Không như giai đoạn sau 1975 kéo dài
đến tận đầu thập niên 1990, khi những người chạy trốn cộng sản lén lút
thu vén tiền bạc, vàng vòng để vượt biên, những chuyến “vượt biên” ngày
nay công khai và rất rầm rộ. Ly hương chưa bao giờ là câu chuyện vui.
Rời bỏ quê hương và gia đình không bao giờ là một chọn lựa dễ dàng. Thế
nhưng người ta vẫn đi, nhất quyết phải đi, bằng mọi giá phải đi, khó
cách mấy cũng đi, “chết” cũng đi, nuốt nước mắt mà đi!
Thử
search nhanh trên mạng về dịch vụ visa Hoa Kỳ, visa Úc, visa Canada…,
sẽ thấy vô số quảng cáo “cam đoan bảo đảm đậu”. Một công ty dịch vụ visa
thậm chí “treo” slogan: “Đi Mỹ không suy nghĩ!”. Làm thế nào không thể
không suy nghĩ khi quyết định phải đi, một quyết định làm thay đổi hoàn
toàn cuộc đời, một quyết định có thể biến mình từ một người có của ăn
của để thành một người tay trắng lạc lõng nơi xứ người. Tuy nhiên, vô số
người vẫn chấp nhận lấy số phận đặt cược cho ván bài lớn nhất đời
người: bằng mọi giá phải đi, sẵn sàng đón chờ tất cả may rủi để đi. Có
người thậm chí nói, đi đâu cũng được, nước nào cũng được, miễn thoát
khỏi Việt Nam! Nghe đau không?
Những
câu chuyện “làm thế nào để đi” đang được chia sẻ công khai hàng ngày.
Dịch vụ du học mọc như nấm. Dịch vụ ngân hàng “hỗ trợ vốn” du học quảng
cáo nhan nhản. Các chương trình EB1, EB3, EB5 giờ được nhiều người thuộc
nằm lòng. Đó là những tấm vé vượt biên hợp pháp. Những tấm vé thay đổi
số phận. Những “lá phiếu cử tri” minh chứng cho sự thất bại “toàn tập”
của một chế độ. Những bằng chứng rõ ràng và cụ thể cho thấy chính sách
cai trị của chế độ có kết quả ê hề và thảm hại như thế nào.
Có
quá nhiều lý do để đi. Có người nói họ đi (hoặc muốn đi) vì đất nước
không còn thuộc về dân tộc nữa. Có người nói thẳng rằng “Việt Nam bán
nước cho Tàu rồi, ở lại làm gì!”. Có người nói, họ đi vì ngày càng “căm
thù chế độ cộng sản”. Dù cảm tính hay không thì đó vẫn là những lý do có
thực. Tuy nhiên, lý do lớn nhất và phổ biến nhất vẫn là vì tương lai
con cái. Chẳng ai muốn con cái họ lớn lên trong môi trường giáo dục-y tế
tồi tệ như vậy. Chẳng ai muốn tương lai con mình u ám và đen tối như số
phận quốc gia. Không ai muốn để con mình trôi trên chiếc tàu vô vọng và
vô định. Chẳng ai muốn con cái phải gánh chịu những hậu quả mà chính
những kẻ có trách nhiệm trực tiếp và lớn nhất cũng đang phủi tay tháo
chạy.
Một
người bạn nói với tôi rằng, tôi có thể mua mọi thứ ở Việt Nam, tôi có
thể sắm gần như bất kỳ chiếc xe nào, tôi có thể tậu gần như bất kỳ căn
nhà nào, tôi có thể ăn bất kỳ nhà hàng sang trọng nào… nhưng có những
thứ mà tôi không bao giờ có thể mua: tôi không thể mua được môi trường
trong sạch, tôi không mua được ngôi trường có những giáo viên tử tế, tôi
không mua được bệnh viện nơi tôi và con tôi không phải nằm vật vờ ở
hành lang, tôi không mua được những con đường không bao giờ chứng kiến
cảnh ngập lụt, tôi không mua được hệ thống công quyền tận tụy vì dân; và
trên hết, tôi không thể mua được sự tự do – tự do cho cá nhân cũng như
tự do cho tương lai con cái tôi.
“Chúc
mừng bạn và gia đình đã lấy được visa định cư Hoa Kỳ!” – không có lời
chúc nào nghe mỉa mai hơn vậy. Vì sao mà sau hơn bốn thập niên người ta
vẫn mừng khi rời bỏ quê hương lên đường tha phương? Vì sao mà gần nửa
thế kỷ trôi qua người ta vẫn phải “vượt biên” tỵ nạn cộng sản và “tỵ
nạn” những hậu quả mà cộng sản gây ra? Vì sao mà sau những tuyên bố
khẳng định chế độ đạt được hết thành tựu này đến thành công khác mà “cán
bộ” cộng sản và đảng viên cộng sản vẫn bằng mọi giá đưa con cái họ ra
nước ngoài?
“Chúc
mừng bạn đã thoát được khỏi Việt Nam!” – không có lời chúc nào buồn và
đau hơn. Một cách chính xác, lời chúc này không dành để nâng ly cho sự
rời bỏ đất nước. Nó dành cho sự thoát được khỏi chế độ cai trị trên đất
nước đó. Lời chúc đó là một cáo trạng cho chế độ. Chẳng ai vui (trừ “cán
bộ” cộng sản) khi rời bỏ quê hương. Chẳng ai thoải mái khi bỏ hết tài
sản lẫn thân nhân mà gạt nước mắt ra đi. Sự chọn lựa của họ quá khắc
nghiệt: hoặc là một quê hương đang bị chế độ cộng sản tàn phá tan nát,
hoặc là xứ lạ quê người nơi họ có thể dùng những ngày tháng cuối cùng
của cuộc đời để gieo những mầm hạt hy vọng cho tương lai con em mình.
Khi
tôi viết những dòng này, ngoài kia, trước cổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ hoặc
lãnh sự quán nào đó, hàng đoàn người dài dằng dặc vẫn đang xếp hàng chờ
phỏng vấn visa. Trời nắng chang chang hoặc mưa mịt mù, họ vẫn kiên
nhẫn. Họ nắm chặt sấp hồ sơ trong tay. Họ đang cố nắm chặt số phận mình.
Con đường phía trước dù mờ mịt như thế nào thì ít nhất nó cũng dẫn đến
một lối thoát cho tương lai con em họ…
Mạnh Kim
(Blog VOA)
No comments:
Post a Comment