Pages

Saturday, May 18, 2019

Bệnh Parkinson’s Disease (PD): Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị - Nguyễn Minh Tâm


Kính thưa quí ông bà, cùng các anh chị,
Tôi là người mắc bệnh Parkinson Disease (PD) suốt 14 năm qua. Tôi như người vừa trở về từ cõi chết. Từ tình trạng bi đát tuyệt vọng nhất, tôi trở nên hy vọng, vui vẻ sống những ngày tháng sắp tới cuộc đời mình. Nhờ kỹ thuật tân tiến của y khoa hiện đại, tôi nay phục hồi được khoảng 75% sức lực vẫn có. Chỉ vài ngày sau cuộc giải phẩu kéo dài 6 tiếng đồng hồ tại bệnh viện Westmead Private Hospital ở NSW, Australia, bạn bè người thân và những người mới quen biết đến thăm tôi đều rất đỗi ngạc nhiên về thành quả tôi đạt được. Có người còn nói rằng: ”Thật đúng là phép lạ!” Bản thân tôi, có phép lạ hay không, tôi cũng không biết. Điều mà riêng tôi cảm nhận được một cách rõ ràng, đó là sư nhẹ nhàng thoải mái, không còn thấy các triệu chứng hoặc dấu hiệu của căn bệnh PD này nữa. Trước khi giải phẩu, tôi như mang khối đá ngàn cân trên người. Thân mình đi đứng xiêu vẹo, cổ và hai vai đau nhức khinh khủng lắm. Tim hồi hộp, khó thở. Tất cả, nay đột nhiên được tháo gỡ, thật vui mừng tuyệt diệu! Mọi người thấy tôi nhanh nhẹn và tươi tĩnh hơn xưa rất nhiều.

Bằng vào bài viết này, tôi xin chia sẻ cùng tất cả quí ông bà, và các anh chị đã và đang chịu nhiều khổ đau vì bệnh này. Tôi chỉ là bệnh nhân, không phải một bác sĩ y khoa, nên sự hiểu biết của tôi còn quá ít ỏi, nông cạn, thiếu sót. Đó là điều chắc chắn. Tôi chẳng muốn khuyên bảo, cũng không muốn chỉ dẫn nào cho ai cả. Mỗi bệnh nhân đều có những triệu chứng khác nhau, những phản ứng khác nhau, tùy cơ thể, tuổi tác, sức vóc… Mọi quyết định phải do bác sĩ của quí vị đề ra thôi.

PHẦN 1: TỔNG QUÁT VỀ BỆNH PARKINSON’S DISEASE (tiếng Anh gọi tắt là PD)
Theo tài liệu của Hiệp hội Y sĩ Úc Châu (The Australian Medical Asociation – AMA), thì Parkinson’s Disease là chứng bệnh nan y, chưa có thuốc nào chữa lành hẵn. Nguyên nhân chính xác nhất về bệnh này vẫn chưa tìm ra. Nam nhân hay nữ giới cũng đều có thể mắc phải bệnh này. Đây là một căn bệnh về thể chất phát xuất từ não bộ mà ra. Nó không do sự âu lo, dồn nén tinh thần, hoặc do khủng hoảng trong gia đình tạo nên… Bệnh Parkinson’s Disease này do sự thoái hoá tế bào thần kinh sắc tố (pigmented nerve cells) trong não tạo ra. Bệnh thường xảy ra trong lứa tuổi từ 50 trở lên. Cũng có nhiều trường hợp xảy đến với người trẻ hơn 50 và thường kéo dài nhiều năm tháng và phát triển ngày càng nặng. Ở giai đoạn cuối, bệnh nhân bị co cứng, run rẩy, bị mất thăng bằng nặng và dễ bị té ngã… cuối cùng, phải đi xe lăn hoặc nằm yên trên giường, trở mình rất khó…

Bệnh Parkinson’s Disease thường cho ra những dấu hiệu hoặc triệu chứng sau đây:

– Động tác rất chậm chạp.
– Cứng đơ bắp thịt và khớp xương, tay chân nặng nề, co cứng, khó cử động.
– Tay run, chân có khi cũng bị run, nhất là khi nghỉ ngơi trong tư thế nằm. Do đó, rất khó ngủ.
– Mất thăng bằng cơ thể. Dáng người xiêu vẹo, cổ và thân mình như cong gập xuống, hai tay không thể đánh “đồng xa” một cách tự nhiên khi chân bước đi (như khi đi bộ).
– Tay chân vận động không theo ý muốn (chứng loạn tác động: Dyskinesia), bệnh nhân thường bước những bước ngắn.

PD làm rút ngắn sự sống ở bất cứ mức độ nặng nhẹ nào. Thời kỳ nặng ở, thì sự run rẩy, chậm chạp và cứng đơ cơ bắp cũng khớp xương ảnh hưởng trầm trọng lên cả hai bên tay chân và cả thân mình nữa. Phát âm, thì chỉ phát những tiếng yếu ớt, ngọng nghịu, lắp bắp, không rõ ràng. Ngay cách diễn đạt tư tưởng cũng rất khó khăn. Cả thân mình như cứng đơ, co rúm hay vặn vẹo một cách không bình thường. Bệnh nhân bước những bước ngắn và có thể té ngã bất cứ lúc nào.
– Giao động khi lên khi xuống của bệnh nhân: Bệnh nhân, sau khi uống thuốc chữa bệnh này, thường thì sau 20 phút hoặc nửa giờ, khi thuốc đã ngấm, mới cảm thấy dễ chịu: đi đứng tự nhiên hơn, nói năng cũng không đến nổi lắp bắp, ngọng nghịu, thấy trong người khỏe hơn. Đó là thời gian ở vào lúc “LÊN”. Đến khi chất thuốc trong người hạ xuống thấp, thì các triệu chứng trên trở nên: chậm chạp, co cứng, ngọng nghịu… Đó là thời gian “XUỐNG”… Giao động lên xuống xảy ra liên tục như vậy trong ngày, nên bệnh nhân thấy rất mệt, tim đập thình thịch, rất hồi hộp.
– BỊ TÁO BÓN: Táo bón hầu như là người bạn đồng hành luôn gắn bó với bệnh nhân PD.

AI LÀ NGƯỜI CÓ THỂ BỊ BỆNH PARKINSON’S DISEASE?
PD có thể xảy đến với tất cả mọi người, ở bất cứ tầng lớp, màu da, hoặc chủng tộc nào. Nó xảy ra trên khắp thế giới. Bệnh tình sẽ tăng trưởng tuỳ theo thời gian và tuổi tác. Tuy nhiên, già nua không phải là lý do gây nên bệnh. Nói chung, thì những người như thế chỉ có tỉ lệ một phần ngàn (1/1000) bị bệnh mà thôi. Nhưng, ở lứa tuổi 70–80, thì tỉ lệ cao hơn: lên khoảng 10 %. Rất nhiều người già bị ảnh hưởng nhẹ về bệnh này và rất dễ nhận biết. Đàn bà hoặc đàn ông đều có thể mắc bệnh này như nhau. Tuy nhiên PD không phải là bệnh di truyền.
ĐỪNG QUÁ LO LẮNG
Nếu những điều trên làm quí vị lo lắng, thì xin nhớ rằng: suốt nhiều năm tháng, căn bệnh ở tình trạng nhẹ; và vào thời kỳ này, bệnh nhân có thể sinh hoạt một cách bình thường trong gia đình và có thể làm việc để mưu sinh như mọi lúc. Hơn nữa, PD trong hiện tại, chưa có cách nào có thể chữa dứt được hết. Tuy nhiên, nhiều hiện tượng, triệu chứng của PD có thể kềm chế được bằng các phương pháp điều trị thích hợp.

PD ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN NHƯ THẾ NÀO?
Hầu hết, chúng ta không làm sao biết được rằng mình đã mắc bệnh Parkinson’s Disease, bỡi vì có những triệu chứng, những hiện tượng xảy ra gần giống như PD, nhưng không phải là bệnh này. Ví dụ như: bệnh Alzeimer, bệnh có bướu trong não, tai biến mạch máu não, bệnh tâm thần phân liệt (Schizophrenia)… Phân biệt để nhận ra những bệnh tương tự như bệnh PD là một điều rất hệ trọng, vì phương pháp chữa trị có thể khác hẵn nhau. Ví dụ như: các loại thuốc chữa bệnh thần kinh như bệnh tâm thần phân liệt (schizophrenia), hoặc các bệnh tâm thần khác có thể làm tắc nghẽn luu thông chất dopamine trong não, gây ra triệu chứng giống như bệnh PD.

Tốt hơn hết là quí vị nên hỏi ý kiến bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ cố vấn xem có phải các thứ thuốc mà các vị này cho uống làm phát sinh những triệu chứng như PD không? Những thuốc này có thể làm quí vị buồn nôn, ói mửa, chóng mặt. Trong tình trạng đó, các hiện tượng giống như PD không phát triển thêm lên, nếu việc điều trị này không kéo dài lâu hơn một tháng. Bác sĩ sẽ cho ngưng các loại thuốc đó và các triệu chứng trên sẽ từ từ mất đi, hoặc có thể kéo dài nhiều tháng.
Tùy nguyên nhân, hiện tượng của quí vị mà bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh PD đã bắt đầu xuất hiện. Khi ấy, việc điều trị phải bắt đầu càng sớm càng tốt.

PD ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?
Việc điều trị bệnh Parkinson’s Disease được căn cứ trên sự thay thế các hóa chất trong não bị hao hụt, hay giảm sút. Hóa chất chính làm phát sinh căn bệnh này do có thiếu hụt, là chất Dopamine. Chất này giảm từ từ trong não từ nhiều năm, trước khi những hiện tượng của PD bắt đầu nhận thấy rõ. Lượng phỏng định của Dopamine mất đi là 80% trước khi các dấu hiệu kia xuất hiện.

Dopamine được tìm thấy trong nhóm tế bào thần kinh ở đáy não, gọi là hạch thần kinh bạch huyết (basal ganglia). Bệnh nhân được điều trị bằng loại thuốc có tên là Levodopa để thay thế lượng dopamine bị mất đi. Bác sĩ cũng có thể cho toa những loại thuốc khác để chữa bệnh này.

Với các bệnh nhân PD, phương pháp vật lý trị liệu, ăn kiêng, phương pháp giúp phát âm tiếng nói… cũng rất là hữu ích. Tuy nhiên, những phương pháp này chỉ là phụ thuộc mà thôi.
Mục tiêu điều trị, là để giữ cho sinh hoạt của bệnh nhân được bình thường và giúp bệnh nhân có cuộc sống càng tự nhiên càng tốt.

AI LÀ NGƯỜI TRỊ BỆNH PD
Nên nhớ, PD là căn bệnh rất phức tạp và nguy hiểm cho bệnh nhân kéo dài qua nhiều năm tháng. Do đó, không chỉ mỗi bác sĩ, mà cả người nhà, hoặc những người thường xuyên chăm sóc cho bệnh nhân, hoặc những người sử dụng các phương pháp trị liệu nào khác… tất cả cần nổ lực như nhau. Và chính bệnh nhân cũng cần rất nhiều nghị lực. Các hiệp hội Parkinson’s Asociations thường có nhiều tài liệu, nhiều khóa hướng dẫn đặc biệt cho người nhà hoặc người chăm sóc cho người bệnh PD. Nếu bất cẩn hoặc sơ ý, có thể khiến bệnh nhân té ngã hoặc có những rủi ro khác.

Bác sĩ gia đình là người đầu tiên chẩn đoán phát giác ra bệnh và có trách nhiệm trong việc điều hành tình trạng của bệnh nhân, nên công việc của vị này bao gồm việc chẩn đoán, giải thích, cho toa và có thể gởi bệnh nhân đi vật lý trị liệu, hoặc phương pháp điều trị nào khác. Sau đó, bác sĩ gia đình có thể gởi quí vị đến bác sĩ cố vấn, bác sĩ chuyên khoa khác, tốt nhất là bác sĩ chuyên về thần kinh, cũng có thể là bác sĩ tổng quát hoặc y sĩ nào khác chuyên chữa cho bệnh nhân cao niên.

Sau khi khám bệnh, bác sĩ hay y sĩ này sẽ viết thư thông báo cho bác sĩ gia đình, xác định sự chẩn đoán và khuyên bác sĩ gia đình nên điều trị như thế nào. Một khi việc chẩn đoán được xác định và bắt đầu đi vào điều trị, thì bác sĩ gia đình của quý vị sẽ tiếp tục làm như thế. Khi thấy chuyện bất thường xảy ra, bệnh nhân sẽ được gởi trở lại cho bác sĩ chuyên khoa chăm sóc.

Tùy trường hợp nặng/nhẹ, bác sĩ có thể cho thuốc chữa trị khác nhau, từng giai đoạn một. Ở mỗi giai đoạn, các loại thuốc trên có liều lượng khác nhau, như Sinemet 100/25 100, Sinemet CR 200/50 100, hoặc Madopar rapid 62.5, long-acting Madopar… Tùy hãng thuốc, cùng một chất thuốc, nhưng tên gọi khác nhau như: Sinemet do hãng khác làm lại có tên khác nhau. Ví dụ Kinson 100/25 100 cũng giống như Sinemet 100/25 mà thôi… Vấn đề này,xin quí vị hỏi bác sĩ của quí vị thì rõ hơn…

– Khi mọi loại thuốc mà bác sĩ đã cho quí vị dùng đều bị lờn hết rồi, và những loại khác mà cơ thể của quí vị không dung nạp được, thì có thể quí vị sẽ được cho một loại thuốc tự chích chung quanh rốn (như những người bị tiểu đường nặng chích insulin vậy). Đó là Apomorphine injections (Chú ý : Apomorphine không liên hệ gì đến morphine).

– Với y khoa hiện đại, giải phẩu thần kinh (neurosurgery) giúp cho bệnh nhân có thể hồi phục được đến 70% hoặc 75%. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng có thể được giải phẩu, mà tùy theo sức khỏe, tuổi tác hoặc tình trạng thích nghi của cơ thể nữa. Thông thường, tuổi từ 70 trở lên, bác sĩ phải xem xét lại rất kỹ, và những người bị máu loãng cũng rất khó được giải phẩu. Việc giải phẩu này như thế nào, xin quí vị xem ở cuối phần 2 sau đây.

PHẦN 2: BỆNH PARKINSON DISEASE (PD) VÀ TÔI
Bệnh Parkinson’s của tôi xuất hiện từ năm 1997, đến nay đã 14 năm! Trong thời gian này, nhất là những năm sau cùng, có những lúc tưởng chừng tôi không chịu đựng nổi nữa, muốn buông xuôi tất cả!

Giai đoạn đầu, tôi chỉ thấy vai và tay trái tôi mỏi sơ sơ thôi. Vài tháng sau, vai tay trái tôi mỏi hơn, nhưng không có cảm giác đau. Bác sĩ gia đình gởi tôi đến một bác sĩ chuyên khoa ở Fairfield, NSW Úc. Vị bác sĩ này cho tôi làm nhiều xét nghiệm, kể cả chụp X-Ray, CT Scan và MRI Scan nữa. Vẫn không tìm ra bệnh. Tôi quay sang thuốc bắc và châm cứu, bệnh vẫn không thuyên giảm. Tôi chán nản không đến bác sĩ nữa, cũng ngưng thuốc Bắc luôn, khoảng hai năm. Mãi cho đến năm 2000, khi vai và tay trái vừa mỏi, vừa đau nữa (đau trong xương chứ không phải bên ngoài), cũng không phải do tại khớp. Bác sĩ gia đình Trương Tuấn ở Bankstown NSW gởi tôi đến bác sĩ chuyên khoa thần kinh (neurologist) là bác sĩ McKenzie. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ Mckenzie đã quả quyết rằng tôi bị bệnh Parkinson trong thời kỳ nhẹ. Bác sĩ cho thuốc uống. Tôi không còn nhớ tên thuốc là gì, nhưng khi uống vào, cơ thể tôi không dung nạp được nên bị phản ứng dữ dội: Ói mửa, chóng mặt, mất ngủ… Thay bao nhiêu lần thuốc, tôi cũng đều bị phản ứng hết, có khi mất ăn luôn. Mỗi ngày cố gắng lắm cũng chỉ ăn được nửa chén cơm thôi. Đến thời gian này, bác sĩ gia đình Trương Tuấn mới cho biết là cơ thể tôi rất nhạy cảm đối với bất cứ loại thuốc mới nào. Từ đó, mỗi lần đổi thuốc mới là mỗi lần bị phản ứng, nên tôi rất sợ đổi thuốc. Sợ, nhưng cũng phải uống vì đang bị bệnh! Bệnh ngày càng nặng và thêm một hiện tượng nữa, là tay trái tôi bị run. Bệnh run tay này, phát triển nhanh cho đến nỗi tôi nghĩ rằng: có lẽ tôi không thể lái xe được nữa, đó là năm 2002.

Tôi rất chán nản, vì uống thuốc nào cũng không xong, mà bệnh PD càng ngày càng nặng. Tôi lại nhận thấy động tác tay chân đã trở nên chậm và ngày càng chậm chạp thêm.

Tháng ba năm 2002, một số bạn bè và tôi nghe đồn rằng có một bác sĩ người Nga ở vùng Burwood NSW, rất giỏi. Ba bốn anh em chúng tôi rủ nhau đến ông ấy. Chúng tôi phải đến thật sớm lúc 6 giờ sáng, xếp hàng và bốc số thứ tự. Dù mình có là người đầu tiên, bốc số 1, cũng phải chờ mãi đến 2-3 giờ chiều mới gặp được bác sĩ, vì ông ấy phải khám cho những người đã hẹn mấy hôm trước. Tôi rất mừng vì ông cho đúng thuốc tôi uống và không bị phản ứng, Sinemet 100/25 100, mỗi ngày chỉ uống 1 viên mà thôi. Tôi thấy trong người khỏe hơn, ít run hơn, ít bị co cứng hơn… Tuy vậy, chỉ được vài hôm, đâu lại vào đấy. Run tay, đau mỏi vai tay, chậm chạp… trở lại và ngày càng nặng hơn. Tôi trở lại với vị bác sĩ này và nhất định ông không cho tăng lượng Sinemet lên, chỉ một viên mỗi ngày mà thôi. Dĩ nhiên, thưa quí vị, tôi lại phải rời bỏ vị bác sĩ này. Đến đây, tôi mới biết rằng: Một bác sĩ giỏi vẫn không phải là người có khả năng chữa lành mọi thứ bệnh. Dù xa rời bác sĩ này, tôi vẫn công nhận rằng ông là một bác sĩ giỏi, mặc dù ông không chữa lành bệnh Parkinson cho tôi.

Cuối năm 2002, tình cờ thấy trên một tạp chí Anh ngữ (tôi không còn nhớ tên) tại phòng bác sĩ gia đình, lúc ngồi đợi, tôi đã đọc và biết được địa chỉ của Hiệp hội Parkinson của NSW tại bệnh viện Concord, NSW Úc. Về nhà, tôi gọi điện thoại ngay cho họ và có được cuộc hẹn gặp vị bác sĩ cố vấn chuyên khoa, ngay vào ngày hôm sau. Sau 30 phút trao đổi, tôi được vị này gọi cho Parkinsons Clinic của bệnh viện Concord, NSW này. Cuộc hẹn đầu tiên, vị cố vấn nói lại, cần sự có mặt của tôi trong 4 tiếng đồng hồ. Họ dặn đây là bữa hẹn rất quan trọng cho tôi, đừng đến trễ.

Khi đến đó lần đầu, sau khi làm thủ tục ban đầu, tôi phải gặp phòng vật lý trị liệu 1 tiếng đồng hồ, phòng cố vấn về vấn đề ăn kiêng 1 tiếng, phòng hướng dẫn về phát âm tiếng nói một tiếng đồng hồ nữa. Và cuối cùng, tôi đã gặp được một bác sĩ chuyên khoa thần kinh và cũng là một giáo sư dạy y khoa, Dr/Pr Alastair Corbett. Tôi rất kính mến vị này, vì ngay từ lần gặp gỡ đầu, ông đã tỏ ra quá tận tâm và thương bệnh nhân đích thực. Tất cả mọi việc trên, tôi không phải trả một đồng nào cả. (Hiệp hội Parkinson là hội từ thiện, bác sĩ chỉ được trả bằng medicare). Bác sĩ này cho tôi uống Sinemet 100/25, ngày 3 viên. Sau hơn một năm, tôi vẫn giữ liều lượng như vậy. Cho đến khi thuốc này giảm hiệu lực, bác sĩ cho thêm 1 viên Sinemet CR 200/50 nữa mỗi ngày (CR: Control Release) Thời gian này, tôi rất là mệt. Giao động lên/xuống như đã nói ở trên liên tục xảy ra. Mọi hiện tượng Parkinson cứ tăng dần lên mãi mặc dù rất chậm trong thời gian uống 3 viên Sinemet 100/25 vào sáng, trưa, chiều và buổi tối thêm 1 viên Sinemet CR 200/50. Cho đến giữa năm 2006 thì lượng thuốc Sinemet CR tăng lên 3 viên một ngày (tức 3 viên Sinemet 100/25 + 3 viên CR 200/50. Đền đây tôi nhận ra rằng bệnh “run” hầu như biến mất, nhưng chứng cứng đơ bắp thịt tay, chân và những hiện tượng khác lại gia tăng. Vào cuối năm 2008, thì Sinemet không còn công hiệu nữa. Bác sĩ lại thay bằng Stalevo liều mạnh: Stalevo 150. Ba tiếng đồng hồ uống một lần, rồi 2 tiếng. Như vậy, tôi phải uống 7 đến 8 viên mỗi ngày. Thuốc Stalevo 150, ngày nào cũng uống 7, 8 lần, bụng tôi bị nóng như thiêu như đốt, bị táo bón rất nặng, mặc dù có uống kèm thuốc bao tử để giảm chất axit quá nhiều. Tôi đã phải vào bệnh viện Concord 3 ngày để bác sĩ theo dõi và đổi thuốc. Tất cả mọi thứ thuốc tôi dùng qua, đều bị lờn hết. Cuối cùng, bác sĩ cho tôi thử thuốc chích vào quanh rốn morphine. Sau khi chích Apomorphine, tôi ói mửa, chóng mặt và hầu như kiệt sức. Cho nên bắt buộc phải ngưng Apomorphine injections. Bác sĩ cho tôi dùng lại Stalevo 150, cứ 2 tiếng đồng hồ uống một lần. Như vậy, giao động lên/xuống cứ xảy ra 2 tiếng đồng hồ một lần!
Các loại thuốc trị bệnh PD mà bác sĩ đã cho tôi uống rất là nhiều thứ, nhiều tên, nên tôi không nhớ hết được, vì sau khi bị phản ứng, tôi phải xin đổi ngay thuốc khác. Thường là, tôi chỉ nhớ những tên thuốc mà tôi đã dùng lâu dài mà thôi.

Bác sĩ Alastair Corbett chăm sóc tôi tận tình cho đến đầu năm 2010. Đúng vào thời gian này, tôi đọc được trên Internet phương pháp mới của nền y khoa tân tiến về cách điều trị bệnh PD bằng phẩu thuật đặc biệt gọi là DEEP BRAIN STIMULATION (DBS), và được một người chị Việt Nam quen biết do bạn tôi là Lê Hữu Phúc giới thiệu. Chồng của chị cũng bị bệnh Parkinson ở thời kỳ nặng, giọng nói rất yếu ớt và đang chờ giải phẩu DBS. Chị đề nghị tôi vào bảo hiểm trước và xin bác sĩ thần kinh của tôi giới thiệu để được giải phẩu DBS tại bệnh viện PA Brisbane, Queensland.

Sau khi tìm hiểu, tôi biết rằng ở tiểu bang nào của Australia cũng có clinic điều trị DBS nầy, nên tôi đã nhờ bác sĩ thần kinh của tôi giới thiệu đến bác sĩ giải phẩu thần kinh. Bác sĩ này nói rằng phải chờ tối thiểu là một năm kể từ ngày vào bảo hiểm thì công ty bảo hiểm mới bao gộp chi phí bệnh viện cho tôi, nếu không, tiền bạc tôi phải trả tất cả cho cuộc giải phẩu này cao lắm. Do đó, ngày 28/01/2011 tôi đã được giải phẩu DBS. Bảo hiểm trả tất cả mọi chi phí, kể cả tiền chiếc máy Neurostimulator lên đến $33,000.00 Úc kim.

PHẨU THUẬT DEEP BRAIN STIMULATION (DBS)
Tổng quát về phẩu thuật này, để cho trung thực hơn, tôi xin trích nguyên văn tiếng Anh như sau từ trên internet:

MEDIA RELEASE

Queensland Government – Queensland Health – 21st April 2009
PA Hospital rewiring the brain


Princess Alexandra Hospital is rewiring the brain to help patients who endure tremors and shakes 24 hours/seven days a week from neurological problems.Guided by new developments in technology, the neurosurgery team are now able to target the part of the brain that cause a tremor impulse and stimulate it with a wired electrical signal that is implanted into the patient’s brain.

Patients with Parkinson’s Disease, Cervical Dystonia (Spasm of the head and neck) and essential tremors have all benefited from the implantation of the electrical device to their brain.
Neurosurgeon Dr Sarah Olson, who performs Deep Brain Stimulation operations said the procedure was made possible through a combination of CAT scan, MRI’s and a computer navigation system which is a recent addition to neurosurgery at PAH (Princess Alexandra Hospital).


“We do these types of operations for patients with Parkinson’s Disease and other movement disorders which cause tremors of the limbs,abnormal movements or stiffness, which has not responded to medication”, Dr Olson said.

“It is imperative that the ‘electrical stimulation’ is put in the exact location for each particular patient in order for the operation to work effectively”, she said.
“This takes a lot of time and cross checks”.

The complicated surgery involves input from the patient.Initially,the patient is asleep while the hole in the skull is drilled,then woken for assessment on thought,speech and motor skills for the remainder of the procedure…

Muốn biết thêm chi tiết, xin quí vị dùng Google tìm chữ “Deep Brain Stimulation”, ở đó sẽ có đầy đủ thông tin và cả video lúc giải phẩu nữa. Ở đây, tôi chỉ thấy khác một điều là: Khi họ đưa mũi khoan và khoan vào sọ, lúc ấy tôi không cảm thấy đau, mà nhận biết rất rõ ràng như đang tỉnh táo. Khi bắt đầu khoan vào sọ, tôi nghe một tràng những âm thanh khủng khiếp như núi đang lở xuống vậy…!

Bấy nhiêu, tôi xin chia sẻ cùng quí ông bà, các anh chị nào đang bị bệnh Parkinson’s Disease. Đối với quí vị không bị bệnh nầy, mong rằng quí vị sẽ dễ cảm thông và cố gắng giúp đỡ thân nhân của quí vị nếu đang mắc phải chứng bệnh này vì những đau khổ và bất tiện của họ.

Tôi rất là biết ơn các bác sĩ đã tận tình chữa trị cho tôi trải qua bao năm tháng dài. Tôi rất biết ơn tất cả bạn bè, thân quyến, nhất là các con tôi, lúc nào cũng cảm thông và kiên nhẫn giúp đỡ tôi. Ngàn lời cám ơn cũng không thể đủ để nói lên lòng biết ơn sâu xa của tôi, đối với người vợ thân yêu của tôi đã ngày đêm luôn cạnh kề một bên, đã săn sóc, lo lắng không rời. Những năm tháng trôi qua, biết bao lần những giọt nước mắt ân tình ấy đã tuôn rơi vì nhìn thấy những quằn quại, những đau đớn hành hạ tôi. Tôi nghĩ: ”Người bệnh đã không chịu nhiều khổ đau bằng người chăm sóc bệnh nhân, nhất là bệnh Parkinson”. Người chăm sóc tuyệt vời ấy là vợ tôi: Trần Thị Hân.

Hiện tại, bệnh PD của tôi vẫn còn đó! Tuy rằng sau phẩu thuật DBS, tôi đã phục hồi được 75% do sự kich thích thần kinh của chiếc máy Neurostimulator được cấy vào người có pin hoạt động từ 4 đến 5 năm, nhưng chỉ làm giảm đi những hiện tượng của bệnh mà thôi, chứ không phải chữa dứt bệnh. Tôi vẫn còn uống thuốc với liều rất nhẹ.
Nguyễn Minh Tâm

(Viết theo kinh nghiệm cá nhân và lược dịch từ các tài liệu:

– The Australian Medical Association (AMA)
– Stand by me, (Tạp chí đinh kỳ của hội Parkinson’s NSW incorporation)
– Eat well, stay well with Parkinson’s Disease của Kathrynne Holden, MS, RD.
– Media Release, Queensland Government, Queensland Health 21/4/09 qua internet)


Sau đây là địa chỉ hoặc số điện thoại của Hiệp hội Parkinson tại NSW:

– Parkinson’s NSW inc. PO Box 71 North Ryde BC NSW 1670.
Toll free: 1 800 644 189, Phone : 02 8875 8900, Fax: 02 8875 8999.


Quí vị sẽ được giúp đỡ về nhiều vấn đề của bệnh PD. Các tiểu bang khác, muốn biết, hãy gọi điện thoại cho hội ở NSW, hỏi họ, họ sẽ cho quí vị biết.

Hoặc tìm trên Internet: chữ Parkinsons Asociations in Australia, sẽ có tất cả.

3 comments:

  1. Cám ơn anh Tâm và chị Hân. Bài viết rất hữu ích cho những ai mới chớm bị chứng bệnh ngặt nghèo này.
    Rất cảm phục sự hy sinh, tình yêu vô bờ bến của chị Hân đã dành cho ông xã, một đời luôn tận tụy chịu thương chịu khó vì chồng từ lúc còn bên nhà sau 75, nuôi chồng "cải tạo", nuôi con nheo nhóc rồi giờ đây lại nuôi bệnh trường kỳ...
    Cầu xin Chúa ban phúc lành cho Anh Chị đời này và đời sau.
    Thân mến.
    NPN


    ReplyDelete
  2. Cám ơn chị NPN chuyển, cám ơn tác giả Nguyễn Minh Tâm đã chia sẻ câu chuyện về bệnh tật của mình.Rất cảm phục sự dũng cảm đương đầu vối bệnh tật của anh, sự ân cần săn sóc của người bạn đời chiụ thương chiụ khó của chị Hân.
    Hồng Thúy

    ReplyDelete
    Replies
    1. Phúc cho ai được giải thoát ra đi khi bị chứng bệnh này.
      Cám ơn Hồng Thúy đã chia sẻ nỗi đau thể xác và tinh thần của hai người bạn.
      NPN

      Delete