Pages

Monday, September 3, 2018

Bất Hạnh Không Chừa Một Ai, Gia Tài Bạc Tỉ Đâu Phải Là Thuốc Chống Khổ Đau


Sự việc đầu bếp, cây viết ẩm thực tài ba Anthony Bourdain tự sát ngày 08/06/2018 đã dấy lên rất nhiều câu hỏi, rất nhiều trăn trở và day dứt: tiền tài và địa vị có thật sự là thứ vũ khí chống lại mọi khổ đau?


Thuở còn ấu trĩ, tôi tự bi kịch hoá cuộc sống bằng những nỗi buồn mà tôi cho rằng không ai trong các mối quan hệ của tôi từng phải nếm trải. Tôi cảm thấy khó chịu, sốt ruột với cô bạn con nhà giàu nhưng ngày đêm chìm đắm trong cơn vật vã thất tình chỉ vì “bị crush từ chối”. Tôi chia sẻ về trang cá nhân và phê bình gay gắt những trường hợp tự tử vì thất tình. Cho đến ngày trực tiếp trải qua hoàn cảnh như vậy, tôi mới nhận ra: bất hạnh không chừa một ai, gia tài bạc tỉ không phải là thuốc giảm đau.


Ai cũng có một nỗi niềm…
Một ngày tháng 12 năm 2017, cả thế giới bàng hoàng trước sự ra đi của ca sĩ Jonghyun, thành viên nhóm Shinee. Một làn sóng nhận thức về căn bệnh trầm cảm được dấy lên mạnh mẽ trong cộng đồng mạng, cuốn vào trong xoáy nước thăm thẳm của khổ đau là tất cả những nỗi niềm của rất nhiều số phận ngoài kia cũng đang chịu đựng, cũng đang vật vã từng ngày. 27 tuổi, vẫn ở trên đỉnh cao của sự nghiệp, có tiền, có bạn bè và gia đình, có cả một gia tài những tác phẩm nghệ thuật đồ sộ và được công chúng ngưỡng mộ. Nhưng vì sao Jonghyun, Avicii và rất nhiều những nghệ sĩ tên tuổi khác vẫn chọn cách ra đi.

Thất tình, bị chèn ép trong công việc, cảm thấy mình tụt lại trên đường đời quá hối hả và bon chen? Đâu là lí do khiến con người ta bế tắc như vậy? Rất khó đưa ra được một câu trả lời. Khi không tìm ra nguyên nhân, người ta thường vẽ ra muôn vàn các giải pháp. Anh giàu như vậy, tại sao anh không đi du lịch đâu đó? Mua cái gì đó? Anh giỏi như vậy? Vì sao anh không tập trung vào ca hát và sáng tác để quên đi nỗi buồn? Những người từng ngày, từng phút, từng giây, vật lộn với vòng xoáy cơm - áo - gạo - tiền, vẫn tự mặc định rằng: nghèo đói là khổ nhất, chỉ cần thoát nghèo, mọi nỗi đau đều có thể tan biến bằng một bữa ăn ngon, một chuyến du lịch dài ngày tại resort 5 sao sang chảnh. Nhưng câu chuyện đâu đơn giản như vậy?


Khóc trong xe limo liệu có dễ chịu hơn?
Người ta thường nói: thà khóc trong xe limo còn hơn cười trên xe đạp. Ai cũng cho rằng con người ta chỉ cần một nền tảng vật chất vững vàng là có thể đương đầu với mọi sóng gió. Còn những hạnh phúc nhỏ nhoi không dựa trên sự ổn định về vật chất, thì sẽ rất mong manh.

Tôi cũng đã từng nghĩ vậy, cho đến khi đọc câu chuyện về gia tộc Samsung - đế chế tài phiệt số một Hàn Quốc.
Những người con, người cháu tự sát, hàng loạt cuộc hôn nhân đổ vỡ và hệ quả là những công chúa, hoàng tử, những người thừa kế nhí phải sống trong cảnh không được gặp mặt mẹ, bố mẹ cãi cự, đấu tố nhau từ toà án cho tới trên mặt báo. Không chỉ Samsung, gia tộc Lotte còn thảm hại hơn khi con trai hất cha ruột khỏi chiếc ghế của mình.

Những tâm sự đẫm nước mắt của Á hậu Hàn Quốc Go Hyun Jung khi làm dâu nhà giàu.

Liệu nhưng câu chuyện đắng lòng trên có phải là “giọt nước mắt hạnh phúc trong xe limo”? Liệu đứng trên một đống tiền thì có thể vững chân trước bão tố? Có thật sự là chỉ cần ở trong lâu đài thì sẽ không bị sét đánh?

Không, sấm vẫn rất bất ngờ, trên hàng cây đứng tuổi...
Ngày 8/6/2018, Anthony Bourdain, cây viết ẩm thực nổi tiếng thế giới, người đầu bếp từng ngồi ăn bún chả với tổng thống Obama tại Việt Nam, tự sát trong khách sạn.
Người ta lại nhao nhao lên hỏi: “Giàu như thế mà phải chết? Ngần nấy tuổi rồi có chuyện gì còn chưa trải qua? Tại sao phải kết thúc như vậy?”

Bạn ơi! Cuộc sống vốn không hề dễ dàng với bất kì ai. Áo rách vẫn bị chó cắn, hồng nhan thì cũng bạc mệnh. Khi bạn bị đau chân, bạn chỉ nghĩ đến cái chân đau của mình mà chẳng quan tâm ngoài kia còn có người đau đầu, đau mắt, đau đến quặn thắt ruột gan. Nghèo thì khổ thật, không được ăn món mình thích, yêu người mình yêu, thì quả là đau đớn. Nhưng khi bạn nghèo, chỉ cần một chút bù đắp về vật chất đã có thể thay đổi tâm trạng của bạn. Bởi của cải vốn giống như một chất gây nghiện có tác dụng giảm đau nhất thời.

Người không giàu, ít khi được tiếp xúc với nó. Nên chỉ một liều lượng nhỏ đã có thể giúp họ xua tan những nỗi đau trong hiện tại. Người giàu có, một khi đã mang nỗi niềm, thì nỗi niềm của họ cũng đồ sộ như gia tài của họ vậy. Họ như một cá thể mang đầy các virus đã quá “nhờn” với vật chất, nên bao nhiêu của cải vẫn không thể chữa lành những vết thương của họ. Nói vậy, ý tôi không phải là người nghèo thì dễ dãi, nhưng thật sự, người giàu, một khi đã đau, thì khó xoa dịu hơn rất nhiều.

Khi bạn học cấp một, bạn thấy tiếng Anh rất khó. Lên cấp 2, bạn đã hiểu được tiếng Anh rồi thì lại xuất hiện môn Hoá. Thi được vào trường cấp 3 tốt thì bố mẹ lại đặt kì vọng phải đỗ vào trường đại học danh giá. Cuộc đời là một trò chơi với độ khó tăng dần theo từng cấp độ, nhưng nó khác game ở chỗ: không ai biết đâu là đích đến. Người nghèo cần đủ ăn, nhưng bao nhiêu là đủ. Người giàu cần sự thanh thản. Nhưng làm sao để thanh thản khi một đồng kiếm ra là ba nghìn đầu việc phải làm? Bạn càng giàu có thì cuộc sống của bạn càng hối hả và bận rộn. Dĩ nhiên, có những người rất nhàn hạ nhưng vẫn giàu. Nhưng đó chỉ là số ít, rất ít!

Lại có những người cho rằng: càng lớn tuổi, chúng ta càng dạn dĩ và can trường, càng khó bị quật ngã trước những giông bão. Như lời nhà thơ Hữu Thỉnh viết: “Sấm đã bớt bất ngờ, trên hàng cây đứng tuổi”. Nhưng không phải ai cũng có một sức chịu đựng đồng biến với tuổi tác. Hoặc nếu càng già đi, chúng ta càng mạnh mẽ hơn, thì vòng xoáy cuộc đời luôn cuốn chúng ta vào khổ đau với một gia tốc lớn hơn rất nhiều so với gia tốc trưởng thành. Ai dám khẳng định hàng cây đứng tuổi thì không lung lay trước bão tố? Ai dám cho rằng người đã quá từng trải sẽ không bao giờ gục ngã thêm lần nữa? Chúng ta đều là con người, và khả năng chịu đựng những cơn đau là có hạn. Hết sức có hạn.

Gai mồng tơi cũng đau lắm!
Đã bao lần tôi muốn trực tiếp xin lỗi cô bạn nọ vì đã mỉa mai bạn là: “Con nhà giàu dẫm phải gai mồng tơi!”. 
Tôi muốn xin lỗi tất cả những người mà đã bị tôi phán xét chỉ vì họ buồn: họ buồn vì tình yêu, họ buồn vì được 9,5 trong bài thi cuối kì nhưng điểm đó không đủ để giành học bổng. 

Tôi muốn rút lại mọi phát biểu cho rằng việc một người gục ngã trước một thử thách tầm thường, chứng tỏ họ là người tầm thường. 
Tôi muốn xoá đi những dòng trạng thái đầy mỉa mai rằng: Bất hạnh không bao giờ gõ cửa toà lâu đài. Chỉ cần tiền là mọi khổ đau đều có thể được xoa dịu. Phải, có thể xoa dịu, nhưng biết khi nào, nó lại bùng lên và tàn phá kinh hoàng hơn cả lúc trước?

Hãy sống chậm, thở sâu, cố gắng khi còn có thể…
Tôi sẽ không khuyên bạn phải lạc quan, yêu đời, sống vì những người thân yêu, mạnh mẽ bước tiếp để tìm những cơ hội mới. Vì tất cả những lời khuyên đó đều là sáo rỗng.

Tôi cũng sẽ không khuyên bạn rằng: “Hãy tự hài lòng với những gì mình có” bởi như thế, sẽ không còn động lực cho bạn phát triển.

Tôi cũng sẽ không nhắc bạn rằng: “Hãy chia sẻ với mọi người, cởi mở hơn, có rất nhiều người sẵn sàng lắng nghe bạn”, vì ai cũng có thể lắng nghe, nhưng rất ít người có thể hiểu.

Tôi càng không khuyên bạn rằng: “Nhất định phải trở nên giàu có để ít nhất còn được chịu đựng đau khổ trong một chiếc xe limo và nhấp một li rượu vang đắt tiền đủ chát để làm nhạt đi vị mặn của nước mắt!”

Tôi chỉ muốn nói rằng: chúng ta được sinh ra trên đời không phải là điều tất yếu, tập đi những bước đi đầu tiên, vấp ngã, rồi đứng dậy, không phải để dừng lại một cách vô ích.

Thế giới này, từ khi có ta, đã khác đi một chút. Vì có ta, mà đẹp hơn một chút. Tôi sẽ chỉ dừng lại khi nào cảm nhận được rõ rệt nhất vẻ đẹp ấy.

Nguồn: http://kenh14.vn

1 comment:

  1. Tại sao con người cứ thấy khổ đau cho dù đạt được những điều mà rất nhiều người
    mong ước?Có lẽ tại cái gọi là "tâm hồn" của họ mà thôi.Tâm hồn con người luôn
    phải nhận chịu sự tác động của ngoại cảnh mà sanh đủ thứ tình cảm.Và các thứ tình
    cảm ấy không phải bất biến,mà luôn biến đồi tuỳ thời và tuỳ quan niệm của mỗi con
    người.Hôm nay có thể cho rằng giàu sang mới là hạnh phúc,ngày mai lại không còn
    thấy như thế nữa.Có người thấy rằng thất tình là khổ,thế nhưng có kẻ lại thấy đó
    là "thú đau thương".Nói chung,vì lẽ "tâm hồn" luôn bị ngoại cảnh tác động mà sanh
    tình cảm "vô lý" như thế,cho nên có thể gọi nó là GỐC KHỔ vậy.Nhưng chẳng lẽ con
    người cứ phải chịu khổ bởi nó?Không hề,nếu con mgười không để ngoại cảnh tác động
    vào mính.Đúng là việc này rất khó,nhưng không phải là không làm được nếu biết kiên nhẫn.Nên biết,người không bị ngại cảnh tác động không phải thành ra gỗ đá.
    không hề quan tâm tới ai.Người này vẫn cứ yêu thương người khác,sẵn sàng tha thứ
    cho kẻ hại mình.Nghĩa là người này làm chủ "tâm hồn" của mình,không để nó sanh
    những tình cảm xấu cùng những quan niệm bậy mà thôi.Tóm lại."tâm hồn" của con
    người là ông chủ tồi nhưng lại là kẻ tôi tớ đắc lực vậy.

    ReplyDelete