Pages

Tuesday, May 29, 2018

Nghĩa Địa Của Người Già - Người Phương Nam


1.
Đang ngồi buồn một mình ở nhà,  bỗng nghe điện thoại reo vang. Bên kia đầu dây, tiếng một bà bác lớn tuổi khàn khàn:
    - A lô! Phải Kim Châu, vợ chú Tòan đó không?
Chưa nhận ra ai, tôi chỉ “dạ dạ” với bà. Chừng nghe Bhỏi:
    - Biết ai hông? Chị Đạt, vợ của anh Hai Đạt nè.
    - À, dạ bác, bác khỏe hông?

Tuy bà xưng chị kêu em với tôi nhưng tôi cứ giữ lễ gọi bà bằng bác vì tuổi bà đã 91, còn lớn hơn má tôi mấy tuổi. Ông xã tôi là bạn vong niên với ông xã bà, lớn nhỏ một con giáp, riêng tôi thì nhỏ hơn tới hai con giáp lận. Vì vậy ông xã tôi xưng hô với hai ông bà là anh chị, còn tôi thì cứ bác mà gọi miết.
Bác Đạt gái hơi lãng tai nên nói rất lớn, bác hỏi:
     - Hổm nay tụi em có hay anh Đạt nằm nhà thương cả tháng rồi sau đó BS đưa vô viện dưỡng lão luôn không?
     - Dạ không, bác trai bị sao vậy bác?
     - Ổng té, bị stroke nhẹ và có dấu hiệu lú lẫn mà nhà chỉ có hai vợ chồng già không ai chăm sóc nên bác sĩ đề nghị vào viện dưỡng lão cho an tòan. Chị Hai kêu cho em hay vì chị cũng sắp theo anh Hai vô ở trỏng luôn cho có vợ có chồng. Chị cái gì cũng không biết, hồi nào giờ chuyện lớn chuyện nhỏ trong nhà đều một tay anh Hai lo, bây giờ không có ảnh bên cạnh, như cua gãy càng, chị thiệt là chới với. Vì vậy chị quyết định trả nhà lại chính phủ đi theo ảnh mặc dù con chị nó có mời về ở với nó nhưng chị không muốn làm phiền con cháu.  
     - Vậy hả bác? Buồn quá há! Rồi cả tháng nay bác ở nhà một mình hả, có con cháu nào tới săn sóc bác không?
     - Có chớ. Mấy đứa bên Mỹ tụi nó thay phiên nhau mỗi đứa hai tuần qua đây ở với chị chờ tới ngày chị vô trỏng. Bây giờ đang thu dọn đồ đạc cho giáo hội và bỏ bớt từ từ. Chị có hai thùng sách mà chị rất quý, tính bỏ nhưng bỏ không đành, cho ai thì biết người ta có đọc không hay sẽ quăng vô thùng recycle. Chị sực nhớ tới em, chỉ có em là tri kỷ, thích thơ văn như chị, chỉ có em mới biết giá trị của chữ nghĩa nên chị kêu em tính nhờ em đem về, khi nào đọc chán thì bỏ. Trong đó có một số bài thơ của những tác giả nổi tiếng chị chép tay và một số chị cắt trong báo dán vào tập để dành, tài sản tinh thần mà chị đã chắt chiu cất giữ bấy lâu nay, bây giờ đành phải bỏ hết nhưng nếu giao lại được cho em thì chị rất mừng, rất yên tâm coi như tìm được chỗ để gởi vàng.

Nghe bác nói vậy, tôi mau mắn nhận lời cho bác yên bụng dù biết rằng đem về chắc tôi cũng không có giờ mà đọc:
    - Dạ được, để con đem về, sau này nếu không giữ được nữa thì con sẽ tặng cho thư viện nếu người ta chịu nhận. Như vậy sẽ không uổng phí tâm huyết của bác. Ông xã con hiện giờ cũng đang ở nhà thương, vài hôm nữa ảnh về, tụi con sẽ tới nhà thăm bác và lấy sách luôn thể.
     - Ủa, chú Tòan bị gì mà vô bệnh viện vậy em?
     - Dạ con mắt sắp giải phẩu của ảnh bị nhiễm trùng nặng, phải vô nhà thương trị lành mới mổ được.
     - Vậy nói chị gởi lời thăm chú nha, chúc chú mau mạnh.

2.
Hai tuần sau, chúng tôi tới thăm bác Đạt. Bác ở nhà chính phủ, một căn townhouse nhỏ gọn ấm cúng vừa vặn cho hai vợ chồng già. Người con gái lớn của bác ra mở cửa. Chị ở Mỹ, hay tin ba chị té vô nhà thương rồi sau đó phải vào viện dưỡng lão, chị bay qua đây, trước là thăm ba má, sau là chăm sóc bác gái cho tới ngày bác gái đi theo bác trai vô nhà già.


Căn nhà nhỏ dễ thương này, chúng tôi đã đến nhiều lần thăm hai bác nhưng hôm nay nhìn đồ đạc ngổn ngang bừa bộn chuẩn bị cho một cuộc di chuyển, bất giác tôi nghe xúc động dâng trào, thương cho bác rồi đây sẽ thành kẻ không nhà và tôi cũng sẽ không còn dịp trở lại nơi này nữa. Nhà của bác sắp tới sẽ là một ngôi nhà tập thể dành cho những người già, người bệnh  đã không còn khả năng tự sống, tự chăm sóc mà phải phụ thuộc vào sự đỡ đần trông nom của người khác cho tới ngày nào mãn phần ra đi. Ôi! Giai đọan cuối của đời người sao bi đát đến như vậy! 

Bác nói như sắp khóc:
      - Hai em coi, đồ đạc vậy đó làm sao đem hết vô trỏng được. Họ chỉ cho mỗi người một cái tủ nhỏ đựng quần áo và vật dụng cá nhân, chỗ đâu mà chứa sách vở và ba cái đồ lỉnh kỉnh như ở nhà mình. Ngồi nhìn mà tiếc hùi hụi, xót xa trong lòng. Hổm nay đã bỏ bớt rồi chớ phải không đâu. Buồn quá chú thiếm ơi! Chị đã sống trong căn nhà này mười mấy năm, thân quen từng ngõ ngách, từng ngăn tủ bếp để đồ, từng bụi cây ngọn cỏ ngoài sân, bây giờ sắp phải xa lìa vĩnh viễn, hỏi sao không bùi ngùi!     
Chị con gái chen vào:
      -  Hổm nay má cứ buồn, cứ khóc hòai, tôi đã an ủi, khuyên lơn rằng mình chào đời với cái mình không thì tới lúc ra đi cũng đi tay không, có uổng, có tiếc cũng chẳng mang theo được, cái thân mình còn không tự lo được huống chi đồ đạc ngòai thân. Thì thôi ngay bây giờ hãy tập buông bỏ từ từ. Lần này qua đây thấy ba má như vậy, mai mốt về bên Mỹ, chắc tôi cũng phải lo kiếm viện dưỡng lão để sẵn đó và thu dọn bớt đồ đạc trong nhà, chuẩn bị tâm lý trước chớ không thôi thình lình có chuyện gì sẽ khó thích nghi được với hoàn cảnh. Gần 70 rồi chớ ít sao.
Tôi đồng tình với chị:     
      - Dạ phải rồi, người già nào cuối cùng cũng phải sống nhờ viện dưỡng lão bởi vì đâu có con cái nào chăm sóc hoài cho mình được dù có hiếu thảo tới đâu. Tụi nó phải đi làm, lo gia đình của tụi nó, mình không thể trách tụi nó được. Giai đoạn này ai cũng phải tới, đoạn trường này ai cũng phải qua, bây giờ là hai bác, mai mốt tới phiên mình, không ai có thể trốn tránh, phải chấp nhận mà thôi. 
Bác gái thở dài:
      - Không chấp nhận cũng không được em ơi! Đâu còn cách nào để chọn lựa! Như anh hai Đạt, lúc đầu ảnh buồn lắm, nhưng tới nay thì cũng quen dần. Mấy đứa nhỏ muốn rước ảnh về chơi nhưng ảnh không chịu. Ảnh nói tới nước này rồi, trước mắt chỉ có một con đường là đi thẳng tới nấm mồ chớ chẳng thể nào quay đầu trở lại, vậy thì còn tiếc rẻ, nắm níu làm gì. Về được một chút rồi cũng phải trở vô, lại đối diện với thực tế não nề thì vui gì mà về chớ.

Bác nói đúng, một khi đã vào viện dưỡng lão thì cuộc đời coi như đã khép lại, đã chấm dứt, cách ly với mọi sinh họat bên ngoài, chỉ còn  lại những ngày dài thăm thẳm cô đơn, buồn tủi, mỏi mòn trong bốn bức tường vô tri, cuộc sống từ đó trở thành vô nghĩa, sống không có mục đích, sống để chờ chết mà thôi.

3.

Thấm thoát mà hai bác đã vào viện dưỡng lão hai năm. Trong thời gian đó, cứ cách một hai tuần là chúng tôi đi thăm hai bác. Hai bác rất may mắn được sắp xếp cho ở chung phòng chớ không bị chia ra mỗi người một nẻo, nam nữ riêng biệt như một số viện dưỡng lão khác. Nhờ vậy mà bác gái cũng được an ủi  phần nào, chồng đâu vợ đó như khi còn ở nhà. Bác trai vào trước thì đã quen rồi, bác gái mới vô sau nên lúc đầu ngày nào bác cũng khóc rấm rứt nhớ cái tổ ấm của hai vợ chồng trước kia. Lúc ở nhà, bác còn nấu nướng sơ sơ được, làm món ăn theo ý mình, bây giờ vào đây thì phải chịu phép ăn đồ ăn của nhà già. Mà đồ ăn nhà già chỉ khá hơn nhà thương chút xíu, cứ một cái goût đều đều, ngày nào cũng chừng đó món, nuốt sao vô. Bác nói bác ăn chưa quen, không muốn ăn nhưng phải ăn cho khỏi bị xuống đường, ăn để sống, sống để chờ chết. Chua xót làm sao!


Mỗi lần vào thăm, tôi mua hủ tíu hoặc mì xào hay bánh bao, có khi nấu cơm kho cá, kho thịt đem vô cho bác ăn.  Tôi còn luộc hột vịt muối cho bác để dành ăn từ từ nếu bữa nào chán ngấy mùi đồ ăn tây. Trái cây thì mùa nào trái nấy cho bác khỏi thèm như xoài, đu đủ, lychee, nho, nhãn, quýt, hồng, đào, kiwi, avocado. Cộng thêm, hai người con của bác mỗi tuần thay phiên nhau thăm viếng cũng tiếp tế món này món nọ lia chia. Do đó, về vật chất, hai bác không thiếu thốn bao nhiêu, nhưng về tinh thần thì vô vọng bởi vì hai bác tự biết mình giờ đây chỉ là một kẻ thừa, thuộc vào loại bị gia đình, xã hội đào thải, sống cô lập ở một nơi toàn là người già, người bệnh, một không gian buồn như nghĩa địa, nghĩa địa của người già, không thân nhân bè bạn, chỉ thấy bệnh tật chết chóc vây quanh. 


Trò chuyện với hai bác, chúng tôi không biết phải nói chuyện gì bởi vì hai bác đâu còn hứng thú nghe chuyện xã hội bên ngoài, nói chi tới tin tức thời sự của thế giới năm châu. Hai bác đâu cần biết ai là tổng thống Pháp đương nhiệm, hay thủ tướng Mã Lai mới đắc cử là ai hoặc thế giới có phát minh gì mới lạ hai bác cũng chẳng màng. Ba năm trước, lúc còn khỏe bác trai cũng chơi internet như ai, cũng chuyển mail vù vù cho bạn bè cả dây cả nhợ nhưng từ khi vào đây, một phần vì không có wifi, phần vì mắt bác càng ngày càng kém, báo chí cũng không đọc được, bác đành buông xuôi cái thú tiêu khiển hữu ích cho trí não người già để rồi giờ đây phát sinh ra triệu chứng lú lẫn khiến bác hay nói xàm, nói lãm nhãm chuyện gì đâu đâu mà ngay cả bác gái cũng ngẩn ngơ không hiểu nổi. 


Muốn bắt chuyện với hai bác, tôi chỉ biết hỏi thăm về gia đình bác, những người con sống bên Mỹ, những đứa cháu nội ngoại bên này hoặc gợi chuyện xưa, nhắc đến thời vàng son oanh liệt của hai bác thì hai bác rất phấn khởi, mắt già bừng sáng, ánh lên niềm vui như sống lại những ngày tháng huy hoàng cũ. Bác thao thao kể, nhà có hai chị giúp việc dành cho bác gái, một người giữ em, một người nấu bếp và một anh tài xế cho bác trai đi vòng vòng làm affair, giao thiệp bên ngoài. Người già thường hay hoài niệm, sống về quá khứ nhứt là quá khứ vàng son. Phải chăng đó là tâm lý chung của tất cả mọi người để tự an ủi mình trong cuộc đời đầy dãy thương đau, ít vui nhiều khổ.

Mỗi lần ra về, bác gái thường quyến luyến ôm chúng tôi dặn dò: Hai em đừng bỏ anh chị nhe. Ở trong này buồn lắm, cuối tuần là mong có người tới thăm. Ai tới thăm thiệt là mừng, rảnh rảnh nhớ vô chơi với anh chị nhe hai em. 

Nghe bác nói thật mủi lòng. Làm sao chúng tôi đành đoạn bỏ rơi hai bác cho được. Ngoài tình bạn còn có tình người và lòng bác ái, từ khi hai bác vào viện dưỡng lão, việc thăm viếng hai bác đã mặc nhiên thành một thông lệ, một bổn phận mà chúng tôi đã tự nhủ phải làm mặc dù chúng tôi rất bận rộn và rất mệt mỏi bởi vì chúng tôi cũng đã...già và bệnh!!      

TUỔI GIÀ  NƠI NHÀ  DƯỠNG  LÃO

(Trần Trọng Thiện)*

Với đơn độc, quạnh hiu là bạn
Bao mộng lành cùn cạn, trôi qua
Mưa rơi thánh thót, ngoài xa
Lệ tuôn thấm ướt, ngân nga cõi lòng

Giam giữa bốn bức tường trống rỗng
Không ai vào, cũng chẳng lối ra
Mối giây liên hệ xóm, nhà
Tình thương đoạn đứt, âm ba lịm dần

Ngày lại ngày, như gần thế kỷ
Mộng ngày qua, hi vọng ngày mai
Buông suôi theo tiếng thở dài
Chìm vào quên lãng, có ai biết cùng ?

*Cám ơn bác Thiện. Bài thơ của bác hay quá! Đọc muốn khóc luôn!. Sao đột nhiên bác biệt tăm biệt tích vậy? Bác đâu rồi? Bác có khỏe không? 

   Người Phương Nam

8 comments:

  1. Replies
    1. Cám ơn bạn Ut Tang đã viếng thăm mỗi ngày.
      Thân mến
      NPN

      Delete
  2. Cám ơn chị NPN cho đọc bài viết hay nhưng buồn quá! như một vòng luân hồi, ai cũng đến ải này, thôi thì hiện tại cứ vui được những gì mình có chút nào hay chút nấy.
    Kính chúc sức khỏe 2 anh chị ạ,
    Hồng Thúy

    ReplyDelete
    Replies
    1. Buồn lắm Hồng Thúy ơi! Nhứt là khi mình cứ phải vào viện dưỡng lão thường xuyên, mỗi lần vào cứ thấy những ông già bà cả, ngồi ngoẻo đầu sang một bên chờ người ta đút từng muỗng ăn, hay những người bị bại xuội nằm một chỗ thì mình càng thấy chán đời hơn khi nghĩ tới một ngày nào đó tới phiên mình.
      Cám ơn HT thân thương.
      NPN

      Delete
  3. Rồi ai cũng già chi Kim ơi, chỉ cầu xin cho mình ra đi bình yên. Chúc chi thân tâm bình an lạc.
    Ngoc Vinh

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ngày nào cũng nắng tàn rồi tắt
      Kẻ trước người sau sẽ tới phiên
      Cám ơn chị Ngọc Vinh.
      NPN

      Delete
  4. Bài quá hay và
    Đọc xong nghe buồn quá
    Chúc bạn bình an + hạnh phúc
    DL

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tương lai của tụi mình đó Điệp ơi!
      Tk

      Delete