Pages

Sunday, October 21, 2018

Du Khách Trung Quốc: Tai Hoạ Cho Các Nước - Vi Anh


Mới đây vào thượng tuần tháng 6, 2018, một quản lý nhà hàng Nhựt ở thành phố Osaka thấy hai nữ du khách trẻ Trung Quốc (TQ) ăn món tôm và ném vỏ đầy sàn nhà. Và dù đã được nhắc nhở chỉ được ngồi 60 phút theo qui định của nhà hàng, nhưng hai người này vẫn ngồi lì, quá lâu hơn 90 phút. Ông quản lý bèn lễ độ đến  trình bày: “Các cô không cần trả tiền – các cô có thể đi. Làm ơn đi đi. Thật sự đó, tôi chưa bao giờ thấy cách ăn uống kinh khủng như thế”. Hai du khách TQ trẻ này liền đưa nội vụ lên mạng làm ầm ĩ, cho rằng mình bị kỳ thị chủng tộc trong đối xử. Hai cô đưa đoạn ghi hình trên mạng xã hội WeChat, tố cáo nhà hàng Nhựt này “đối xử thô lỗ với họ chỉ vì là người Trung Quốc”, theo tờ Qianjiang Evening News. Hỏi: “Phải chăng đây là tiêu chuẩn phục vụ đặc biệt cho khách nước ngoài? Tại sao khách hàng Nhật Bản ngồi kế chúng tôi lại được đối xử hoàn toàn khác”.

Nhưng lẽ phải vẫn là lẽ phải, lễ độ, lịch sự vẫn là lối sống văn minh của con người nói chung. Công dân mạng không ủng hộ hai cô như kỳ vọng. Trái lại công dân mạng nhận thấy hai du khách trẻ sai mà không thấy, lại đi phê bình người đúng, dùng kỳ thị chủng tộc chống người đúng một cách oan sai và muốn người khác binh vực mình.

Lâu nay du khách Trung Quốc thường ỷ có tiền, ỷ nước lớn, dân đông, có nhiều hành động vô văn hoá, phản văn minh, coi thường các dân tộc khác. Du khách TQ đã làm xấu không những nước nhà của mình và làm xấu nước mình ở ngoại quốc nữa. Vì thế, thay vì lên tiếng phẫn nộ cho đồng hương, đa số cư dân mạng Trung Quốc tỏ ra tò mò hai người này đã cư xử như thế nào để bị đuổi thẳng như thế.

Đài truyền hình Fuji TV của Nhựt tìm hiểu thêm, nhân viên nhà hàng cho biết hai du khách TQ dù đã được nhắc nhở nhưng ngồi lì ở bàn lâu hơn giới hạn 90 phút cho dịch vụ buffet của nhà hàng.
Lâu nay du khách TQ là mối lo lớn cho các nước ở Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc Châu và Á Châu dù họ mang đến lợi ích kinh tế qua ngành du lịch. Nhưng lợi mà họ đem lại không bằng cái hại  họ gây ra về môi sinh, về thuần phong mỹ tục của  dân chúng địa phương. Còn nhà cầm quyền TC thì dùng du lịch như vũ khí kinh tế chánh trị đối với chánh quyền các nước.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hiệp Quốc, du khách Trung Quốc chi 258 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 1/5 tổng doanh thu ngành du lịch toàn cầu. Tổng cộng có 130.5 triệu người Trung Quốc du lịch nước ngoài, tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước.
Nhưng cái lợi tiền bạc hiện tiền thu từ du khách TQ không bằng cái hại. Hại về môi sinh, du khách TQ coi nhà hàng, danh lam thắng cảnh, cổ tích liệt hạng của các nước như bãi rác. “Họ đi đến đâu là xả rác bừa bãi đến đó, bất chấp bị nhắc nhở nhiều lần”, một quan chức ngành du lịch Bali (Indonesia) nói với tờ The Nikkei Asian Review. Các trung tâm du lịch nổi tiếng nhiều du khách TQ đến như  Bali (Nam dương), Maya (Thái Lan), và đảo Boracay (Philippines) phải đóng cửa 6 tháng để dọn rác. Còn ở Cộng Hoà Palau, du khách Trung Quốc gây ô nhiễm nghiêm trọng đến mức chính phủ phải hạn chế chuyến bay từ nước này.

Hại thuần phong mỹ tục địa phương và lối sống văn minh của loài người. Một đoạn clip được tải lên website của tờ Beijing Youth Daily cho thấy du khách Trung Quốc ‘sàm sỡ’, bứt trụi lông đuôi 4 con công đực đã rơi vào bàn tay “nhám nhúa” của một số du khách Trung Quốc tại vườn thú ở miền đông nước này hồi cuối tuần qua, theo báo chí địa phương. Hành động bứt lông này đã khiến công bị thương. “Chúng chảy máu nghiêm trọng”, ông Mi cho biết. Ông là một trong 3 người chăm sóc 41 con công trên tổng diện tích 2.000 m2.

Tờ South China Morning Post ngày 1.5 cũng dẫn lại trường hợp hai con công ở vườn thú Côn Minh, tỉnh Vân Nam, đã thiệt mạng sau khi bị du khách bắt lại chơi đùa và bứt lông.
Giới chức quản lý công viên Nara ở miền tây Nhật Bản cảnh báo du khách không nên chọc phá nai sau khi gần 200 du khách bị chấn thương vì nai tấn công trong năm 2017, theo Kyodo News hôm 3.4.
Hại về chánh trị. Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu về du lịch Trung Quốc (COTRI) Wolfgang Georg Arlt nhận định: “Bắc Kinh xem du lịch là công cụ quyền lực mềm. Bất kỳ nơi nào công dân nước này đặt chân đến, sức ảnh hưởng càng sâu rộng”. Hàn Quốc thuận cho Mỹ bố trí hệ thống phòng thủ hoả tiển THAAD ở Hàn Quốc, TC trả đũa buộc các công ty không được bán tour đến Hàn Quốc.
TQ in bản đồ hình lưởi bò trên passport TQ chứng tỏ chủ quyền của TQ trên Biển Đông, cho du khách TQ mặc áo thun in hình Hoàng sa Trường sa thuộc TQ khi du lịch VN.
Đài phát thanh quốc tế Pháp RFI từng loan tin: “Tháng 5/2013, một thiếu niên Trung Quốc đã phá hoại một bức phù điêu tại ngôi đền cổ Luxor tại Ai Cập. Thủ phạm mới 15 tuổi này đã khắc tên mình trên một bức điêu khắc cổ kính, có từ 3,000 năm nay. Vụ tai tiếng đã được loan truyền khắp hành tinh, thu hút sự chú ý đến hành vi của du khách Trung Quốc ngày càng đông, mà hầu như nước nào cũng muốn chiêu dụ.”

Thông tín viên Arnaud Dubus của Đài RFI ở Bangkok từng tường thuật thói hư tật xấu của du khách TQ ở Thái Lan, rằng: “người Trung Quốc huyên náo, tùy tiện, hay cản đường cản lối tại những nơi đông người qua lại, nói chuyện rất to, không cần biết là mình đang gây phiền hà, khó chịu cho người chung quanh.”
“Phải nói là họ đặc biệt ồn ào và lộ liễu ở những nơi công cộng, như ở khách sạn, sân bay, bến xe ca, thậm chí ngay cả trong các đền chùa. Tại các ngôi đền, họ rõ ràng không hiểu là tại sao họ không thể vào bên trong vì họ mặc quần short, không hiểu được là cách ăn mặc như vậy thiếu tôn kính đối với tôn giáo.”
“Du khách Trung Quốc cũng bị chỉ trích là không biết giữ vệ sinh chung, như không giựt nước sau khi đi vệ sinh… Ngay cả những người Hoa sinh sống tại Thái Lan cũng rất bực mình, xấu hổ trước cách sinh hoạt của đồng hương họ. “Họ nghĩ là ‘có tiền mua tiên cũng được’, nếu họ bỏ tiền ra thì họ có thể làm gì cũng xong. Đây quả đúng là hành vi, suy nghĩ của hạng trọc phú, của những người mới giàu.
“Thật ra thì cách hành xử của du khách Trung Quốc ở Thái Lan – hay ở những nước khác – cũng tương tự như cách làm của họ ngay tại xứ họ. Ở đấy, văn hóa Khổng giáo cũng như Phật giáo đã bị chính trị và bị đảng Cộng sản hủy hoại. Cộng thêm vào đấy là sức ép của đà gia tăng dân số và triết lý chạy theo tiêu thụ, chạy theo vật chất có từ thời Đặng Tiểu Bình.
“Tất cả những cái đó gộp lại đã tạo nên một lối sống ích kỷ, chỉ biết quyền lợi riêng mình mà không chú ý gì đến người khác. Ở Trung Quốc, cách cư xử như thế là gần như là bình thường, nhưng khi bị đặt vào một môi trường khác, thì nó trở nên rất chướng mắt.
“Theo một số chuyên gia ngành du lịch, những người Trung Quốc trên 50 tuổi và thuộc diện ít học thức nhất, thường là những người có hành vi tệ hại nhất. Có thể xem họ là con cháu của Mao. Phần đông không nói tiếng Anh và không biết gì về phong tục tập quán các nước mà họ đến tham quan. Ngay cả nhiều người có ăn, có học, nhưng cách cư xử cũng rất thiếu lịch sự…”

Trong giới phụ trách ngành du lịch chẳng hạn, người ta đã thấy được là thái độ của du khách Trung Quốc đã có hậu quả không hay trên hình ảnh Trung Quốc nói chung. Chẳng hạn như tại viện bảo tàng Louvre ở Paris, người ta thấy những tấm bảng viết bằng tiếng Hoa, và chỉ có bằng tiếng Hoa mà thôi, yêu cầu du khách không tiểu tiện hay đại tiện trong các hành lang của viện bảo tàng.
Kết thúc bài này người Việt không thể không nhớ câu nói rất thấm thía và chân tình của Đức Tổng Giám Mục Hà nội Ngô Quang Kiệt nói với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, thủ đô của chế độ CSVN, ngày 20/09/2010, nguyên văn như sau: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế”. Lời thật mất lòng, chẳng những CSVN không sửa mà còn ám hại Ngài trên con đường phục vụ giáo hội và dân tộc./. (VA)

Vi Anh

No comments:

Post a Comment