Pages

Wednesday, August 7, 2019

Chuyện Nhật - Từ Thức


1.VÍ
Loạng quạng, đánh rơi cái ví (portefeuille), trong đó có thẻ kiểm tra ( ID/ carte d’identité), carte bleue ( credit card ), 250 Euros và một số tiền Nhật mới đổi. Ra bót cảnh sát đầu đường. Nhân viên cảnh sát có vẻ mừng rỡ vì có việc làm. Thường thường, cảnh sát Nhật ngồi buồn tênh, đi ra đi vào, không có ai thưa gởi gì, không có ẩu đả, ăn trộm, ăn cướp, ăn cắp, lừa đảo. Thỉnh thoảng vớ được một bà già té xỉu, chở tới bệnh viện. Hay đưa một ông cụ qua đường ( đưa thực, không phải dìu ông già trước máy quay phim, quay phim xong đá đít ông già ), hay chỉ lối cho một du khách tới một địa chỉ không có tên đường. Một ông cảnh sát mở computer, coi danh sách những đồ vật lượm được trong thành phố. Một bà gọi điện thoại tới phi trường. Người thứ ba đứng coi, sẵn sàng phụ tá 2 đồng nghiệp. Họ hơi thất vọng vì không tìm thấy gì, khuyên nên trở lại buổi chiều . Chiều, trở lại, họ đã tìm được cái ví. Có người lượm được dưới ghế một xe bus, đưa cho tài xế. Giấy tờ, tiền bạc còn y nguyên. Xứ sở gì kỳ cục.

2. RÁC Hồi trước, sau một bữa ăn ở Tokyo, muốn biểu diễn một màn lịch lãm, tiến bộ của đàn ông Pháp, dù chỉ là Pháp giấy, tôi tự nguyện đứng dậy dọn bàn. Nhặt xương cá, xương gà, khăn ăn, vỏ chai vv..bỏ vào túi đựng rác, đem xuống bếp. Hai giờ sáng, khát nước, mò xuống bếp, thấy nhà bếp sáng trưng. Cô bồ người Nhật của thằng con trai cả đang đổ các túi rác ra sàn bếp, xếp thứ nào ra thứ đó, giấy một bên, vỏ chai một bên, thức ăn một bên. Cô gái buổi chiều thấy người Tây giấy hung hăng biểu diễn, không nói gì, chờ mọi người ngủ mới lặng lẽ xuống bếp, thu xếp lại. Hơi ngượng, nghĩa là rất ngượng. Nhưng thời đó, cách đây trên 10 năm, ở Pháp ít người biết ‘’trier ‘’ rác, vứt mỗi thứ vào một thùng rác riêng. Ngày nay đã trở thành một thói quen Hôm qua, rảnh rỗi, tôi lựa thứ nào ra thứ đó, tính mang xuống nhà bỏ vào thùng rác. Nhưng lại nhanh nhảu đoảng, sai quy trình. Ngày nay, ở Tokyo, không phải ngày nào cũng đổ rác được. Mỗi ngày trong tuần người ta đi thâu lượm một loại rác : những thứ có thể tái biến như giấy, bao nhựa, vỏ chai, những thứ có thể đốt dễ dàng, những thứ khó đốt vv.. Nói chuyện rác, bạn có biết tại sao đường xá Nhật sạch như ly như lau? 

Bởi vì …không có một thùng rác nào ngoài đường. Người Tây Phương nghĩ muốn dân không xả rác, phải để thật nhiều thùng rác khắp nơi. Người Nhật làm ngược lại. Ai có rác, giấy vụn.. đều bỏ vào túi, mang về nhà. Ở Singapour, đường xá cũng sạch bóng, nhưng bởi vì anh nào loạng quạng xả rác hay vứt tàn thuốc lá là nộp phạt thẳng cẳng. Phải bao nhiêu thế hệ nữa Singapour mới có đuờng sạch khỏi cần phạt ? Ở VN, nếu có rác, người ta xả… trước khi về nhà. Nếu cái thùng rác đẹp, có thể xài được, bứng luôn mang về Tạm triết lý cùn : giải pháp không phải ở phương tiện, nhưng ở trong đầu, ở tư duy. Khi cái đầu sạch, tất cả đều sạch. Cái đầu VN…. Nói chuyện rác, lan sang một chuyện khác..Ngày nay ngồi trong xe điện ngầm, xe bus, thấy ít người Nhật đọc báo như ngày xưa. Ai cũng chúi mũi vào smartphones. Nếu không ngủ gà ngủ gật, vì hôm trước lao động tốt, về trễ. Người Nhật có tài ngủ : vừa lên xe điện đã ngủ ngon lành. Nhiều khi ngủ đứng. Và khi tới nơi, mở mắt dậy như một cái máy, không hề lỡ, xuống lầm trạm xe. Một người dân địa phương giải thích : đọc trên điện thoại tiện hơn là đọc báo. Mua một tờ báo ở những nơi khác, đọc xong vứt đi, khỏe ru. Ở Nhật, phải ôm tờ báo suốt ngày, tối về nhà mới có chỗ vứt. Không đọc trên métro, chắc người Nhật đọc sách báo ở nhà. Bởi vì trong khi trên khắp thế giới, báo giấy đang lâm nạn vì thiếu độc giả, báo chí Nhật vẫn khơi khơi mạnh khỏe. Một tờ báo lớn của Pháp, như Figaro, Le Monde phát hành trên dưới 300.000 bản, báo Mỹ New York Times 1 triệu, báo Anh Daily Mirror trên dưới 1,2 triệu, báo Đức Bild 3 triệu, những tờ báo Nhật như Yomuri Shimbun vẫn bán hàng chục triệu số. Chưa nghe thủ tướng Phúc nổ, không biết báo VN có đứng đầu thế giới về số lượng không. Nhưng báo chí nhà nước, in nhiều hay ít, thường thường không phải để đọc, mà để gói xôi. Ít có báo chí nơi nào trực tiếp đóng góp cho công nghệ ẩm thực như vậy. Đó cũng là một đề tài đáng nổ. Hay ít nhất đáng chú trọng, khi nghiên cứu về lịch sử xôi chè VN

HỌC
Tới thăm một người bạn dạy học ở Kansai. Từ cổng trường tới lớp học, học sinh cúi đầu chào thầy, kể cả học sinh không quen biết. Phải chào lại mỗi người, mệt quá, dù anh ta đã nghiên cứu đường đi, nước bước để gặp tối thiểu học sinh. Học sinh Nhật lễ phép, chăm chỉ, nhưng quá dè dặt, ít trao đổi, phản kháng, đặt vấn đề. Học sinh Mỹ biết đặt vấn đề, thắc mắc, phản kháng, nhưng có vẻ hỗn, dưới con mắt người VN. Lý tưởng là lễ độ như học sinh Nhật, nhưng thẳng thắn bày tỏ lập trường, suy nghĩ cá nhân, như học sinh Mỹ. Học sinh VN không thảo luận, trao đổi lôi thôi, sẵn sàng đánh bạn hữu như đòn thù, và hạ K.O thầy cô, nếu cần. Đó có phải là thực trạng ngày nay, hay chỉ là cái nhìn phiến diện của một người ở xa, có nhận định bị méo mó bởi những tin tức dựt gân trên báo, trên mạng xã hội ? Trong bất cứ trường hợp nào, tuổi trẻ VN cũng chỉ là nạn nhân. Tuổi trẻ là phản ảnh trung thực nhất của xã hội..

Tokyo, Tháng Năm 2019


Ebi-senbei
Enoshima. Đứng chờ Senbei mỏi cả cẳng.
Senbei không phải là một phụ nữ, nhưng là một loại bánh tráng của Nhật, làm bằng gạo nếp, pha nước chấm giá ( soja ),bán khắp nơi, dưới mọi hình thức.

Senbei ở Enoshima, một bờ biển tháng cảnh gần Tokyo, rất nổi tiếng, rất đặc biệt, chưa thấy ở nơi khác, không biết nơi khác có không. Giữa bột nếp, người ta đặt một miếng cá mực tươi, hay một con tôm ( ebi ), gọi là ‘’ebi-senbei’’
Người ta dùng hai phiến sắt nặng, nung nóng, ép cái bánh mỏng như tờ giấy. Khéo léo tới nỗi con tôm bị ép mỏng, nhưng giữ nguyên hình dáng, màu sắc, đẹp như bức họa. Ăn dòn dòn, ngọt vị tôm, bùi bùi gạo nếp, nhưng quá đẹp, không nỡ ăn.


Với người Nhật, đời sống là một tác phẩm nghệ thuật. Cái gì cũng phải đẹp, từ món ăn tới củ hành, củ tỏi, gói trong giấy bóng kính như đồ gia bảo.

Hai người đứng, vừa tráng bột vừa xử dụng cái máy ép senbei làm từ những thế kỷ trước, nóng hừng hực, giữa cái nắng của tháng 7 vùng nhiệt đới.

Mặc dù cái đuôi dài, xếp hàng chờ nộp tiền mua bánh, họ vẫn tỉnh bơ, bình thản, chăm chú tráng và ép bánh, không hề vội vàng, nóng nẩy. Đó là một đặc tính Nhật, nhiễm tư tưởng Phật giáo : sống từng giây phút hiện tại, để hết tâm vào mỗi cử chỉ, mỗi hành động.

Đứng chờ ebi-senbei ở Enoshima, nghĩ vớ vẩn
Nếu là người Pháp, nhân viên sẽ đình công, đòi điều kiện làm việc, lương bổng tốt hơn, thời gian làm việc ngắn hơn.
Nếu là người Mỹ, với cái nhìn thực dụng, coi sự hữu hiệu là mục tiêu, chắc họ sẽ chế ra máy tráng và ép senbei. Cùng lắm, để một cái máy ép cổ truyền để biểu diễn, dụ khách hàng, nhất là du khách. Sau đó sẽ mở chi nhánh ở khắp nơi, kiểu McDonald’s, Starbucks. Với giá 800 yen ( khoảng 7 dollars ) một cái, sớm muộn gì cũng giầu.

Ở Kyoto có một tiệm ăn ngon nổi tiếng, nhưng chỉ có 12 chỗ ngồi. Khách hàng tới, xếp hàng chờ, cuối cùng 9 lần trên 10 phải ra về. Những công ty lớn sẵn sàng bỏ vốn ra làm một tiệm ăn lớn, dành cho khách nhà giầu để hốt bạc, nhưng ông chủ, cũng là đầu bếp, theo gương bố, nhất định từ chối. Với lý do chỉ có thể nấu nướng tận tình cho 12 người mỗi ngày.

Nếu là người Hoa, hay người Việt ( người Việt hay người Hoa ngày nay cũng ”same same”, cùng một văn hóa , một triết lý sống ), chắc chắn sẽ có màn làm senbei giả. Cho tới khi khách chán, bỏ đi, sẽ đóng cửa tiệm đi làm hàng giả khác. Người Nhật yêu nghề, người Việt ngày nay học người Hoa, yêu tiền. Tất cả cái gì không phải là tiền, cho vào sọt rác hết. Bao nhiêu cái tốt đẹp của dân tộc, phá hết, miễn là có tiền. Không biết, hay biết nhưng ” kệ cha nó ”, rằng đó là cách tự hủy hữu hiệu nhất.


Ì ạch ép cái bánh theo phương pháp cổ truyền, trong một xã hội cực kỳ tiến bộ, cũng là một đặc tính Nhật.


Bên cạnh những nhà chọc trời, tối tân là những ngôi đền cổ kính. Bên cạnh những đại lộ biển người, buôn bán sầm uất, túi bụi, là những con đường hẹp, yên tĩnh với mái nhà cong, cánh cửa gỗ và những ngọn đèn lồng. Bên cạnh những cầu tiêu với đủ nút bấm cầu kỳ, khiến người chưa quen ngỡ ngàng, vẫn còn những nhà cầu ngồi xổm, theo lối xưa, nhưng sạch bóng.
Cái cổ kính xen lẫn với cái cực kỳ mới. Sống chung hoà bình, một cách nhịp nhàng, ít thấy ở những nơi khác, không chướng mắt. Không chửi nhau như ở VN

Văn hoá lành mạnh là bám vào rễ để vươn ra. Không có rễ, vươn ra sẽ đổ. Không vươn ra, sẽ thui chột, úa héo rồi chết đứng.
Người Việt hoặc nhổ rễ để vươn cho nhanh. Hoặc không vươn ra, bám vào cái rễ cằn cỗi, coi trời bằng vung, ‘’tự sướng’’, trong khi chờ chết dần, chết mòn..

RYOKAN
Saitama. Ghé thăm một ryokan trong một xóm hẻo lánh, nơi ngày xưa có dịp tới làm quen với nghệ thuật tắm nước nóng Nhật. Ryokan là khách sạn, nhà trọ cổ điển, onsen là nước suối nóng .Onsen rykoyans là những khách sạn cổ truyền có bồn hay hồ nước suối nóng . Nhà trọ ở một khu tuyệt đẹp, yên tĩnh, thơ mộng. Thật buồn nghe tin bà cụ chủ nhà đã từ trần năm ngoái.


Cách đây 10, 12 năm, bà cụ đã già, yếu, sau khi chồng từ trần, nhưng nhất định mở cửa vì đó là truyền thống gia đình, cha mẹ để lại, chết cũng không bỏ, hay chỉ bỏ khi chết.
Con trai lên tỉnh kiếm việc, như hầu hết những người trẻ.


Cô con gái út, Sakura, ở lại giúp mẹ, với ý nghĩ sẽ bán nhà trọ, lên tỉnh sống, khi bà cụ qua đời. Bởi vì nhà trọ, ở một khu hẻo lánh, không đông khách như những khu nhiều du khách. Nước Nhật tiến bộ nhiều mặt, nhưng vẫn ì ạch về quyền bình đẳng nam nữ. Người đàn bà vẫn là người phải hy sinh cho gia đình. Sakura không ra khỏi ngoại lệ.


Tiền thu được chỉ vừa sở hụi, nhiều khi không đủ, hai đứa con phải kín đáo góp tiền giúp mẹ. Nhưng đóng cửa ryokan, không. Vấn đề bảo vệ truyền thống.. Ít nhất khi bà cụ còn sống.
Trước đây, Sakura, một thiếu nữ 20 tuổi, chỉ nghĩ tới chuyện lên tỉnh, đi xa cái vùng quê hẻo lánh này. Nhưng hôm nay là một Sakura khác. Cô quyết định ở lại, mở cửa để nhà trọ của tổ tiên tiếp tục sinh hoạt . Truyền thống. Cỗi rễ.

Sakura cho hay hết hè này sẽ tạm đóng cửa để sửa sang lại. Và sẽ quản trị, khai thác theo lối mới, để ryokan không còn là một gánh nặng, mang lại đủ lợi tức để sống. Sẽ quảng cáo trên mạng, trên facebook, sẽ hợp tác với các trung tâm du lịch. Sẽ ..bỏ vài truyền thống đã lỗi thời. Thí dụ chuyện không nhận khách xâm mình, có tatoo (tatouages) trên người. Các ryokans cổ truyền vẫn cấm những người xâm mình, vì họ thuộc xã hội đen, bất hảo. Mỗi băng đảng yakuza có một loại tatoo riêng, để nhận ra nhau, và để bày tỏ lòng trung thành tuyệt đối, chết sống với băng đảng. Ngày nay, người Nhật vẫn sợ và có thành kiến với tatoo, nhưng du khách rất nhiều người xâm mình, đôi khi chỉ một bông hoa nhỏ, hay tên người yêu, nếu giữ tục cũ sẽ loại rất nhiều khách. Bảo tồn truyền thống nhưng cải thiện để thích ứng, Sakura không ra ngoài cái tư duy cố hữu của người Nhật.

Tắm nước nóng là một thói quen Nhật. Một cách giữ sạch sẽ thân thể, để sạch sẽ tâm hồn, theo giáo lý Shinto. Một cuộc họp mặt gia đình. Một nghi lễ. Cái gì ở Nhật cũng là một nghi lễ : cắm hoa, uống trà, tập võ, đánh trống..Hành động gì,  nhỏ nhoi tới đâu đằng sau cũng có một triết lý sống.


Một onsen rykoyan

Nước Nhật là nước của núi lửa, có trên 3 ngàn trung tâm tắm nước nóng, khai thác gần 30 ngàn nguồn nước nóng đủ loại, đón tiếp…150 triệu khách mỗi năm. Ngày nay những ryokans cho cả gia đình trần truồng tắm chung theo truyền thống chỉ dành cho người Nhật. Đối với họ, đó là một chuyện tự nhiên. Đa số các trung tâm tắm nưóc nóng ( gọi là SPA ), có nơi tiếp hàng trăm người, mọc ra khắp nơi, đáp ứng với thế hệ mới và du khách. Nếu bạn muốn thử, nơi nào cũng có một SPA gần nhà, giá cả không đắt như nhiều người nghĩ


Thường thường, nhà tắm chia làm 3 khu. Một khu dành cho đàn ông tắm truồng, một khu dành cho đàn bà, và khu chung cho mọi người, nhưng phải mặc áo tắm.

Người ta nói nước suối nóng trị bá bệnh. Và đó là một trong những bí quyết sống lâu, sống khỏe của người Nhật. Điều chắc chắn là khi ra khỏi bồn nước, bạn cảm thấy sảng khoái, nhẹ nhõm và tự hứa sẽ trở lại. Và tiếc sao khám phá một hạnh phúc đơn giản như vậy quá trễ.


Thành phố cổ Kawagoe, vùng Saitama

Bên cạnh những cơ sở tắm nước nóng đại quy mô, tân tiến, 70.000 ryokans nhỏ, cổ kính, dễ thương như quán trọ của Sakura vẫn tiếp tục mở cửa. Để Nhật Bản còn là Nhật Bản…

Từ Thức
Nguồn: tredeponline.com

No comments:

Post a Comment