghĩ và ít ra nói là ta đã có tự do hơn trước, trong một nước độc lập mà chẳng có chủ quyền và quyền dân lại càng không có vì chưa từng có. Nhưng mọi người vẫn cứ làm như thật và linh động thỏa hiệp với thực tế quái đản mà đau lòng để giành được một chút quyền lợi cho bản thân và gia đình. Nếu họ thành công trong màn kịch đó thì còn có hy vọng cho con cái đi học ở bên ngoài để có một tương lai khá hơn quá khứ của họ.

Quyền tự do có hạn chế chỉ làm nảy sinh phản ứng tiêu cực – là tự do làm bậy. Xóa dễ hơn xây vốn là quy luật tự nhiên. Vì vậy, người thành công về tiền tài lẫn tinh thần trong bệnh xá mênh mông này chỉ là thiểu số.

Ða số thì sống trong xã hội băng hoại luân lý, đạo đức và kỷ cương. Ðiều ấy cũng hợp quy luật vì chế độ độc tài chỉ có thể tồn tại nhờ cái xấu ở bên dưới. Công an chỉ khác với đầu gấu ở bộ đồng phục trong một xã hội đen đang tràn ra ngoài và hòa vào màu đỏ của đảng. Mọi người đều than, rồi im.
Hóa ra người dân cũng mắc bệnh tâm thần phân liệt mà chẳng biết. Thậm chí còn nghĩ rằng đấy là lẽ sinh tồn của kẻ khôn ngoan biết giữ im lặng để tránh hủi!

May là một số người đã can đảm nhìn lại, nói ra và viết xuống về những gì xảy ra từ thời 1945. Họ nối nhịp cầu với người Việt ở hải ngoại và nhờ đó tác động ngược vào trong nước qua phương tiện truyền thông để cảnh tỉnh đồng bào. Nhưng vẫn còn bức tường trùng điệp của hệ thống chân lý nhà nước. Và cả sự thờ ơ của những người mắc bệnh.
Tương lai rồi sẽ ra sao?
***
Từ 1975 đến nay, hai thế hệ đã xuất hiện tại Việt Nam và có chung một điểm: biết rất ít về quá khứ thật vì lịch sử đã bị xóa bỏ. “Chúng ta không có lịch sử” là lời than của một trí thức tiến bộ ở trong nước. Nghĩa là nhận thức về lịch sử của lớp trẻ được “cải tạo” ngay từ sách báo và giáo trình, chỉ tập trung vào công lao của đảng. Lớp trẻ được đi học cũng chẳng nhớ gì về 10 năm khủng hoảng của “xây dựng chủ nghĩa xã hội” sau 1975, và lý do tại sao. Nhưng họ rất mừng là nước nhà đã “đổi mới,” còn coi đó là một sự sáng tạo của đảng.
Một triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt là nhận thức lệch lạc về thực tế. Ðảng đã cấy bệnh đó vào trí não của giới trẻ.

Về chuyên môn thì Việt Nam đào tạo ra một thế hệ trẻ có hiểu biết hơn cái thời cha ông phải học lý luận Mác-Lenin. Họ đang có cơ hội làm việc với đồng lương khá hơn cha mẹ thời xưa, nhưng với đa số, ý thức chính trị thì viển vông nông cạn. Lỗi không tại họ vì các em cũng mắc bệnh tâm thần phân liệt – mà không biết.

Chúng ta có một lớp trẻ thành thị biết rất rõ về mọi trào lưu hưởng thụ của thế giới, thậm chí tôn sùng các thần tượng âm nhạc hay phim ảnh Hàn quốc, Mỹ quốc, mà không biết gì về sự thật lầm than ngay trong xã hội. Không ít người chỉ mong được xuất ngoại đi học, và trăm người đi được thì có bao nhiêu người trở về để sẽ thành rường cột cho đất nước trong thập niên tới? Rất ít.

Một thiểu số ưu tú hơn cả đã hiểu ra điều ấy nên từ bỏ sự an toàn và tính giả dối.
Họ tranh đấu cho quyền làm chủ thật sự của mọi người và xuống đường lên tiếng khi chủ quyền quốc gia bị Trung Quốc xâm phạm. Họ bị chế độ đàn áp, cầm tù bằng thủ đoạn bẩn thỉu. Nhưng chuyện ấy lại xảy ra trong sự thờ ơ không biết hoặc không cần biết của người đồng tuổi.

Các thế hệ đi trước thì đã cúi đầu rồi. Duy nhất có khả năng thay đổi là lớp trẻ về sau. Việt Nam chỉ có tương lai là ở thành phần này. Nhưng họ chỉ có tương lai khi ý thức được hiện tượng tâm thần phân liệt ngay trong trí não của mình. Cho nên câu trả lời cho ước vọng bao giờ ta có tự do là một sự dè dặt.
Bao giờ các em ra khỏi ảo giác và nhìn vào những người đang hy sinh trong lao tù vì tự do cho các em?

Nguyễn Xuân Nghĩa

No comments:

Post a Comment