Cuộc gặp gỡ Putin Trump ở Helsinki không đưa tới một thỏa hiệp nào,
không có đến một bản thông cáo chung, ít nhất như khi ông Donald Trump
gặp Kim Jong Un. Dù gọi là “họp thượng đỉnh” nhưng hai vị tổng thống
Nga, Mỹ gặp riêng, không có viên chức ngoại giao, kinh tế hay quốc phòng
nào tham dự. Phải nói cho mọi người yên tâm: Chính sách của Mỹ đối với
Nga không có gì thay đổi.
Những điều ông Trump nói riêng với ông Putin không thể làm thay đổi
chủ trương ngoại giao của nước Mỹ. Những biện pháp phong tỏa kinh tế
được đưa ra từ nhiều năm qua, đặc biệt sau vụ Nga chiếm Crimea của
Ukraine, vẫn còn nguyên. Chính sách đó do Quốc Hội Mỹ ban hành trong các
đạo luật, và chính phủ Mỹ không thể xé bỏ, dù bên hành pháp có thể lơ
là, dễ dãi trong khi áp dụng các điều Quốc Hội đã biểu quyết. Trong cuộc
họp báo ngày Thứ Ba, ông Trump nói rõ là chính phủ ông không nới lỏng
cấm vận đối với Nga.
Vì không có vấn đề chính sách nào đáng nói, cho nên sau cuộc gặp mặt,
dư luận chỉ chú ý tới cá nhân ông tổng thống Mỹ hơn là những vấn đề lớn
trong bang giao hai nước.
Nhưng cá nhân ông Trump cũng không thay đổi. Quan sát ông sau một năm
rưỡi làm tổng thống, mọi người có thể đoán trước ngôn ngữ, hành vi của
ông như thế nào. Ông tự giới thiệu là một “thiên tài quân bình.”
Sau một năm, nhiều người đã thấy rằng ông hiểu hai chữ “thiên tài”
(genius) và “quân bình” (stable) khác với mình. Cho nên cũng không ngạc
nhiên khi ông Trump mới nhắc lại hai chữ đó ở Bruxelles trước khi đi gặp
ông Putin. Trong cuộc họp báo với ông Putin, ông Trump tỏ ra “quân
bình” và có “thiên tài” theo cách riêng của ông, khác hẳn người bình
thường.
Khi nói đến mối bang giao giữa hai nước, ông Trump khẳng định nó “tệ
hại đến mức thấp nhất.” Và nói thêm, trước đây bốn tiếng đồng hồ. Tức là
trước khi thiên tài Trump gặp thiên tài Putin. Nhưng tại sao nó tệ hại
như vậy? Ông Trump giải thích, vì lỗi cả hai bên. Tức là không phải lỗi
mình ông Putin, mà những ông George W. Bush và Barack Obama cũng có lỗi.
Các thiên tài, như Beethoven, Einstein, Picasso, đều bị mang tiếng
đãng trí. Tổng Thống Trump cũng quên lý do chính phủ và Quốc Hội Mỹ đã
bắt đầu “trừng phạt” Nga. Lúc đầu họ đưa ra các biện pháp cấm vận nhẹ,
có giới hạn, khi ông Putin giết những người đối lập ôn hòa, hợp pháp và
các nhà báo. Đòn nặng nhất giáng xuống khi Nga chiếm Crimea, và tăng
cường thêm khi Nga tiếp tục gây nội chiến trong nước Ukraine. Năm ngoái,
Quốc Hội Mỹ lại trừng phạt thêm lần nữa khi các cơ quan tình báo kết
luận chính phủ Putin đã tìm cách gây ảnh hưởng trên việc dân Mỹ đi bỏ
phiếu. Tất cả các hành động này khiến mối bang giao xuống thấp đều do
những việc ông Putin làm. Nước Mỹ không can dự, gây nên những hành động
đó.
Lối so sánh đặt ngang hàng nói Mỹ với Nga đều có lỗi khiến nhiều
người Mỹ nổi giận. Nhưng Tổng Thống Trump đã từng nói như vậy ít nhất
một lần. Năm 2017, trước khi nhậm chức, ông Trump được ông Bill
O’Reilly, phỏng vấn trên đài Fox mà ông vẫn thích coi hàng ngày. Ông
Trump nói nên hòa thuận với Putin, O’Reilly bèn hỏi lại: “Nhưng hắn ta
là một kẻ sát nhân. Putin là một tên sát nhân.” Ông Trump trả lời: “Có
rất nhiều kẻ sát nhân. Chúng ta cũng có rất nhiều kẻ sát nhân. Ông nghĩ
thế nào? Nước mình ngây thơ vô tội lắm sao?”
Thiên tài Trump tỏ ra trước sau như một. Ít nhất khi ông phê phán Vladimir Putin.
Ông Putin không quên tấm lòng rộng rãi đó. Trong cuộc họp báo tay đôi
kéo dài 45 phút, ông đã nhiều lần trả lời thay cho ông Trump. Tổng
thống Mỹ không nói một câu nào chỉ trích vụ chiếm Crimea, nhưng ông
Putin đã tiết lộ với báo chí rằng ông Trump không đồng ý với vụ cướp đất
đó. Có thể ông Trump đã nói, rồi quên không nhắc đến, vẫn cái tật đãng
trí của các thiên tài. Có thể khi gặp nhau ông Trump quên không nói, các
thiên tài vẫn hay quên, nhưng may mắn ông Putin đã đoán được ý kiến
này, nên nói ra giúp.
Một điều Tổng Thống Trump không quên nêu ra là vụ mật vụ, tình báo
Nga bị tố cáo đã tấn công tin học trong cuộc bầu cử năm 2016. Ông được
một nhà báo hỏi thẳng chuyện này. Trong câu ông Trump trả lời, có 191
chữ ông nói hoàn toàn về chuyện khác, chuyện hệ thống máy vi tính của
đảng Dân Chủ bị điệp viên tin học Nga xâm nhập. Ông nhắc hai lần đến tên
Hillary Clinton và 33,000 e-mails đã xóa. Ông nhấn mạnh tới cái “máy
cái” (server) và hỏi đi hỏi lại, “Tại sao FBI không đem cái máy cái đó
về điều tra? Trong máy cái đó chứa những gì? Bây giờ nó biến mất ở đâu
rồi?”
Một điều ông không biết là trong trụ sở đảng Dân Chủ có tới hơn 140
máy cái, server. Và FBI, CIA, cũng như tình báo quân đội Mỹ đã mổ xẻ tất
cả hệ thống đó cho nên họ mới lần mò, tìm ra ai là thủ phạm các vụ đột
nhập. Tình báo Nga đã tìm cách che giấu vết tích rất kỹ, nhưng họ quá tự
tin và khinh địch nên vẫn để lộ. Người ta đã tìm đến những giao dịch
tiền bạc, khi mật vụ Nga trả tiền những người cộng tác bằng loại “tiền
ảo,” cryptocurrency. Tưởng không dùng đến ngân hàng là kín đáo lắm rồi.
Nhưng nhờ những vết tích còn để lại ở các công ty thanh toán tiền ảo đó
nên FBI mới bắt họ phải cho vào coi, nên đã chỉ đích danh những cơ quan
nào trong quân đội Nga “chi tiền,” rồi đã truy tố tên tuổi, chức vụ 12
người cầm đầu các cơ quan đó.
Đáng lẽ Tổng Thống Trump phải khoe thành tích này với ông Putin khi
nói chuyện riêng, “Bọn đàn em của ông tệ quá! Đi ăn trộm mà để dấu vết,
đám tay chân CỦA TÔI nó khui ra hết!” Đối với một cựu sĩ quan tình báo
Nga như ông Putin, đó là một đòn rất nặng!
Nhưng ông Trump không muốn làm ông Putin mất mặt. Ngược lại. Trong
128 tiếng ông nói để trả lời vào vấn đề do phóng viên hỏi, ông tỏ ra
không tin tưởng vào những kết luận của tình báo Mỹ. Ông nói: “Dan Coats
(giám đốc tình báo trong Tòa Bạch Ốc) và mấy người khác đến nói với tôi
rằng họ thấy Nga làm vụ đó. Tôi cũng nghe ông Putin, ông ấy nói rằng
nước Nga không làm. Tôi muốn nói thêm là: Tôi không thấy có lý do nào
nói đó là nước Nga. (Dan Coats [director of national intelligence], came to me and some others they said they think it’s Russia I have President Putin. He just said it’s not Russia. I will say this: I don’t see any reason why it would be).
Và đến đây thì chúng ta được thấy thêm cá tính “quân bình, ổn định”
của tổng thống Mỹ. Vì sau khi về nước, trước dư luận phản đối mạnh mẽ từ
các đại biểu Quốc Hội, ông Trump đã nói ngược lại những lời phát biểu ở
Helsinski.
Lúc đầu, ông chỉ tìm cách giữ thể diện cho giới tình báo Mỹ. Ông tuýt
rằng ông rất tin tưởng vào khả năng tuyệt vời của các cơ quan tình báo
CỦA TÔI (viết hoa MY trong nguyên văn). Sau đó, ông họp báo, giải thích
rõ hơn, rằng khi đọc lại bản ghi chép những câu trả lời ông mới thấy
mình nói lộn, nói thiếu một chữ KHÔNG.
Câu nói lúc họp báo là “I don’t see any reason why it would be.” Nay ông Trump minh xác ý ông định nói thật ra là ngược lại: “I don’t see any reason why it wouldn’t be Russia.” Tôi không thấy có lý do nào đó không phải là nước Nga.
Chúng ta không ngạc nhiên thấy ông tổng thống Mỹ nói có rồi lại nói
không trong vòng 24 giờ đồng hồ, về một câu chuyện quan trọng trong bang
giao giữa hai nước có nhiều bom hạch tâm nhất thế giới. Đó là một cách
Tổng Thống Donald Trump “giữ quân bình.”
Giống như thái độ của ông với NATO, Minh Ước Bắc Đại Tây Dương. Từ
khi tranh cử ông đã nói thẳng tổ chức này đã lỗi thời. Ông còn dọa sẽ
rút Mỹ ra khỏi NATO. Khi họp với các lãnh tụ khối NATO ở Bruxelles, ông
mạt sát họ không chịu tăng ngân sách quốc phòng. Trả lời câu hỏi “ai là
thù địch của Mỹ,” trước khi đi Helsinski gặp Putin, ông Trump nói ngay
đến Châu Âu, trong các vấn đề mậu dịch. Sau đó nhắc đến Trung Quốc, về
địch thủ kinh tế. Nước Nga đứng hạng ba, “trong một số vấn đề” không nói
rõ. Tuy vậy, trong cuộc họp sau cùng, ông Trump lại tuyên bố Mỹ giữ
nguyên những cam kết bền chặt với NATO.
Cũng như khi ông Trump thăm Anh Quốc. Trả lời cuộc phỏng vấn của báo Sun,
ông chê bà thủ tướng Anh là quá vụng về trong cuộc thương lượng vụ nước
Anh rút khỏi Châu Âu, EU. Ông còn nói nếu ông Boris Johnson làm thủ
tướng Anh thì khá hơn. Johnson là vị ngoại trưởng Anh mới từ chức vì bất
đồng ý kiến với bà Theresa May.
Khi báo Sun in bài phỏng vấn với những lời lẽ đó, ông Trump
lại kết tội báo này là “Tin bịa đặt” (Fake news). Hôm sau, ông đứng bên
bà May, hết lời ca ngợi bà trong cuộc thương thuyết với EU. Nhưng sau
khi chia tay, ông lại nhắn mách kế bà May: Nên kiện EU ra tòa!
Có nhiều người dùng những lời nói trước sau không giống nhau, dùng
như một cách tự giữ thế quân bình trong vai trò của mình, cũng như trong
tâm lý chính mình. Đứng trước những vấn đề rắc rối ngoài tầm phán đoán
thì tại sao phải nói một điều rồi không bao giờ thay đổi? Khăng khăng
như vậy chỉ làm cho gia đình, bạn bè khó chịu, lánh xa, mà còn làm cho
tâm lý mình hỗn loạn, bất ổn! Nói ngược lại lời mình đã nói là một cách
trị liệu.
Tổng Thống Donald Trump có phương pháp giữ quân bình khác nhiều
người. Nhưng trong nhiều phạm vi ông đã chọn thì ông không bao giờ áp
dụng phương pháp đó. Đó là những vấn đề liên quan đến TÔI và CỦA TÔI.
Trong những vụ này, ông Trump rất quân bình, ổn định.
Ngô Nhân Dụng
nhung tu ngu danh tu va noi dung bai viet nay danh cho nguoi VN duoc coi nhu kem coi it hoc khong hieu biet ti gi ve chinh tri ca.
ReplyDeleteTrump không phải là kẻ nhu nhược.Sự việc ông ta mềm dẻo với Nga chẳng qua là để
ReplyDeletechuẩn bị cho một kế hoạch cực kỳ trọng đại mà Mỹ không muốn bị Nga can thiệp.Kế
hoạch này cần Mỹ không nên đá động gì đến vụ việc Crimea,đổi lại là Nga không
nên can thiệp khi Mỹ quật đổ Trung Cộng.Chắc chắn là Nga đồng ý,vì lẽ hiện nay
Nga trong vị thế bị động,đồng thời chẳng có lợi gì nếu giúp bọn Tàu nếu không
nói là có hại.Kế sách hiện nay của Nga chính là "toạ sơn quan hổ đấu" đồng thời
cũng là "bạng duật tương tranh ngư ông đắc lợi" vậy.Đây là chuyện mật,không thể
ký kết công khai,cho nên hai bên chỉ có "nói riêng" mà thôi.