Pages

Saturday, October 13, 2018

Bạn Cũ Năm Mươi Năm - Tràm Cà Mau


(Chuyện kể của ông Hai) 
Dạo đó, tôi vừa mới trổ mã, bể tiếng, tay chân tự nhiên dài ngoằng ra, áo quần thành ngắn củn cởn. Tôi vụng về, ngơ ngác, làm cái gì cũng hư hỏng, má tôi cứ la rầy mãi. La rầy để quở trách mà cũng chan chứa tình yêu thương. Tôi ăn cái gì cũng ngon, đặt lưng xuống đâu cũng ngủ được say sưa. Thời nầy, đệ nhị thế chiến vừa chấm dứt, nước Pháp đem quân trở lại Việt Nam để tái lập nền đô hộ cũ. Toàn dân đứng lên kháng chiến, cầm tầm vông vạt nhọn đánh nhau với Tây. Khí thế đằng đằng. Cũng như mọi thanh niên khác, tôi tham gia kháng chiến. Nói là đánh nhau với Tây, nhưng chạy thì nhiều hơn, vì lồ ô vạt nhọn không cự nổi với súng ống của Tây. Tôi bị Tây bắt lãng xẹt khi đang ngủ giữa ban ngày. Bị trói ké, đem về giam tại thành phố. 

Trong trại giam, mỗi ngày phải đi làm lao động vệ sinh, dọn rác, quét lá, lấp các vũng bùn lầy, khai mương. Tôi làm quen được một ông lính kèn, mỗi ngày mượn cái kèn thổi tò te làm khổ lỗ tai mấy ông lính Tây chơi. Không có chi chói tai bằng nghe mấy anh tập kèn cứ ọ è từ giờ nầy qua giờ kia mãi. Tập hoài rồi cũng thổi được. Một lần cao hứng tôi thổi khúc kèn báo hiệu tan giờ làm việc, tiếng kèn vang vọng, rõ ràng, làm mấy ông Tây tưởng đã hết giờ, rủ nhau ra về. Tôi bị phạt giam đói, và anh lính kèn cũng bị khiển trách, không cho tôi mượn cây kèn nữa. Nhưng sau đó hai tuần, tôi được cho ra khỏi tù. Họ phát cho tôi áo quần lính, và sung vào đội thổi kèn. Ban quân nhạc của Tây. Nhờ có một chút hiểu biết về âm nhạc Tây Phương, tôi học nhạc cũng khá dễ dàng, không như các ông bạn khác. Khi tập thổi kèn mà chơi, thì tôi cảm thấy vui, ham thích, thú vị, nhưng khi phải tập kèn vì bắt buộc, thì thật là chán nãn, mệt nhọc, bực mình. 

Ông trung sĩ chỉ huy đội quân nhạc không vui, vì đã chọn lầm người. Trước đó, ông tưởng tôi có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc, nên đề nghị tuyển dụng. Về sau ông thường nói lời an ủi rằng, thiếu chó thì bắt bất cứ con gì ăn phân cũng được, miễn sao biết ăn phân thì thôi. Nghe ông nói vậy, tôi cũng tự ái, và bực mình. Thường thường,thì đội lính kèn được nhàn hạ. Mỗi ngày, mấy xuất thổi kèn báo hiệu buổi sáng thức dậy, như con gà gáy sáng, bao giờ làm việc, báo giờ nghỉ, giờ tan sở. Báo hiệu thật đúng giờ. Thế thôi. Còn ngoài ra thì chơi cờ, tán dóc, trêu ghẹo nhau, nhưng không được bài bạc. Mỗi sáng tiếng kèn vang vang: “ Tọ tè ti tọ tè ti.. ti tọ ti tè... “ Mà lũ con nít chuyển âm thành:“ Một ngàn, ba mươi vạn thằng Tây, xách cái bị, đi ăn mày. Mụ đi đâu tui bắt mụ lại, tui không cho mụ về.” Nghe y hệt tiếng kèn đồng. 

Trong đám lính kèn, tôi chơi thân với Tư Thàn, vì anh cùng tuổi, cũng độc thân và cùng hoàn cảnh như tôi, bị Tây bắt và sung vào đội quân nhạc. Chúng tôi thường rủ nhau đi xem hát ban đêm. Chúng tôi biết và thuộc lòng tên đào kép của các gánh cải lương, hò quảng. Nhiều lần, Tư Thàn thổ lộ ước mơ của anh là được vào làm việc cho gánh cải lương, làm kép độc, nhờ đó, mà anh có thể mùi mẫn với các cô đào đẹp như tiên kia. Anh không có tham vọng được nổi tiếng, chẳng cần được khán giả mến mộ, chỉ mong gần gũi cái nhan sắc của các cô đào thôi. 

Có lần, tôi nhặt được tấm ảnh của một cô gái nào đó. Hình chụp rất điệu, ngón tay trỏ tựa má, hai cái núng đồng tiền lún sâu rất duyên, mặt sáng và tươi, mắt ướt rượt. Có lẽ bên ngoài đẹp mê hồn. Tôi đưa tấm ảnh cho Tư Thàn xem, và bảo rằng đó là con Mười, em gái tôi ở Long Xuyên mới gởi lên. Kể từ khi thấy tấm hình nầy, Tư Thàn nể nang tôi lắm. Tôi có thể sai Tư Thàn làm những việc mà trước đây anh không bao giờ làm giúp. Tôi mượn tiền anh dễ dàng hơn, mà anh bớt nhăn nhó khó chịu. Tôi lờ mờ biết Tư Thàn mê cô gái trong tấm hình, và hy vọng được lòng tôi, thì sẽ được lòng em tôi. Vốn tính nhút nhát, nên Tư Thàn không bao giờ dám hỏi thẳng về em tôi. Chỉ một lần, anh đánh bạo hỏi tôi khi nào về thăm nhà, và có thể cho anh đi cùng, về chơi có được không. Tôi đáp rằng dĩ nhiên là được, và sẽ mời anh ở lại nhà vài hôm. Nghe vậy, Tư Thàn sướng đến đỏ cả mặt. Sau nầy, tôi cho Tư Thàn tấm ảnh đó, anh cất kỹ trong ví, lâu lâu mở ra xem mà mơ mộng. 

Buổi sáng, tôi và Tư Thàn thường hay ăn cháo trắng với hột vịt muối của cô Năm Cháo Trắng bán, cô nầy có nước da ngăm ngăm, duyên dáng. Hàng cháo gánh, ngồi chồm hổm ăn, hoặc ngồi trên các đòn gỗ thấp sát đất. Có nhiều anh lính trêu ghẹo, tán tỉnh cô, nhưng khi nào cô cũng vui vẻ, tươi cười, không làm mất lòng ai. Tôi cũng khoái cô nầy, thường giả vờ hết tiền, ăn thiếu nợ. Ðến tháng lãnh lương, thì trả, nhưng không trả hết, khi nào cũng xin khất lại một ít. Cứ nợ cô, thì cô phải nhớ đến số tiền nợ. Nhớ đến số tiền nợ, thì phải nhớ đến người mắc nợ, tức là cô phải nghĩ đến mình. Cái mưu kế nầy, tôi nghe được trong một tiệm hớt tóc mà mấy anh thủy thủ kháo nhau. Tôi có bày mưu nầy cho Tư Thàn, mà anh không chịu nghe theo, cứ sòng phẳng trả hết tiền, không bao giờ chịu thiếu một xu. Một hôm tôi rủ Tư Thàn đi xem cải lương, anh viện cớ bận việc, tôi đi một mình. Khi ngồi trong rạp, nhìn xéo qua bên kia, thì tôi thấy Tư Thàn và cô Năm Cháo Trắng đang ngồi bên nhau. Tay Tư Thàn đưa lên chỉ trỏ, như đang giải thích gì đó. À thì ra Tư Thàn đã bí mật phổng được cô hàng cháo, mà anh em không ai hay biết. Tôi tránh mặt cho Tư Thàn làm ăn được tự nhiên. 

Hôm sau, gặp Tư Thàn, tôi làm bộ giận, mà thực ra thì tôi cũng hơi ghen tức. Tôi thì đặt mưu tính kế, mà chẳng được cơm cháo gì, Tư Thàn cứ tự nhiên, thì vớ được cô hàng cháo. Tôi cứng giọng, nói với Tư Thàn: “Mày phản bội em tao. Trả tấm hình con Mười lại cho tao. Tưởng mầy đàng hoàng, thì ra...” “Tao làm gì mà gọi là phản bội?” “Mầy còn giả vờ? Hồi hôm mầy đi đâu? Làm gì? Với ai? Có chối được không?” “Ai nói với mầy?” “Chính mắt tao thấy. Tao để yên cho chúng mày hú hí. Chối tội làm chi?” Tư Thàn bẻn lẻn móc ví trả tôi tấm hình cô gái có hai cái núng đồng tiền. Anh có vẽ tiếc lắm. Cuối cùng anh nói: “Em gái mày đẹp như thế nầy, thì chán chi người dòm kẻ ngó. Tao làm gì mà vói thấu. Trả hình lại cho mày là phải.” “Mày định bắt cá hai ba tay sao? Con Năm Cháo Trắng cũng có duyên lắm đó chứ!” “Ừ. Có duyên. Hồi hôm, em thú thật với tao em là ‘đầu gà đít vịt’ Mầy thấy da em ngăm ngăm không?” Tôi hỏi Tư Thàn làm sao mà câu được em Năm Cháo Trắng? Trong lúc tôi bày mưu tính kế mà không được em đáp ứng. Tư Thàn cho rằng tôi ngu, đàn bà con gái không ưa những người bê bối, mang nợ mắc nần. Sau nầy về làm chồng quen thói nợ nần, ai mà chịu nỗi. 

Thì ra, tôi nhẹ dạ tin vào mưu kế tào lao của mấy anh thủy thủ gà mờ. Từ ngày trả lui cho tôi tấm hình cô gái có núng đồng tiền, Tư Thàn không còn nể nang tôi như trước kia nữa. Tôi biết mình ngu, đòi lại tấm hình, chẳng ích gì, nhưng đã lỡ rồi, tiếc cũng không được. Tôi thường ứng trực thế cho Tư Thàn, để anh có thì giờ đi chơi với cô Năm Cháo Trắng. Bỡi vậy, sau nầy cô thường múc cho tôi những tô vun, cháo muốn tràn ra ngoài. Từ đó, tôi không bao giờ thiếu nợ cô nữa. Thường thường, Tư Phàn và tôi trốn trại đi xem đá gà ở xóm trong. Thiên hạ đánh cá ồn ào. Chúng tôi cũng thường bắt độ, khi ăn khi thua, mà thua thì nhiều hơn ăn. Những khi ăn tiền cá độ, chúng tôi dắt nhau đi ăn nhậu vui vẻ, ăn thâm cả tiền túi. Khi thua, thì hai đứa lủi thủi ra về, phải vay mượn tiền bạn bè để gỡ gạc. Có hai lần bị cảnh sát bố ráp, cả phường đá gà bỏ chạy, chúng tôi cũng sợ bị bắt, chạy trốn, cho nên mất luôn tiền cá độ. Từ đó, chúng tôi tìm ra một cách đánh cá khác, mà chủ cá độ không móc được của chúng tôi một xu. Hai đứa tôi đánh cá riêng với nhau, đứa nầy được, thì đứa kia thua. Chúng tôi gọi là lọt sàng xuống nia. Và sau cuộc đá gà nào, chúng tôi cũng có buổi ăn nhậu, vì một trong hai đứa thắng cuộc. Thời trước Tư Thàn có nuôi gà đá, nên nhiều kinh nghiệm, cứ nhìn vóc dáng bên ngoài, là biết ngay con gà có phong độ hay không. Thế là nợ Tư Thàn một số tiền bằng nguyên cả tháng lương. Nợ ít ít, thì còn nghĩ đến chuyện thanh toán, nợ nhiều quá, không còn muốn trả nữa. Tôi cứ khất mãi, và đến tháng lãnh lương cũng không trả bớt nợ cho Tư Thàn. 

Từ đó, giữa tôi và Tư Thàn có cái gì lấn cấn, tình bạn không còn như trước nữa. Tôi không dám ăn tiêu khi có mặt Tư Thàn, sợ bị hỏi nợ. Không phải tôi muốn giựt nợ, nhưng tôi tự bảo lòng, khi nào tiền bạc dư dả, thong thả mới trả Một lần, Tư Thàn thấy tôi nói chuyện thân mật, cười nói với một cô nữ quân nhân. Giữa chỗ đông người, Tư Thàn hướng về tôi mà nói lớn: “Sao mày nợ tao một tháng lương, lâu quá mà chưa trả? Phải vay mượn mà trả chứ?” Tôi bị mất mặt trước đám đông, phát cáu, giận đỏ mặt. Tôi nghiến răng trả lời: “Mầy còn đòi tiền nợ, thì tao đục cho trào máu.” Tư Thàn lảng đi nơi khác, mà tôi thì cũng không hết giận, định đi theo gây sự thêm. Vì một món nợ đá gà, mà chúng tôi mất tình bạn. 

Sau năm 1954, Tây rút về nước, chế độ Cộng Hòa được thành lập tại miền Nam. Chúng tôi được giải ngũ, về đời sống dân sự. Tư Thàn đem vợ là cô Năm Cháo Trắng về quê làm ăn. Tôi ở lại thành phố, làm đủ thứ việc, đủ sống qua ngày, nhưng vì con đông, cho nên khi nào cũng thấy thiếu thốn. 

Mười mấy năm sau khi giải ngũ, một hôm tôi lái xe chuyển kinh sách cho hội Thánh Tin Lành về miệt Long Xuyên, trên đường trở về, chiếc xe làm nư, chết máy giữa đường, không biết làm sao mà sửa. Tôi ngồi bên vệ đường, dưới bóng cây nhỏ. Ðầu óc suy nghĩ, tính kế không ra. Tôi định bắt xe đò về tỉnh lỵ, rước thợ ra sửa xe. Chờ hoài mà không có xe qua. Phía dưới ruộng khô, có một nông dân đang cày đất với hai con trâu. Nắng cháy, cổ khát. Tôi thấy anh nông dân ngưng cày, lên bờ lấy bầu uống nước. Túng quá, tôi đánh liều kêu lớn: “Nầy anh ơi, khát quá, cho tôi uống nước với” Người nông phu mang áo đen, quần xà lỏn, chậm chạp băng ruộng, đem cái bầu nước đến cho tôi. Khi đến gần, thì anh reo lên: “Mày đó phải không Quài. Sao biết tao cày ruộng ở đây mà ghé lại thăm?” 

Tôi mừng quá, thét lớn: “Tư Thàn! Mày! Ð. M. mày. Thằng quỷ. Mày ở đây hả? Chiếc xe nó biết có mầy ở đây, nên chết máy, để cho tao gặp mầy.” Tư Thàn và tôi xoắn lấy nhau, nhắc chuyện mười mấy năm trước. Ðủ thứ chuyện. Nói cho nhau biết tin tức gia đình mỗi người. Tư Thàn có hai thằng con trai. Ðời sống của gia đình thong thả, nhờ cô Năm Cháo Trắng buôn bán thêm ngoài chợ quận. Gạo cơm đủ ăn. Mười mấy năm, Tư Thàn chưa về lại Sài Gòn lần nào, vì cũng không có chuyện gì, mà chẳng còn ai để thăm viếng. Tư Thàn bỏ dở luôn buổi cày ruộng. Tôi cũng bỏ kệ cho chiếc xe nằm ụ bên đường, đến đâu thì đến, theo Tư Thàn đi vào làng. Nhà Tư Thàn trống trải, đơn sơ như tất cả mọi nhà nghèo miền quê. 

Tư Thàn lấy cái nơm làm bẫy, rải lúa cho gà ăn, và bắt được một con gà trống thiến lớn. Làm thịt, bao đất sét, nướng lửa rơm. Tư Thàn đem ra hai lít đế trong veo. Khi gà chín, tôi đập cái vỏ đất sét, để cả con gà lên chõng tre có lát sẵn mấy tàu lá chuối tươi, mà Tư Thàn đã rửa sạch. Chúng tôi bốc tay mà ăn, cầm đùi gà nhai, rượu vào đều đều, cạn chai nầy, qua chai kia. Chúng tôi cùng nhắc chuyện xưa, chuyện không đầu, không đuôi, chuyện nầy lẫn qua chuyện khác. Hai đứa nhỏ con Tư Thàn đi học về, cũng nhào vào xâu xé con gà. Tôi ép thằng lớn hớp một ngụm đế, nó nhăn mặt phun ra. Tư Thàn và tôi cùng cười vang. 

Khi trời xế chiều, thì cô Năm Cháo Trắng cũng gánh hàng về. Cô nhận ra tôi, kêu thét lên vui thú, và phát vào vai tôi nhiều lần đau điếng. Cô mắng: “Cái ông khỉ nầy, tưởng chết rấp đâu rồi chớ. Làm sao biết tụi tôi ở đây mà ghé chơi? Vui quá xá” Ðêm đó, cô Năm Cháo Trắng nấu cháo vịt, mượn hàng xóm thêm mấy lít đế, chúng tôi ngồi ăn nhậu dưới trăng cho đến khuya. Ăn uống no say. Tôi chợt nhớ tới món tiền mà tôi nợ Tư Thàn, trị giá bằng một tháng lương vào thời gian mười mấy năm trước, mà chưa trả, và cũng chưa hề toan tính thanh toán cho sòng phẳng. Cũng vì món nợ đó, mà cái tình bạn thân thiết giữa chúng tôi có một thời lấn cấn, mất đi cái mặn nồng, không còn như trước. Tôi chậm rãi nói lè nhè trong hơi men: “Tao bậy quá, còn mắc nợ mầy mà chưa có dịp trả. Công việc làm ăn, cũng không khá, mà con cái đông đúc, có cơm no bụng từng ngày là may lắm. Tiền không có dư...” Tư Thàn cười hiền hòa, giọng ấm áp nói: “Thôi, quên chuyện xưa đi. Nợ nần cái khỉ gì? Chuyện cờ bạc thời trai trẻ dại dột, để tâm làm chi? Bạn bè gặp lại nhau, là quý rồi.” Có lẽ vì rượu đã ngấm nhiều, mà nghe lời nói chí tình của bạn, mắt tôi cay xè. May mà tối trời không ai thấy. Tôi xịt mũi. 

Ðêm đó, tôi ngủ lại nhà Tư Thàn, và nói chuyện rầm rì trong bóng tối cho đến khuya. Sáng hôm sau tôi ra chỗ xe nằm ụ, thì thấy chiếc xe chỉ còn là một đống sắt cháy nham nhở. Thì ra đêm qua, du kích đặt mìn phá, mà ngủ mê quá, chúng tôi từ làng trong, không nghe biết. Tôi lấy xe dò về Sài gòn, và bị đuổi việc. Nhưng may mắn, không bị hội thánh bắt bồi thường. Có lẽ họ biết, tôi đưa mạng cùi ra, có bắt đền cũng không moi được một xu, thì tha làm phước. Vã lại thời buổi chiến tranh, không ai dự liệu trước được chuyện bom mìn. 
Tháng tư năm 1975 tôi đem gia đình chạy, chưa biết sẽ chạy đi đâu, về đâu, và làm sao mà sinh sống sau nầy. Cứ chạy đã. Vì sợ phải đi tù như một số bạn tôi, họ đã trở về miền Bắc vào năm 1954, và nghe đâu một số đã chết trong tù, một số còn bị giam giữ hơn hai mươi năm chưa được thả. Ðó là tin tức chính xác đi quành từ miền Bắc qua Pháp, và từ Pháp về miền Nam. Tôi được nước Mỹ cho vào cư trú, đi làm đủ thứ nghề tay chân. Cuối cùng vào làm y tá cho một trung tâm dưỡng lão của quận hạt. 

Hai mươi mấy năm đòi sống yên lành, no ấm, hạnh phúc. Năm 2001, sau hai mươi sáu năm xa quê hương, tôi về lại Việt Nam một mình, lần thứ nhất, để sắp đặt việc cưới vợ cho đứa con trai út. Khi đang ở Sài gòn, tôi nghe tin bọn khủng bố đánh sập tòa nhà đôi chọc trời ở New York. Ban đầu tôi không tin, và nghĩ rằng mấy ông Vẹm hay nói dối, đặt chuyện xạo tuyên truyền, nói xấu đế quốc Mỹ. Nhưng sau đó, xem truyền hình, tôi sửng sốt, bàng hoàng. Lòng tôi đau nhói, và nhận ra rằng, quê hương mới là nước Mỹ, cũng muôn vàn yêu mến, thắm thiết không thua gì quê hương cũ Việt Nam. Tất cả mọi chuyến bay đều bị hủy bỏ, việc vào ra nước Mỹ cũng tạm ngưng. Tôi chưa thể trở vể lại Mỹ được, và trong lòng cũng tràn đầy lo ngại, không biết có thể về lại Mỹ được không. Hay là kẹt lại ở Việt nam mãi, cho hết cuối đời. Bảy mươi mấy tuổi rồi. Một đêm mất ngủ, tôi ra đứng ở hành lang khách sạn. Từ trên cao nhìn xuống phố phường bên dưới, tôi chợt nhớ, hơn năm mươi năm trước, nơi đây còn lau sậy um tùm, đất thấp ngập nước, hoang vu. Từ bên trong phòng vọng ra tiếng ngâm thơ khuya qua cái radio nhỏ, giọng khàn đục buồn não nề: 
Sông kia rày đã nên đồng 
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai 
Ðêm nghe tiếng ếch bên tai 
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò..”(°) 

Lòng tôi chùng xuống, và chợt nghĩ hơn nửa thế kỷ trôi qua, vèo mau như mộng. Mới ngày nào đó, tôi bị Tây bắt đi tù, sung vào đội lính kèn. Bao nhiêu là đổi thay, bao nhiêu bãi biển đã biến thành nương dâu, bao nhiêu trũng hoang đã trở thành phố thị. Những thế hệ trước tôi và đồng thời với tôi, có lẽ đa số đã về với lòng đất. Yên bề. Những người còn sống sót như tôi, bây giờ ở đâu, làm gì. Bỗng tôi chợt nhớ đến Tư Thàn. Nhớ tha thiết. Nhớ đến món nợ ngày xưa mà chưa trả được, lòng buồn rưng rưng. 

Tôi quyết định ngay, mong cho trời mau sáng, để thuê xe đi tìm thăm Tư Thàn. Chiếc xe thuê riêng, chở tôi chạy về miền Tây, đi tìm Tư Thàn. Anh tài xế nghe tôi nói đi tìm một người bạn cũ, gặp nhau lần cuối đã hơn ba mươi năm trước, anh lắc đầu, có lẽ anh cho tôi là một ông già khùng lẩm cẩm. Tôi chỉ nhớ mang máng cái nơi mà chiếc xe tôi lái bị đặt mìn hơn ba chục năm trước. Tôi vào làng hỏi xem ai có biết ai Tư Thàn, nay chừng trên bảy mươi tuổi, hồi xưa làm lính kèn ở Bộ Tổng Tham Mưu. Mọi người đều lắc đầu, ngơ ngác. Tôi đi lang thang quanh làng, và hy vọng, còn có người biết Tư Thàn ở đâu. Khi tôi chán nản trở lại đường cái, ngồi trong cái chòi bán nước bên vệ đường, thì gặp một bà già. Tôi chận lại hỏi. Bà nhíu mày một hồi, suy nghĩ lung lắm. Bỗng bà la lên: “Tôi nhớ ra rồi, từ lâu không ai gọi ổng là Tư Thàn nữa. Mà ông là ai, tìm Tư Thàn có chuyện chi không?” “Tôi là bạn lính kèn với Tư Thàn khoảng hơn năm mươi năm trước. Bây giờ, nhớ bạn, ghé tìm thăm.” “Trời đất! Năm mươi năm làm chi mà không thăm nhau, giờ mới trổ chứng đi tìm!” 

Mấy đứa trẻ con chạy ra ruộng kêu Tư Thàn về, người ta nói anh đang cuốc đất thuê. Tôi nghĩ không phải là Tư Thàn bạn tôi, bảy mươi lăm tuổi, còn sức đâu mà đi cuốc thuê. Lũ trẻ đưa về một ông già ở trần, xương sườn đếm được, tay chân khẳng khiu, chỉ mặc cái xà lỏn ngắn, đi chân đất. Da nhăn nheo, khô khốc, đen đúa, gầy gò, hai má hóp, miệng móm xọm, chỉ còn hai cái răng, một cái của hàm trên, một cái của hàm dưới, rất là thiếu mỹ thuật. Không có một nét nào của Tư Thàn cả, có lẽ tuổi ông nầy già hơn nhiều. Tôi nheo mắt nói: “Tôi tìm Tư Thàn, hồi xưa làm lính kèn ở bộ Tổng Tham Mưu, có vợ là chị Năm Cháo Trắng.” Ông lão phều phào: “Ông là ai? Tìm tôi có việc gì không?” “Tôi tìm Tư Thàn. Tôi là bạn cũ.” “Ông là bạn cũ của tôi? Chắc ông tìm lầm người rồi.” “Ông biết Cô Năm Cháo Trắng?” “Vợ tôi, má thằng Ðộ, thằng Rề.” 

Bây giờ thì tôi chắc chắn ông lão ngồi trước mặt tôi chính là Tư Thàn, không ai khác. Tôi còn mơ hồ thấy vài nét hao hao của thuở nào. Bố thằng Ðộ, Thằng Rề, hai thằng nầy tôi đã gặp hồi xưa. Ngày trước, Tư Thàn mong sinh được bảy đứa con đặt tên là Ðộ, Rề, Mi, Pha, Xôn, La, Xi, nhưng mới có mới có Ðộ, Rề, thì bà vợ tịt ngòi. Tư Thàn ngồi co một chân lên ghế dài, rất tự nhiên, cái quần xà lỏn kéo nhăn nhúm lên cao, để lòi nguyên bộ phận kín ra ngoài, một khúc đen điu, nhăn nhúm, mằm tựa trên một đùm bao da lưa thưa lông bạc trắng. Tôi mừng quá, nắm lấy hai vai Tư Thàn mà lắc: “Mầy không nhớ ra tao là ai hả Tư Thàn!” “Không. Ông có lầm tôi với ai khác không? Ông là ai?” “Thế thì mày không phải là Tư Thàn, lính kèn ở bộ Tổng Tham Mưu hả?” “Tôi, Tư Thàn lính kèn đây.” Tôi làm bộ buồn bã đổi giọng: “Có lẽ ông không phải là Tư Thàn tôi quen, mà là người khác trùng tên chăng?” “Lính kèn, ở bộ Tổng Tham Mưu, trước năm năm mươi tư. Chỉ có Tư Thàn nầy thôi” Tôi nắm chắc hai vai Tư Thàn mà lắc, và hét lên: “Ð.M. mầy không nhớ ra tao là ai, thật không? Hay mày giả bộ.” 

Tôi đưa tay lên miệng, với dáng điệu như đang thổi kèn và ca: “Một ngàn, ba mươi vạn thằng Tây, xách cái bị, đi ăn mày. Mụ đi đâu, tui bắt mụ lại, tui không cho mụ về.” Nghe tiêng chửi thề và điệu kèn Tây của tôi, Tư Thàn nhào đến ôm lấy tôi mà thét lên: “Ð. M. mầy, chỉ có mầy mới nói cái giọng nầy. Thằng chó chết, thằng dịch vật. Thằng Quài, mầy, Quài. Mà mầy sang trọng, và trẻ quá, ai ngờ, ai mà nhìn ra.” Ðám trẻ con đứng xem cười ầm lên khi thấy hai ông già văng tục và gọi nhau bằng mầy tao. Tư Thàn cảm động quá, cái miệng móm méo xẹo, và khóc thành tiếng hu hu, làm tôi cũng khóc theo. Tư Thàn nghẹn ngào: “Mầy còn nhớ đến tao, tìm thăm. Ðồ dịch vật. Lâu nay mày chết rấp nơi nào?” Tư Thàn nhìn tôi từ đầu xuống chân, nói nho nhỏ: “Tóc tai cũng còn, răng cỏ hai hàm còn nguyên, mặt mày có da có thịt, áo bỏ vào quần, đi giày đàng hoàng. Có phải mầy là Việt kiều về thăm quê hương không? Bây giờ mầy ở đâu? Làm gì?” Tôi sợ Tư Thàn buồn, nói dối: “Việt kiều cái con khỉ. Tao ở Sài gòn, nhờ có mấy đứa con vượt biên ra nước ngoài, và mấy đứa ở nhà, buôn bán, ăn nên làm ra. Giờ già rồi, về hưu, không làm gì nữa cả.” Tôi hỏi thăm gia cảnh, Tư Thàn cho biết hai đứa con trai đều đã chết. Thằng Ðộ đi lính quốc gia, đã đền nợ nước, thằng Rề “hy sinh” cho “cách mạng”. Cô Năm Cháo Trắng chết bệnh. Tư Thàn không có ai để nương tựa, phải đi cuốc đất thuê kiếm ăn qua ngày. Tôi nhìn cái thân thể xương xẩu của Tư Thàn, không biết anh lấy đâu ra sức mà đi làm lao động chân tay. 

Tôi nói: “Thôi, mầy đưa tao về nhà, thay áo quần, rồi cùng qua Long Xuyên, lu bù một bữa, anh em hàn huyên chơi, bỏ mấy mươi năm xa cách.” Tư Thàn ngự trong căn chòi nhỏ, bốn bề che lá đơn sơ. Không bàn, không giường, chỉ có cái võng treo xéo. Trên bếp có cái nồi đen điu, méo mó. Tôi dỡ nồi ra xem, thấy còn có miếng cơm cháy. Tôi bốc ăn, mà cứng quá, răng già không nhai nổi. Thế mà Tư Thàn không còn răng, ăn cách nào đây? Khi xe vào tỉnh lỵ Long Xuyên, tôi nhờ anh tài xế tìm cho một quán ăn ngon. Anh đưa chúng tôi vào quán nướng Nam Bộ. Tư Thàn gạt đi, không chịu vào, và nói: “Kiếm chai đế và vài ba con khô cá sặc là đủ vui rồi. Ðừng hoang phí tiền bạc. Vào làm chi những nơi sang trọng nầy cho chúng chém. Gặp nhau là vui rồi. Ăn uống là phụ.” Tôi ép mãi mà Tư Thàn không chịu. 

Cuối cùng, chúng tôi ra chợ, ngồi trên ghế thấp ở quán lộ thiên, ăn nhậu và nói cười vui vẻ, tự nhiên. Tôi uống rượu thay nước, vì sợ đau bụng. Anh tài xế cùng ăn, mà tôi không cho anh nhậu rượu, anh tỏ vẻ khó chịu, vùng vằng. Ðưa Tư Thàn về lại tận nhà, tôi móc trong cặp một gói bao, bằng giấy báo đưa tặng. Tư Thàn mở ra xem, và giật mình, xô gói quà ra về phía tôi: “Cái gì đây? Tiền đâu mà nhiều thế nầy? Tôi không lấy đâu. Ðừng bày đặt.” “Có bao nhiêu đâu. Ngày xưa, tao nợ mầy chưa trả được, bây giờ trả lại cả vốn lẫn lời. Tao tính rồi, mầy nhận đi cho tao vui, bỏ công tao lặn lội đi tìm.” “Không. Nợ nần cái khỉ gì. Ăn thua đá gà, chuyện tào lao thời trẻ dại. Tao đã bảo mày quên đi từ lâu. Bày đặt. Lấy tiền làm chi? Không có chỗ cất, bọn trộm cắp nó lấy đi, uổng lắm. Tao không lấy đâu.” Thấy bộ Tư Thàn cương quyết quá, tôi xuống giọng, giả vờ nói: “Mầy mà không nhận, tao có chết nhắm mắt cũng không yên tâm. Chưa trả hết nợ, thì sau nầy phải đầu thai làm trâu cày cho mầy. Khổ lắm. Thương tao, mầy cứ cầm đi. Ðể mua gạo. Ðể khi đau yếu có chút thuốc thang. Nếu không có nơi cất, thì đem gởi bà con. ” Ðôi mắt già của Tư Thàn chớp chớp, và nói giọng run run như sắp khóc: 

“Ð.M, tao già đến thế nầy, mà mày cũng còn định gạt tao như hồi xưa nữa sao? Thằng chó chết. Cái tình bạn của mầy, còn quý gấp trăm ngàn lần gói tiền nầy. Tao sẽ làm mâm cơm cúng bà Tư Cháo Trắng, nói cho bà biết cái tình bạn của mày. Dưới suối vàng, chắc bà cảm động lắm.” 

(°) Thơ Trần Tế Xương. 

2 comments: