Pages

Tuesday, May 8, 2018

Người “Khôn Khéo” Tưởng Mình Thông Minh, Đâu Ngờ Lại Không Bằng Kẻ Ngốc

Tăng Quốc Phiên: “Kẻ ngốc nghếch nhất thiên hạ có thể thắng người thông minh nhất thiên hạ”. (Ảnh: Read01)

Có một loại thông minh, luôn tìm cách phá vỡ mọi quy tắc, đầu cơ trục lợi, gian trá hại người, gọi là “khôn khéo”. Mặc dù cũng có người coi nó là một dạng “thông minh”, nhưng cuối cùng lại khiến cho người ta cảm thấy xem thường, chán ngán.


Khôn khéo – Thói xấu che khuất trí tuệ, phá hủy nhân cách 
Người ta thường nói: “Người có tầm mắt và trái tim hẹp hòi thì trời đất không bao giờ là rộng lớn“. Người khôn khéo luôn chỉ chú ý đến lợi ích, làm việc thường không có nguyên tắc, tự cho rằng bản thân lợi hại, có thể chiếm được tiện nghi. Nhưng thực ra thứ quan trọng nhất họ thiếu lại chính là trí tuệ, không thể đảm bảo thành công lâu dài.


Một người quá thông minh cũng thường không thể sống lâu. Như trong “Hồng Lâu Mộng” có nói: “Người tỏ ra thông minh chính là đang đe dọa tính mạng của bản thân“. Trong “Hàn Phi Tử” cũng nói, thông minh không bằng trung thực, làm người đừng quá thông minh. 

Người khôn khéo luôn giỏi tính toán người khác, nhưng ít khi nghĩ đến những thiếu sót của mình, đây là điểm yếu lớn nhất của họ. Người này chỉ mải mê lo đoạt được lợi ích, giữ được danh lợi, luôn có tâm lý đề phòng, lo sợ, cuộc sống vì thế cũng mất đi lạc thú. Trong đầu của họ luôn chỉ quanh quẩn hết ta tính toán ngươi lại đến ngươi tính toán ta, cả thân lẫn tâm đều thật mệt mỏi.

Đặc điểm lớn nhất của kiểu người này chính là không ngại phá hại lợi ích của người khác, làm tổn hại đến đạo đức xã hội chỉ để thu lợi ích cho mình. Người này xem việc chiếm đoạt lợi ích của người khác là “thông minh”, xem gian xảo là một loại “năng lực”. Bản chất của họ chính là không tuân thủ quy tắc, thích sử dụng thủ đoạn, là một loại khôn khéo và lõi đời.

Chẳng hạn vào thời Dân Quốc, có một người vô cùng khôn khéo tên là Lý Tông Ngô. Ông ta tổng kết kết hết thảy những quy luật từ xưa đến nay, cuối cùng viết thành một quyển sách tên là “Hậu Hắc Học”. Kinh nghiệm thành công được tổng kết qua 2 điểm chính: Da mặt phải dày, tâm phải hắc ám. Và cảnh giới cao nhất của nó chính là, da mặt dày mà không trông thấy, tâm hắc ám mà lại như không màu.

Người khôn khéo này luôn lấy mình làm trung tâm để nhìn nhận vấn đề. Những người như vậy thường tỏ ra lanh lợi, biết cách nói chuyện, làm việc thành thạo, ứng đối linh hoạt, thiên biến vạn hoá, gió chiều nào che chiều ấy.

Tuy nhiên thứ khôn vặt ấy thực chất khá thiển cận, dễ bị người khác nhìn ra. Một khi bị người khác nhìn ra, giá trị của bạn sẽ bị hạ thấp hoàn toàn. Người ta chỉ có thể hợp tác một, hai lần với bạn, khi đã nhìn thấu rồi thì sẽ mau chóng tránh xa.

Hơn nữa, làm người không nên tự cho rằng bản thân mình thông minh nhất, còn người khác đều là kẻ ngốc. Cứ nghĩ rằng tất cả chuyện trong thiên hạ đều nằm trong tay mình thì cuối cùng thông minh lại bị thông minh hại, giống như tự vác đá đập vào chân mình.

Kẻ ngốc nghếch nhất lại chính là người thông minh
Làng Tương Hương có lưu truyền một câu chuyện cười như sau. Tương truyền rằng, khi Tăng Quốc Phiên đọc sách ở nhà, chỉ một đoạn văn ngắn ngủi mà đọc đi đọc lại hồi lâu vẫn không sao thuộc được. Một tên trộm định bụng chờ ông ngủ say, thừa cơ lẻn vào khoắng đồ. Nhưng trời đã khuya lắm rồi mà đợi mãi đợi mãi vẫn thấy ông chong đèn, không chịu đi ngủ.
Cuối cùng, tên trộm sốt ruột, không đợi thêm được, bèn nhảy ra khỏi chỗ nấp, lớn tiếng quát: “Đầu óc đần độn như ngươi thì đọc sách gì kia chứ?”. 

Câu chuyện cười này cũng có nguyên do của nó. Tư chất bẩm sinh của gia tộc họ Tăng vốn không xuất sắc gì cho lắm. Cha của Tăng Quốc Phiên là Tăng Lân Thư thi tú tài 17 lần, mãi tới năm 43 tuổi mới may mắn đỗ.

Tư chất của Tăng Quốc Phiên cũng không có gì gọi là xuất sắc. Thành tựu cả đời của ông, có thể nói chính là nhờ sự trợ giúp của chữ “ngốc”. Tăng Quốc Phiên có thể khai thông con đường khoa cử, cũng là dựa vào sức mạnh của cái “ngốc” này.

Cha của Tăng Quốc Phiên biết rõ căn khí của con, nên từ nhỏ đã bắt con đặt công phu vào việc học, nếu một câu đọc không hiểu thì không được đọc câu khác; một quyển sách chưa đọc xong, thì không đọc quyển khác; không hoàn thành nhiệm vụ trong ngày, thì tuyệt đối không được ngủ. Tăng Quốc Phiên không hiểu cái gì là “kỹ xảo”, cái gì là “đường tắt”, chỉ biết một con đường đi thẳng về phía trước, không đụng bức tường không quay đầu lại.

Trải qua những tháng ngày học tập vất vả, Tăng Quốc Phiên lại phát hiện ra, ngốc nghếch cũng có chỗ tốt của nó. Người ngốc nghếch không có tư chất thông minh, do đó sẽ khiêm tốn hơn người khác. Người ngốc nghếch từ nhỏ học hành đã gặp nhiều trắc trở do đó năng lực chống lại những trắc trở trong cuộc sống vô cùng mạnh.

Người ngốc nghếch cũng không biết dùng kỹ xảo, gặp vấn đề chỉ biết xông thẳng vào giải quyết nên không để lại con đường chết cho mình. Trái lại, những người khôn lanh không muốn chịu khổ, gặp khó khăn liền đi đường vòng, nền tảng vô cùng yếu, dễ dàng đổ vỡ. Cho nên, “kém cỏi” thoạt nhìn là chậm, nhưng kỳ thực lại là nhanh nhất, bởi vì đây là thành công thiết thực, không lưu khiếm khuyết.

Tăng Quốc Phiên đánh trận thực sự cũng dựa vào tinh thần ‘ngốc nghếch’ này. Cả đời ông rất giỏi đánh những trận chiến ngốc nghếch, thậm chí là xuẩn ngốc. Khi tham chiến ông không tham cái lợi nhỏ, không cầu mưu kế kỳ lạ, mà chọn cách thiết thực, làm đâu chắc đấy.

Ông nói: “Đánh nhau phải đánh được chữ Ổn”. Cả đời ông dùng binh, không bao giờ đánh trận mà không có sự chuẩn bị, không tham chiến khi không có sự chắc chắn. Ông cũng bỏ nhiều tâm huyết để nghiên cứu tình hình quân ta quân địch, từ cách bố trí chiến đấu, cho đến việc cung ứng hậu cần, cách cứu viện trong tình huống bất lợi… Sau khi tính toán kỹ lưỡng ông mới hạ quyết tâm đánh trận.

Cả đời Tăng Quốc Phiên đối nhân xử thế luôn lấy chân thành làm gốc, lấy ‘ngốc nghếch’ làm nền. Ông luôn yêu cầu chính mình “không nói mạnh miệng, không cầu hư danh”. Khi hành sự, ông tình nguyện để người khác chiếm lợi, chứ không chịu đoạt lợi cho riêng mình. Dẫu người khác dùng kỹ xảo để lừa gạt, ông vẫn dùng sự chân thành, sự ngốc nghếch để đối đãi lại với họ.

Tăng Quốc Phiên nói được là làm được. Tả Tông Đường vì lòng ghen tỵ mà cả đời không phục Tăng Quốc Phiên. Ban đầu thì nói móc đả kích, cuối cùng lại lấy oán trả ơn, vậy mà Tăng Quốc Phiên cả đời vẫn không hề tính toán, chấp nhất.

Lý Hồng Chương là đệ tử của ông, nhưng cũng thường giở trò khôn vặt, mưu tính với ông. Tăng Quốc Phiên lại vì mến mộ tài của họ Lý mà trước sau không hề thay dạ đổi lòng, vẫn luôn quan tâm, bao dung, cất nhắc Lý Hồng Chương. Hồng Chương do đó cả đời cảm kích ông tới rơi lệ. Những năm cuối đời mình hễ mở miệng là ông lại nhắc tới 3 chữ “Sư phụ tôi”.

Chính cách đối nhân xử thế bao dung, khiêm tốn như vậy, mà số bằng hữu của Tăng Quốc Phiên nhiều vô kể, mưu sĩ dưới trướng nhiều như nước, mãnh tướng như mưa. Vậy nên ông mới có thể cầm quân, chỉ huy như ý, đánh thắng được Hồng Tú Toàn, Dương Tú Thanh.

Tăng Quốc Phiên nói rằng: “Kẻ ngốc nghếch nhất thiên hạ có thể thắng người thông minh nhất thiên hạ”. Sự tinh anh, sáng suốt của Tăng Quốc Phiên được xây dựng trên nền tảng ngốc nghếch như vậy. Ông đã vắt kiệt trí óc, dốc hết tâm can vào đó. Quả thực, “ngốc” đến tột cùng thì chính là “thông minh” tột đỉnh vậy.

Tuệ Tâm

No comments:

Post a Comment