Pages

Friday, July 20, 2018

Thảm Họa Hạt Nhân Từ Một Thiết Bị Y Học Bị Đánh Cắp

Ngày 13/9/1987, hai người đàn ông là Roberto dos Santos Alves và Wagner Mota Pereira đã lẻn vào Bệnh viện Gioano, bang Goiás, Brazil, lấy cắp một viên nang chứa 93 gam chất phóng xạ Cesium clorua, nằm trong một chiếc hộp làm bằng chì và thép vì họ nghĩ rằng nó là kim loại quý.

Sau đó, họ tháo nó ra. Hậu quả sau cùng là 4 người chết, hàng chục người phải tháo khớp, đoạn chi và 112.000 người nhiễm phóng xạ - trong đó có 250 người được đánh giá là nhiễm nặng, đến nỗi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đã gọi đây là "một trong những thảm họa bức xạ tồi tệ nhất hành tinh"…

Sự vô ý chết người

Câu chuyện bắt đầu từ Bệnh viện Goiano de Radioterapia (IGR), là một bệnh viện tư nhân chuyên điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị, nằm cách trung tâm hành chính Praca Civica của thành phố Goiânia 1km về phía tây bắc. Năm 1985, IGR chuyển về cơ sở mới, bỏ lại một số thiết bị y khoa, trong đó có một chiếc hộp làm bằng chì và thép, chứa 1 viên nang chất phóng xạ Cesium clorua, mua và sử dụng từ năm 1977.

Bệnh viện Goiano de Radioterapia, nơi nguồn phóng xạ bị mất cắp.

Ngày 4/6/1987, Carlos Figueiredo Bezerril, người quản lý vật liệu phóng xạ của IGR dự định tiến hành thu hồi viên nang ấy nhưng bị ngăn cản bởi Saura Taniguti, Phó Giám đốc Viện Ipasgo, chịu trách nhiệm bảo hiểm sức khỏe cho công nhân viên chức trong thành phố. Theo ông, bởi vì trước đó đã có sự tranh chấp giữa IGR với Hiệp hội Saint Vincent de Paul - là đơn vị sở hữu khối bất động sản - nơi đặt Bệnh viện IGR, và tòa án đã có lệnh niêm phong đồng thời cắt cử nhân viên bảo vệ nên tất cả mọi trang thiết bị trong bệnh viện đều phải giữ nguyên hiện trạng.

Trước tình hình ấy, Bezerril đã cảnh báo Licio Teixeira Borges, Giám đốc Viện Ipasgo "phải chịu trách nhiệm về những gì sẽ xảy ra với "quả bom" Cesium clorua", đồng thời Ban Giám đốc IGR cũng gửi công văn cho Ủy ban Năng lượng Hạt nhân Quốc gia Brazil, lưu ý họ về nguy cơ của nguồn phóng xạ nằm trong bệnh viện bỏ hoang mà IGR không thể tháo gỡ vì đã có lệnh của tòa án.

Theo hồ sơ quản lý của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), viên nang chứa chất phóng xạ Cesium clorua - là muối Cesi được tạo ra với chất đồng vị phóng xạ Cesium 137 - có đường kính 51 mm, dài 48 mm, chứa 93 gam Cesium clorua, được đặt trên một thiết bị xạ trị gắn bánh xe để có thể di chuyển từ nơi này đến nơi khác trong bệnh viện. Khi hoạt động, qua nhiều bộ phận phức tạp, phóng xạ sẽ tạo thành một chùm tia hẹp màu xanh, tiêu diệt các tế bào ung thư.

Vẫn theo hồ sơ quản lý của IAEA, thời gian bán hủy của chất Cesium clorua là 30 năm nhưng mặc dù đến thời gian đó chăng nữa, nó vẫn còn rất nguy hiểm nếu lọt vào tay bọn khủng bố, biến thành bom bẩn vì khi bom nổ, chất phóng xạ sẽ phát tán ra xung quanh, thấm vào đất, nước và các loại thực vật.
Khi con người uống nước, ăn các loại rau, quả, củ, hoặc thịt động vật (mà những con vật này đã ăn các loại thực vật nhiễm phóng xạ) thì con người cũng nhiễm. Hậu quả là một số bệnh ung thư như ung thư tuyến giáp, ung thư gan, phổi, dạ dày, đại tràng sẽ xuất hiện. Phụ nữ có thai sẽ sinh quái thai hoặc cho ra đời những đứa trẻ dị tật…

Giỡn mặt tử thần

Nửa khuya ngày 13/9/1987, lợi dụng người bảo vệ ngủ say, Roberto dos Santos Alves và Wagner Mota Pereira lẻn vào Bệnh viện IGR lúc ấy đã bỏ hoang để tìm đồ phế liệu. Sau một hồi lùng sục, cả hai phát hiện qua lớp cửa kính của một căn phòng khóa kín, một chiếc xe đẩy với những thiết bị phức tạp. Nghĩ rằng nó có thể chứa các kim loại quý như vàng, platin, bạc, họ cắt ống khóa bước vào.

Nền nhà của Santos Alves và Mota Pereira đều bị bóc đi lớp đất bề mặt. Đồ đạc trong nhà được bọc nylon rồi cho vào thùng lót chì để đem chôn.

Lúc đã tháo rời chiếc xe xạ trị và một số thiết bị, cả hai khiêng chiếc hộp có chứa viên nang phóng xạ lên một xe cút kít rồi đẩy về nhà. Tại đó, với búa, cưa, đục, họ phá chiếc hộp, lấy viên nang ra nhưng phải đến ngày 16/9, Santos Alves mới chọc thủng được viên nang bằng một chiếc tuốc nơ vít.
Khi chọc thủng viên nang, Santos Alves nhìn thấy một chùm ánh sáng màu xanh lục phát ra từ cái lỗ thủng bé tí. Ngay cả phần đầu của tuốc nơ vít cũng có cái ánh sáng kỳ lạ này. Thoạt đầu, Santos Alves nghĩ nó là một loại thuốc súng trong pháo hoa nhưng khi đốt, nó không cháy.

Ngay tối hôm đó, cả Santos Alves lẫn Mota Pereira bắt đầu nôn mửa nhưng họ cho rằng đó là hậu quả của món mì ống mà họ ăn lúc chiều. Hôm sau, cả hai bị tiêu chảy, chóng mặt còn bàn tay thì sưng vù lên, trong đó ngón trỏ ở bàn tay trái và ngón trỏ bàn tay phải của Mota Pereira sưng to như quả chuối, cánh tay phải của Santos Alves xuất hiện những vết loét... Đến một phòng khám gần nhà, Mota Pereira được chẩn đoán là ngộ độc tiêu hóa, được cấp một vài loại thuốc rồi được khuyên về nhà nghỉ ngơi. Riêng Santos Alves, bác sĩ rửa vết loét rồi cho anh ta thuốc kháng sinh, thuốc chống dị ứng và kết luận rằng đó là bệnh viêm da tiếp xúc.

Nhưng 1 tuần sau, các triệu chứng càng lúc càng nặng thêm nên gia đình Santos Alves và Mota Pereira đưa họ đến Bệnh viện Trung tâm Praca Cívica. Tại đây, Mota Pereira phải cắt cụt hai ngón tay, còn Mota Pereira cắt cụt cánh tay phải mà nguyên nhân được cho là "nhiễm khuẩn hoại tử".

Tuy nhiên, trước khi được gia đình đưa vào Bệnh viện Trung tâm Praca Civica, ngày 18/9, Santos Alves đã kịp bán cái hộp bằng chì và thép cùng viên nang phóng xạ cho một điểm thu mua phế liệu gần nhà. Đến tối, Devair Alves Ferreira, chủ cơ sở thu mua phế liệu nhìn thấy chùm ánh sáng màu xanh phát ra từ cái lỗ thủng do Santos Alves đục bằng tuốc nơ vít nên ông ta lập tức bê nó vào phòng vì ông ta nghĩ rằng nó có thể có một thế lực siêu nhiên.

Trong 3 ngày tiếp theo, Ferreira mời bạn bè đến xem thứ ánh sáng kỳ lạ nhưng cũng như 2 nạn nhân Mota Pereira và Mota Pereira, tất cả những người đến xem đều xuất hiện triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt chỉ sau vào tiếng đồng hồ - trong đó có cả Gabriela Maria Ferreira, 37 tuổi, vợ của Ferreira.

Ngày 25/9, Ferreira bán chiếc hộp và viên nang phóng xạ cho một cơ sở thu mua phế liệu khác nhưng một ngày trước đó, Ivo, anh trai của Ferreira đã cạo một lớp trên vỏ viên nang rồi đem về nhà, rắc nó xuống sàn đá hoa Leide das Neves Ferreira, đứa con gái 6 tuổi của Ferreira bị thứ ánh sáng màu xanh mê hoặc nên vừa ngồi nhìn, vừa ăn bánh mì kẹp thịt.

Thỉnh thoảng, cô bé lại đưa tay sờ vào lớp bột phát sáng rồi lại tiếp tục ăn. Kết quả giải phẫu tử thi sau đó cho thấy Leide das Neves Ferreira đã bị nhiễm 6 Gy Cessium clorua (là đơn vị đo liều lượng phóng xạ), trong khi để điều trị ung thư, liều này chỉ là 1 Gy.
Gabriela Maria Ferreira, vợ của Ferreira là người đầu tiên nhận ra rằng tất cả những ai tới nhà cô để xem "ánh sáng màu xanh" đều phát bệnh cùng một lúc. Ngày 28/9, cô bỏ viên nang cùng chiếc hộp vào một cái túi bằng nhựa, đem đến Bệnh viện Trung tâm Praca Civica. Ngay lập tức, các bác sĩ chuyên khoa Y học hạt nhân của bệnh viện nhận ra nó là thiết bị phóng xạ đồng vị.


Gạo đã thành cơm

Ngày 29, sau khi được thông báo, một nhà vật lý y khoa mang theo một máy đo phóng xạ Geiger đến Bệnh viện Trung tâm Praca Civica. Tại đây, khi tiến hành khảo sát, nhà vật lý này xác nhận có sự hiện diện của phóng xạ trong không khí với nồng độ vượt quá mức cho phép. Lập tức, Ban giám đốc Bệnh viên Praca Civica báo ngay cho các cơ quan chức năng và đến cuối ngày 29, cả chính quyền thành phố Goiânia lẫn chính quyền bang Goiás và ngay cả chính phủ Brazil cũng đều nhận được thông tin.


Mota Pereira bị cắt cụt 2 ngón tay, lòng bàn tay còn có 1 khối u do phóng xạ.

Trên các phương tiện truyền thông đại chúng - cả Brazil lẫn quốc tế, xuất hiện hàng trăm bài báo, hàng chục phóng sự truyền hình nói về thảm họa bức xạ hạt nhân ở Goiânia. Trong vòng vài ngày, gần 130.000 người ở xung quanh khu vực nhà Santos Alves và Mota Pereira - là hai người đầu tiên đem viên nang về rồi đục thủng - cũng như ở xung quanh 2 cơ sở phế liệu đã mua viên nang lập tức đổ đến các bệnh viện vì sợ rằng họ đã có thể bị nhiễm phóng xạ.

Sau khi kiểm tra bằng cách sử dụng máy đo Geiger, ngành y tế Brazil xác nhận có 250 người nhiễm phóng xạ liều cao, trong đó một số vẫn còn tồn dư chất phóng xạ trên da, 20 người phải điều trị ngay lập tức vì đã xuất hiện những triệu chứng. Với lớp đất trên bề mặt ngôi nhà của Santos Alves và Mota Pereira, cũng như lớp đất bề mặt hai ngôi nhà mua bán phế liệu đều được bóc sạch bằng máy ủi, nhà bị phá hủy. Tất cả mọi đồ vật trong nhà được bọc kín bằng một lớp chì rồi đem chôn. Bên cạnh đó, 3 xe buýt, 42 căn nhà, 14 ôtô, 5 con heo và 50 nghìn cuộn giấy vệ sinh ở các khu vực lân cận cũng bị tiêu hủy vì nhiễm phóng xạ.

Khi Leide das Neves Ferreira, con gái 6 tuổi của Ivo Ferreira chết vì tổn thương thận, phổi, dạ dày, do ăn bánh mì kẹp thịt dính phóng xạ, cô bé được khâm liệm trong một quan tài bằng sợi thủy tinh có lót chì nhằm ngăn phóng xạ phát tán. Tuy nhiên, lúc tiến hành chôn cất cô bé ở nghĩa trang chung của thành phố Goiânia, 20.000 dân đã kéo đến phản đối vì họ sợ thi thể khi phân hủy sẽ làm nhiễm độc nguồn đất, nước. Bằng cách sử dụng đá, gạch, chặn đường vào nghĩa trang, cuộc phản đối nhanh chóng biến thành một cuộc bạo động. Chỉ khi cảnh sát đến giải tán, đám tang mới được tiến hành.

Gabriela Maria Ferreira, 37 tuổi, vợ của Devair Ferreira, chủ cơ sở mua bán phế liệu bị rụng tóc, chảy máu ở các lỗ chân lông trên da, mắt, đường tiêu hóa trước khi chết vào ngày 23/10/1987. Israel Baptista dos Santos, 22 tuổi, là công nhân của Devair Ferreira, người đã phụ giúp Ferreira đem viên nang phóng xạ vào nhà, chết ngày 27/10/1987 vì suy hô hấp và suy hệ bạch huyết. Admilson Alves de Souza, 18 tuổi, cũng là công nhân của Ferreira bị tổn thương phổi, chảy máu dạ dày và tổn thương tim. Souza chết ngày 18/10/1987.

Riêng ông chủ thu mua phế liệu Devair Ferreira, mãi đến năm 1994 mới chết vì ung thư gan. Ivo Ferreira, anh ruột ông, người đã cạo lớp bột trên viên nang rồi đem về nhà để xem nó phát sáng, dẫn đến sự tử vong của đứa con gái, chết năm 2003 vì ung thư phổi. Còn 250 người nhiễm phóng xạ liều cao, họ lần lượt chết vài năm sau đó, chỉ có 46 người sống sót do cơ thể họ tự sửa chữa những đột biến tế bào, gây ra bởi phóng xạ.

Với những người gián tiếp làm nên thảm họa, Tòa án Liên bang Brazil buộc Ủy ban Năng lượng Hạt nhân quốc gia phải bồi thường cho thân nhân mỗi người chết số tiền tương đương 750.000USD, đồng thời phải theo dõi cho con, cháu họ cùng tất cả những người đã phơi nhiễm phóng xạ đến hết thế hệ thứ 3. Một bác sĩ bệnh viện IGR chịu trách nhiệm quản lý viên nang phóng xạ phải bồi thường 60 nghìn USD.
Hiện tại, sự nguy hiểm phóng xạ ở Goiânia không còn nữa, nhưng những người đã dọn đi ngay sau khi thảm họa xảy ra thì hầu như chẳng ai quay về…

Theo ANTG

No comments:

Post a Comment