Pages

Friday, November 16, 2018

Nhớ Bánh Tây Của Thời Sài Gòn Xưa - Trần Tiến Dũng

Một sạp bán bánh Tây cũ còn cố gắng tồn tại lại trong chợ Bến Thành, Sài Gòn. (Hình: Trần Tiến Dũng)

Ngày nay, dù Sài Gòn đã trở thành đô thị quốc tế với các món ngon vật lạ, nhưng đôi khi, thế hệ người miền Nam sinh trước biến cố năm 1975 vẫn nhớ đến các món ăn, đồ uống, thứ bánh một thời gắn bó với tuổi thơ.
Trong nỗi thèm nhớ không gian ẩm thực một thời hạnh phúc, no ấm của các thị dân miền Nam, kỳ diệu thay các món bánh Tây ngoài hệ truyền thống bánh Việt vẫn luôn là một phần ký ức văn minh ẩm thực của từng người.

Tôi ngồi nghe nhà văn nữ, chị Ngọc Tuyết, ở Cần Thơ, kể về các món bánh Tây từng hiện hữu trong đời sống của các gia đình công chức trung lưu Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Chị kể, má chị học trường Nữ Trung Học Gia Long, học đủ các môn nữ công gia chánh, trong đó có dạy nấu nướng các món Tây, mà đặc biệt là các loại bánh Tây. Khi về Cần Thơ sinh sống, mỗi Chủ Nhật bà vừa làm bánh cho cả nhà ăn, vừa dạy con cháu làm các loại bánh Tây mà bà đã học.

Chị không thể quên mùi vị thơm ngon của bánh cake đúng kiểu Pháp với mứt có vị trái thơm, vị rượu rhum hòa quyện với bơ, sữa thơm ngon kể sao cho xiết. Rồi lại có bánh quy (biscuit) đổ trong khuôn có hình các con thú như thỏ, mèo, gà… khiến đám con nít rất thích.

Hẳn nhiên, thế hệ học sinh các trường danh tiếng ở Sài Gòn ngày xưa đưa nhau vô khu trung tâm, vào các hiệu bánh nổi tiếng như Givral, Brodard… để ăn bánh Tây là chuyện bình thường. Giữa không khí sang trọng của nhà phố kiến trúc Pháp, giữa nhịp sống thượng lưu, trung lưu, các cô cậu học trò dù chọn ăn cái bánh sừng bò (croissant) rẻ tiền ướt bơ thơm, vẫn cảm thấy phảng phất hương vị quý phái.


Ngày nay, vẫn có thể tìm thấy bánh sừng bò, bánh quy bán ở tiệm lớn, tiệm nhỏ hay siêu thị, nhưng chắc chắn không ai có thể tìm lại được phong vị ẩm thực một thời làm nên gu ẩm thực chuẩn mực mà người dân miền Nam ai cũng biết là, đi Sài Gòn ăn đồ Tây, vô Chợ Lớn ăn đồ Tàu.

Tous Les Jours, một trong các thương hiệu bán bánh Tây nhưng của Nam Hàn, mới du nhập vào Sài Gòn. (Hình: Trần Tiến Dũng)

Thật ra bánh Tây đối với người xứ Nam Kỳ vốn quen thuộc và không phân biệt dân sang hay dân nghèo. Ai cũng biết là mỗi khi mình cảm sốt hay phải nằm nhà thương vì bệnh tật, thì lời khuyên của bác sĩ hay thân nhân là nên tạm thời bỏ qua các món mắm muối thịt cá vào buổi sáng, buổi khuya, mà ăn vài cái bánh Tây lạt chấm sữa nước sôi cho nhẹ bụng, dễ tiêu hóa.
Bánh Tây ngày trước đâu có khó kiếm, dù ở thị trấn nhỏ, các tiệm tạp hóa cũng có bán. Bánh Tây có loại bánh lạt, bánh Tây phủ lớp đường cát trắng và có cả bánh Tây mặn áo một chút muối. Có thời đám con nít tỉnh lẻ giả đò bệnh cảm hoặc bệnh ít xít ra nhiều để được cha mẹ mua cho bánh Tây và chai nước ngọt xá xị.

Không có gì quá đáng khi cho rằng bánh mì cứng mà người Pháp đem vô xứ Việt là vua của các loại bánh làm bằng bột mì. Nhưng nếu bỏ qua các thứ bánh Tây khác đã từng làm khoái khẩu người Việt thì đúng là thiếu sót lắm.

Thật thà mà nói, đâu ai có thể chê được bánh pâté chaud nhưn thịt heo, bánh su kem, và nhứt là bánh bông lan, bánh Tây, bánh flan,…
Người miền Nam thưởng thức các loại bánh Tây, có một điểm thú vị là nếu không được ai đó rành lịch sử các loại bánh Tây nhắc nhớ, thì họ cứ đinh ninh là bánh của người Việt mình chế ra. Thí dụ như với nhiều người, cái bánh mà các ông Tàu đẩy xe đi bán, bánh được đổ bằng cái khuôn giống tàn ong, vậy là người ta quen miệng gọi là bánh kẹp tàn ong; thực ra nó là thứ bánh có tên Tây hẳn hoi nhưng lâu ngày không còn ai nhớ nữa.

Các biến thể mới bánh Tây đúng là khó kể hết, thí dụ như bánh bông lan đã có cả chục loại biến thể bánh bông lan khác nhau như kiểu bánh bông lan gồm cả vị Tây, Tàu, Việt với nhưn phô mai, thịt chà bông, hột vịt muối…

Người Sài Gòn nhớ các loại bánh Tây xưa là nhớ cả không gian đô thị mang phong cách Pháp đã thấm đẫm vào nếp ăn, nếp sống văn minh của từng thị dân, từng gia đình. Và điều đó là thứ mà ngày nay người Sài Gòn không còn tìm thấy nữa, dù đô thị này tràn ngập các thương hiệu ẩm thực danh tiếng hay tầm thường của nước ngoài.


Ngày nay, ai đó dù ăn một miếng bánh Tây với nguyên liệu thượng hạng nhập cảng, chắc rằng sẽ không bao giờ còn được thấy trên nguồn khẩu vị tinh tế của mình cả một không gian Sài Gòn, một Paris của phương Đông từng một thời sang trọng danh giá. 

Trần Tiến Dũng
www.nguoi-viet.com

No comments:

Post a Comment