Pages

Friday, October 5, 2018

Chết Chưa Phải Là Đã Hết…Phần 1 Và 2- Song Chi


Phần 1
Quan chức cộng sản và nhân dân 
Khi thông tin chính thức ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời lúc 10:05 phút ngày 21.09 được công bố, có lẽ chỉ trừ báo chí truyền thông nhà nước phải làm nhiệm vụ tuyên truyền, viết những bài “thương vay khóc mướn” về một trong “tứ trụ triều đình Hà Nội” vừa mới ra đi này, còn lại cả ngày hôm đó và hôm sau, trên mạng xã hội facebook chỉ tràn ngập những status biểu lộ sự vui mừng, hả hê, châm biếm, diễu cợt. Và ở ngoài đời, nhiều người Việt Nam kể rằng thái độ của dân chúng cũng rất thờ ơ, thậm chí có những người cũng không ngần ngại nói huỵch toẹt kiểu như “Mong sao cả đám quan chức ăn tàn phá hại chết hết cho rảnh”!!

Ông Trần Đại Quang không phải là trường hợp duy nhất bị người dân bày tỏ sự thờ ơ hay hả hê khi qua đời. Trước cái chết của một nhân viên công an/cảnh sát cho tới nhiều quan chức, lãnh đạo khác ở nước này, người dân đều có những phản ứng như vậy.
Khác với một số chế độ độc tài, quyền lực tập trung vào tay một nhân vật duy nhất, kể cả ở Nga hay Trung Cộng bây giờ, quyền lực của Putin hay Tập Cận Bình cũng hết sức lớn, ở VN quyền lực lẫn trách nhiệm chia cho “tứ trụ”, rộng hơn là 19 người trong Bộ Chính trị. Trong nhiều năm qua VN không có một khuôn mặt nào thật sự nổi trội và nắm hết mọi quyền lực trong tay, như thời Hồ Chí Minh hay Lê Duẩn. Thi thoảng, trong từng giai đoạn, một người nào đó khuynh loát được nội bộ, nắm được nhiều quyền lực hơn do phe cánh mạnh hơn, như ông Cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có một thời “làm mưa làm gió” và bây giờ, theo như nhiều người nhận xét, quyền lực đang nằm chủ yếu trong tay ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chính vì vậy, người dân không thật sự biết được ai có năng lực hơn ai, ai phải chịu trách nhiệm trực tiếp về từng chủ trương, chính sách hại dân hại nước nào. Mọi bức bối, phẫn nộ đành chia đều!
Nên có thể nói, bây giờ ai trong “tứ trụ” hay Bộ Chính trị hay các “Thái thượng hoàng” Lê Đức Anh, Đỗ Mười ra đi thì dân cũng phản ứng như nhau. Lòng dân đã quá chán ngán cái chế độ này.

Đừng bảo dân ác mồm ác miệng. Đừng bảo nghĩa tử là nghĩa tận v.v và v.v...Phải hỏi tại sao lãnh đạo chết mà dân lại mừng, lại hả hê? Vả lại đối với dân đen bây giờ, vũ khí duy nhất của họ chỉ là tiếng cười và sự châm biếm, khi nào họ không cười, không châm biếm nữa mà họ đùng đùng nổi giận, đứng lên xuống đường thì lúc đó mới là lúc cái chế độ này tắt thở!

Nhưng nói thật, với tất cả tội ác mà đảng cộng sản đã gây ra cho đất nước này, dân tộc này thì nhân vật nào còn được chết trên giường bệnh hay chết vì tuổi già là còn phúc! Sau này lại đến lúc những nhân vật còn sống phải ra tòa trả lời về những tội ác đã làm nữa kia! Còn những ai chết rồi cũng chưa xong đâu, mai mốt lịch sử sẽ ghi lại từng người, ai cam tâm làm lính đánh thuê cho ngoại bang, ai đẩy đất nước vào mấy cuộc chiến tranh rồ dại, ai bán nước, ai dâng đất cho Tàu...rành rành còn đó, sách sử nghìn đời ghi chép lại.

Quan chức, chính khách cộng sản đối với nhau 
Ở VN, từ đời riêng cho tới tình trạng sức khỏe, lý do bệnh tật của các quan chức lãnh đạo cấp cao luôn luôn là một bí mật đối với dân chúng. Người dân chỉ được biết những gì mà nhà nước cho biết. Ngay cả ngày chết cũng nhiều khi bị ém lại chờ ý kiến, quyết định của Bộ Chính trị rồi mới công bố, như trường hợp ông Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Kiệt hay ông Nguyễn Bá Thanh…Nhưng từ khi có mạng internet, có báo chí “lề trái”, dù nhà nước đã ra sức bưng bít nhưng những thông tin rò rỉ, những câu chuyện “thâm cung bí sử” phía sau hậu trường chính trị, trong đó có cả chuyện sức khỏe, bệnh tật của các quan lớn cứ bị rò rỉ, lan truyền trên các trang mạng xã hội và trong dân chúng.

Như ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương từ năm 2012-2015, trước đó là Bí thư thành ủy Đà Nẵng, Chỉ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng từ năm 2003-2013, toàn bộ quá trình bệnh tật, lý do bệnh tật cho tới thực sự chết khi nào đều bị nhà nước này giấu diếm, quanh co. Trong lúc trên mạng xã hội những hình ảnh ông nằm trên giường bệnh điều trị ở nước ngoài với cái đầu cạo trọc, làn da xám ngoét, dấu hiệu của người đang xạ trị bệnh ung thư, hình ảnh chuyến bay từ Mỹ được cho là đưa ông về VN (nhưng không ai thấy mặt ông) cùng với những “tin đồn” về chuyện ông bị các đồng chí đầu độc bằng chất phóng xạ cứ lan truyền không kiểm soát nổi.

Thậm chí dân tình còn đồn rằng ông Nguyễn Bá Thanh đã bị bệnh viện Mỹ trả về vì không còn có thể cứu chữa được, nhưng báo chí nhà nước thì vẫn tiếp tục đưa tin ông về và đang điều trị tại Đà Nẵng, các quan chức vẫn vào thăm, ông còn nói “Tau khỏe mà, có chi mô”, nhưng cũng không có một hình ảnh nào của ông, kéo dài hàng tháng, trước khi nhà nước chính thức công bố ông Nguyễn Bá Thanh qua đời!
Trường hợp ông Trần Đại Quang cũng vậy. Từ năm ngoái dân tình đã đồn đãi về tình trạng sức khỏe của ông. Khi ông phải đi Nhật chữa bệnh lần 1, lần 2, nhà báo Huy Đức đã thông báo trên facebook của mình trong lúc báo chí nhà nước vẫn im lặng. Trong những ngày cuối đời, khi thần sắc ông đã rất kém, ông vẫn phải đóng tròn vai trò của mình là xuất hiện chỗ này chỗ kia, lịch làm việc dày đặc. Một ngày trước khi ông mất, ngày 20.9, nhà báo Huy Đức nhận xét trên facebook:

“Sức khỏe của Chủ tịch nước
Với hình ảnh của Chủ tịch nước xuất hiện trên VTV tối qua và diễn biến chiều nay (20-9-2018), tôi nghĩ, TTX nên bắt đầu phát đi những bản tin đầu tiên về sức khỏe của Đại tướng Trần Đại Quang. Lãnh đạo cũng không tránh khỏi quy luật sinh - lão - bệnh... Người dân có quyền được biết và ông cũng nên được đối xử như một con người, ốm thì phải được nghỉ ngơi chữa bệnh.” 

Và hôm sau thì ông Trần Đại Quang qua đời. Có lẽ chuyện phải làm việc cho đến tận phút cuối cùng là một trong những lý do khiến ông phải đi sớm như tác giả Đinh Ngọc Thu viết trong bài “Vì sao Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời?” đăng trên trang Tiếng Dân.

Trong một chế độ dối trá, cả đến cái chết cũng phải được đảng, được các đồng chí của mình cho phép. Đó là chưa nói nguyên nhân, lý do thực sự vì sao một số ông lại phải ra đi, có phải do bị các đồng chí của mình hãm hại trong cuộc tranh giành quyền lực như dân tình đồn đãi hay không. Chỉ khi nào có một thể chế minh bạch, được vận hành bởi luật pháp, cộng thêm sự giám sát của báo chí và tiếng nói của nhân dân thật sự có trọng lượng, thì lúc đó những cuộc tranh giành đấu đá hãm hại nhau trong bóng tối mới khó có cơ may xảy ra...

Cọp chết để da, người ta chết để tiếng
Nhớ lại gần đây khi Thượng nghị sĩ John McCain, ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2008, người từng bị giam cầm ở Hà Nội thời Chiến tranh Việt Nam, đã qua đời sau một thời gian dài điều trị chứng ung thư não ác tính, không chỉ người Mỹ, mà rất nhiều lãnh đạo, chính khách trên thế giới đã bày tỏ niềm thương tiếc, kính trọng. Đặc biệt nhiều người Việt đang sống tại VN, tại Mỹ và nhiều nơi khác cũng bày tỏ sự thương tiếc khi ông qua đời, vì những nỗ lực của ông trong quá trình gác bỏ hận thù, bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, cũng như chương trình HO mà ông là tác giả, đã giúp đưa hơn 500 000 sĩ quan quân lực VNCH và thân nhân của họ được định cư trên đất Mỹ.

Còn đối với người dân Mỹ, ông không chỉ là một anh hùng chiến tranh mà còn là một con người yêu nước thực sự, đã cống hiến cả cuộc đời để bảo vệ những giá trị của nước Mỹ, dù trên chiến trường hay trong lòng nước Mỹ. Một chính khách trung thực, có lương tri, có đạo đức, luôn luôn đặt lợi ích của quốc gia lên trên đảng phái, sẵn sàng lên tiếng bào vệ đối thủ chính trị hay chỉ trích những việc làm, sai trái của Tổng thống đương nhiệm cho dù là người cùng đảng Cộng Hòa. Nói về ông, người ta nói về một nhân cách lớn, một con người quân tử, chính trực, một người yêu nước. Những tính từ đẹp nhất để nói về một con người-một quân nhân và một chính khách.
Không biết khi thấy những phản ứng đối nghịch rất rõ của người VN dành cho một “cựu thù” và cho một quan chức lãnh đạo của chính nước mình như vậy, những con người đang ngồi trên những vị trí cao nhất của đảng và nhà nước cộng sản VN có suy nghĩ gì hay không?

Có lẽ họ cũng biết, nhưng họ vẫn chọn con đường coi như không thấy không biết, một phần vì vẫn còn quá ảo tưởng vào sức mạnh của chế độ, tưởng như chế độ này cứ thế tồn tại mãi nhờ vào bạo lực và sự sợ hãi, một phần do không ai trong số họ đủ tâm, đủ tầm, đủ sức để làm bất cứ một sự thay đổi nào. Họ sợ hãi mọi sự thay đổi. Họ chọn lựa cách dễ dàng là bảo vệ đến cùng những gì đang có.

Cũng như từ trước đến nay, đảng và nhà nước cộng sản luôn luôn lựa chọn con đường dễ dàng nhất, có lợi nhất cho mình, bất chấp lợi ích của đất nước, dân tộc, bất chấp những xoay chuyển của thời cuộc khách quan, dòng chảy của lịch sử…Hậu quả là cả đất nước này, dân tộc này phải đi trên con đường khó khăn nhất, chậm chạp nhất và tổn thất nhất để giành lại Tự Do, Dân Chủ, Hạnh Phúc.

Nhưng hậu quả ấy còn đến với chính đảng và nhà nước cộng sản khi chọn lựa đàn áp nhân dân để bảo vệ chế độ đến cùng thay vì tự thức tỉnh và thay đổi, đó là chính họ đã đóng cửa con đường quay về trong hòa bình với nhân dân. Bạo lực, thù hận do đó khó mà tránh khỏi.


Phần 2

Khi còn sống 
Ông Trần Đại Quang chết đã 3 ngày, nhưng trên mạng xã hội dân vẫn tiếp tục diễu cợt hoặc phẫn nộ chửi. Trước hết vì những gì ông đã làm khi còn sống, trong đó có những “thành tích” thời ông còn trong ngành công an, chức vụ cao nhất là Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam nhiệm kỳ 2011-2016, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương và Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên từ 2011 đến 2016. “Thành tích” nhiều người nhắc nhất là vụ dẹp loạn ở Tây Nguyên năm 2004. Lúc đó ông Trần Đại Quang là Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an.

Vụ dẹp loạn ở Tây Nguyên nhắc đến ở đây là vụ biểu tình xảy ra vào tháng 4.2004 của đồng bào dân tộc thiểu số, với quy mô lớn gần 10 000 người tham gia, đồng loạt ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông, Tây Nguyên nhằm đòi lập Nhà nước Đề Ga tự trị, đòi đất, đòi tự do tôn giáo do Quỹ người Thượng của Ksor Kok đứng đầu. Cuộc biểu tình đã bị nhà cầm quyền đàn áp dữ dội. Do bị ém nhẹm, không ai có thể biết chính xác bao nhiêu người đã bị bắt, bị giết…nhưng con số thương vong chắc chắn là rất lớn, hàng trăm, hàng ngàn người, và rất nhiều đồng bào Tây Nguyên đã phải tháo chạy qua Campuchia, qua Thái Lan xin tỵ nạn chính trị.

Điều thứ hai mà nhiều người hay nói nữa là những “thành tích” chà đạp về nhận quyền, đàn áp người yêu nước của giới công an dưới trướng Bộ trưởng công an Trần Đại Quang, cũng như khi ông Quang lên làm Chủ tịch nước. Chỉ riêng người thường bị bạo hành đến chết khi đang trong lúc điều tra, tạm giữ đã là hàng trăm người. “Ba năm có tới 226 người chết trong trại tạm giam, tạm giữ” (Thanh Niên). 226 người chết từ tháng 10.2011 - 9.2014 (3 năm), chủ yếu vì bệnh lý và tự sát, là báo cáo của Bộ Công An, con số thật chắc chắn phải cao hơn và cũng không thể chỉ vì bệnh lý hay tự sát. Có bao nhiêu trường hợp người thân của nạn nhân kể lại, ngày hôm trước chồng, cha, anh…của họ còn khỏe mạnh, bình thường, tâm lý, hoàn cảnh gia đìnhh bình thường không có điều gì phải uất ức, tự nhiên bị bắt lên đồn, ngày hôm sau đã nghe công an báo là chết do bệnh tật hoặc tự sát!

Từ khi lên làm Chủ tịch nước, với xuất thân và kinh nghiệm của ông Trần Đại Quang, Việt Nam ngày càng trở thành một quốc gia “công an trị”, hành xử với dân một cách hà khắc, sắt máu. Cuối cùng, chính ông Trần Đại Quang là người đã ký thông qua và ban hành Dự Luật An Ninh Mạng, copy từ Trung Công, để bị miệng người dân.
Còn vô số “thành tích” nữa nhưng chỉ sơ sơ như thế này đã cho thấy ông Trần Đại Quang đã gây bao tội ác cho dân cho nước.

Và sau khi đã chết 
Nhưng điều khiến người dân càng có cớ để cười cợt hoặc phẫn nộ là những gì đang diễn ra sau khi ông Trần Đại Quang qua đời. Thứ nhất là lễ cầu siêu “khủng” với đầy đủ chức sắc cao nhất của Giáo hội Phật giáo VN TP. HCM, Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị Sự, tăng ni phật tự các tu viện TP.HCM, tăng ni sinh Học viện phật giáo VN tại TP,HCM v.v…Có đến cả trăm sư, tăng!

Dân chửi vì các quan chức cộng sản VN từ trên xuống dưới, mở miệng ra thì ca ngợi chủ nghĩa Mác Lê vô thần nhưng trong đời sống thì mê tín dị đoan kinh khủng. Càng quyền cao chức trọng, càng lắm tiền thì càng mê tín, càng siêng đi chùa khấn vái, bỏ cả đống tiền vào cầu an, cúng chùa… Có vẻ như chính họ, dù ngồi trên đống tiền và nắm bao nhiêu quyền lực trong tay nhưng trong tâm vẫn không bình an, thanh thản nổi nên mới siêng đi chùa, cúng vái đến thế. Đến khi chết lại cầu siêu linh đình! Nhiều người độc miệng bảo ác thế kia, hại dân hại nước thế kia Phật nào chứng cho, cầu thế nào cho siêu thoát nổi.
Thứ hai là chuyện xây mộ. Báo chí nhà nước đưa tin ông Trần Đại Quang sẽ được an tang tại quê nhà ở Ninh Bình.

Báo VNEXpress viết: "Khu đất xây lăng mộ được chọn rộng khoảng 2-3 ha nằm trên cánh đồng ở xã Quang Thiện (huyện Kim Sơn, Ninh Bình), phía trước là ngôi làng gắn với tuổi thơ của Chủ tịch nước. Vị trí này cũng nằm sát quốc lộ 10, tuyến tránh thị trấn Phát Diệm, giao thông khá thuận tiện.
Khu đất trước đây là cánh đồng lúa của người dân nhưng đã được hợp thửa sau đó san ủi, đổ đất đá làm nền và trồng cây xanh từ mấy năm trước. Giáp với khu nghĩa trang này có một dòng sông nông giang nhỏ, nước trong xanh. Hai bờ sông (dài khoảng hơn 500 m) đã được kè đá hộc và làm ba cây cầu đá kiên cố bắc qua. Các tuyến đường gom bao quanh khu đất đều trải nhựa, lát vỉa hè bằng đá xanh." (“Khu an táng cố Chủ tịch nước được gấp rút hoàn thiện”)

Chi tiết rộng khoảng 2-3 ha này sau đó đã bị bỏ đi nhưng nhiều người đã kịp chụp hình lại đưa lên facebook. Cứ thử nghĩ, ở một xứ sở đất chật người đông, ngành nông nghiệp, trong đó trồng lúa xuất khẩu gạo vẫn là ngành đem lại bao nhiêu ngoại tệ hàng năm cho một ngân sách ít ỏi, cứ một người chết mà chiếm bao nhiêu đất nông nghiệp thế này, thì bao nhiêu quan chức to mà chết thì lấy mất bao nhiêu đất? Chưa kể, dân mạng cũng đã kịp chụp hình khu đất và chỗ dự định an tang rất hoành tráng, chả khác nào một vị vua của ông Trần Đại Quang. Trong khi bao nhiêu Tổng thống, Thủ tướng các nước Âu-Mỹ. giàu có hơn VN gấp nhiều lần mà ngôi mộ lại vô cùng giản dị!

Cũng trong bài báo nói trên cho biết: “Ba ngày nay, trên công trường - nơi được chọn an táng Chủ tịch nước Trần Đại Quang luôn có hàng trăm công nhân làm việc hối hả. "Các tốp thợ làm không kể ngày đêm suốt từ chiều 21/9", một người dân địa phương nói”…Trên Dân Việt, còn có bức ảnh người dân đang lao động, với tiền cảnh là một bà cụ già đang còng lưng quét rác và câu chú thích: "Dưới thời tiết nắng gắt, nhiều người dân tiến hành quét dọn vệ sinh những khu vực đã hoàn thành thi công" ("Gấp rút chuẩn bị cho Lễ Quốc tang Chủ tịch nước ở quê nhà Ninh Bình"). Thật đúng là một người chết làm khổ bao nhiêu người, khi sống tội đã nặng, nay chết gia đình người thân càng làm cho người chết tội nặng hơn!

Nếu ông Trần Đại Quang trước khi chết mà với chức vụ, quyền hạn của mình, làm được một việc tốt cuối cùng như ký giấy thả một số tù nhân lương tâm đang phải chịu những bản án phi lý, phi nhân, bị đày đọa trong lao tù cộng sản, thả luôn một số tù bị kết án oan sai, ví dụ như vụ Hồ Duy Hải, thì khi chết dân đã không chửi nhiều, mà có khi còn hy vọng siêu thoát được!

Nỗi niềm xa gần… 
Làm quan chức, chính khách của một chế độ độc tài, khi sống đã ăn cướp của dân ngập họng mà khi chết lại còn làm đám ma đình đám, xây lăng mộ hoành tráng là dại. Chẳng có chế độ nào tồn tại mãi với thời gian, nhất là một chế độ đã có quá nhiều sai lầm, gây quá nhiều tội ác cho đất nước, dân tộc như chế độ này, biết sợ đường xa thì hỏa táng rải tro ngoài biển, xây lăng mộ làm gì để sau này dân họ thù họ đào mả lên. Lại còn cái trò đặt tên đường, dựng tượng đài, càng dại. Xem tượng Lenin, Stalin...bây giờ bao nhiêu nước người ta giựt đổ kia. Tính ra Fidel Castro còn khôn, biết nghĩ đến cái ngày chế độ cộng sản sụp đổ ở Cuba nên không cho đặt tên đường, dựng tượng gì cả!
Đối với một người bình thường, khi chết đi di sản để lại cho con cháu quý nhất không phải là tiền của mà là tấm gương về cả cuộc đời mình đã sống như thế nào, và cái tiếng tốt để lại cho con cháu. Đối với xã hội thì mình đã đóng góp được gì. Còn đối với một chính khách, quan chức thuộc hàng lãnh đạo, khi chết đi quan trọng nhất là họ đã làm được gì cho dân cho nước, di sản họ để lại cho đất nước, dân tộc là gì. Và cuộc đời của họ đã luôn luôn tận hiến cho dân cho nước, luôn luôn đặt quyền lợi của dân của nước lên trên hết. Nếu làm được như vậy con cháu họ sẽ vô cùng sung sướng, tự hào, nhân dân sẽ mãi mãi tôn thờ, lịch sử vinh danh đời đời.

Tiếc thay kể từ khi đảng cộng sản ra đời cho đến nay, trải qua bao nhiêu thế hệ lãnh đạo, rồi quan chức cao cấp, chả có một ai đáng để dân thờ, ngược lại, lịch sử rồi sẽ điểm danh từng người đã có những việc làm, những quyết định sai lầm, hại dân phản quốc ra sao. Và cái di sản mà đảng cộng sản nói chung và các thế hệ lãnh đạo đảng nói riêng để lại sau hơn 7 thập niên là một cái di sản kinh hoàng: Đất nước lạc hậu, thua xa lắc các nước trong khu vực chứ khoan nói đến thế giới, tài nguyên khoáng sản bị khai thác cạn kiệt, rừng bị tàn phá, lãnh thổ lãnh hải bị co hẹp lại, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, một xã hội bị hủy hoại đến tận gốc rễ về mặt đạo đức lương tri, người dân thì vẫn chưa được hưởng Tự Do, Độc Lập, Hạnh Phúc, quyền con người vẫn bị hạn chế, chà đạp…Chưa kể một đống nợ khổng lồ và nằm trong vòng kiềm tỏa, khống chế quá sâu, quá chặt của Trung Cộng!

Dân gian đã từng nói:
Thương dân dân lập đền thờ
Hại dân dân đái ngập mồ thối xương… 
Đúng là một đời người chết rồi cũng chưa hết chuyện, với một quan chức, chính khách lại càng chưa…50, 100 năm sau xét lại vẫn chưa là muộn!

Song Chi

No comments:

Post a Comment