Pages

Sunday, March 18, 2018

Năm Mươi Ba Năm - Lê Hoàng Ân


Đây là câu chuyện của một mối tình tầm thường và bình thường, nhưng đối với tôi, đó là một câu chuyện vĩ đại nhất, vì đó là mối tình lẩm cẩm của vợ chồng chúng tôi.

Chàng: Tôi sinh ra và sống ở ngoài Bắc, tại tỉnh Hải Dương vào cuối năm 1941. Khi tôi được gần 3 tuổi, gia đình tôi phải bỏ căn nhà ông bà nội cho bố mẹ tôi để đi tản cư, vì chiến trận Pháp và Việt Minh đã đến gần tỉnh. Trong mấy năm liền, chạy hết từ làng này đến làng khác, cho đến năm 1949 mới tìm được cách hồi cư về Hà Nội. Trên đường “dinh tê”, tôi ngây thơ hỏi mẹ tôi: “Mẹ ơi, thế này là chúng ta đi về một cuộc sống mới hả mẹ”. Sở dĩ tôi hỏi vậy là vì từ nhỏ cho đến lúc đó, chỉ ở nhà tranh vách đất, đèn dầu, ruộng đồng, không được học hành gì cả, vì chiến tranh càng ngày càng lan rộng, và chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng để chạy. Về tới Hà Nội, chúng tôi ở số 10 đường Bovet, sau này đổi lại là đường Yết Kiêu, là căn nhà mà ông bà ngoại cho mẹ tôi. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nhà gạch, mái ngói, đèn điện, và quả bong bóng. Mẹ tôi cũng được cả căn số 40 nữa. Lý do mẹ tôi có hai căn nhà là vì ông bà ngoại tôi trước kia làm Thượng Thư trong thời vua, nên có được nhiều căn nhà xây giống nhau tại đường này, và cho các con mỗi người hai căn. Căn số 40 mẹ cho chị cả tôi để làm bảo sanh viện vì chị tôi là nữ hộ sinh quốc gia. Chị hai thì ở đường Hàng Bông Thợ Nhuộm với chồng là Thiếu Tá Nha Sĩ trong Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Mới đầu, tôi đi học tại trường tiểu học Sinh Từ ở phố Sinh Từ, nhưng mới học được hơn nửa năm thì thày tôi (tôi gọi bố tôi là thày theo truyền thống gia đình) bảo nghỉ học và học tiếng Pháp với hai chị họ của tôi là chị Lạng và chị Yên. Đến đầu niên học mới, tôi thi tuyển vào trường Petit Lycée Roland, và đậu thứ 7 trên 102 học sinh được nhận vào lớp nhì ở trường tây này. 

Hết năm, thay vì lên lớp ba thì tôi thi nhẩy lên lớp bốn, rồi qua năm sau thi nhẩy lên lớp sáu học tại trường Albert Sarraut. Đây là năm đầu tiên tại trung học nên khá khó, vì thế mẹ tôi cho tôi ở nội trú đế bắt buộc phải hoàn toàn dùng tiếng Pháp 24/24 cũng như bắt đầu học tiếng Latinh và cả tiếng Anh. Mục đích học tiếng Latinh là sau này sẽ học về ngành thuốc. Lớp tôi học chỉ có 12 người thuộc ban cổ ngữ (classique), cho nên phải học chung với lớp sinh ngữ một (moderne 1). Giữa năm đó, năm 1953, có hai bạn từ giã chúng tôi để đi vào Sài Gòn, vì cha họ được lệnh thuyên chuyển vào đó làm việc. Đó là hai chị em Đỗ Bửu Khanh và Đỗ văn Ưng. Họ có cho địa chỉ để có gì thì liên lạc nhưng chẳng ai liên lạc cả, vì mới có 13, 14 tuổi, nhớ đó quên đó. Năm sau, 1954, hiệp định Genève ra đời, chia cắt đất nước, gia đình chúng tôi di cư vào Sài Gòn.

Nàng: Tôi sinh ra và lớn lên tại Svay Riêng bên Miên vào đầu năm 1945.  Tôi trải qua thời kỳ bé hon này một cách vui vẻ và rất sung sướng, vì có người làm hầu hạ, có bạn bè vui chơi, cho đến gần năm 1950 thì về Hà Nội, ở đường Phố Huế, và cả ba chị em chúng tôi vào trường Pháp học vì ba tôi là công chức nhà nước cho nên được nhận dễ dàng. Đến giữa năm 1953, gia đình tôi vào Sài Gòn nhờ ba tôi đổi vào trong đó làm việc. Tôi học trường Colette và khi lên trung học thì tôi học tại trường Lycée Marie Curie. Học hành vui vẻ và vô tư lự. Tôi được học thêm tiếng Anh khi tôi lên lớp sáu (sixième). Tôi ra trường thuộc niên khoá 1964.

Chàng: Khi vào tới Sài Gòn, vì hồ sơ chuyển từ Hà Nội vào nên tôi được nhận học tại trường trung học Pháp Lycée Chasseloup Laubat, sau này đổi thành Lycée Jean Jacques Rousseau. Tôi ra trường thuộc niên khoá 1960. Lên lớp tám (quatrième) tôi học thêm tiếng Đức, như thế ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt, tôi biết tiếng Pháp, tiếng Latinh, tiếng Anh và tiếng Đức. Năm 1958, tôi gia nhập hội hướng đạo Pháp vói tư cách là một tráng sinh. Thật là thoải mái. Những ngày cuối tuần là những ngày vui, vì đi cắm trại liên miên, lúc đi bộ, lúc đi xe đạp tới  Thủ Đức, Biên Hoà, Thủ Dầu Một, có lần đi cả Nha Trang nữa bằng xe lửa. Tôi quên không nói là thày mẹ tôi và tôi từ hồi vào Sài Gòn đều ở chung với gia đình chị hai của tôi ở đường Hai Bà Trưng nơi có phòng nha khoa của anh rể và văn phòng luật sư của chị hai. Đến cuối năm 1959, chợ Nancy (chợ Cộng Hoà sau này) bị cháy rụi. Toán tráng sinh của tôi tức tốc đến đó chữa cháy, như tâm nguyện của bất cứ người hướng đạo nào. 

Tôi bị phỏng nguyên cánh tay trái phải băng từ trên nách tới bàn tay. Vì chúng tôi nghĩ là ngoài việc đi quyên góp quần áo cũ cho những bạn hàng ở chợ, chúng tôi có thể cần phải giúp thêm họ nữa là tiền mặt. Do đó, chúng tôi nghĩ là nên mở một cuộc khiêu vũ có bán vé. Vì nhà tôi ở gần nhà bạn tôi là Ưng nên tôi sang gặp Ưng bán vé. Ưng hỏi tôi một câu mà sau này câu này đã giúp tôi có được một người vợ hiền và thương yêu tôi hết mình: “Mi đã có partenaire chưa?”. Tôi nói chưa. Ưng mới nói với tôi là: “Vậy thì mi dẫn em tao đi cho vui!.” OK. Có gì là không được đâu. Lúc đó tôi mới 19 tuổi, và nàng mới 15. Đến ngày khiêu vũ, tôi qua nhà Ưng đón nàng đi. Nàng nhẩy giỏi vì hay tụ tập với các bạn trong lớp để học nhẩy, còn tôi thì bù trất, cho nên nàng phải hướng dẫn tôi. Nguyên tối hôm đó, hai chúng tôi chỉ nhẩy với nhau. Và từ hôm đó, chúng tôi hay đi nhẩy với nhau ở những buổi khiêu vũ gia đình của bạn bè tổ chức. Ngày, tháng, năm trôi qua, chúng tôi như cảm thấy không thể thiếu nhau được. Và cho tới một ngày chúng tôi tỏ tình với nhau.

Nàng: Sau buổi khiêu vũ đêm Noël 1959 đó, mình chẳng cảm thấy gì, ngoài cảm thấy vui vui vì được lần đầu tiên nhẩy với một người con trai. Những lần sau, khi anh ấy rủ mình dự những cuộc khiêu vũ khác, thì mình cũng đi vậy thôi.  Nhưng rồi dần dần mình cảm thấy có một cái gì khác lạ trong lòng mình. Nếu lâu không gặp anh ấy thì mình thấy nhớ nhung, thiếu thốn. Phải chăng mình đã yêu?  Và anh ấy thì cứ tối tối ngồi trên sân thượng bên nhà anh ấy thổi kèn khẩu cầm những bài nhạc yêu thương, làm cho mình ngồi bên nhà mình cảm thấy vương vấn. Rồi hai người viết thư cho nhau ngày một, nhờ người bà con ở cùng nhà trao thơ cho nhau. Rồi hai người rủ nhau đi chơi, thường là đạp xe đạp lên phi trường Tân Sơn Nhất ngồi trên bãi cỏ tâm tình, rồi đến một ngày cùng nhau đồng ý thương yêu nhau để đến lúc khi lớn lên một chút nữa sẽ xin gia đình cho lấy nhau. Nụ hôn đầu tiên trong đời của cả hai người thật vụng về và đáng yêu làm sao! Tuy nhiên, vì là con gái nên có nhiều đàn ông con trai đeo đuổi. Mình được người thân giới thiệu mình với một anh chàng Đại Uý Công Binh, có tiền bạc, có danh vọng, có xe Vespa trong khi chàng của mình chỉ có xe đạp, không tiền bạc chi cả. Mình đi chơi với cả hai, vì chưa có gì ràng buộc mình cả, để tìm hiểu về tương lai. Cuối cùng mình về với chàng của mình, vì anh chàng kia không nói về cưới xin mà chỉ đòi hỏi mình phải dâng hiến chữ trinh cho anh ta, trong khi chàng của mình tôn trọng mình đến mức tối đa. Cả hai chúng tôi đều xuất thân từ trường Pháp, mà chàng thật nhút nhát. Không làm bất cứ gì có thể làm khó tôi (hurt me).
Sau Đảo chính cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, gia đình chàng sang nhà tôi xin được cho tôi về làm dâu nhà họ Lê. Vì biết là chúng tôi thương yêu nhau đã nhiều năm qua nên ba má không khó khăn gì, và chấp nhận, với một điều kiện là chàng phải có công ăn việc làm để sau này nuôi vợ nuôi con. Và rồi, sau khi chúng tôi trở thành vợ chồng thì nhận được tin là anh chàng Đại Uý kia đã chết vì bị bệnh ung thư máu (leukemia).

Chàng: Bố nàng nói như thế thì tôi rất sung sướng, vì như thế là ông đã thương tôi. Tôi bèn thi vào Air VietNam để làm việc với tư cách tiếp viên phi hành, song song với học Luật để sau này cùng làm văn phòng Luật với bà chị thứ hai, là một Luật Sư tại Toà Thượng Thẩm Sài Gòn. Ban ngày, khi đi bay, tôi học những bài luật, buổi tối khi về thì qua nhà nàng giảng bài cho nàng học. Bay trong nước một thời gian thì bay đường ngoại quốc, đi Lào, Miên, Thái Lan, và đôi khi cả Hồng Kông hoặc Phi Luật Tân khi cần. Bay được 3265 giờ bay thì tôi xin nghỉ việc, vì thứ nhất quá nguy hiểm (tôi bị rớt máy bay một lần ở Huế, may mà không sao cả), thứ hai là cận ngày hai chúng tôi trở thành vợ chồng.  Chúng tôi có được hai cháu trai thì tôi động viên vào khoá 25 Thủ Đức. Vẫn được trả về nguyên quán như từ khoá 12 vì là con trai duy nhất trong gia đình, nhưng tôi tình nguyện ở lại vì cộng quân dốc toàn lực tiến đánh hòng chiếm lĩnh Việt Nam tự do. Khi ra trường, tôi mang lon Chuẩn Uý và được về làm giảng viên Trường Sinh Ngữ Quân Đội. 

Trong lúc đang dậy học tại đó thì tôi được cho qua Hoa Kỳ để học thêm về ngành sư phạm. Về nước được một thời gian thì tôi được tuyển lên Phủ Tổng Thống với tư cách là Sĩ Quan Liên Lạc cho văn phòng Tổng Thống nhờ biết mấy thứ tiếng ngoại ngữ. Làm việc ở đó cho đến ngày mất nước. Đáng lẽ tôi đã đi thoát vối máy bay trực thăng đậu ngay ở Phủ và các phi công gọi tôi đi với họ, nhưng tôi không thể bỏ cha mẹ đôi bên, vợ con để trốn đi một mình, thế là tôi ở lại. Trốn về nhà, gia đình chúng tôi bàn bạc với nhau là mấy anh em hãy vào bưng hay ra biển để đi trốn, rồi sau này gia đình tính sau. Ba anh em chúng tôi chạy xe xuống đến Rạch Giá để tìm các đồng ngũ trong bưng biền nhưng không gặp, đành đi ghe ra biển nhưng cũng không gặp ai vớt cả đành trở về nhà. Mấy tuần sau thì bọn việt cộng đến nhà vào ban đêm, bịt mắt, còng tay và dắt đi.

Nàng:  Trời ơi! Thế là chàng của tôi đã bị tụi việt cộng bắt đi tù, cùng với hai anh của tôi. Nhìn thấy ba, má, thày và mẹ khóc lóc vì có ba thằng con trai đều bị đi tù cộng sản, tôi cũng không cầm được nước mắt. Nhưng trong tình cảnh này, chẳng ai làm gì được cả. Có mới vài tháng mà ba buồn quá nên lên cơn đau tim và đã qua đời. Nhà đã không còn tiền, tôi phải lăn lộn ngoài đời để kiếm tiền. May mà có hai chị của chàng đi thoát và lâu lâu gửi một thùng quà về, bán cũng giúp được cho gia đình. Tôi thì đi bán thuốc tây lậu. Chừng hai năm sau, tụi việt cộng cho gia đình đi thăm nuôi những người mà chúng gọi là cải tạo viên. Lần đầu tiên nhìn thấy chàng, tôi không nhận ra, vì bây giờ chàng ốm yếu, chỉ còn da bọc xương vì ăn uống thiếu thốn mà phải lao động khổ sai thì nhiều. Thật là chua sót. Rồi thăm nuôi được vài lần có cả thày mẹ đi thăm thì được cho biết là chàng đã được chuyển trại, và không cho gửi quà thăm nuôi. Sau một thời gian thì đưôc biết chàng đang bị nhốt trong xà lim đen tại Chí Hoà vì nổi loạn trong trại Suối Máu, Biên Hoà vào ngày lễ Giáng Sinh năm 1978. Rồi sau đó mới cho gửi quà rất hạn chế.

Chàng: Tại trại tù Suối Máu, tôi nằm trong ban Đại Diện, và chúng tôi nổi loạn trong đêm Chúa Giáng Sinh. Tôi bị bắt và bị đưa vào khám Chí Hoà nhốt gần một năm trong sà lim đen rồi bị đưa ra trại tù A 20 Xuân Phước ở Tuy Hoà Phú Khánh, nơi mà nàng và đứa con trai đầu lòng ra thăm được một lần rồi không dám ra nữa, vì khu vực trại trừng giới này quá độc đáo và nguy hiểm. Trại này là trại có 107 Sĩ Quan cùng với một số chính trị gia và tù hình sự. Chỉ có 107 sĩ quan là dám đứng lên đối đầu vối bọn cộng sản. Đồ ăn chỉ gồm khoai mì lát phơi khô với nước mắm dòi mà thôi. Tôi chịu như vậy đến gần ba năm thì được thả về.

Nàng: Chàng của tôi thế sao! Gầy còm, ốm yếu, đi không vững! Khi về nhà, tôi đang ở bên ngoại, thằng con trai lớn lên báo tin là bố đã về rồi, tôi không tin, vì biết là chàng vẫn còn đang bị nhốt ở trại trừng giới cơ mà. Nhưng tôi vẫn về xem sao. Chàng của tôi đây rồi. Chàng cười đón tôi ngay tại nhà. Thày mẹ đứng ngay bên cạnh chàng, nước mắt ngang tròng. Mẹ đã bị mù một mắt vì khóc quá. Mẹ bảo tôi đem bán cái tủ đựng đồ của chàng ở trên lầu, chàng không cho, nói là con có tiền 65 đồng tụi việt cộng cho để đi xe lửa từ ngoài Xuân Phước về mà không đụng tới vì đi đâu cũng được dân cho tiền. Hôm sau ra đánh điện cho hai chị của chàng báo là chàng đã về rồi. Hai chị liền gửi cho tiền nuôi gia đình mỗi lần cũng được vài tháng, và chàng cũng đi dậy học để kiếm thêm tiền. 

Đến năm 1984 thì bắt đầu làm giấy tờ đi Mỹ. Buồn là Thày qua đời rồi Mẹ tiếp theo năm 1985. Sau đó ít năm thì những người còn lại có giấy tờ đi Mỹ, nhưng thằng con trai lớn đòi lấy vợ nên phải ở lại, sau này sẽ bảo lãnh sau. Hai vợ chồng với thằng con trai thứ qua Mỹ vào năm 1992. Thằng con này là người đi làm trước tiên, sau đó là tôi. Nó làm thợ sửa xe hơi, còn tôi đi làm vú em, ở nhà chủ, cuối tuần mới về. Còn chàng thì đi dậy học, là nghề của chàng.

Chàng: Sáng sớm ngày mồng hai tháng bẩy năm 1992, vợ chồng cùng thằng con thứ ra phi trường Tân Sơn Nhất chờ chuyến bay qua Mỹ. Sau mấy ngày nằm tại Bangkok, chúng tôi bay đi Mỹ, và đáp xuống phi trường Austin vào đêm mồng 06 tháng 07 năm 1992 lúc 11 giờ 25. Có anh chị cả và một số bạn bè ra đón. Về tới căn chung cư mà anh chị cả muớn cho đã quá 12 giờ đêm. Mấy ngày hôm sau là mấy ngày bận rộn nhất vì phải đi làm giấy tờ với các cơ quan hành chính của chính phủ. Làm xong thì được lãnh tiền mặt và tiền food stamps từng tháng trong sáu tháng.  Nhưng mới được 12 ngày thì con trai chúng tôi đã được một cơ sở xửa xe muớn làm thợ, và nàng thì đi làm vú em cho một gia đình Việt Nam, cuối tuần mới được về nhà một ngày. Còn tôi thì đi dậy Anh văn cho nhà thờ “các Thánh Tử vì đạo” của người Việt. Thế là mới hơn 1 tháng thì bị cúp tiền và food stamps. Rồi tôi vừa đi học vừa đi làm. Năm 1994 tôi làm cho Motorola, sau này thành Hãng Freescale. Nàng cũng về làm tại một hãng gần nhà. Cả ba người đều có công việc ổn định.

Nàng: Chúng tôi đều có công ăn việc làm cả, và ở chung cùng một nhà, thật dễ chịu. Đã xa nhau hồi chàng đi Mỹ du học, rồi ngần ấy năm cấm trại trong đời quân ngũ vì giặc cộng đánh phá, rồi ngần ấy năm bị xa cách vì tù đầy cộng sản, bây giờ mớì lại được cùng chung mái nhà ấm yêu. Ngày ngày nhìn thấy mặt nhau, được nói chuyện với nhau, được ngủ cạnh nhau, còn gì hạnh phúc hơn. Tôi hằng nghĩ về câu nói của một nhà văn Mỹ đã từng nói: “Never marry the one that you think you can live with, marry the one you know you can’t live without.” “Đừng bao giờ bạn lấy người mà bạn nghĩ bạn có thể sống cùng người đó, mà bạn hãy lấy người mà bạn biết là bạn không thể sống xa người đó được”. Và chúng tôi sống cùng nhau, dù công việc và giờ giấc có khác nhau, tôi làm ban ngày, chàng làm ban đêm, nhưng không sao, miễn là cảm thấy luôn luôn sống có nhau, sống vì nhau, sống cho nhau.

Chàng: Thật là vui vì chúng tôi luôn luôn sống có nhau, sống vì nhau, sống cho nhau, nhưng có một sự thay đổi trong chúng tôi. Tôi trải qua một cuộc giải phẫu cổ để lấy một khúc xương đè lê tuỷ sống, và thay bằng một miếng thép bắt hai con ốc vào thay thế. Rồi sau đó một năm, nàng bị ngã tại hãng, gẫy cùi chỏ, phải mổ ráp lại xương và các giây thần kinh. Hai năm sau lại bị mổ tim vì bị hở van tim. Tôi bị khủng hoảng tinh thần và bắt đầu uống rượu nhiều. 

Đã có vài lần say xỉn và gây gỗ với nàng và với con. Rồi tôi phải đi nhà thương mấy lần vì bị ngã, cũng như có lần chỉ đi làm biopsy gan mà gan bị chảy máu phải mổ, nằm nhà thương cả trên 10 ngày, gây xáo trộn trong gia đình. Có lẽ là cả hai đều bị thuốc mê tạo ra như vậy, vì nhiều người nói là bị mổ thì thuốc mê gây ảnh hưởng rất nhiều lên tinh thần và làm xáo trộn đầu óc. Lại nữa, thêm vào đó, con dâu cho chúng tôi hai cháu bé thật kháu khỉnh, một gái một trai (cháu đích tôn đó nhá). Nàng lấy lý do cần chăm sóc hai cháu nên bảo tôi ngủ riêng, trong khi nàng ngủ với hai cháu. 

Cứ như vậy trong suốt nhiều năm, tôi nói là mình cũng phải nghĩ tới anh chứ, nhưng nàng nói là anh lớn rồi, để em lo cho tụi nhỏ cái đã. Thế là hai người cãi nhau. Tôi nói tôi đúng, nàng nói nàng đúng, và trong một lần gây gỗ, nhằm ngày kỷ niệm năm thứ 52 ngày sống với nhau là vợ chồng, nàng đã nói là nàng không thương yêu gì tôi cả, nàng chưa hề coi tôi như là chồng đến một ngày, và tôi thì đòi tự tử vì tình. Sau đó chúng tôi ngồi lại nói chuyện với nhau, rằng nếu không còn chấp nhận nhau là vợ là chồng thì thà ly dị chứ sống kiểu này thì không thể được. Ngoài ra, lại còn chuyện tụi bạn bè quen biết chỉ trích cuộc chiến tại Việt Nam. Họ nói:

 “Cuộc chiến tại Việt-Nam là một cuộc chiến nội-bộ, một cuộc huynh-đệ tương-tàn giữa người Việt-Nam các anh với nhau”.

Không dằn được bực tức, tôi phản biện:
“Các ông lầm to rồi. Đó không phải là một cuộc nội-chiến. Đó không phải là một cuộc huynh-đệ tương-tàn. Đó là sự xâm-lăng của một quốc-gia này vào tới một quốc-gia khác kia. Đó là sự xâm-lăng của một Ý-THỨC-HỆ này vào một Ý-THỨC-HỆ khác kia. Quý-vị nói là chúng tôi là người Việt-Nam cả, và do đó chúng tôi là anh em mà lại chém giết lẫn nhau, tại sao quý-vị lại có thể đặt một vấn-đề như thế? Chúng tôi đã được phân chia rõ-rệt, qua hiệp-định Genève ngày 20 tháng 07 năm 1954, một bên là Quốc-Gia, một bên là Cộng-Sản, mang tên hai quốc-gia khác nhau, một bên là Việt-Nam Cộng-Hoà, một bên là Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hoà, hai quốc-gia có địa-giới, không-giới, hải-giới rõ-ràng cơ mà. Vậy mà chúng tiến-hành xâm-chiếm đất đai của chúng tôi. Nếu quý-vị cho rằng chúng tôi là người cùng một màu da, cùng một dân-tộc, mà lại chém giết lẫn nhau, quý-vị cho là nội-chiến, là huynh-đệ tương-tàn, quý-vị không thể tiếp-tục can-thiệp được, thì vậy quý-vị thử nhìn lại xem lịch-sử của chính đất nước quý-vị xem sao. Quý-vị có phải là người gốc Anh không? Quý-vị đánh lại nước Anh để có được hai chữ TỰ-DO, có đúng thế không? Quý-vị có nhận viện-trợ của nước Pháp không? Người Pháp với Tướng Lafayette có bỏ rơi quý-vị không? Thế thì cùng một công việc, cùng một hành-động, mà chỉ có hành-động đấu-tranh dành TỰ-DO của quý-vị là đúng, còn hành-động bảo-vệ TỰ-DO của đất nước chúng tôi là sai sao? Như vậy, người Anh đánh người Anh là đúng, còn người Việt đánh người Việt thì sai sao? Thế sao bây giờ quý-vị tiếp-tục giúp người Đại-Hàn? Người Nam-Hàn có khác với người Bắc-Hàn không? Thế sao sau cuộc thế-chiến thứ hai quý-vị lại giúp Tây-Đức không cho Đông-Đức lấn chiếm? Thế sao cho đến bây giờ quý-vị vẫn tiếp-tục giúp những người Cuba lưu-vong chống lại sự cầm quyền của Fidel Castro? Thế sao quý-vị tiếp-tục giúp những người Tầu ở Đài-Loan chống lại Trung-Cộng? Như vậy, người Anh đánh người Anh là đúng, người Đại-Hàn đánh người Đại-Hàn là đúng, người Đức đánh người Đức là đúng, người Cuba đánh người Cuba là đúng, người Tầu đánh người Tầu là đúng, chỉ có người Việt-Nam đánh người Việt-Nam là sai sao? Như vậy rõ-ràng quý-vị thiên-vị, chỉ làm những gì lợi cho quý-vị, chứ trên thực-tế quý-vị chẳng thương một ai cả, có đúng thế không nào? Một sự biện-minh, một sự nguỵ-biện con nít. Thật là mỉa-mai, thật là chuyện trò hề, có đúng không quý-vị?” (Trích trong Gia Phả giòng họ Lê Hoàng).

Từ đó trở đi, tôi không giao tế với nhóm này nữa. Nàng nói cứ giao tế bình thường có sao đâu. Thế là tôi đem nỗi bực bội này ra cằn nhằn với nàng. Thế là hai người cãi nhau không dứt. Tưởng như không thể hàn gắn được và sẽ phải đi đến chỗ ly dị.

Nàng: Hai người ngồi nói chuyện với nhau cả buổi trời không đi đến đâu cả, chàng bèn tuyệt thực. Cả gần một tuần lễ chàng không ăn đã đành mà cả không uống nước nữa, chỉ nằm trên giường không nhúc nhích, cho thấy quyết tâm không cần sống nữa. Vậy lỗì tại ai? Chàng lại nhắc tới anh chàng cặp với tôi trước kia, tôi nói chưa có gì, chỉ hơn tình bạn đôi chút mà thôi, nhưng lỗi tại tôi là sau khi đã được gia đình chàng sang hỏi tôi, và gia đình tôi đã chấp nhận thì tôi vẫn còn liên lạc với chàng kia, nên chàng ghen tuông, chứng tỏ chàng luôn yêu thương tôi nồng nàn. Tôi nói sở dĩ tôi thốt ra những câu trên là vì trong một chút nóng nẩy, bị chàng o ép nên nói như vậy thôi, chứ chàng vẫn là mối tình đầu của tôi và là mối tình cuối của tôi. Sau cùng, tôi trả hai cháu cho con trai và con dâu tôi, tôi làm lành với chàng và về ngủ cùng giường với chàng sau 14 năm không ngủ chung giường và dù bây giờ tuổi tác không cho phép làm gì được nữa, nhưng nằm bên nhau, ôm ấp nhau, nói tiếng yêu thương với nhau là đủ rồi. Tôi xin lỗi chàng và hứa sẽ không bao giờ để cho chuyện tương tự xẩy ra nữa. Luôn luôn dành cho nhau trọn vẹn tình yêu vợ chồng vì khi trao nhau nhẫn cưới đã có ước thề là sẽ hiến thân xác cho nhau dù là trong hoàn cảnh khó khăn.

Chàng: Một thời gian sau, tôi bị xưng đầu gối bên phải, đi bác sĩ thì nói là chân bị yếu, không được lái xe nữa. Nàng phải lái xe cho tôi khi muốn đi bác sĩ hay đi chợ. Tôi bị ràng buộc, đành chịu. Nàng thấy vậy, muốn gần gũi tôi hơn, nên nói nếu lên lầu hay xuống nhà mà khó khăn như thế thì em sẽ đem cơm nước lên lầu cho anh, tôi nói OK, nhưng mỗi ngày cố gắng lên xuống thang lầu chừng năm bẩy lần để coi như tập luyện chân. Bây giờ cũng vẫn vậy. Tôi cho đem máy treadmill và xe đạp tại chỗ lên lầu để tôi tập chân, hy vọng một ngày nào đó tôi có thể đi lại vững vàng hơn, còn bây giờ tôi phải dùng walker-rollator để di chuyển. 


Vào những ngày nắng ấm, tôi dùng chiếc walker-rollator này để đi bộ ở ngoài đường, và nàng cũng đi theo cùng theo lời yêu cầu của tôi, vì sợ đi một mình mà có chuyện gì xẩy ra thì khó cứu. Tóm lại, bây giờ nàng lo cho tôi nhiều hơn là trước kia, nhất là vấn đề ăn uống vì tôi cũng phát giác bị bệnh tiểu đường, nên phải kiêng khem đủ thứ. Từ sự chăm sóc đó mà nàng trở về với tôi nhiều hơn tôi mong mỏi. Khi được hỏi về bí quyết duy trì hạnh phúc hôn nhân thì nàng cho hay là nhờ ơn trên chúng tôi rất may mắn vui buồn chăm thương yêu lẫn nhau. Và tôi nói bí quyết chỉ giản dị là hãy hòa hợp khoan dung với nhau và thỏa mãn với cái gì đang có. Luôn luôn tận tình chăm sóc lẫn nhau để cùng nhau thoải mái về tinh thần và thể chất dù chỉ là một cử chỉ cầm tay thân ái, một miếng ăn ngon lành, một nụ hôn nhẹ lên má… Hãy khoan dung tha thứ cho nhau vì mỗi người đều có những lỗi lầm lớn nhỏ. 
Hãy lắng nghe nhau để hiểu tâm sự vui buồn của nhau rồi tiếp tay nhau giải quyết. Tuân theo các giá trị xã hội, tín ngưỡng, đối xử với nhau như mình muốn được đối xử như vậy”.

Nàng: Tôi lo cho chàng bao nhiêu cũng không đủ, vì mối tình của chàng đối với tôi bao la quá, và tôi cần phải làm sao tương xứng với tình yêu của chàng. Tôi lo cho chàng qua tình yêu chứ không phải qua bổn phận nữa. Tình yêu đã trở lại, tôi không thể để đánh mất nó nữa.


Chàng, nàng: Ít bữa nữa (April 7th.) là kỷ niệm lần thứ 53 chúng tôi là vợ là chồng, chúng tôi nguyện thương yêu nhau hết mình, và không còn một áng mây nào ủ khuất tình thương này. Chúng tôi là một, các con các cháu bây giờ đứng thứ hai, không còn chen vào cuộc sống của chúng tôi nữa.
Chàng nói thêm, tôi luôn luôn tìm cách làm cho nàng cười bằng những mẩu chuyện vui rí rỏm vì nghe nói cười giúp ta sống lâu.
Xét ra, hôn nhân nào chẳng có mâu thuẫn, bất hòa mà giải quyết những bất hòa đó đòi hỏi sự thường xuyên đối thoại với nhau, hòa hoãn, nhường nhịn với nhau. Vì người bình dân ta hằng ví rằng:

 “Đạo vợ chồng khó lắm bạn ơi,
Chẳng dễ như ong bướm, đậu rồi lại bay”.

Và liệu có nên áp dụng phương thức dân gian:

Một người giận, một người làm lành,
Miệng cười hớn hở rằng mình giận chi.”

Để cho:

Đôi chồng vợ ra vào khắng khít, mắm muối mà vui”.
như lão trượng Vương Hồng Sển thường nhắc nhở.

Và vợ chồng cùng an hưởng tuổi vàng, coi mỗi ngày của những năm tháng bên nhau là một Valentine Day.

Lê Hoàng Ân

No comments:

Post a Comment