Pages

Tuesday, September 11, 2018

3 Việc Lãng Phí Thời Gian Nhất Trên Đời

Cuộc đời trôi qua nhanh như chớp mắt, nếu cứ hoài phí thời gian đuổi hình bắt bóng theo những thứ phù du, không biết tận dụng từng phút giây trôi qua để làm những điều bản thân cần làm, đến một lúc nào đó bạn sẽ cảm thấy hối tiếc không nguôi. 

Có thể nói rằng, ba việc lãng phí thời gian nhất với mỗi người chính là lo lắng, chỉ trích và phán xét.

Điều thứ 1: Lo lắng

(Ảnh: Pixabay)

Có rất nhiều việc khiến chúng ta lo âu, tuổi càng cao thì càng nhiều mối lo. Nhưng tựu chung lại, có hai vấn đề khiến con người thường xuyên lo lắng.
Thứ nhất, chính là những thứ mà chúng ta chuẩn bị không đủ, như thi cử, biểu diễn, thuyết trình, việc làm, bày tỏ cảm xúc… Chúng ta lo lắng về những việc này là vì chúng ta sợ bản thân mình sẽ làm không tốt. Có rất nhiều nguyên nhân cho việc làm không tốt, nhưng xét cho cùng thì nguyên nhân trực tiếp nhất, có khả năng nhất chính là chuẩn bị không đủ. Không cố gắng ôn bài, không nỗ lực chuẩn bị, không có tài liệu, thiếu kinh nghiệm, không chuẩn bị tư tưởng, không dành đủ thời gian luyện tập…

Vậy khi đã chuẩn bị không đủ thì chúng ta nên làm gì đây? Ngồi lo lắng thấp thỏm ư? Đương nhiên là phải nhanh chóng chuẩn bị rồi.
Thứ hai, những việc mà chúng ta không thay đổi được, ví dụ như suy nghĩ của người khác, sự khiếm khuyết bẩm sinh của bản thân hay “ngày tận thế”. Có những việc bạn không thể thay đổi được, nhiều người luôn cảm thấy rằng cố gắng nhiều hơn một chút là sẽ hoàn hảo, để mọi người xung quanh đều thích mình, để thế giới tràn đầy yêu thương.

Dù vậy, trên thế gian này có rất nhiều việc mà bạn thật sự không thể nào thay đổi được. Giống như có những người tự nhiên thích bạn, có người không thích bạn. Dù bạn có cố gắng đến đâu, tận tâm ra sao, người không thích bạn vẫn cứ không thích bạn. Đôi khi căn bản không phải là vấn đề ở bạn, mà có rất nhiều nguyên nhân khó có thể lý giải được.
Nếu đã không thay đổi được, vậy thì vì sao còn phải lo nghĩ? Lo lắng có thể thay đổi được chăng? Hãy buông nó đi! Không thay đổi được thì cứ mặc kệ nó đi! Hãy hưởng thụ cuộc sống của bạn!

Điều thứ 2: Chỉ trích

(Ảnh: bigstockphoto.com)

Trách móc, chỉ trích là điều bản thân mỗi người đều đã từng trải qua. Không vào được đại học, chúng ta trách bố mẹ, thầy cô giáo dục không đúng đắn; không tìm được công việc, chúng ta trách nhà trường dạy không sát thực tế; thi không qua môn, chúng ta trách giáo viên không giỏi; đi làm muộn, chúng ta trách hệ thống giao thông; hẹn hò thất bại, chúng ta trách người kia ích kỷ; biểu diễn không thành công, chúng ta trách thiết bị không tốt…

Bắt đầu từ bây giờ, nếu bạn muốn trở thành một người thành công, vui vẻ, hãy dừng việc này lại. Hãy tự chịu trách nhiệm với bản thân. Cuộc đời bạn, hạnh phúc của bạn là trách nhiệm của bản thân bạn!
Đúng vậy, chúng ta đều có những việc khiến mình đau lòng, bạn khóc nói rằng bố mẹ đánh bạn từ nhỏ, người này khóc kể lể thầy cô từng mắng nhiếc mình, người kia khóc nói bạn gái bỏ rơi khiến tổn thương nên không dám yêu nữa v.v…

Vậy thì sao? Chúng ta có thể cũng sẽ gặp những người không tốt với mình, có thể sẽ kết hôn một người không tốt. Nhưng người lựa chọn ở lại trong các mối quan hệ này ai? Rõ ràng là dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta luôn có sự lựa chọn.

Đương nhiên, có những sự lựa chọn không hề dễ dàng. Nhưng nếu đã chấp nhận chịu đựng, vậy thì vì sao còn trách móc? Bạn trách người khác, nhưng rất khó để thay đổi họ. Chi bằng hãy thay đổi chính bản thân mình.
Tức giận đến mất bình tĩnh, người mà cảm thấy cuộc sống của mình bi thảm chỉ có một mình người đang trách móc là bạn mà thôi. Do vậy, đừng nên tiếp tục trách móc. Nếu làm sai, hãy học hỏi kinh nghiệm từ đó, lần sau thử làm tốt hơn. Đừng tự làm khổ bản thân mình và người khác.

Điều thứ 3: Phán xét

(Ảnh: Pixabay)

Có thể nói rằng, phán xét hay đánh giá cuộc sống của người khác là một việc vô cùng không tốt. Bạn có thể không hiểu hoàn toàn một người nào đó, nên căn bản không hề biết rằng những sự phán xét đó có thể đi xa đến đâu.

Đôi khi trong cuộc sống, bạn cứ nhìn mãi vào người khác mà không khỏi phán xét một cách thiếu thiện ý: Anh A sao mà ngốc quá, anh B này yếu đuối quá, cậu C cứ làm ra vẻ có tiền, anh D là một kẻ càn quấy không có lý lẽ,…

Anh A ngốc, nhưng anh ta rất chân thành, mọi người đều quý mến. Anh B yếu đuối thật đấy, nhưng anh ấy tốt với bạn gái, họ sắp kết hôn hạnh phúc rồi. Cậu C thích thể hiện ra bên ngoài, cũng có lý do riêng, là bởi vì từ nhỏ cậu ấy bị người khác xem thường. Còn anh D thì từ nhỏ đến lớn bị một người bố say rượu đánh mắng nên mới thành ra như thế…

Rõ ràng, dù bạn có phán xét thế nào, người khác tiếp tục đi con đường của họ, dù trong mắt bạn đó là con đường rất ngờ nghệch, nhưng họ tiếp tục hưởng thụ cuộc sống của mình, còn bạn thì sao? Phán xét họ xong bạn có cảm thấy vui vẻ không?

Bạn đi trên đường, theo dõi và đánh giá người khác sống ra sao, chẳng phải bạn mới đáng thương hơn sao? Bạn cười người khác một cách đắc ý mà không hề ý thức được rằng bạn cũng ở trong bức tranh ấy. Những người đi ngang qua cũng đang nhìn bạn và cảm thấy bạn thật tức cười.

Nếu đã như vậy thì đừng nên tiếp tục phán xét người khác nữa, hãy dành thời gian cho cuộc sống, công việc, và hành trình tương lai của mình. Bạn sẽ cảm thấy điều đó có ý nghĩa và hạnh phúc biết bao!

Ngọc Trúc
https://trithucvn.net/

1 comment:

  1. Người ta có thể tránh khỏi ba điều nói trên nếu hiểu lời dạy của Cổ Đức :"CHỚ
    THẤY LỖI NGƯỜI,HÃY THẤY LỖI MÌNH".Chẳng bao giờ thấy lỗi của người thì không có
    chuyện trách móc hoặc phán xét ai hết.Chỉ thấy lỗi mình thì đủ dũng khí nhận
    lãnh trách nhiệm,không hề đổ thừa ai dù sai lầm ấy không phải do mình gây ra.
    Đồng thời có thể nhẫn chịu sự chê bai mắng chửi của người mà không cần phân bua
    minh oan gì hết.Mọi chuyện rồi sẽ qua đi,việc gì mà phải nhọc lòng chứng minh
    thằng ta là tốt là giỏi hơn người?Chỉ là vô ích,cũng chẵng có ai chấp nhận đâu.

    ReplyDelete