Pages

Wednesday, February 20, 2019

Mối Tình Ngang Trái Của Người Cha Và Của Người Con - PT. Nguyễn Mạnh San


Cách đây khoảng 10 năm, tôi có viết một câu chuyện, kể lại về một ông Việt kiều tên Robert Quách, góa vợ sống trong cảnh gà trống nuôi con, cho đến khi đứa con ông tới tuổi trưởng thành. Mặc dầu hiện tại ông đang trong tình trạng mỏi gối chùn chân, đi đứng chậm chạp, không vững nhưng chưa đến nỗi phải chống gậy, có lẽ ông nhờ uống thuốc dược thảo tam tinh bổ thận hoàn, được bào chế tận bên Tây Tạng, nên tâm hồn ông lúc nào cũng cảm thấy trẻ trung, yêu đời như ngày nào ông mới 20 tuổi.


Sau đây tôi xin được lược thuật lại những tình tiết gây cấn về mối tình ngang trái của ông Robert Quách và mối tình ngang trái của cậu con trai ông là Tommy, để quý đọc giả nào chưa đọc hai câu chuyện này trước kia, thì nay quý vị có dịp đọc hai câu chuyện này. Câu chuyện thứ nhất, ông Robert Quách về Việt Nam thăm thắng cảnh quê hương yêu dấu lần đầu tiên và cũng theo chân một số anh em bạn bè đồng tuổi với ông ở Hoa Kỳ trở về thăm Sàigòn, với mục đích trước tiên là được nhìn lại những cảnh đẹp thiên nhiên ở quê nhà, sau nữa là để có dịp được thưởng thức một vài món ăn đặc sản nặng tình quê hương, mà trong đó có món độc đáo uống bia nằm, tức là cảnh đi mây về gió, của hai tâm hồn quấn quít bên nhau, qua những giây phút tình yêu lên ngôi, chẳng khác nào như những thanh niên thiếu nữ trong tuổi dậy thì, mới biết nếm mùi yêu đương lần đầu tiên trên đời. Một số bạn bè kể chuyện lại cho ông nghe là có những du khách Việt kiều về Việt Nam, từ trung tuổi tới cao niên, đều ưa thích món bia nằm nội hóa này, vì nó được xếp vào hàng thứ nhì sau món cầy tơ bẩy món, mà hai món đặc thù này ông cũng ao ước muốn nếm thử xem sao, nhất là cả hai món loại này thuộc loại quốc cấm tại Hoa Kỳ, ngoại trừ loại uống bia nằm được chính quyền tiểu bang Nevada cho phép tiêu thụ, nhưng chỉ được phép tiêu thụ tại một nơi riêng biệt, do chính quyền chỉ định và dưới sự kiểm soát y tế chặt chẽ của chính quyền địa phương, thuộc vùng ngoại ô, cách xa thành phố Las Vegas của tiểu bang Nevada. Vậy, nếu ai bất chấp pháp luật mà dám vi phạm 2 loại quốc cấm này tại Hoa Kỳ, nếu bị bắt quả tang đang tiêu thụ loại này, thì tùy theo luật pháp của mỗi tiểu bang quy định, kẻ tiêu thụ cũng như người cung cấp, cả hai không những phải đóng tiền phạt vạ mà còn có thể bi lãnh án ở tù nặng hay nhẹ, để được chính quyền mời đi nghỉ mát một thời gian, trong cac trại giam có máy điều hòa không khí, nhưng hoàn toàn vắng bóng đàn bà.

Trở lại câu chuyện của ông Robert Quách vừa kể trên, hai tuần lễ đầu ở Việt Nam, cứ cách mỗi tối, bạn bè của ông lại rủ ông đến quán nhậu bia ôm, mặc dầu cô nàng mà ông ôm trong đôi cánh tay từ ái của ông, vừa trẻ đẹp lại vừa ăn nói có duyên, quả đúng với cái tên thơ mộng của nàng là Thu Hương, nhưng ông vẫn chưa cảm thấy hài lòng, hình như vẫn thiếu một cái gì đó trong lòng ông, khó thốt ra thành lời. Có lẽ Thu Hương hiểu được tâm trạng khao khát cái gì đó mà ông Quách đang thèm muốn trong lòng, nên vào một buổi tối, trước giờ quán bia ôm đóng cửa, cô đề nghị ông thuê một phòng ngủ ở khách sạn vào đêm nay, để hai chúng mình cùng nhau đồng ca một liên khúc tình yêu lên ngôi, rồi liên khúc này được đôi song ca tài tử, một già một trẻ, một tình yêu duy nhất, liên tục trình diễn cho nhau nghe mỗi đêm, kéo dài cho tới ngày ông hết phép nghỉ thường niên 3 tuần lễ, vì ông phải lên đường trở về Hoa Kỳ làm việc. Tuy nhiên trước khi chia tay với người yêu, nàng dẫn ông đến văn phòng chính quyền địa phương tại Sàigòn, để ký giấy giá thú với nàng và ông hứa với nàng là ngay sau khi về tới Hoa Kỳ, ông sẽ xúc tiến ngay giấy tờ bảo trợ cho nàng sang Hoa Kỳ theo diện vợ chồng (Category of Marriage). 

Chỉ cách 2 tháng sau khi ông trở về Hoa Kỳ, nàng liền điện thoại báo tin mừng cho ông biết, là nàng sắp sửa có tí nhau với ông, rồi tiếp theo 1 tháng sau, nàng lại báo tin mừng cho ông biết, là Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ chấp thuận cho phép nàng sang Hoa Kỳ, theo đơn xin đoàn tụ vợ chồng, mà ông đã đệ nạp với Sở Di Trú Hoa Kỳ và ông liền mua vé máy bay quay trở lại Việt Nam để đón nàng cùng sang Hoa Kỳ với ông, đồng thời cũng là dịp đầu tiên, để nàng đưa ông về giới thiệu với Mẹ, đây là người chồng yêu dấu của nàng, mà Mẹ nàng chưa từng thấy mặt đứa con rể của bà bao giờ, cũng như ông chưa từng thấy mặt Mẹ vợ bao giờ và hiện nay bà đang sống ở một vùng thôn quê, thuộc tỉnh Vĩnh Long. 

Khi Thu Hương dẫn ông về trình diện Mẹ nàng, chưa kịp mở miệng giới thiệu với Mẹ câu nào, thì bà vừa nhìn thấy mặt ông, bà té xuống đất ngất xỉu, vì bà nhận ra ông chính là Bố ruột của con gái bà và bà cũng chính là người tình năm xưa trước năm 1975 của ông, lúc đó ông là một Sĩ Quan QLVNCH trẻ tuổi, hào hoa phong nhã, đóng quân ở nơi gần tỉnh quê quán của bà, rồi sau tháng 4 năm 1975, ông bị kẹt lại Việt Nam và bà cố gắng giúp cho ông khỏi bị cộng sản bắt đi tù cải tạo, bà đã phải bán đi 2 lượng vàng là gia tài duy nhất của bà, để giúp ông có phương tiện vượt biên sang Hoa Kỳ, tính tới ngày tiễn ông lên đường vượt biên, thì bà đã có thai với ông được 6 tháng, mà sau này bà sanh con gái đặt tên là Thu Hương. Sau khi bà sanh Thu Hương, vì kế sinh nhai khó khăn tại quê quán, bà phải thường xuyên rời đi nơi này tới nơi khác, không có địa chỉ nơi cư trú nhất định, nên bà bị mất liên lạc với ông cả mấy chục năm qua, mà bà cứ tưởng rằng người yêu của bà đã chết trên biển cả, như nhiều người vượt biên đi tìm tự do, đã bị bão tố hay bị những tên hải tặc hãm hiếp giết chết trên biển cả. Trong mấy năm đầu đến Hoa Kỳ, ông Quách cũng cố gắng hết sức tìm kiếm tin tức về người tình năm xưa là Mẹ của Thu Hương, nhưng vẫn biệt tăm tích, nên sau vài năm, ông cảm thấy đàn ông ở một mình không tốt, ông đã lập gia đình và vợ ông đã sanh cho ông một bé trai kháu khỉnh, dễ thương, đặt tên là Tommy Quách, nhưng chỉ độ hơn 5 năm sau, ông lại bị lâm vào tình trạng đau lòng, tương tự như hoàn cảnh đau buồn của người tình năm xưa của ông vừa kể trên, là Mẹ Thu Hương vì bà đã phải vất vả ngược xuôi, đi buôn bán hàng rong, mới kiếm đủ tiền nuôi Thu Hương cho đến khi nàng khôn lớn. Trong khi đó, con trai của ông mới được 5 tuổi, thì vợ ông qua đời vì bệnh ung thư, ông ở vậy trong cảnh gà trống nuôi con cho tới ngày nay con trai ông đã 25 tuổi. Giờ đây, tình trạng của ông thật quá trớ trêu, ông vừa là chồng của nàng, lại vừa là Bố ruột của nàng và cũng sẽ là Bố ruột của đứa bé mà nàng sẽ sanh nó ra. 

Vậy để giải quyết tình trạng nan giải này, trước ngày ông quay trở về lại Hoa Kỳ cùng với vợ là Thu Hương, ông gọi điện thoại nhờ tôi tư vấn cho ông về vấn đề này. Tôi khuyên ông vì tương lai của đứa bé sắp ra đời, là con ruột của ông và Thu Hương vừa là vợ ông, lại vừa là con ruột của ông nữa, nên ông đừng ngần ngại, cứ đưa Thu Hương qua Hoa Kỳ và nếu có ai tò mò hỏi ông, cô này là ai vậy? Ông hãy mạnh dạn trả lời họ, cô ta là con gái của ông mà ông mới bảo trợ cô ta từ Việt Nam qua. Khi thời gian thường trú của Thu Hương ở Hoa Kỳ đủ 2 năm, ông làm giấy ly dị cô ta, để cô ta không bị trục xuất trả về Việt Nam và cô ta sẽ có nhiều cơ hội làm lại cuộc đời với người nào thương yêu hai mẹ con cô ta thật tình.Vì câu chuyện tình ngang trái của ông, ngoài Thu Hương, bà Mẹ của Thu Hương và ông ra, không một ai biết rõ sụ thật của câu chuyện này, đồng thời ông cũng cần giải thích cho đứa con trai ông là Tommy biết, ông sẽ bảo trợ chị Thu Hương hơn Tommy 2 tuổi, là con gái ngoại hôn của ông khi xưa ông còn độc thân ở Việt Nam và nhờ chuyến đi du lịch về Việt Nam vừa qua của ông, tình cờ ông gặp lại hai mẹ con chị Thu Hương, nên ông quyết định bảo trợ cho chị Thu Hương sang đây trước, còn Mẹ của chị Thu Hương chưa muốn sang ngay bây giờ, nhưng cũng sẽ sang sau. Thế là ông Quách làm theo đúng như những lời tư vấn trên đây của tôi. Sang tới Hoa Kỳ, 2 năm sau ông làm giấy ly dị Thu Hương, 4 năm sau, Thu Hương lấy chồng là một luật sư Mỹ rất giàu có, thương yêu hai mẹ con cô hết lòng, trợ giúp cô bảo lãnh cho Mẹ cô qua Hoa Kỳ, để cho Bố cô từng là chồng của cô và Mẹ cô từng là người tình năm xưa của Bố cô được đoàn tụ với nhau, trong những ngày còn lại cuối đời của hai ông bà già gần đất xa trời này. Nhưng tiếp theo câu chuyện này, thì phải kể đến câu chuyện tình yêu của cậu em trai cô, là Tommy sanh đẻ ở Hoa Kỳ, cùng Cha khác Mẹ với cô, có thể được coi là mối tình ngang trái di truyền, từ người bố là ông Quách, sang người con là Tommy như sau:

Chắc quý vị đọc giả vẫn còn nhớ, sau khi ông Quách không tìm kiếm được người tình năm xưa ở Việt Nam, là Mẹ của Thu Hương, ông đành lập gia đình với một thiếu nữ, cư ngụ cùng một tiểu bang với ông và hai người có một cậu con trai đầu lòng, kém cô Thu Hương 2 tuổi là Tommy, như đã được đề cập trên đây. Ngay sau khi ông bố Tommy đưa cô Thu Hương sang Hoa Kỳ, thì cũng là lúc Tommy ra trường 4 năm đại học ngành kỹ sư điện toán và anh đi về Việt Nam chơi cùng với một bạn học người Việt Nam, học cùng lớp với anh. 

Trong thời gian hơn 1 tháng anh ở Việt Nam, anh phải lòng với một cô gái 19 tuổi, xinh đẹp, tên là Quỳnh Hoa, cô này nói được những câu tiếng Mỹ thông thường, mỗi khi anh không hiểu tiếng Việt thì cô lại nói tiếng Mỹ cho anh hiểu. Hai người yêu nhau thắm thiết, Quỳnh Hoa làm thợ hớt tóc ôm, tuần nào anh cũng đến tiệm hớt tóc ôm ít nhất 2 lần, để cho Quỳnh Hoa hớt tóc ôm cho anh. Rồi trước ngày anh phải quay trở về Hoa Kỳ, để khởi sự nhận việc làm cho một hãng tư, mà hãng này có giao kèo với chính phủ liên bang, Quỳnh Hoa dẫn anh đi ký giấy hôn thú với nàng, tại một văn phòng chính quyền địa phương và anh hứa ngay sau khi anh về tới Hoa Kỳ, anh sẽ nạp đơn bảo trợ cho Quỳnh Hoa sang Hoa Kỳ đoàn tụ với anh và chỉ 8 tháng sau, qua cuộc phỏng vấn của Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sàigòn, Quỳnh Hoa được phép sang Hoa Kỳ đoàn tụ với chồng và một năm sau Quỳnh Hoa sanh cho anh một bé gái đầu lòng xinh xắn dễ thương. Nhân dịp đầy tháng con đầu lòng, vợ chồng Tommy tổ chức bữa tiệc gia đình, mừng thôi nôi cho con tại nhà và mời Bố, tức là Ông Nội của cháu bé và mời Mẹ của chị Thu Hương, là người tình năm xưa của Bố, hai người đang sống chung với nhau, đến nhà vợ chồng Tommy dự tiệc. Trong lúc ông ngồi ở phòng khách, chờ đợi hai vợ chồng Tommy dọn các thức ăn lên bàn tiệc ở phòng ăn, thì bất chợt ông Quách nhìn lên tấm hình chụp Bố Mẹ của con dâu ông treo trên tường, làm cho ông hết sức ngạc nhiên lẫn xúc động, vì Bố của Quỳnh Hoa trong tấm hình này, chính là người em trai ruột của ông, là một sĩ quan tình báo trong QLVNCH trước năm 1975, kể từ ngày ông vượt biên sang Hoa Kỳ và cho đến ngày ông về Việt Nam lần đầu tiên, gặp được mẹ con Thu Hương, ông vẫn chưa nhận được tin tức gì về người em trai này của ông, nên ông kín đáo không cho con trai ông biết về tấm hình này, ông âm thầm hỏi chuyện riêng con dâu, ông cũng giữ kín, không cho cô con dâu biết Bố của cô là em ruột của ông và cô kể lại sự việc xẩy ra cho Bố chồng nghe như sau:

Cô được Bà Ngoại của cô kể lại rằng, sau khi cộng sản xâm chiếm Miền Nam 1975, Bố cô bị đi tù cải tạo vì là cựu sĩ quan QLVNCH và bị giam trong một trại tù cải tạo ở miền Bắc, lúc đó cô mới 5 tuổi, ít lâu sau, Mẹ cô gửi cô cho Bà Ngoại nuôi, để Mẹ cô đi ra miền Bắc buôn bán, để dễ dàng đi thăm nuôi chồng mỗi khi chính quyền cho phép. Rồi một hôm Mẹ cô nhận được hung tin là Bố cô cùng 2 sĩ quan tù nhân khác, 3 người đang đi trốn trên đường vượt ngục, thì bị 2 tên cán bộ trại tù phát giác, bắn chết cả 3 người tại chỗ. Sau khi nghe được tin này, Mẹ cô đau buồn lâm bệnh nặng và vì không còn tiền để tiếp tục chữa bệnh nên 6 tháng sau Mẹ cô qua đời. Đọc xong 2 câu chuyện này, chúng ta nhận thấy câu chuyện thứ nhất, ông Quách về Việt Nam đã vô tình lập gia đình với cô con gái ruột của mình làm vợ. Câu chuyện thứ hai, Tommy con trai ông cũng về Việt Nam cưới vợ, nhưng người vợ của anh lại là cô em gái họ của anh, con Chú con Bác ruột với anh. Éo leo hơn nữa, nếu không phát giác kịp thời, thì Tommy con trai ông Quách phải gọi chị Thu Hương, người chị cùng Cha khác Mẹ với anh, là Dì ghẻ của anh và đứa con của chị Thu Hương cũng là con của Bố anh, trên thực tế phũ phàng này, nó cũng chính là em ruột của anh cùng Cha khác Mẹ với anh, thật là tình trạng éo le tréo cẳng ngỗng này, không một ai có thể tưởng tượng nổi, làm sao lại có 2 câu chuyện thật và kỳ lạ như thế, có liên hệ mật thiết với nhau, sao lại có thể xẩy ra trên thết gian này? Hay đó chỉ là 2 câu chuyện xã hội giả tưởng mà thôi. 

Trên phương diện tình cảm, 2 câu chuyện tình yêu ngang trái trên đây không còn gì để kể thêm nữa và nếu nói theo ngành y học, có thể được coi như là một hiện tượng di truyền, từ người bố sang người con của hai mối tình ngang trái vừa kể trên đây, nhưng căn cứ trên phương diện pháp luật Hoa Kỳ, câu chuyện thứ nhất về ông Quách, nếu sở Di Trú Hoa Kỳ phát giác ra rằng ông Quách không sống chung với người vợ là cô Thu Hương, vì ngay từ ngày đầu cô đặt chân đến Hoa Kỳ, ông thuê một chung cư cho cô ở riêng với đứa bé con cô, căn cứ theo Pháp Luật Hoa Kỳ, coi đó là một cuộc hôn nhân gian dối, giả vờ lấy nhau trên giấy tờ (Fraud Marriage), cho dù cô có con với ông Quách đi chăng nữa, cô vẫn bị trục xuất trả về nguyên quán, trong trường hợp nếu cô không muốn mang đứa con đi theo cô về nguyên quán của cô, thì cô có thể để lại đứa con cho chính phủ Hoa Kỳ nuôi dưỡng, mặc dầu chồng cô không bị trục xuất nếu là công dân Hoa Kỳ (US Citizent), nhưng vẫn bị truy tố ra Tòa về tội lời khai man trá trước pháp luật và có thể lãnh án tù ở, nhưng nếu chồng cô chỉ là thường trú nhân (Permanent Resident), thì có thể bị trục xuất trả về nguyên quán cùng một lúc với cô. Trong trường hợp cô đem theo con về nguyên quán cùng với cô, thì đứa con cô sau này nó đủ18 tuổi, nó có thể xin giấy visa chiếu khán trở về Hoa Kỳ, nếu Cha của nó là công dân Hoa Kỳ hoặc trước kia nó được sanh ra tại Hoa Kỳ.

Nói tóm lại, sau tháng Tư đen 1975, biết bao nhiêu cảnh tang tóc, đau thương xẩy ra cho người Việt quốc gia dưới thời VNCH, nào là hàng triệu người phải lìa bỏ nước ra đi, để đi tìm tự do tại các quốc gia tự do trên khắp Năm Châu Bốn Bể, nào là hàng trăm ngàn người già, trẻ, lớn bé, trẻ thơ vô tội bị chết oan trên biển cả, nào là mấy trăm ngàn quân nhân, công cán chính của thời Quốc GiaVNCH, có người bị giam trong các trại tù cải tạo trên 2 thập niên, có nhiều người đã phải bỏ thân xác trong các chốn lao tù cải tạo cộng sản vì đói khổ, bệnh tật, không có thuốc men chữa trị, nào là những người vợ của các tù nhân cải tạo, phải vất vả ngược xuôi, lao đầu vào làm đủ mọi nghề lao động, kể cả nghề làm vợ bé cho các cán bộ cộng sản răng hô mã tấu mua vui, để kiếm tiền nuôi con cái còn thơ dại v.v. Kể sao cho hết những nỗi đau thương này, làm cho biết bao nhiêu người dân vô tội, phải bị chết đau đớn vì chính sách tàn bạo vô thần của công sản đỏ và biết bao nhiêu nước mắt đau khổ của những người dân vô tội, cũng như nước mắt và tiếng than khóc của những người vợ tù nhân cải tạo, của các góa phụ tù nhân cải tạo, trở thành những nước sông chảy dài tới tận biển đông.

PT. Nguyễn Mạnh San

No comments:

Post a Comment