Le Thi Vu, một phụ nữ Việt Nam được giải cứu sau khi bị bán sang một nhà thổ ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. (Hình: Getty Images)
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung!” (Kiều)
Lúc mới cưới nhau, tôi hỏi vợ “Em muốn sinh con gái hay con trai?” thì vợ tôi không ngần ngại, trả lời: “Con trai!”
Cô ấy giải thích không phải vì chuyện “trọng nam, khinh nữ,” nhưng là
sinh con gái, đời con sẽ khổ, thì lòng cha mẹ cũng không yên!
Hai câu thơ của Nguyễn Du dẫn trên, là một tiếng thở dài cho cuộc
đời, thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy oan trái,
bất công.
Ngoài chuyện bất công của xã hội, người phụ nữ lại mang thêm thiên chức mang nặng đẻ đau, chịu cảnh sinh nở, “vượt cạn một mình,” (Người ta đi biển có đôi, tôi nay đi biển mồ côi một mình!) rồi vắt bầu sữa nuôi con, cảnh lấy chồng xa, hay gặp cảnh làm dâu nhà chồng phong kiến, cảnh khổ trăm bề.
Đàn bà con gái có cái khổ riêng, mỗi tháng ba, bốn ngày. Xã hội ngày
xưa quan niệm những ngày ấy người đàn bà là một thứ dơ bẩn, tội lỗi
không được đi ngang bàn thờ tổ tiên, không được đến nơi tế lễ, hội hè.
Khi sinh nở, “đau như đau đẻ,” không ai chia xẻ, mà nhiều khi một trăm
ngày sau mới được để cho chồng vào thăm.
Tôi không rõ quan niệm của Tây phương về nam, nữ ra sao, nhưng rõ
ràng theo quan niệm của người Việt chúng ta, “mười gái không bằng một
trai” đã xô đẩy người đàn bà vào một thế yếu vì vấn đề đối xử, và quả là
làm thân đàn bà khổ thật.
Vì sao chúng ta quan niệm người đàn ông đi xa cũng chẳng có vấn đề
gì, nhưng sao lại có câu “thân gái dặm trường.” Không nghe nói cảnh khổ
đi làm rể, nhưng lại có cảnh làm dâu! Không nghe ai nói con trai lấy vợ
đường xa, mà chỉ nghe người con gái than thở: -“Mẹ ơi đừng gả con xa/
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?”
Đàn ông vô tình với mẹ, không như người đàn bà: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều!?”
Vậy làm thân con gái có khổ hơn đàn ông không?
Ngày xưa, theo quan niệm của ông bà chúng ta, con gái đi lấy chồng sẽ
là con người ta. Nuôi chúng lớn, cho ăn học tới nơi, tới chốn rồi chúng
cũng theo chồng, chẳng có đứa nào chăm lo hương khói cho tổ tiên. Đó
cũng là câu nói cửa miệng của mọi gia đình: “Dâu là con, rể là người
dưng!”
Về phía nhà gái, thì con gái mình khi xuất giá đã trở thành con của
gia đình khác! Còn con trai của mình, lấy vợ thì nó vẫn là khách nhà vợ,
nghĩa là chúng ta không mất con.
Con gái chậm lấy chồng bị thiên hạ gọi là “ế” coi như món hàng bán
chậm. Con gái ly dị về lại nhà mẹ, bị đời dèm pha là bị chồng bỏ. Sao
con trai chậm lập gia đình không ai chê, và đàn ông phải chuyện đỗ vỡ
gia đình thì được coi là bỏ vợ, chứ ít người cho là vợ bỏ!
Trong văn chương Việt Nam, nhân vật phụ nữ nào cũng lâm cảnh khổ.
Nàng Kiều bán mình chuộc cha, 15 năm lưu lạc (Biết đâu thân phận con ra
thế này!); người phụ nữ trong Cung Oán Ngâm Khúc (Mảnh xiêm y lạnh ngắt
như đồng;) người đàn bà đợi chờ chồng đi chinh chiến trong Chinh Phụ
Ngâm (Liễu dương biết thiếp đoạn đường này chăng?)
Rồi nhớ đến thân phận người kỹ nữ của Bạch Cư Dị bên Tàu, cũng là số
kiếp đàn bà. (Thuyền không, đậu bến mặc ai – Quanh thuyền trăng dãi,
nước trôi lạnh lùng!)
Ngày nay số phận một người thiếu nữ vượt biển nguy hiểm, khổ đau hơn
hẳn một thanh niên vượt biên! Sao số phận thảm khốc, oan khuất trong
thời đại này đọa đày người đàn bà Việt Nam đến vậy!
Ngày xưa, khi Vương Ông mắc nạn, Thúy Kiều phải hy sinh, bán mình cho
Mã Giám Sinh, lấy số tiền 400 lạng bạc để lo lót cho lũ quan nha, sâu
mọt để cứu cha. Ngày nay trên xứ sở Việt Nam có bao nhiêu phụ nữ mang số
phận của nàng Kiều như thế, rõ ràng là bán xác thân làm gái điếm, làm
vợ nước người hay đi ở đợ cho qua cơn bức bách… Họ có được gì ở tuổi dậy
thì, một mối tình đẹp đẽ, thơ ngây, một công ăn việc làm hay là một đời
sống ổn định?
Thậm chí người phụ nữ đi lấy chồng tha phương còn được nỗi an ủi là
có cực khổ, xót xa trăm bề, thì cũng không như ở Việt Nam, gặp thằng
chồng nát rượu, say sưa về đánh vợ!
Đất nước này được trang trí với một ngày Phụ Nữ Quốc Tế, có một người
đàn bà làm Phó Chủ tịch Nước, một phụ nữ cầm đầu Quốc Hội, một bà Bộ
Trưởng, và vô số cuộc thi Hoa Khôi, Hoa Hậu để tôn vinh sắc đẹp, nhưng
nhân phẩm và giá trị của người phụ nữ xuống thấp chưa từng thấy! Con
người trên trái đất, phụ nữ thường hạnh phúc hơn đàn ông, duy chỉ ở 3
nước, trong đó có Việt Nam, phụ nữ bất hạnh hơn đàn ông. Hai nước còn
lại là Brazil, Nam Phi.
Có 58% phụ nữ Việt Nam cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực về thể xác, tình dục và tinh thần.
Ngày nay Quý Bà được may mắn làm người phụ nữ nước Mỹ, đất nước của
“Lady First,” đất nước mà thân phận người đàn ông được xếp hàng sau ‘thú
cưng.’ Trong xã hội Mỹ, đàn ông lái xe về nhà ngay sau khi tan sở là
chuyện tất nhiên.
Ở Mỹ, người ta không xem việc ăn nhậu là cần thiết, người chồng
thường dùng thời gian cuối tuần để phụ vợ, dạy dỗ con cái, làm vườn hay
dọn dẹp nhà cửa. Đàn ông đừng tưởng là có thể làm “Trời,” hay tệ lắm là
gia trưởng, để có thể bất bình đánh vợ một bạt tai, nếu chưa muốn bị
còng tay vào tù.
Khi nói đến sự tích Câu Tiễn, người Tàu có câu “Người quân tử mười
năm trả thù chưa muộn!” Ở Mỹ chúng ta đã thấy có nhiều chuyện đổi đời,
người đàn bà Việt Nam vùng lên trả thù chồng như thế nào, và cả những cô
dâu cũng đối dầu với bà mẹ chồng ra mặt.
Ở xứ sở mình đàn ông được cả một thói tục xã hội, một thứ áp lực gia
đình che chở, bao bọc và bênh vực đến cùng, cho nên giờ này đàn bà vẫn
phải chịu thân phận không may, đôi khi chấp nhận cả một cuộc đời héo
hon…
Bây giờ được đến Thiên Đường của phụ nữ rồi, chỉ cần nhớ đến ba con số 9-1-1!
Huy Phương
www.nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment