Pages

Monday, February 4, 2019

Cuối Năm, Một Đời, Một Người - Nguyễn Mạnh Trinh


Ngày cuối năm, đọc lại những bài thơ trong đời. Hình như, có bước chân trở về quá khứ. Ở đó, thấy lại mình ngày nào. Từ một cậu bé học trò nhiều mơ mông bắt đầu làm quen với chữ nghĩa đến một người đã qua tuổi sáu mươi và phần nào hiểu được những ngọt bùi chua chát trong đời. Ở một chỗ nào đó, thơ như cánh tay lôi kéo về. Thơ như của một mình, trầm trầm trong óc nhớ.
Có một người đã viết:
Cuối năm ngồi uống từng sợi gió
Từ thiên thu hiu hắt thổi về
Sóng mãi trong tâm hoài điệu vỗ
Ngàn năm thao thiết tiếng còi xe

Giục giã đêm còi tàu tiếng thét
Sống như quá vãng nỗi mênh mang
Kiếp lưu lạc thế thân mỏi mệt
Bãi biển xưa còn dấu dã tràng
Cuối năm ngồi một mình đối bóng
Tận thâm tâm tìm lại niềm vui
Sao vắng lạnh đành hanh thực mộng
Mộng vá trời thôi cũng đầu môi
Nắng lam biếc rạng ngoài khung cửa
Sao trắng không dĩ vãng kiếp người
Ðâu cổ tích trăng treo vó ngựa
Khẽ nhếch môi, một tiếng cả cười..

Những câu thơ nghe như có chút gì nỗi niềm ẩn khuất. Ở đời sống này, dòng đời cứ qua đi vội vã. Ngày tiếp ngày, tháng tới tháng, năm tròn năm, những góc cạnh như tròn đi trong mòn mỏi. Thuở nhỏ, đọc vài trang sách, có ai mà không mơ mộng, có ai mà không nghĩ đến mông vá trời để rồi cũng chỉ ở đầu môi…

Rồi những bài thơ cuối năm, những câu thơ như rền rĩ trong đầu. Có một chút hững hờ của một nỗi bâng khuâng. Thơ như nỗi niềm mở ra những xúc cảm của một người hay vơ vẩn với những chuyện cuối trời góc biển:
Cuối năm,ừ một mình độc ẩm
Chỉ một chai cho đỏ mặt mày
Nghe chân ai đi về rất chậm
Rất hững hờ những ngọn heo may
Ðêm trừ tịch vắt tay lên trán
Tìm lại ta một chút vấn vương
Ta ở đâu đông ngạn, tây ngạn
Trong ấm êm sao ngỡ dặm trường
Chữ và nghĩa sao còn u uẩn
Thơ chắp câu dang dở trong đầu
Có phải trời đất đang địa chấn
Ðỉnh cô phong mù mịt ngàn lau

Câu thơ người xưa còn trên đá
Sao lòng người như chiếc lá bay
Hịch thiên thu nặng như muôn tạ
Sao cuộc đời cuộn những áng mây?

Mỗi năm, sau lễ Giáng sinh và đầu năm dương lịch, thời tiết lành lạnh như nhắc nhở trong tâm một nỗi niềm nào. Ngày tết cổ truyền tới, lại thêm một tuổi, để thấy cuộc sống qua cho một tuổi già sắp tới. Có những bài thơ ấp ủ trong đầu, có hơi ấm của ngày ấu thơ quây quần trong ván tam cúc bên cạnh bếp lửa hồng của nồi nấu bánh chưng thuở nào. Có những bữa cúng tất niên, cả gia đình xum họp nhưng cũng có lúc bơ vơ một mình đón giao thừa trong nỗi buồn da diết. Ðời sống thăng trầm trong một đất nước chiến tranh in hằn trong tâm thức. Ði học, đi lính, đi tù, đi vượt biên, bao nhiêu chữ đi là bấy nhiêu trùng trùng kỷ niệm. Ở Sài Gòn, ở Pleiku, ở Phước Long hay ở Orange County, cuộc đời cứ trôi đi, có lúc là những cơn sóng ngả nghiêng nhưng cũng có lúc là con nước xuôi dòng thầm thỉ. Nếu viết được những trang nhật ký, giữa một buổi chiều cuối năm hiu hắt quê người, thì có lẽ tấm lòng sẽ nhẹ nhàng hơn vì những gánh nặng miệt mài từ dĩ vãng.…

Thời gian đi qua thật nhanh. Thấm thoát, một đời người, nối tiếp nhau, năm tiếp năm, tháng tiếp tháng. Không ngờ, tôi đã ở đây tới ba mươi năm, và trải qua ba mươi cái tết.

Làm sao quên được cái tết đầu tiên ở xứ người, đi chùa đêm giao thừa để nhớ lại cái tết vừa qua ở Sài gòn, đang lang thang trên một cửa sông ở Vĩnh Châu đúng đêm giao thừa để lên ghe nhỏ ra ghe lớn cho một chuyến vượt biển bất thành. Cái dư vị của đời sống Việt Nam còn đọng lại trong cảm giác để thấy cuộc đời mình đi qua một thời kỳ khác và sẽ phải phấn đấu hơn nữa để hòa nhập vào cuộc sống mới ở đây. Lúc ấy, vừa hơn ba mươi, mà sao nghe mình già cỗi lạ. Nhưng, tất cả vẫn là những hoài vọng và tin tưởng rằng cái giá của nhũng ngày tháng dồn tâm lực cho một chuyến đi không uổng phí. Sẽ đi vào cuộc với bàn tay trắng với quyết tâm xây dựng một cuộc sống thoải mái tự do..

Sống ở nơi có đông người Việt nên những cái Tết đầy đủ hương vị quê hương. Bánh trái kẹo mứt ê hề, ở đây, cả người giàu lẫn người nghèo đều thừa sức bày biện vật thực cho những ngày xuân sung túc. Về vật chất thì như vậy, nhưng sao trong lòng, hình như mọi người thấy thiếu thiếu một điều gì. Không biết, có phải là niềm giao cảm từ đất trời, khi chúng ta phải rời bỏ quê hương.

Ði lễ chùa xứ người, sao vẫn nhớ buổi lễ chùa Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi. Ðêm giao thừa làm sao quên đi lễ Lăng Ông, dập dìu nam thanh nữ tú. Ghé chợ hoa Bolsa, lại nhớ đến rừng hoa đường Nguyễn Huệ ngày nào với hương vị trái quất vặt trộm còn thơm mùi tinh nghịch thuở thanh xuân. Làm sao quên, kỷ niệm cũ. Nhớ nhung mãi, những bóng dáng xưa. Thời tiết lạnh lạnh buổi cuối đông lại càng làm tăng thêm niềm hoài vọng. Hồ mã tê bắc phong. Ở đây, không phải gió bấc mà sao lòng trống trải. Ngày đầu năm, là dịp nhìn lại những cái tết trong đời…

Phần đông những ngày mồng một tết ở xứ người, buồi sáng mù sương đi làm trên xa lộ,mọi ngày như mọi ngày, tưởng nhớ đến cái tết quê nhà. Một thời gian đã qua, biết bao nhiêu là kỷ niệm… Năm nay, tết nguyên đán vào cuối tuần nên ngày tết cũng còn chút ý vị. Nhưng, cái hững hờ làm sao ấy cứ lẩn quẩn trong tin trong óc. Cứ mãi nghĩ về ngày xưa, những ngày ở quê nhà…

Khi đi lính, mấy năm ở Pleiku là mấy cái tết xa nhà. Chiều ba mươi, lái xe đi quanh mấy con phố vắng người vì mọi gia đình đều lo cúng kiếng buổi giao thừa, thấy tự nhiên trong lòng một chút gì trống vắng. Nhìn vào những bàn thờ hương khói nghi ngút ở các nhà ngoài phố, thấy nhớ nhà, nhớ gia đình tha thiết. Những bài hát đón xuân, lại càng làm sâu đậm thêm nỗi buồn. Em, bây giờ ở xa, có còn nghĩ ngợi nhớ nhung gì anh, bây giờ?..

Có năm biệt phái Quảng Ðức, có năm biệt phái Ban Mê Thuột, ở đâu thì cũng là tết xa nhà. Cả biệt đội xúm nhau nhậu nhẹt say khướt để qua những ngày đầu năm. Nhiều khi đi biệt phái còn vui hơn là ở đơn vị. Dẫu sao, cũng có nhiều người chia sẻ chung cái nỗi cô đơn của một mùa xuân xa xứ.
Có một người lính trẻ làm thơ. Thơ của đêm ba mươi tết buồn ở Pleiku năm 1972. Những câu thơ đã cũ hơn ba chục năm:
Cuối năm thắp ngọn hỏa châu
Soi ai đôi mắt vợi sầu chốn xa
Uống đi, năm tận vèo qua
Trong ngụm đắng, thấy vỡ òa nỗi riêng
Tấc gươm còn nhớ tuổi tên
Mộng cung kiếm thấy lãng quên tháng ngày
Không gian có hẹp tầm tay?
Trên đỉnh núi cuộn tầng mây chập chùng
Cầm súng bắn vào không trung
Men nào cho hả tận cùng nỗi ta ?
Hướng nào mù mịt quê nhà
Con chim núi, nẻo quyên ca bạc lòng…


Sau năm 1975, là một cuộc đổi đời. Nước mất, Cộng quân vào Sài gòn, chúng tôi trở thành bại quân. Nhà tan, cả gia đình tôi di tản. Mình tôi kẹt lại, để vào tù với từ ngữ khá hiền hòa “đi học tập cải tạo“. Nhưng mọi người đều ngầm hiểu, chẳng có học tập gì cả, mà chỉ là một biện pháp trả thù của những người chiến thắng. Tù còn có án, còn có thời gian ấn định để trở về. Còn cải tạo thì, một cách rất co dãn, hiểu sao thì hiểu, tốt thì được về. Mà tốt được định nghĩa ra sao, thì, chưa có ai có quyền lực để nói ra cả…

Năm 1978, đã đến thời hạn ba năm. Tưởng là sẽ được trở về. Ngờ đâu hy vọng ấy vỡ tan như bọt xà bông.Tết năm ấy, là một cái tết đáng nhớ của đời cải tạo… Trại tôi, một số khá lớn những người tù đã được về. Số còn lại ở trong những lán trại hồi trước đông đảo nay khá trống trải. Giai đoạn này sửa soạn chuyển giao từ bộ đội sang công an nên những công việc lao động cũng chiếu lệ. Nhưng, tinh thần những người tù thì vô cùng bi quan. Cái tương lai tù mút mùa lệ thủy dường như ám ảnh mọi người. Những người bạn tù, mới ngày nào còn nằm sắp lớp bên cạnh nhau, bây giờ, sạp nằm rộng rãi. Những người được về là những kẻ may mắn còn những người ở lại, chờ đợi một ngày về trong cái lo lắng của những án tù không thời hạn cho mình…

Cộng Sản là bậc thầy của nghề coi tù. Mềm nắn, dắn buông, lúc cương lúc nhu, khi thì hăm dọa, khi thì vuốt ve, người tù hoàn toàn bị khống chế và mọi sức phản kháng đều bị chế ngự một cách có kỹ thuật. Nhiều khi những tin đồn xuất phát từ quản giáo có lúc như những biện pháp răn đe,có lúc như những xoa dịu những căng thẳng. Và, biện pháp chuyển trại thường xuyên, để mọi người tù khó cấu kết với nhau. Thời gian nhẹ nhàng xoa dịu như vậy chỉ thật ngắn, rồi đâu lại vào đó. Lại lao động cực nhọc, lại kỷ luật sắt, lại biệt giam, …

Thời gian ấy là cuối năm 1978, khoảng từ ngày giáng sinh đến tết nguyên đán ở trại Phước Long, tỉnh Sông Bé. Những “ăng–ten”, thấy hãm hại báo cáo anh em cũng không được về sớm hơn họ nên cũng ngại ngần trong công tác chó săn và hoạt động ít đi thấy rõ. Anh em cải tạo dễ thở hơn. Ban ngày thì lao động lè phè, quản giáo và vệ binh còn phải sửa soạn để ra biên giới Việt Miên đang có lộn xộn. Buổi tối, tụ họp nhau lại hát nhạc vàng, thậm chí có khi còn pha vào nhạc chính huấn hồi trước, mà chẳng thấy động tịnh gì. Lúc trước, như thế là có chuyện lớn ngay…

Ðã bao nhiêu năm qua, tôi vẫn còn nhớ đêm giao thừa năm 1978 ở Phước Long. Một đêm mà những người tù cảm thấy gần gũi với nhau hơn và chia sẻ với nhau những khốn khó sẽ tới. Cùng linh cảm với nhau rằng ngày về vô định và khi công an thay bộ đội làm quản giáo thì chắc chắn cuộc sống tù đầy sẽ khắc nghiệt khó khăn hơn.

Sau bữa cơm chiều cuối năm, cũng có chút thịt, có chút thức ăn, có cơm trắng,… nhưng sao ai cũng dàu dàu nét mặt. Trời núi rừng tối sớm nên cái lạnh lẽo càng tăng thêm độ buốt giá của nỗi buồn bã.
Giờ này, ở nhà, chắc có nhiều người vợ ngóng chồng, con mong cha. Bây giờ ở đây, mịt mù tương lai, ai mà chẳng cám cảnh phân vân. Ngày tết là ngày của xum họp. Thân tội tù, biết lúc nào trở về gặp được vợ con, gia đình,…

Nhưng có một số bạn trẻ, phần đông xuất thân từ trường Võ Bị Ðà Lạt, thì lại không để nỗi buồn tràn ngập. Họ hô hào góp thức ăn thức uống để tổ chức một đêm giao thừa chung cho mọi người. Và hình như mọi người trong đội đều hưởng ứng. Một bàn thờ được bầy ra, cũng có đèn nến, bánh mứt. Dù đơn sơ, nhưng ấm cúng. Dẫu sao, cũng có những người bên cạnh nhau để không có những giọt lệ gạt thầm, không có những tiếng thở dài khoắc khoải trong đêm trừ tịch.

Những tiếng hát, bắt đầu là những bản nhạc ngoại quốc mà anh em ngụy trang gọi là nhạc Liên Xô để che mắt quản giáo. Nhưng về sau, dần dần tâm tình được mở ngỏ và mọi người một lúc quên đi cái nghiệt ngã của tù đầy để tiếng nhạc chuyên chở được ý tình của những người luôn hy vọng. Những bài tình ca những nốt nhạc vui là khúc dạo đầu.

Có lúc nhạc buồn bã, đầy nhớ thương. Có lúc, nhạc là lời tha thiết của trái tim trao gửi. Có anh bạn đã hát bằng cả tấm lòng bài “Xuân này con không về” của Trịnh Lâm Ngân. Sao lại có ngôn ngữ thích hợp đến thế. Dù tình cảnh hồi trước là của anh lính chiến phải xa nhà vì nhiệm vụ, nhưng lúc này, tưởng như trận chiến vẫn còn. Những người tù, hát với nhau cảm khái:
“Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm mái tranh nghèo không người sửa sang khu vườn tu hoa vàng mừng xuân. Bầy trẻ thơ ngây chờ mong anh trai sẽ đem về cho tà áo mới ba ngày xuân đi khoe xóm giềng…”

Có một bản nhạc “Nước mắt cho Saigòn” thực ra là của Nguyễn Ðình Toàn nhưng lúc ấy chúng tôi đồn là của nhạc sĩ Phạm Duy từ ngoại quốc gửi nỗi niềm về. Những thân yêu trao gửi cho một thành phố tràn đầy kỷ niệm. Tin đồn tuy thất thiệt nhưng lúc đó cũng hâm nóng cho côi những nỗi niềm. Và, cũng thật là say sưa, những nốt nhạc và ngôn ngữ ấy:
“Saigòn ơi! Ðến những ngày ôi hè phố xôn xao Trong niềm vui tiếng hỏi câu chào sáng đời tươi thắm vạn sắc màu. Còn gì đâu! Ai đã xa nhớ hàng me già. Thu công viên hoa vàng tượng đá. Saigòn ơi. Ðâu những ngày mưa buồn khoác áo đi. Tay cầm tay nói nhỏ những gì. Những quầy hoa quán nhạc đêm về còn rộn ràng giọng hát Khánh Ly…”

Bây giờ nghe lại bài hát này, cũng như nghe lại nhạc Trịnh Lâm Ngân “Xuân này con không về”, đã mấy chục năm qua mà sao vẫn nghe trong lòng gợn lên những dây rưng rưng cảm xúc.

Tôi nhớ chúng tôi có hát những bài nhạc Chính Huấn thuở nào trong đêm giao thừa ấy. Nào “Cờ bay cờ bay trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu..” hay “Trên đầu súng quê hương tổ quốc đã vươn mình. Trên lưỡi lê căm hờn hờn căm như triều sóng. Ôi bao la thăm thẳm bát ngát cánh đồng vàng với lũy tre xanh và tiếng ê a đầu làng là kinh nguyện cầu cho người nằm xuống..” hoặc “Giặc từ Bắc vô đây bàn tay vấy máu anh em, giặc từ Bắc vô đây bàn tay vấy máu đồng bào…” Những câu hát mới đầu chỉ là lời thầm sau có lúc cất lên không ngờ.

Với những nhạc cụ thô sơ tự chế, mà căn bản là cây guitare mà cần đàn, thùng đàn, phím đàn, đều là những vật dụng vứt đi được săn nhặt để tạo thành. Cả đến giây đàn cũng là những sợi kim loại được tước ra từng những sợi giây điện hoặc giây cable nhưng lại chính xác âm độ đến mức không thể mơ ước gì hơn. Những chàng nhạc sĩ ấy, trong cái đam mê âm nhạc và cũng là một cách thế tâm sự với mình, với bạn bè cuối năm trong những nốt nhạc đã làm quên đi đời tù tội u ám không có ngày mai. Nhạc buồn của đời sống hiện hữu nhưng hình như có một điều gì phả vào lời thơ câu nhạc. Có một chút phẫn hận thương thân nhưng cũng có một chút ngang tàng không khuất phục.
Chúng tôi mới đầu một người hát, sau mọi người như truyền nhau cái say sưa thành những bản hợp ca hào hùng mà có lúc chúng tôi tưởng như ngày nào, thuở còn hàng ngũ.

Có một người làm thơ đã viết về đêm giao thừa ấy. Một bài thơ mà tác giả của nó trong một phút cảm hứng đã viết ra rồi chỉ phổ biến cho một vài người bạn rồi cố gắng chôn chặt vào trí nhớ.
Ðêm ba mươi sao chập chùng tiếng hát
Bè bạn ta ơi gió nổi lên rồi
Còn tấc lửa hãy nhen thêm đôi mắt
Ðường ta đi vằng vặc ánh mặt trời
Ðêm ba mươi hát bài ca chính huấn
Một thuở nào gươm súng đã ngang tàng
Bão cát trăng treo bụi lầm chiến trận
Giờ ngậm ngùi niềm tủi hận mênh mang
Núi rừng khuya có nghe lời thiên cổ
Ai hát bài xuân đến chẳng trở về
Mẹ hiền ơi, biết bao giờ hội ngộ
Ðêm giao thừa nhớ lại bếp chiều quê…


Ðã gần ba chục năm qua, trong tâm tư của tôi vẫn luôn luôn nhớ đến ngày cuối năm ấy. Dù đời sống có lúc buồn, lúc vui, lúc thăng trầm, lúc hào hứng, nhưng những giây phút ấy không thể nào quên trong đời người. Tôi biết, những bạn tù của tôi ở những trại giam ngoài Bắc còn bị khổ sở đầy ải gấp trăm lần hơn cũng như những thời hạn giam giữ thăm thẳm dài hơn. Nhưng với tôi, buổi tất niên cùng những bài hát cũng đã là một hằn vết không phai trong đời sống tôi.

Nguyễn Mạnh Trinh

No comments:

Post a Comment