Pages

Monday, September 30, 2019

Chàng Gù Nhà Thờ Đức Bà QUASIMODO - Song Thao


Vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris ngày thứ hai đầu Tuần Thánh, 15 tháng 4, vừa qua khiến khắp thế giới ngẩn ngơ tiếc nuối. Nhưng nay lại có một phản ứng phụ khá tức cười. Người Pháp đổ xô tìm mua cuốn tiểu thuyết “Nhà Thờ Đức Bà” của văn hào Victor Hugo. Cuốn truyện viết từ năm 1831 bỗng nhiên được phủi bụi sau 188 năm. Không biết có phải dân Pháp tìm đọc lại vì cuốn truyện được coi như một tiên tri của trận hỏa hoạn mới xảy ra không? Đoạn…tiên tri đó như sau: ““Mọi con mắt đều hướng lên phía trên nhà thờ. Cái chúng trông thấy thật kỳ lạ. Trên đỉnh tháp cao nhất, một ngọn lửa lớn bốc cao giữa hai gác chuông. Những cột lửa cuộn xoáy. Một ngọn lửa lớn lộn xộn, giận dữ, gió cuốn lên từng mảng trong màn khói mù mịt. Phía dưới ngọn lửa ấy, hai máng nước như hai miệng quỷ phun ra không ngừng trận mưa bỏng dẫy… Một sự câm lặng kinh hoàng giữa đám ăn mày. Chỉ nghe tiếng kêu báo động của những phụ tá linh mục bị nhốt trong tu viện. Quảng trường bập bùng hàng nghìn bó đuốc như sao. Cảnh tượng hỗn độn này, trước khi bị vùi trong bóng tối, bỗng bừng lên như cháy trong ánh lửa. Sân nhà thờ rực lên, rọi ánh sáng lên trời. Đống lửa trên sân thượng vẫn cháy, chiếu ánh sáng ra xa, chiếu vào thành phố. Bóng của những tòa tháp khổng lồ phóng to lên, trùm lên mái nhà của Paris. Trong ánh sáng chúng tạo thành những khoảng tối. Paris dường như bị chấn động. Tiếng mõ xa xa rền rĩ. Bọn ăn mày vừa hú lên, thở hắt ra, chửi bới, vừa leo lên”.


Chàng gù Quasimodo Bọn ăn mày của gần hai thế kỷ trước không còn tụ tập chung quanh nhà thờ để “hú lên, thở hắt ra, chửi bới và leo lên”. Họ đã tan theo thời gian. Nhưng chúng ta phải trả họ lại với thời của họ. Thời đó, họ là chứng nhân cho chuyện tình của nàng gypsy Esméralda. Chuyện tình mà anh gù Quasimodo chỉ xách xe chạy vòng ngoài. Anh gù Quasimodo là một người tình tội nghiệp. Tình yêu của anh là mối tình vô vọng nhưng vô cùng mãnh liệt. Chắc tôi phải kể sơ qua cốt truyện của cuốn tiểu thuyết mà tôi đã đọc từ những ngày sinh viên Văn khoa, đúng nửa thế kỷ trước.

Esméralda là một cô gái du mục múa hát trước nhà thờ để kiếm sống. Với khuôn mặt nhẹ nhõm, xinh đẹp, vóc dáng gọn gàng, thanh mảnh, điệu múa nhí nhảnh, vui tươi, cô được tất cả mọi người mến mộ. Giám Mục Claude Frollo, tuy tu hành, cũng chết mê chết mệt vì cô gypsy quyến rũ này. Bị giằng xé giữa bản năng và luật lệ của một người tu trì, ông sống trong tình yêu trái khoáy. Ông ra lệnh cho Quasimodo, tên kéo chuông nhà thờ vừa gù vừa điếc vừa ngọng, bắt cóc cô gái cho ông. Việc không thành vì viên Đại Úy hào hoa phong nhã Phoebus đã cứu cô và bắt giữ Quasimodo. Ngày hôm sau, anh gù bị đánh bằng roi, gông cổ  và bêu riếu trước công chúng. Anh khát nước nhưng viên lính canh giữ đã đổ nước quanh người nhưng không cho anh uống. Anh van nài trong vô ích. Đúng lúc đó, bất nhẫn trước cảnh này, cô nàng Esméralda leo lên bục, mang vò nước tới cho anh uống. Được cứu sống qua cơn khát cháy họng, Quasimodo đem lòng yêu cô gái gypsy. Anh chàng gù, tuy tật nguyền thể xác nhưng tâm hồn không tật nguyền, cũng rơi vào một tình yêu vô vọng. 


Trong một vụ lộn xộn ngoài đường phố, Esméralda bị lâm nạn và được viên Đại úy đẹp trai Phoebus giải cứu. Nàng đem lòng yêu viên Đại úy đẹp trai này. Viên Đại Úy tuy không yêu cô gái của đường phố, nhưng tính lợi dụng để thỏa mãn xác thịt. Giám Mục Frollo nổi máu ghen, dùng dao đâm chết viên Đại Úy khi ông này tới phòng tù ti với người yêu. Sau đó, viên Giám Mục dùng quyền uy của mình để đổi trắng thay đen, quy tội giết người cho nàng Esméralda. Nàng bị xử treo cổ. Ngày hành hình, Quasimodo đu dây từ gác chuông nhà thờ xuống giải cứu và giấu Esméralda trong phòng trên gác chuông. Giám Mục Frollo tìm được Esméralda, đột nhập vào phòng, bị cự tuyệt nên cho lính bắt và xử tội treo cổ, lần thứ hai. Giám Mục Frollo, đứng từ trên cao, phá lên cười thỏa mãn khi Esméralda bị treo lên giàn giá khiến Quasimodo tức giận, xô ông từ trên gác chuông té xuống đất chết. Như điên cuồng, Quasimodo đi tìm và thấy xác Esméralda bị bỏ nằm trên sàn một nhà mồ. Anh gù ôm Esméralda và nhịn đói chết chung với người anh yêu. Trong suốt cuộc sống, anh gù không dám mơ tới diễm phúc được ôm người anh yêu trong tay, nhưng cuối cùng, đã được ôm thân hình Esméralda khi nàng chỉ còn là một xác chết bất động. Sau này, lúc khai quật, người ta thấy hai bộ xương nằm ôm nhau, một bộ không bình thường. Khi các nhà khai quật định tách hai bộ xương ra thì bộ xương không bình thường bỗng tan thành tro bụi.


Một cảnh trong phim “The Hunchback of Notre Dame”Cuốn tiểu thuyết “Notre Dame de Paris” đã nhiều lần được quay thành phim. Theo Wikipedia, bản tiếng Anh, có tất cả 14 phim được quay dựa trên cuốn tiểu thuyết bất hủ này. Trong số đó có mười cuốn mang tên “The Hunchback of Notre Dame” được quay từ năm 1911 đến năm 2002; hai cuốn mang tên “Esmeralda”; một cuốn mang tên “Big Man on Campus” và một cuốn mang tên “The Darling of Paris”.

Người ta ghi nhận được nhiều điểm lý thú quanh những tác phẩm điện ảnh ăn theo cuốn tiểu thuyết. Cuốn được quay sớm nhất là cuốn “Esméralda”, năm 1905. Đây là một cuốn phim câm do minh tinh Denise Becker đóng vai Esméralda và tài tử Henry Vorins trong vai Quasimodo. Dĩ nhiên thế hệ tôi chẳng biết các tài tử rất xưa này mặt mũi ra sao.

Cuốn “The Darling of Paris” cũng là một cuốn phim câm được quay vào năm 1917 với hai tài tử Theda Bara và Glen White do William Fox sản xuất. Phim này nay không còn giữ được trong các văn khố. Tên hai tài từ này, thế hệ tôi cũng mù…câm!

Cũng vẫn trong thời kỳ phim câm, nước Anh đã sản xuất, vào năm 1922, cuốn “Esméralda” với tài tử Booth Conway trong vai Quasimodo và nữ tài tử Sybil Thorndike trong vai Esméralda. Phim này có hai điểm đặc biệt. Phim tuy mang tên “Esméralda” nhưng lại chú trọng vào nhân vật Quasimodo nhiều hơn. Nhân vật Esméralda đã bị lép vế lại do một nữ tài tử đã luống tuổi đóng nên mất hết vẻ quyến rũ.

Mười cuốn phim mang tên chính thống “The Hunchback of Notre Dame” được sản xuất từ năm 1911 đến 2002. Hai cuốn của năm 1911 và 1923 cũng vẫn chưa biết nói. Nhưng cuốn sau là một cuốn phim khá tốn tiền so với những phim cùng thời. Ngốn tới 3 triệu rưởi đô thời đó! Chỉ có hãng phim danh tiếng Universal mới chịu chi như vậy khiến cuốn phim được đánh giá là “super jewel” (hột xoàn khổng lồ)!

Có ba cuốn là phim hoạt họa. Một cuốn do Úc sản xuất vào năm 1986. Hai cuốn do Walt Disney làm vào năm 1996 và 2002.

Tôi chú ý đặc biệt tới hai cuốn. Cuốn của lần quay năm 1939 có sự góp mặt của hai tài tử gạo cội của làng điện ảnh là Charles Laughton và Maureen O’hara trong hai vai chính Quasimodo và Esméralda. Đây là một phim đen trắng. Năm 1956, phim được quay lại với hai tài tử cũng nổi tiếng của thời đó là Anthony Quinn và Gina Lollobrigida trong hai vai chính. Lần này là phim màu. 


Gina Lollobrigida và Anthony Quinn trong phim “The Hunchback of Notre Dame”Cuốn phim màu này được chiếu ở Sài Gòn đã thu hút một số khán giả kỷ lục. Dĩ nhiên hồi đó tôi không bỏ qua. Tới bây giờ tôi phải thú nhận là nhớ tới bộ phim hơn nhớ tới cuốn truyện. Và mê say anh chàng gù Anthony Quinn. Quasimodo Anthony Quinn được hóa trang nhẹ nhàng hơn Quasimodo Charles Laughton. So hai anh gù thì anh gù Anthony Quinn…đẹp trai hơn nhiều. Cả hai phim đều không lấy tên theo tên cuốn truyện mà đổi thành “The Hunchback of Notre Dame”.Phim được trình chiếu ở Sài Gòn mang tên tiếng Pháp “Le Bossu de Notre Dame”. 

Tuổi trẻ chúng tôi ngày đó say mê với vóc dáng của cô nàng Gina Lollobrigida trong chiếc áo đỏ bó sát rất quyến rũ. Cô gypsy duyên dáng với những nét múa lả lơi, đôi chân rực lửa, đôi mắt gợi tình, những vòng uốn ẻo lả, nhịp nhàng theo tiếng trống đã bắt hồn chúng tôi. Bóng dáng của cô nàng minh tinh Ý đầy sức sống từ phim này bám theo chúng tôi trong một thời gian dài. Vẻ đẹp của Lolo, tên gọi thân thương, vừa kiêu sa, quý phái, vừa tự nhiên. Với thế hệ chúng tôi, Gina Lollobrigida là đàn chị. Nàng sinh năm 1927, nhưng vẻ trẻ trung của Lolo hình như không giảm đi với thời gian. Nàng đã ngưng đóng phim từ năm 1968, nhưng tới nay, tuy đã 92 tuổi, nhan sắc của Gina hình như không bị thời gian tàn phá. Những bức hình mới đây vẫn cho thấy một Gina Lollobrigida tươi vui với hai thú vui nghệ thuật: nhiếp ảnh và điêu khắc. Thiệt đáng công ngưỡng mộ và say mê của chúng tôi ngày đó!

Không đẹp cũng khiến mọi người say mê là nhân vật chính Quasimodo. Quasimodo có tật gù bẩm sinh, là con của một người đàn bà du mục. Một đêm kia, bà cùng một đám du mục tìm cách đột nhập vào Paris nhưng bị Giám Mục Frollo chặn lại. Tất cả bỏ chạy, duy có bà này ôm một chiếc bọc nên bị Frollo đuổi theo bắt vì tưởng bà ôm gói đồ ăn cắp được. Khi đuổi người phụ nữ du mục này tới những bậc thang đá của nhà thờ, Giám Mục Frollo giật cái bọc khỏi tay bà và đạp bà té dập đầu xuống bậc thang chết tươi. Khi thấy trong bọc là một đứa bé đỏ hỏn, ông định thủ tiêu luôn đứa bé nhưng bị ngăn cản. Ông bị bắt buộc phải nuôi đứa bé trong nhà thờ. Ông đặt tên nó là Quasimodo, nghĩa là “Quái Dị”!

Lớn lên, Quasimodo được giao nhiệm vụ kéo chuông nhà thờ. Hắn sống ngay trên gác chuông và sùng bái Giám Mục Frollo. Lâu ngày chày tháng, tiếng chuông đã làm tai hắn điếc đặc. Với ngoại hình thiếu sót này, hắn ít khi bước ra khỏi nhà thờ vì mọi người khinh miệt hắn.

Khán giả của bộ phim chắc không khinh miệt như vậy. Hồi đó, sau khi xem phim, tôi còn rất khâm phục và say mê con người tật nguyền thân xác nhưng có một tâm hồn đầy đặn nhất trong phim. Có người tình si nào có được những hành động như Quasimodo? Yêu say đắm tới tôn thờ Esméralda nhưng khi nàng sai hắn đi tìm Đại Úy Phoebus, người mà nàng yêu, mang tới phòng nàng để nàng tâm tình, Quasimodo thi hành “mệnh lệnh” liền. Khi Esméralda và Phoebus sắp mặn nồng, Giám mục Frollo đã đâm chết Phoebus rồi đổ tội cho Esméralda. Nàng bị kết tội tử hình. Khi Esméralda sắp bị treo cổ, Quasimodo đã đu dây từ trên tháp chuông xuống giải cứu và giấu nàng trong phòng của hắn. Esméralda bắt hắn ngủ trước cửa phòng để canh gác cho nàng. Nửa đêm, hắn mang tấm khăn vào đắp cho Esméralda khỏi lạnh, nàng choàng dậy, tưởng hắn muốn làm bậy, đuổi hắn ra. Hắn buồn bã đập đầu vào chuông gây nên những tiếng động như than van oan ức. Nghe tiếng chuông nho nhỏ, Esméralda ra khỏi phòng và hiểu sự tình.


Tiếp đó là cảnh thơ mộng nhất của cuốn phim. Esméralda hối hận, choàng quanh người chiếc khăn đỏ của Quasimodo tặng, nhảy một bản nhạc rộn ràng. Quasimodo khoái chí vì lần đầu tiên được Esméralda nhảy riêng cho mình, đã tung mình lên rung chuông loạn xà ngầu. Kéo dây chuông lớn, đu lên chuông nhỡ, đạp lên chuông nhỏ. Cả thân hình rút ngắn đùa với giàn chuông vang lên nỗi mừng vui thánh thót dồn dập.

Chính vì cảnh rung chuông ngoạn mục này mà tôi phải tìm tới gác chuông để tận mắt nhìn thấy những quả chuông đẫm ướt tình yêu của một người yêu trong vô vọng. Cuối năm 1994, tôi có dịp tới Paris lần đầu tiên và đã tới ngay nhà thờ Đức Bà. Đứng trước khuôn viên rộng lớn trước cửa nhà thờ, tôi ngẩng đầu nhìn lên tháp chuông, cố tưởng tượng hình ảnh chàng gù đu dây xuống cứu người chàng thầm yêu Esméralda trên giá treo cổ. Tôi lần vào phía trong, tới chiếc cầu thang nhỏ bé tối tăm. Ngày đó, tính ra cũng đã một góc thế kỷ, chân cẳng tôi còn tốt, tôi mạnh dạn leo. Cầu thang gồm những bậc đá nhỏ, qua thời gian, đã mòn vẹt ở giữa bởi những bước chân người tạo thành phần lõm ở chính giữa, trông như một chiếc quạt xòe ra, rất khó đặt vững chân. Thêm vào, đây là cầu thang xoắn, vòng vòng như chiếc lò xo khổng lồ  rất khó leo. Tháp chuông gồm hai ngọn tháp, tháp Nam và tháp Bắc, cao 69 thước. Du khách phải leo 387 bậc tất cả. Khi đi chơi tôi thường mang giầy thể thao để cuốc bộ và leo trèo dễ dàng nên không có vấn đề chi. Nhiều vị nữ lưu điệu đàng diện giầy cao gót thì vô phương leo lên thăm anh chàng Quasimodo được. Bảng lưu ý đặt tại cầu thang cũng khuyên những người có sức khỏe không tốt không nên leo lên những bậc thang khó thương này.

Chuông trong Notre Dame de Paris.

Lên chừng nửa đường, tôi tới một phòng có trần rất cao dùng làm nơi bán quà lưu niệm và sách viết về “Notre Dame de Paris”. Từ nơi đây, người ta có thể tới thăm nơi chàng gù giữ Esméralda trong phim. 
Leo thêm 147 bậc là ngất ngưởng trên đỉnh tháp phía Nam. Tôi men theo một hành lang nhìn ra ngoài để ngắm cảnh Paris trên cao. Cả một Paris hùng vĩ, diễm lệ nằm dưới tầm mắt. 
Sát bên người là những tượng quái thú ngổn ngang chung quanh. Những tượng quái thú này không chỉ để trang trí mà còn là những máng xối hứng nước từ mái nhà chảy xuống.

Lên tới nơi, men theo một lan can chật hẹp, tôi đi qua tháp phía Nam, nơi treo những quả chuông lớn nhỏ của nhà thờ. Lan can này được che chắn để du khách khỏi té xuống phía dưới nhưng đồng thời cũng để phòng ngừa những người ưa làm chuyện khác người muốn hy sinh mạng sống nhảy xuống để lấy tiếng để đời!
Cuối cùng, gác chuông đây rồi. Quả chuông đầu tiên tôi nhìn thấy là quả chuông lớn nhất, nặng 13 tấn, mang tên Emmanuel. Quả chuông bự tổ chảng này chỉ được rung vào những dịp đặc biệt như lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh, hoặc khi có các Giáo Hoàng mệnh chung…

Tôi lặng người khi tới tận nơi, cúi người lom khom rờ tận tay những quả chuông đã nhìn thấy trên màn ảnh tại một rạp chiếu bóng ở Sài Gòn nửa thế kỷ trước. Ngày đó, tôi không hề có ý nghĩ sẽ có ngày tới tận nơi đây để nhảy vào cảnh xa vời vợi trên màn ảnh. Tôi đi vòng quanh những quả chuông, nhớ lại những hình ảnh xa xưa, nhớ tới những ngày của tuổi mộng mơ. Ngày đó, trên màn hình trước mắt, Quasimodo điên cuồng với những quả chuông. Chuông vang vang tiếng khoan tiếng nhặt, tiếng trầm tiếng bổng, buông thả niềm vui đang ào ạt dâng lên trong lòng anh chàng gù si tình.
Tôi nhìn quanh. Không thấy Quasimodo đâu!

 07/2019
Song Thao

2 comments:

  1. Cám ơn chị NPN post , nhà văn phiếm Song Thao luôn viết những câu chuyện thật nhiều thú vị , bài nào cũng lôi cuốn độc giả.
    Hồng Thúy

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị cũng rất thích cách hành văn của nhà văn Song Thao.
      Cám ơn Hồng Thúy.
      NPN

      Delete