Hoa Thủy Tiên rất đẹp nhưng vì sao đoá hoa lại thường hay cúi đầu nhìn xuống dưới? (Ảnh: Pinterest)
Hoa Thủy Tiên thường được xem là loài hoa nhiều chất thơ với những cánh trắng như tuyết, có hương thơm rất dịu. Tuy nhiên, không ai hiểu vì sao loài hoa mỹ lệ này lại thường hay cúi đầu nhìn xuống?
Thuỷ tiên là
một loài hoa đẹp. Từ rễ, củ, cho đến lá và hoa đều là tuyệt phẩm mà
thiên nhiên ban tặng. Rễ hoa trắng tinh khôi, lá hoa thon dài xanh mướt,
cánh hoa mảnh mai trắng ngần trinh khiết, nhụy hoa vàng rực như một
chiếc ly ngan ngát hương thơm. Quả thật, thuỷ tiên là loài hoa đẹp, sang
trọng, và kiêu sa.
Một loài hoa mỹ
lệ như vậy, đáng lẽ thuỷ tiên sẽ ngẩng mặt tự hào, vậy vì sao đoá hoa
lại thường hay cúi đầu nhìn xuống? Thói quen kỳ lạ này của thuỷ tiên bắt
nguồn từ một câu chuyện trong Thần thoại Hy Lạp…
Sự tích hoa thuỷ tiên
Truyện
kể rằng, chàng Narcissus là con trai của thần sông Cephissus và nữ thần
Liriope. Chàng có một vẻ đẹp kỳ lạ hiếm thấy, vượt xa tất cả các vị
Thần của Hy Lạp. Narcissus đẹp đến nỗi, nữ thần Liriope vì lo sợ vẻ đẹp
ấy sẽ làm hại con trai mình, nên đã sai người giấu đi tất cả gương soi
trong nhà. Nhờ đó, Narcissus mới có thể sống yên bình, và dĩ nhiên,
chàng không hề hay biết gì về khuôn mặt hoàn hảo của mình.
Vẻ
đẹp của Narcissus đã khiến nữ thần Echo thầm thương trộm nhớ. Nhưng mãi
mãi Echo chỉ có thể yêu Narcissus trong lặng lẽ, bởi chàng luôn tỏ ra
lạnh lùng lãnh đạm, chàng sẽ không bao giờ đáp lại tấm chân tình của
nàng.
Một
ngày Narcissus đi lang thang trong rừng, đến bên một hồ nước trong vắt.
Đây là lần đầu tiên chàng soi mình xuống nước. Vẻ đẹp của chàng dưới
nước – quá hoàn hảo đến nỗi – Narcissus không thể yêu ai khác ngoài hình
ảnh phản chiếu của chính mình.
Narcissus
cúi xuống, nhưng những gì chàng cảm nhận được chỉ là làn nước lạnh
buốt. Và chỉ trong tích tắc, khuôn mặt khả ái kia đã tan ra thành từng
gợn sóng nhỏ. Narcissus buồn bã, tuyệt vọng, phải chăng người ấy cũng
đang chạy trốn chàng?
Đến
khi các sóng nước lắng lại và khuôn mặt kia xuất hiện, Narcissus lại
say sưa nhìn ngắm chính mình. Nhưng cái bóng chỉ là hư ảnh, hễ đụng vào
là tan biến, nó hiển hiện ngay trước mắt mà vẫn luôn nằm ngoài tầm tay.
Ngày
qua ngày, đêm nối đêm, Narcissus không hề rời đi một bước. Chàng vẫn
quỳ bên hồ, đắm đuối nhìn ngắm và thì thầm bày tỏ với vị thần trong hồ –
người mà chàng đã yêu say đắm ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng tình yêu
ấy sẽ mãi mãi, mãi mãi không bao giờ được đáp lại.
Ngày qua ngày, đêm nối đêm, Narcissus không hề rời đi một bước. (Ảnh: Myth Man)
Cho đến khi gục xuống, Narcissus vẫn không ngừng thì thầm gọi tên mình: “Narcissus… Narcissus…”. Cuối cùng, bên dòng nước chỉ còn lại một thân xác khô kiệt, cùng với âm thanh vọng từ đá núi “Narcissus… Narcissus…”. Đó chính là tiếng của nữ thần Echo (Tiếng Vọng) đang khắc khoải gọi theo chàng.
Bên hồ, nơi
chàng gục xuống mọc lên một đoá hoa trắng trong như tuyết với nhụy vàng
và hương thơm dịu dàng. Bông hoa này luôn cúi xuống để ngắm nhìn hình
ảnh phản chiếu của mình, bởi vậy những nàng tiên trong rừng đã gọi đó là
hoa Thủy Tiên (Narcissus).
Người
phương Tây nhắc đến câu chuyện chàng Narcissus như một sự tích về thuỷ
tiên – loài hoa kiều diễm mỹ lệ nhưng chỉ biết yêu thương bản thân mình.
Ai hay chăng, vẻ đẹp ấy dẫu hoàn hảo đến mấy, yêu kiều đến mấy, thì
cuối cùng vẫn chỉ như hoa trong gương, như trăng dưới nước.
Con
người sống trên cõi đời này, âu cũng chỉ là “thuỷ nguyệt kính hoa”.
Càng dệt nên mộng đẹp, càng mơ tưởng về những thứ hão huyền, đến khi
giật mình tỉnh dậy, mới ngỡ ngàng ta chỉ là mộng nhân.
Khi vẻ đẹp tự hào toả sáng
Nếu
tất cả cái đẹp của thế gian chỉ phù du như ảo ảnh, vậy thì ích kỷ giữ
riêng cho mình, yêu thương một mình mình, chỉ quan tâm đến bản thân
mình, chẳng phải sẽ trở thành thứ bi kịch xót xa nhất sao? Thế nên, một
nhà văn nổi tiếng của Ireland là Oscar Wilde đã viết thêm phần kết cho
câu chuyện chàng Narcissus, để nhắn nhủ với chúng ta rằng:
Cái đẹp chỉ có ý nghĩa khi nó giúp cho Người – chứ không phải cho Ta – toả sáng.
Và đây là phần kết trong câu chuyện của Oscar Wilde, được thuật lại qua lời văn của Paulo Coelho trong tác phẩm “Nhà giả kim”:
Narziss
xinh trai vẫn ngày ngày soi mặt trên hồ nước để tự chiêm ngưỡng sắc đẹp
của mình. Chàng say mê chính mình đến nỗi một ngày kia nghiêng quá đà,
ngã xuống hồ và chết đuối. Thế là từ nơi đó mọc lên một bông hoa đẹp,
mang tên chàng.
Sau khi chàng chết, những nàng tiên trong rừng hiện ra, thấy hồ nước ngọt kia giờ đã biến thành một đầm lầy mặn vì nước mắt.
“Vì sao em khóc?” – các nàng tiên hỏi.
“Vì em thương tiếc chàng Narziss”, hồ nước đáp.
“Phải
rồi. Các chị chẳng ngạc nhiên tí nào. Và tuy tất cả chúng ta đều theo
đuổi chàng nhưng chỉ mình em được chiêm ngưỡng sắc đẹp tuyệt vời ấy”.
“Chàng xinh trai đến thế ư?”, hồ nước ngơ ngác hỏi.
“Còn ai biết điều này rõ hơn là em chứ?” – các nàng tiên ngạc nhiên – “Ngày nào mà chàng chẳng cúi người soi mình trên mặt hồ!”.
Nghe thế, hồ nước im lặng hồi lâu rồi mới đáp: “Đúng
là em khóc chàng Narziss, nhưng em chưa bao giờ để ý rằng chàng đẹp
trai đến thế. Em khóc chàng vì mỗi lần chàng soi người trên mặt hồ thì
em mới thấy được sắc đẹp của chính em hiện lên rõ trong đôi mắt chàng”.
Tuệ Tâm (s/t)
No comments:
Post a Comment