Xưa giờ cũng vậy bất cứ nhân vật nào nổi tiếng trên thế
giới đều có đi kèm theo một số giai thoại. Einstein cũng không tránh khỏi. Còn
nó có thực sự xảy ra hay không thưa thưa với bà con là tui hổng có biết.
Tui chỉ chú trọng về nội dung coi nói cái gì thôi! Ắt
phải hay; nó mới thành giai thoại chớ! Mà chuyện hay ai nói không quan trọng bằng
chính nó hay; nên mình không phải chỉ nghe chơi rồi bỏ mà cũng rút ra được một
vài bài học, không bổ bề ngang cũng bổ bài dọc thì tại sao không?
Nên tui xin điểm sơ sơ vài cái giai thoại về Albert
Einstein.
Albert Einstein là ai? Nhân loại biết ông là một thiên
tài xuất chúng, một nhà khoa học lỗi lạc nhất từ xưa tới giờ.
Albert Einstein (1879-1955) là nhà Vật lý người Mỹ gốc
Đức, người đã giành giải thưởng Nobel Vật lý năm 1921. Ông là giáo sư toán học
tại the Institute for Advanced Study at Princeton. (Viện nghiên cứu cao cấp tại
Princeton).
“Einstein” cũng có một khiếu hài hước tuyệt
vời, và nổi tiếng với tấm hình đang chụp lúc ông lè lưỡi.
Albert Einstein (1879-1955) đặc tả chân dung mình:“Một khuôn mặt nhợt nhạt, mái tóc dài và một
cái đầu nhỏ xíu. Ngoài ra, cón có một dáng đi vụng về và ngậm một điếu xì gà
trong miệng…”
(Ông Trời quả thật công bằng: Không đẹp trai, mặt xanh
chành như trái chanh, tái mét như con két, tóc dài làm cái đầu nhỏ xíu càng thấy
nó nhỏ hơn nên ông Trời bèn cho Einstein một bộ óc siêu phàm để ông đường có
càm ràm ‘Thượng đế bất công!’
Ngược lại những người có khuôn mặt điển trai với cái đầu
bự thì ông Trời cho cái bộ óc nhỏ xíu hè cho nó công bằng.)
***
Einstein không được xem là một học sinh thông minh khi
còn bé. Được 12 tuổi rồi mà ông cũng không thể nói cho nó trôi chảy. Lại là một
cậu bé nghịch ngợm với mái tóc ngang bướng, chuyên gây rắc rối trong và ngoài lớp
nên ông có cái ‘nick name’ do thiên hạ gán cho là: “Rotterdam Rotter.” (tên Vô
lại của thành phố Rotterdam). Rotterdam là thành phố Cảng lớn nhất Châu Âu thuộc
nước Hòa Lan.
Cái cách gán cho ai đó một ‘biệt hiệu’ không lấy gì
làm hãnh diện nầy, bà con mình cũng có xài từ hồi xưa lận: ‘Dân chơi Cầu Ba Cẳng’
chẳng hạn!)
Rời trường, ông trở thành một nhạc sĩ, một diễn viên hài
hước nổi tiếng. Tuy nhiên vì ‘chôm’ đồ của bạn bè khiến ông bị trục xuất ra khỏi
làng giải trí.
Cuối cùng, trở lại trường Đại học và sớm thể hiện trí thông minh của mình và trở thành một nhà bác học lừng danh nhứt từ xưa tới giờ.
Thế nên bị đuổi chưa hẵng cuộc đời mình sẽ đi vào ngõ
cụt. Vì có câu rằng: “Cửa nầy đóng lại
thì cửa khác sẽ mở ra!”
Đôi khi cái cửa mới mở đó sẽ dẫn ta tới vinh quang.
“Who knows?” Chỉ sợ không có tài. Chớ có rồi thì thời sẽ tới. Cứ ngồi ngáp ruồi
chờ đi, chờ đi! Nếu thời không tới; mình không có tiếng tăm gì thì chí ít mình
cũng có tài mà tại không ai biết đấy thôi! Chữ gọi là: ‘Sanh bất phùng thời!’ He
he!
***
Einstein nổi tiếng với phương trình “E = mc2” và lý
thuyết tương đối.
Từ đó tên ‘Einstein’ đồng nghĩa với thiên tài.
Ngoài cái thuyết tương đối, Einstein còn đóng góp cho
kho tàng kiến thức của nhân loại một phát kiến vĩ đại thứ hai:“Khi tui nấu súp và tui cũng muốn luộc trứng.
Vậy tui giải quyết cái ‘nan đề’ nầy bằng cách bỏ cái hột gà vào nước ‘súp’ đang
đun. Thế là tui không phải chùi rửa thêm một cái nồi, vừa tốn nước, vừa tốn xà
bông vừa mất thời giờ.
Đó là cách nấu ăn của nhà bác học. Còn cách ăn mặc thì chưa nói bà con cũng biết là ‘giả’ lè phè gần chết, nghĩa là lôi thôi lếch thếch như Tư Ếch!
Nên vợ của Albert Einstein biểu ông phải ăn bận cho lịch
sự đàng hoàng khi tới Sở làm! “Tại sao? Mọi
người trong Sở đều biết tôi mà”.
Rồi khi Einstein tới dự một cuộc họp có đông người, bà
vợ lại nài nỉ ông hãy mặc những bộ đồ đẹp đẽ hơn. “Tại sao? Ở đấy có ai biết tôi đâu!”
(Bài học rút ra là muốn làm thiên tài thì đừng bao giờ nghe lời con vợ sai khiến. Nếu nó biểu mình làm điều gì theo ý nó, thì phải dùng đầu óc thông minh của mình để tìm cách thoát ra. Đó cũng là một cách giúp chúng ta vận dụng trí não để trở thành thiên tài.
Bằng không, vợ nói gì mình cũng răm rắp nghe theo, thì
ta sẽ không phát minh ra được cái gì hết ráo. Cho đến cuối đời rồi, ta chỉ là một
thằng sợ vợ trong trăm triệu thằng sợ vợ khác! Ta sẽ chết trong quên lãng của
người đời; vì không có ai ‘quởn’ để biết một người giống y như thằng chả.)
***
Cũng giống như các nhà bác học thiên tài khác, Einstein
bị bệnh đãng trí, hay quên. Vì với ông, chuyện cần nhớ thì nhớ; chuyện không cần
nhớ thì nhớ làm chi cho nó mệt óc?
Có người hỏi đố Einstein khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt
Trăng. Ông trả lời: “Lật sách ra, nó có trong đó thì nhớ làm gì hè?”
(Tui cũng vậy nhe. Chuyện cần nhớ là tui nhớ dai lắm!
Như đứa nào mượn tiền tui mà chưa trả là tui nhớ; ngược lại chuyện mượn tiền tụi
nó; tui lại hay quên).
***
Có lần, Einstein đi tàu hỏa từ Princeton và người soát
vé đi xuống để bấm vé của các hành khách.
Einstein mò trong túi áo vest, rồi mò sang túi quần, ông
tìm cả chiếc ghế bên cạnh mình, vẫn chẳng thấy gì.
“Tiến sĩ Einstein,
tôi biết ngài mà. Chúng tôi đều biết ngài. Tôi chắc rằng ngài đã mua vé rồi. Xin
đừng lo lắng gì cả”. Einstein gật đầu một cách lịch sự.
Người soát vé tiếp tục đi tới những hàng ghế phía sau. Lúc sắp sang toa khác, anh ta quay lại và thấy nhà vật lý vĩ đại của chúng ta vẫn đang loay hoay quỳ xuống tìm tấm vé.
Anh ta vội vã đi tới và bảo: “Thưa tiến sĩ Einstein, xin đừng lo mà, tôi biết ngài là ai mà. Không vấn
đề gì đâu. Ngài không cần vé đâu. Tôi tin là ngài đã mua vé rồi”.
Einstein nhìn anh ta và nói: “Ông ơi! Tôi cũng biết tôi là ai mà. Nhưng tôi quên béng mất mình
sẽ đi tới chỗ nào rồi”
***
Có lần Einstein ra đề thi. Một sinh viên nhắc khéo ông
là: “Thưa Giáo Sư! Đề thi năm nay của
Giáo sư giống hệt như đề thi năm ngoái”
Einstein gật gù (hổng biết đề thi ‘cà lăm’ nầy là do
ông đảng trí hay không) nhưng ông né một cách tài tình, trả lời là: “Đúng thế! Nhưng câu trả lời ắt sẽ khác chớ!”
(Bài học rút ra là học thuật là không phải thuộc lòng,
đứng ù lì một chỗ. Vấn đề đặt ra là vẫn vậy nhưng cách giải quyết đã khác đi
nhiều! Vì khoa học trong một năm thôi, đã tiến nhiều bước rất dài, mình không cập
nhập kiến thức; mà cứ vái lạy chân lý thời xưa cũ, ăn mày quá khứ hoài thì làm
sao khá cho được chớ!)
***
Thuyết tương đối đã làm Albert Einstein nổi tiếng nên
thiên hạ thường yêu cầu ông giải thích sao cho dân ngu khu đen có thể hiểu được:
Einstein giảng rằng: “Bạn giơ tay trên bếp lò, một phút dài như một giờ. Bạn ngồi với một
em xinh đẹp, một giờ chỉ như một phút. Ấy chính là sự tương đối!”
(Thuyết tương đối là vậy sao? Có phải bật cứ sự vật gì
là tùy theo cách mình nhìn nó hay sao? Nếu vậy thì ông bà mình đã đề ra cái
thuyết tương đối nầy trước nhà bác học Albert Einsrein cả hàng trăm năm lận đó.
Bằng cớ là ông bà mình có nói: “Đẹp xấu
là tùy người đối diện đó sao?”)
***
Sau khi nổi tiếng với Thuyết tương đối, nhà bác học
Albert Einstein được các trường Đại học trên khắp nước Mỹ mời đến thuyết trình.
Viên tài xế, tên Harry, luôn chở ông đi thuyết giảng.
Đưa Einstein tới nơi, rồi ngồi trong giảng đường, để chờ rước ông về!
Cứ thế nghe riết về Thuyết tương đối nên nên Harry đã
thuộc nằm lòng.
Một ngày, Harry nói với Einstein rằng: Thưa Giáo sư! Tui nghe Thuyết tương đối của Giáo sư quá nhiều lần. Tui cũng háo danh lắm. Khoái người ta nhìn mình dưới con mắt kính phục. Nếu có cơ hội đăng đàn như Giáo sư, tui nghĩ bài giảng của chính tui cũng trác tuyệt như bài giảng của Giáo sư đó thôi!”
Einstein trả lời “Được
lắm! Tuần tới chúng ta đi đến trường đại học ở Dartmouth. Ở đo chẳng ai biết mặt
ta cả. Thôi vầy nè chú mầy đóng vai Einstein còn ta đóng vai tài xế đi nhe!”
Nhưng một chuyện bất ngờ xảy ra sau buổi thuyết trình. Khi viên tài xế đóng giả Einstein đi ra hành lang, có một Giáo sư trường Đại học sở tại đến xin giảng thêm về một thuật toán khá phức tạp.
Dĩ nhiên, Harry, viên tài xế, bí lù bèn tìm cách thoái
thác rằng: “Vấn đề của ông đăt ra thiệt
là quá dễ ; tài xế của ta trả lời còn được huống chi ta. Để ta kêu nó lại giảng
giải cho ông nghe nhe!”
(Hú hồn! Cho bỏ cái tật ‘Cáo đội lốt hùm’ nhe mấy cha!)
***
Đời mà nổi tiếng là có đứa nó muốn dựa hơi mình để tự
đưa nó lên hè.
Nên trong lần tranh luận về Thuyết tương đối, có một
ông giành cái ‘mi cờ- rô’, thay thế diễn giả Einstein, mà sủa ‘ùng oàng’ nhằm
khoe cái sở học của mình.
Một tham dự viên nghe xong, bèn lên tiếng: “Sau khi nghe ông nói, tôi nghĩ ông thực sự
vĩ đại hơn cả Albert Einstein.
Vì theo thống kê,
chỉ có mười hai người đàn ông trên toàn thế giới hiểu Einstein. Nhưng không ai
hiểu ông nói cái giống gì hè?”
***
Rồi có lần Charlie Chaplin, tức danh hài ‘Sác Lô’ mời
nhà bác học Albert Einstein đến dự lễ ra mắt phim ‘City Lights’ (phim câm). (Những
ngọn đèn thành phố)
Khán giả nhận ra hai người lừng danh nầy nên đồng loạt
đứng lên, vỗ tay hoan hô ào ào nghe như thác đổ.
Danh hài Charlie Chaplin quay sang Thiên tài Albert
Einstein: “Thiên hạ hoan hô tui vì tui
không nói mà ai cũng hiểu. Còn thiên hạ hoan hô ông vì ông nói mà thiên hạ
không ai hiểu ông nói cái gì hết ráo”
Thiệt là hai (con) Chí lớn gặp nhau!
Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.
Nguồn: http://vietluan.com.au
No comments:
Post a Comment