Tôi tình cờ đọc được một bức tâm thư của cố
nhà văn Xuân Vũ – nguyên Trung đoàn trưởng Việt cộng đóng quân ở Củ
Chi, nơi một thời là vùng “xôi đậu” đầy mưa bom lửa đạn ở cửa ngõ Sài
Gòn, đã chạy trốn khỏi Việt cộng sau năm 1975, sống ở Mỹ viết sách, mất
năm 2001 ở Texas – viết cho cô bạn cùng đơn vị – mà cũng là người yêu cũ
– một câu hỏi đầy đau đớn và uất hận: “Bây giờ nhớ lại anh mới thấy
rằng cả anh lẫn em đều bị bọn Bắc kỳ lợi dụng mà không biết. Chúng thí
mình như những con chốt lót đường. “Chiến thắng” xong rồi, dân Nam kỳ
mình được gì?…
Chẳng thấy được gì hết, mà lại mất rất
nhiều. Những đứa nhỏ như tôi thời đó, thấy rằng mình bỗng nhiên mất đi
quần áo đẹp, không có dép mới, không có bánh kẹo, đồ ăn ngon chứa đầy
nhà bếp khi Tết đến, không có tiền đi mua quà bánh hàng rong. Thấy trời
lạnh không có áo ấm để mặc, không có mền mới để đắp, thấy không có ti vi
để coi mỗi ngày, không điện, không dầu lửa (mỗi tháng mỗi nhà được bán
một lít rưỡi dầu lửa đỏ) đốt đèn nên nhà cửa tối om om. Buổi
tối chổng khu dùng cái quạt bằng lá dừa quạt cái bếp un đốt bằng củi
mục của gốc cây mắm để khói bay mù mịt đuổi muỗi đi. Sau đó mới đốt cái
đèn dầu lửa có tim đèn nhỏ xíu, ngọn lửa bằng hột đậu xanh, tỏa khói đen
khét nghẹt vì dầu lửa đỏ chớ không có dầu lửa trắng đốt đèn nữa. Ngọn
lửa đèn nhỏ xíu đó được úp bên ngoài bằng cái ống khói đèn thủy tinh nhỏ
bằng cái trứng vịt, nên thường kêu là đèn hột vịt. Cái ống khói đèn màu
xanh xanh và đầy bọt do trình độ thổi thủy tinh “dưới sự lãnh đạo sáng
suốt, tài tình của đảng ta” đã quay trở lại thời “khai thiên lập địa”.
Rồi cả nhà xúm vô ngồi xung quanh cây đèn đó, đứa nhỏ mở sách ra học,
người lớn thì may vá hay làm việc khác.
Bọn trẻ bây giờ, nhất là người trẻ sinh
ra và lớn lên ở Mỹ, chắc chắn không thể tưởng tượng nổi cái cảnh ấy nó
ra làm sao. Túm lại cho dễ hình dung, cái đèn đó giống y cái đèn mà Thủ
tướng Phúc ngoẻo của Việt cộng định đem qua Mỹ tặng ông Trump (nhưng bị
cười chê quá Phúc ngoẻo phải giấu biệt đi không dám đưa ra tặng nữa),
ống khói cụt ngủn chớ không cao như vậy, mà nó nhỏ hơn cái đèn “quà
tặng” của Phúc ngoẻo rất là nhiều lần. Vậy mà sau hơn hàng chục năm dài
học hành như vậy, mắt tôi không bị đui như Lục Vân Tiên cũng là một phép
lạ.
Hôm nay, tôi không kể về một món ăn cụ
thể nào, mà kể về chuyện ăn sau khi bị “mất miền Nam” thôi. Kho quẹt là
món ăn mỗi ngày của người dân miền Nam sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975.
Trước đó, người miền Nam cũng thích ăn kho quẹt, nhưng là một kiểu kho
quẹt đầy chất “sang trọng và sung túc”. Thịt ba rọi, tôm khô, nước mắm
Phú Quốc ngon, tóp mỡ giòn tan, hành lá, tỏi khô, hành khô, ớt hiểm,
tiêu xay… qua bàn tay chế biến của các bà nội trợ, trở thành món kho
quẹt thơm phưng phức trong cái nồi đất gốm đỏ, đặc biệt hấp dẫn. Ăn với
cơm trắng nóng tơi xốp, bốc khói và đọt bầu, đọt bí, đọt rau lang luộc,
dưa leo xắt miếng. Cơm trắng phau phau, rau xanh mướt mắt, kho quẹt màu
nâu đỏ điểm xanh, chỉ nhìn qua mâm cơm thôi, riêng màu sắc thôi đã đủ
làm nhểu nước miếng rồi.
Còn sau ngày 30/4 thì cũng kho quẹt, mà
là muối, nước, nước màu (đường chảy thắng cháy), bột ngọt (hơi bị hiếm,
thỉnh thoảng mới có), hành lá (vài cọng) và bất cứ thứ gì có thể ăn được
(cơm dừa khô, cá bảy trầu, còng gió, nghêu, sò, ốc, …), nấu cho nó khô
lại bay mùi khét khét, rồi ăn với cơm gạo mốc phân phối theo tem phiếu
và bất cứ thứ rau cỏ dại nào kiếm được, miễn sao ăn không chết là làm
láng. Có chút xíu kho quẹt bằng bàn tay cho cả nhà năm bảy người ăn.
Khi tôi lên Sài Gòn học trường Đại học
Pháp Lý Hà Nội (Phân hiệu thành phố Hồ Chí Minh, khu vực phía Nam), sinh
viên thường xách ca nhựa xuống căn-tin trường, vô nhà bếp rót nước mắm
về ăn cơm. Nói là nước mắm cho nó sang trọng vậy thôi chớ nó chỉ là một
thứ nước có màu của nước mắm chớ không có mùi nước mắm. Nó được các chị
nuôi nhà bếp trường Đại học tự pha chế cho sinh viên ăn bằng nước sôi,
muối, chút bột ngọt, chút đường mía, nước màu và chút mỡ heo phi hành lá
cho thơm rồi đổ lên mặt loại nước mắm này. Đứa nào nhanh chân hơn đi
trước nó hớt được phần trên mặt có mỡ hành nổi lều bều, đứa nào chậm
chân là hết sạch.
Bọn tôi ra chợ chồm hổm đối diện trường
mua thêm vài miếng đậu hủ chiên (là loại thức ăn rẻ tiền nhứt) đem về.
Trước giờ lên lớp thì xé nhỏ mấy miếng đậu hủ ra bỏ vô ca nước mắm rồi
đi học. Trưa tan học chạy lên căn-tin lấy cơm rồi đem ra ăn với đậu hủ
ngâm nước mắm kể trên. Đậu hủ thấm nước mắm nở bự ra tè le, mặn và beo
béo, một miếng đậu hủ ăn được cả ngày. Ăn như vậy ngày này qua ngày
khác. Học luật thì học đủ thứ luật xưa, luật nay, luật trong nước, luật
quốc tế, chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ, kinh tế chính trị học, logic học,
tâm lý học, v.v…., nên thời đó có câu: “Sinh viên luật ăn như tù, ở như
tu, toàn nói chuyện lãnh tụ”.
Những đứa bạn bè sinh viên gốc Bắc, theo
gia đình từ Bắc vô Nam sinh sống, chúng nó thấy điều đó rất bình
thường, thậm chí rất vui vẻ, hoan hỉ ca ngợi “ơn đảng, ơn bác” mà vô Nam
chỉ ăn cơm gạo mốc chớ không phải ăn độn khoai lang, độn củ mì, độn hột
bắp khô. Còn dân trong Nam vừa ăn cơm gạo mốc vừa tiếc nuối một thời xa
xưa cơm trắng cá tươi.
Người Việt Nam ai cũng biết miền Nam là
xứ mắm, cá biển, cá đồng, muối biển nhiều vô số kể. Nhưng hiểu sao, thập
niên 70, 80, 90 những thứ đó cũng trở nên khan hiếm. Không có gạo cho
người ăn, lấy đâu ra thức ăn nuôi heo nên không có thịt heo để ăn, đó là
chuyện còn có thể hiểu được. Nhưng cá và muối thì chúng nó chạy đi đâu
mà cũng trở nên hiếm? Gia đình tôi, và hàng xóm của tôi, chỉ thấy hôm
nào ăn sang là bữa cơm có dưa mắm trộn chanh tỏi ớt, có rau luộc. Dưa
mắm là dưa leo đèo (nguyên trái), dưa leo già, đu đủ sống, dưa gang non
xắt miếng theo chiều dài rồi nhận vô phần nước còn lại của lu mắm, chờ
vài ngày sau trộn thêm thính gạo cho thơm rồi đem ra chợ bán. Muốn có
nước mắm thừa này để làm dưa mắm tất nhiên phải làm mắm cá mới có. Vậy
thì con mắm (cá) đã chạy đi đâu? Chịu thôi. Một đứa nhỏ như tôi không
thể biết được. Hỏi những người lớn xung quanh tôi cũng không ai biết, và
sau này tôi biết cũng không ai tìm hiểu về điều đó, có sao chịu vậy.
Nên điều mà tôi hiểu thêm là chế độ cộng sản vẫn tồn tại suốt mấy chục
năm ở miền Nam (nơi người dân đã biết thế nào là cơm no áo ấm, dân chủ,
nhân quyền) là vì người ta vô cùng cam chịu.
Ngày tôi còn nhỏ, tôi chỉ thấy cái mất
trước mắt là mất như vậy, chưa thấy cái mất lớn lao hơn. Những người thế
hệ trước ở miền Nam hẳn sẽ còn thống kê ra cái sự mất lớn lao và dài
hơn truyện dài nhiều tập đến cỡ nào. “Chiến thắng” xong rồi, dân Nam kỳ mình được gì?…”. Có được chớ, “ơn đảng, ơn bác”, được đói nghèo và tụt hậu, bây giờ ngay cả Kampuchea họ cũng khinh thường.
Tạ Phong Tần
Không biết các bác nằm vùng ở miền Nam như Huỳnh Tấn Mẫm, đã "tỉnh" chưa? Các sư Ấn Quang hay "xuống đường" chống phá 2 nền CH miền Nam, có sám hối chưa?
ReplyDelete