Pages

Tuesday, December 24, 2019

Tôi Đi Dubai (Phần 2) - Nguyễn Thị Thêm


Ngày thứ hai chúng tôi được hướng dẫn đi "Dubai City tour". Một xe bus lớn đến đón chúng tôi tại cửa khách sạn. Người hướng dẫn viên du lịch của Gate 1 là một phụ nữ rất lanh lẹ chúng tôi đã gặp tối qua. Xe chạy vòng vòng trên phố rồi ngừng ở một khách sạn khác để đón số du khách tập trung ở đây. Chờ rất lâu, rất lâu số người trong khách sạn mới rải rác bước ra và thong thả lên xe. Họ dường như không quan tâm đến thời gian và số người trên xe chờ đợi. Trong đó có 4 phụ nữ khá lớn tuổi trang điểm rất đẹp, ăn mặc hợp thời trang. Nổi bật với 4 chiếc áo và nón màu vàng rực rỡ. Họ chọn hai dãy ghế gần nhau, vui đùa chụp hình rất yêu đời. 

Xe chuyển bánh, cô hướng dẫn viên nói rõ  chương trình, giờ giấc và nhấn mạnh: Vì thời gian không còn nhiều nên xin giữ đúng giờ. Mỗi khi đến một địa điểm du lịch, cô ta sẽ cho biết thời gian thăm viếng. Xin du khách lưu trong phone và lên xe đúng giờ. Nếu hết giờ quy định mà vị nào không lên xe thì sẽ bị bỏ lại, tự kiếm taxi trở về.

KHÁCH SẠN CÁNH BƯỜM BURI AL ARAB

Burji Al Arab, Dubai moi


Hình Google
                                                                                   
Xe bus đưa chúng tôi ghé đến bãi biển Jumeirah có khách sạn cánh buồm 7 sao BURI AL ARAB. Thời gian ghé để chụp hình khoảng 20 phút, mọi người bấm vào phone để trở về xe đúng giờ. Buji  Al Arab (Có nghĩa là Ngọn Tháp của Ả Rập) là một khách sạn hạng sang của Dubai cao 321 mét, 56 tầng Ở xa khách sạn Buji Al Arab giống như một cánh buồm no gió ra khơi. Biểu tượng của khát vọng vươn mình ra biển lớn.
 Khách sạn này có một sân bay trực thăng gần mái. Xây dựng nó mất gần 6 năm từ 1994 đến 1999, tiêu tốn 1,6 tỷ USD. Riêng nền móng đã mất thời gian đến 3 năm. Có 230 cột bê tông dài 40 m đóng sâu dưới đáy biển làm bệ đỡ cho toàn bộ tòa nhà.

Khi chúng tôi đến gần thì phát hiện xung quanh đang xây dựng. Những cần cẩu che khuất tầm ngắm và bị rào không thể tới gần. Hỏi ra mới biết hiện nay khắp mọi nơi ở Dubai đang xây dựng thêm nhiều công trình mới và làm đẹp thêm những kiến trúc cũ để chuẩn bị tổ chức " New Dubai Festival 2020". Do đó vườn hoa kỳ diệu (Dubai Miracle Garden) đã đóng cửa để làm mới.  Chúng tôi rất thất vọng khi nghe tin này. Không được đến Dubai Miracle Garden là một thất bại lớn của chuyến du lịch.

IMG_6963

Mọi người lên xe đã đủ, chỉ thiếu bốn phụ nữ sang trọng mà chúng gọi đùa là "4 người đẹp của chuyến đi" . Cô hướng dẫn viên du lịch chạy ra bãi biển để gọi. Chỉ gọi được hai người, còn 2 người vẫn mãi miết đi xa hơn. Lên xe cô ta hỏi mọi người nên chờ hay đi như quy định. Một vài người ngồi phía trước đồng ý bỏ. Thế là xe chạy. Nhìn ra ngoài cửa xe, hai chiếc áo màu vàng rực rỡ vẫn còn đi dài theo bờ biển. Đó là hai bà xinh đẹp và quý phái nhất đoàn. Có lẽ quen ăn mặc sang trọng nên đi biển mà vẫn mang giày cao gót.

Tôi ái ngại lo cho hai người phụ nữ lớn tuổi, mới trạm đầu tiên đã bị bỏ lại. Xe chạy, mọi người lao xao bàn tán về sự cứng rắn của người hướng dẫn viên. Người đồng tình, người thì không. Nghe đâu hai bà bạn của người bị bỏ lại sẽ nêu vấn đề với Gate 1. Cuối cùng hai người đẹp cũng về khách sạn an toàn. Từ việc đó, các du khách trên xe đều nhất loạt giữ đúng giờ. Không la cà hay trễ hẹn. Một bài học về sự đúng giờ.

DUBAI MESEUM  VÀ BASTAKIYA

Trong suốt thời kỳ trước, người dân Dubai sống ở Jumeirah là ngư dân, thợ lặn ngọc trai và thương nhân. Vào đầu thế kỷ 20, đó là một ngôi làng gồm khoảng 45 túp lều (lá cọ), nơi sinh sống chủ yếu của người Bedouin định cư của các bộ lạc Bani Yas và Manasir. Vào thời điểm đó, Jumeirah nằm cách 'khoảng 3 dặm về phía tây nam thị trấn Dibai'

Chúng tôi đến thăm JUMEIRAH khu dân cư ven biển của Dubai. Gồm các căn nhà tư nhân và khách sạn. Thăm khu phố văn hóa lịch sử Al Fahidi là khu phố cổ BASTAKIYA. Thăm pháo đài AL FAHIDI. Pháo đài này là công trình kiến trúc cổ nhất còn tồn tại trong thành phố. Nơi đây năm 1971 được chính thức trở thành viện Bảo tàng Lịch Sử. Bên trong viện bảo tàng là những hình ảnh, đồ vật từ xưa, có sa bàn Diorama, tháp đón giá Barasti , thuyền gỗ Dhow...

                                         Hình Google                                  

CHỢ VÀNG GOLD SOUK.

Chúng tôi đến chợ vàng GOLD SOUK  (nằm trên con phố Deira ở Dubai) với thời gian thăm viếng khá dài. Có lẽ họ cố ý để chúng tôi có thời gian dạo chơi và trả giá khi mua vàng. Chợ vàng Gold SouK lập ra từ những năm 1940,  có chiều dài 1km với 500 gian hàng và khoảng 10 tấn vàng được chứa. Dường như tất cả người bán đều là đàn ông. Ở đây vàng bán rẻ nhất thế giới (rẻ khoảng 20%) từ 21 đến 24 carat, thấp nhất là 18 carat. Lời dặn dò của người hướng dẫn viên du lịch là ở Dubai khi mua hàng phải trả giá, dù là mua vàng trong Gold Souk.

Tuy nhiên cả nhóm chúng tôi đều dạo chơi xem vàng cho đã mắt, chụp hình kỷ niệm chứ không vào trong. Đúng là chợ vàng vì quá nhiều, đủ cỡ, đủ kiểu, trông choáng ngợp, lộng lẫy, vàng khè.


Đây là một viên kim cương khổng lồ.
                                   

Một buổi chiều đi chơi cũng đã mỏi chân và đói bụng. Nơi đây chúng tôi không tìm được tiệm ăn vừa ý. Nên chúng tôi quyết định không đi theo xe về lại khách sạn. Cả nhóm sẽ tách đoàn, đón Taxi đi đến trung tâm thương mại Dubai để xem nhạc nước vì trời cũng sắp tối rồi.

LẠC NHAU

Đón taxi ở Dubai với 6 người trong đoàn không phải dễ. Vì loại xe taxi lớn rất ít. Người hướng dẫn viên du lịch giúp chúng tôi đứng đón khá lâu mà vẫn không có. Tới giờ cô ta phải dẫn đoàn về khách sạn. Chúng tôi quyết định đi hai xe và nhờ một người địa phương ở đó đón dùm.

Một chiếc Taxi trờ đến. Tôi, em dâu và cô bạn em lên xe. Vừa lên xe xong là tài xế vội vã chạy liền. Sực nhớ là chưa hẹn với em trai tôi địa điểm để gặp nhau mà Iphone ở đây không sử dụng được. Hỏi ông ta đến nơi, trạm dừng Taxi ở đâu? Ông ta trả lời có tới 6 cửa ở Trung Tâm thương mai để  taxi vào. Thôi chết rồi, 6 cửa biết xe taxi sau vào cửa nào?. Hỏi ông ta có cách nào giúp chúng tôi không? Ông ta nói "Không." Hỏi ông ta có thể liên lạc với tổng đài để tìm chiếc Taxi em tôi đi không? Ông ta trả lời " Không có tổng đài Taxi". Làm sao để gặp nhau, chậm tính một phút tai hại vô cùng. Chúng tôi đành nói ông ta vào cỗng nào dễ tìm nhất và tới đó để đợi.

Xe chúng tôi chạy vào cỗng số 1. Tại đây Taxi vào Mall nhiều và liên tục. Xe phải chạy theo luồng có người đứng tại đó chỉ lối vào. Có 3 lối để xe đổ khách. Có xe ngừng tại cửa trung tâm. Có xe xuống khách ở ngay bên lề đường. Xe chúng tôi phải chạy vòng lên một con đường dốc rồi mới chạy xuống nơi đổ khách. Vừa xuống xe xong, trả tiền là xe phải chạy liền để xe khác vào. Ba chị em chúng tôi phân công chia ba ngã để đón 3 người đến sau. Em dâu tôi đứng đón ở bãi đậu xe Taxi chạy theo luồng. Tôi ra đứng đón ở chỗ Taxi có thể tấp vào lề. Cô bạn em tôi đón ở cổng vào trung tâm.


Chờ và chờ, đi tới đi lui và chờ đợi hơn 40 phút cũng không thấy bóng dáng em trai tôi đâu. Ba chị em quyết định vào trong mall và dùng Wifi ở Mall để liên lạc. Nơi đây vô số cửa hàng thật sang trọng và trang trí bắt mắt, cầu kỳ.  Chúng tôi đứng ở giữa một khu vực hấp dẫn như vậy mà không còn đầu óc nào chọn lựa hay dạo xem. Cả ba chị em đều lo lắng không biết cách nào liên lạc người nhà. Gọi phone thì không được, dùng Face time, tin nhắn khi có Wifi khi không.

Em dâu tôi chọn tìm anh trai qua Wiber. Gần cả giờ gọi qua Wiber em dâu tôi mới liên lạc được với anh trai em ấy. Thống nhất hẹn nhau ở Food court. Chờ đợi một hồi lâu và hỏi thăm nhân viên gát cửa thì mới biết ở mall có tới hai Food court. Gọi lại để  chọn Food Court ở dưới lầu thì bên kia không bắt. Mãi sau mới thông, hẹn chờ nhau ở Food court ngay quày Texas Steak. Vừa mệt, vừa lo, đói bụng và khát nước, chúng tôi mặt mày bí xị. Thật lâu chúng tôi mới gặp lại nhau, cả mấy chị em như đoàn binh bại trận. Không ai trách ai hết. Mừng và dẫn nhau đi ăn là chính. (Em tôi taxi đổ ở cỗng số 5, chúng tôi xuống cỗng số 1. Cho nên cứ loay hoay tìm nhau trong cái mall rộng lớn có diện tích 500.000 mét vuông và 1.200 cửa hàng này thì thật là vấn đề lớn.)


Trong khu food court có đủ các quày bán thức ăn nhiều nước. Người ta ăn uống các cửa hàng thức ăn nhanh của Mỹ rất nhiều. Chúng tôi ai muốn ăn gì thì sắp hàng để mua. Tôi và Hồng, hai chị em mua một phần cơm Tàu và ăn chung.

ĐÀI NHẠC PHUN NƯỚC DUBAI

Hình Google

Ăn uống xong chúng tôi tìm lối ra DUBAI FOUTAIN (Đài phun nước Dubai).
Theo Wikipedia, đài phun nước Dubai là hệ thống đài phun nước lớn nhất thế giới nằm trên hồ nhân tạo Burj Khalifa rộng hơn 120.000 mét vuông. Được thiết kế bởi Wet Design. Công ty có trụ sở tại California chịu trách nhiệm về các hồ phun nước tại hồ khách sạn Bellagio ở Las Vegas.
Nó được chiếu sáng bởi 6.600 đèn chiếu và 25 máy chiếu màu, dài 75 mét. Nước được phun lên cao tới 152,4 m kèm theo nhạc cổ điển và đương đại Ả Rập và thế giới. Chi phí xây dựng là 800 triệu AED ( 218 triệu USD)

Các buổi biểu diễn cách nhau 30 phút một lần. Các ngày trong tuần là 1pm đến 1:30pm và 6pm đến 10pm. Các ngày cuối tuần từ 6pm đến 11pm. Ngày cuối tuần là thứ Năm, thứ Sáu và Thứ Bảy.

Khi chúng tơi tới nơi thì cũng vừa xong một xuất diễn. Tòa nhà chọc trời  BURJ KHALIFA (Đó là tòa nhà chọc trời với chiều cao 828 mét với 164 tầng và có 900 căn nhà trong đó.) hiện lên giữa màn đêm trông thật uy nghi. Bổng cả tòa nhà bừng lên với ánh sáng và hình ảnh muôn màu lấp lánh trong một màn chiếu đèn ngoạn mục. Rất tiếc, không thể gửi cảnh chiếu đèn vào đây. Xin gửi ảnh chụp tòa nhà trong đêm đó.


Tìm được chỗ đứng trong số du khách chen chúc đứng chờ. Chúng tôi nao nức chờ xem show biểu diễn nhạc nước. Mãi rồi cũng tới giờ biểu diễn. Những bệ phun đã nổi lên mặt nước, đèn bật lên và tiếng nhạc bắt đầu. Điệu nhạc truyền thống này tôi chưa được nghe chỉ biết âm điệu như nhạc Ấn Độ. Nước phun lên, cao thấp nhún nhảy, xoay vòng liên tục theo điệu nhạc. Loay hoay bấm máy quay hình. Chưa chi hết đã xong rồi. Nhạc tắt, người ta tan hàng túa ra đi nhiều ngã. Cả nhóm chúng tôi nhìn nhau;" Hết rồi hả?" " Sao có chút xíu vậy" "Nghe nói nước phun cao lắm mà" " Ủa! Sao kỳ vậy! Không bằng một nửa của Bellagio."


Thật là một ngày vô duyên hết sức. Vừa tốn tiền, vừa lạc nhau, chờ đợi, háo hức. Thế mà kết quả chả ra gì. Mấy chị em thất vọng não nề, ấm ức  trở vào khu trung tâm tìm đường ra ga xe lửa để về khách sạn nghỉ ngơi.

THĂM SHARJAH.


Hình Google


SHARJAH là một thành phố đông dân thứ ba tại các Tiểu Vương Quốc Á rập.

Chúng tôi được đi thăm pháo đài Sharjah bị phá hủy vào những năm 1970 , nhưng được xây dựng lại và ngày nay là một bảo tàng.

HERITAGE MUSEUM và các Museum mà chương trình du lịch Dubai giới thiệu, tôi  nhận thấy Dubai ngày xưa nghèo và hoang sơ lắm. Đất đai sa mạc nóng cháy. Người dân lam lũ nghèo khổ. Những hình ảnh được ghi lại trên tranh vẽ, những con người được mô phỏng trình bày lại cuộc sống đói nghèo, cơ cực và thiếu văn minh.

Mặc dù họ cũng tìm cách để khắc phục thiên nhiên, vượt tất cả để sinh tồn. nhưng cuộc sống họ cũng không như các nước khác. bởi vì địa thế, khí hậu quá khắc nghiệt.


Cho tới một ngày thiên nhiên đã ưu đãi họ- Mỏ Dầu- Xem những mô hình khai thác mỏ dầu mới thấy quả thật loài người văn minh cùng cực. Những giếng khoan thọc sâu dưới các tầng đá để đưa dầu lên quả thật kỳ công. Iphone tôi lúc đó hết pin nên không ghi lại các hình ảnh thật đặc biệt mà lần đầu tiên tôi thấy.

Từ lúc tìm ra mỏ dầu, Dubai và các nước Ả Rập đã có cơ hội đổi đời. Họ giàu lên nhanh chóng, phát triển vượt bực. Tài nguyên thiên nhiên đó đã tạo thành những điểm du lịch hấp dẫn cho biết bao người trên thế giới.

NHÀ THỜ HỒI GIÁO ISLAMIC MUSEUM






ĐI CHỢ TẠI SHARJAH 
Chúng tôi được được đi xem văn hóa Á Rập. Thăm viếng khu chợ vàng, chợ quần áo. Các cửa hàng đồ cỗ, đồ trang sức và đồ lưu niệm ở đây.

Ở Sharjah còn có một khu chợ cá thật lớn với thật nhiều loại cá tươi được vừa đưa từ biển về. Những con cá tươi chong hoặc còn sống được bày bán rất sạch sẽ không có một con ruồi hay mùi hôi vì được bảo vệ kín đáo. Đi qua một vòng chợ cá những người phụ nữ như chúng tôi thấy thật tiếc vì cá tươi thế này mà chỉ ngó để khen.
Kế bên khu chợ cá là khu vực bán thịt tươi.  Đa phần là thịt gà, thịt bò và thịt lạc đà. Những đùi thịt đỏ lòm treo lủng lẳng thấy sợ hơn thấy ngon. Nên chúng tôi chỉ lướt qua cho biết mà thôi.

Nơi chúng tôi ghé nhiều nhất là khu chợ trái cây. Phải nói là đủ loại rau quả. Dù là vùng đất sa mạc, nhưng những loại rau quả VN loại nào cũng có, giá cũng không mắc lắm. Tôi mua 1/2 kg nho đỏ. Em dâu tôi mua mấy bịch mãng cầu dai, mấy bịch măng cụt và nhản.Tính mua thêm, nhưng sợ ăn không kịp thì sẽ bỏ lại. Ngày về cũng gần kề mà thức ăn đem theo vẫn còn.

ĐI DU THUYỀN VÀ ĂN TỐI

Buổi chiều xe Bus chở chúng tôi ra  bến du thuyền. Hôm nay có một bửa ăn tối gọi là Dhow Dinner Cruise.
Bến du thuyền Dubai Marina được biết đến như thành phố kênh đào nhân tạo  gắn liền với khu vui chơi mua sắm. Về đêm nơi đây biến thành một khu vực lung linh huyền ảo với các nhà hàng, cao ốc rực rỡ dưới ánh đèn.

Chúng tôi được mời xuống một chiếc du thuyền khá đẹp. Rất tiếc không kịp chụp hình. Mọi người được mời chụp hình khi bước lên bậc thang để vào du thuyền. Chúng tôi từ chối vì thấy không cần thiết. Gate 1 đã đặt trước chỗ ngồi cho du khách, chiếm một nửa chiếc thuyền ở tầng dưới. Bên trong trang trí khá trang trọng và màu mè. Khi người đã lên đầy thuyền, cửa được đóng lại, thuyền tách bến, nhẹ nhàng lướt trên sóng nước. Bên ngoài cảnh vật thật đẹp. Những tòa nhà thật cao rực rỡ soi mình lung linh trên mặt nước.


Người phục vụ đến mời chúng tôi dùng bửa. Đó là một bửa ăn buffet. Thức ăn được đặt và trang trí như một chiếc thuyền nhỏ đặt trên bàn dài theo lối đi ở giữa. Nhìn rất sang trọng và bắt mắt nhưng toàn bộ đều bằng rau, củ quả. Đó là một mâm chay toàn hảo và xinh đẹp. Mãi lâu mới có người đến và hỏi có muốn ăn thịt không? Họ phục vụ mỗi người một cái taco bò. Sau họ trở lại để mời thịt gà nướng. Ngồi ngay sát con thuyền thức ăn rau cải, chúng tôi tới lui chỉ có bấy nhiêu. Thuyền vẫn êm ru lướt trên mặt hồ, cảnh trí quyến rũ. Chúng tôi dẫn nhau lên tầng trên để xem cho rõ và cho mát.

Thì ra tầng trên hấp dẫn hơn. Quày barbecue nướng ngay bên cạnh lối đi lên. Ai muốn ăn bao nhiêu tự lấy. Thảo nào tôi thấy người ở trên này đi xuống tầng dưới lấy rau cải. Thịt nướng cũng không mấy ngon nên tôi không ăn thêm chỉ xem cảnh vật. Cảnh bao quát quá đẹp về đêm. Mọi người chụp hình, tâm tình  lãng mạn, ăn uống tận tình.

Tôi trở xuống đúng lúc "Bốn người đẹp nhất chuyến đi" đang nhảy theo tiếng đàn của một anh chàng người Mễ. Hai bà lớn tuổi bị bỏ lại ở bãi biển nhảy thật đẹp và thật hăng. Họ nhảy không biết mệt, nhảy rớt cả bông tai, những bước nhảy uyển chuyển làm say mê cả đoàn du khách Gate 1. Chúng tôi vỗ tay theo điệu nhạc rộn ràng. Đến lúc thuyền cập bến, bốn bà mới dừng và chia tay nhạc sĩ.

Thật lòng, tôi rất ngưỡng mộ những phụ nữ này. Họ tuy lớn tuổi nhưng tràn đầy sức sống và hồn nhiên. Họ tận hưởng niềm vui và mua sắm thỏa thích.. Họ đem lại sự tươi mát và hào hứng cho cả đoàn trong suốt chuyến đi. Tôi cứ nghĩ họ là người Pháp hay Canada (Vì thỉnh thoảng họ nói với nhau tiếng Pháp) nhưng tôi đã gặp lại họ trên cùng các chuyến bay về lại LAX..

Buổi tối, dù đã ăn buffet nhưng ai cũng còn đói bụng. Thế là tập trung tại phòng em trai tôi, lôi mì gói ra nấu (Mỗi phòng đều có bình nấu nước, máy lọc cà phê, tủ lạnh) Mấy bịt khô bò của anh trai em dâu tôi được mang ra lai rai. Nho, măng cụt, nhản được ăn tận tình. Riêng mãng cầu chưa được chín nên cất lại chờ ngày cuối.
Thật lòng bửa ăn tối với mì gói sao quá ngon. Vừa nóng vừa vui, rộn rã tiếng cười. Ba phòng chúng tôi nằm ở cuối dãy nên không ảnh hưởng tới ai. Mặc sức mà trò chuyện và cười đùa.

ABU DHABI

Ngày cuối cùng của Tour du lịch chúng tôi được thông báo phải có mặt tại khách sạn lúc 7:45 sáng. Vì hôm nay đến viếng nhà thờ Hồi Giáo Sheikh Zayed, nên phụ nữ phải mặc quần áo rộng rãi, không được bó sát người. Quần hay váy  phải dài tới mắc cá chân. Tay áo phải dài tới cổ tay và thật kín đáo. Phải quấn khăn choàng đầu che kín tóc. Cô hướng dẫn viên du lịch sẽ kiểm tra chúng tôi ăn mặc thế nào trước khi lên xe. Tay áo tôi không dài đủ nên tôi phải mặc thêm áo khoác để che kín cổ tay. Cô em đi cùng mặc áo dài tay trắng nhưng không đủ dày nên nhìn kỹ sẽ thấy chiếc áo lá bên trong, phải vào thay lại. Cuối cùng cô ta phải mặc áo Jacket bên ngoài. Đàn ông phải mang giày không được mang dép, chỉ cần mặc quần dài còn thì áo ngắn tay cũng không sao.


 Ngồi chờ trước khi đi
                                                               
Phải trùm như vầy nè.

Abu Dhabi là thủ đô của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.(UAE). Là thành phố đông dân thứ hai sau Dubai. Có dân số khoảng 1.5 triệu người.  Văn phòng chính phủ của Abu Dhabi là trụ sở chính của Hội Đồng Liên bang Quốc Gia UAE. Đây cũng là nơi ở gia đình Hoàng Gia Abu Dhabi ở.

Các khác biệt giữa Dubai và Abu Dhabi theo tôi thấy khi xe chạy qua biên giới là cây xanh. Ở Dubai chỉ là nhà chọc trời, còn Abu Dhabi dài theo đường là cây xanh. Những cây xanh mới trồng hoặc đã lên cao trên vùng đất sa mạc làm dịu đi tầm nhìn và làm nơi đây có vẽ gần gũi thiên nhiên hơn.

Ở đâu của Abu Dhabi chúng tôi cũng thấy hình vị vua của họ.
Đây là bên ngoài của trụ sở chính có tên là ZAED EXHIBITION


Bên trong trưng bày những hình ảnh về gia tộc hoàng gia, những lá cờ, những hình ảnh ngoại giao với quốc tế. Những vật lưu niệm rất có giá trị mà các quốc gia khác đã tặng cho nhà vua.
Như quà tặng của China năm 1990, Đức Giáo Hoàng Paul VI  năm 1971,
Yasser Arafat năm 1996, những loại dầu thơm làm quà của Pháp... 

Bên trong trưng bày hai con cọp với tư thế vồ mồi giống y như thật. Đó là quà tặng của một nước nào đó. Ở giữa cũng trưng bày có một bộ da cọp thật lớn để trong một tủ kiếng. Một chiếc xe hơi lộng lẫy để ở một góc căn phòng triển lãm.


NHÀ THỜ HỒI GIÁO SHEIKH ZEYED

Hình Google

Chúng tôi đến thánh đường Hồi Giáo SHEIKH ZAYED hay còn được gọi là Thánh Đường Trắng lúc rất nhiều người đã đến đó. Những đoàn xe du lịch đậu san sát nhau. Người đủ mọi quốc Gia, đủ mọi lứa tuổi, phụ nữ đang sửa lại cho mình khăn choàng và với rất nhiều bộ đồ khá lạ và bắt mắt.

Khi đi ra tôi mới biết có một phòng thay đồ gần cửa ra vào. Ở đó có rất nhiều y phục phủ toàn thân rất lạ và nhiều màu sắc dành cho du khách. Có lẽ họ mướn để mặc chụp hình, tạo thành một điểm du lịch hấp dẫn cho các thanh niên thiếu nữ thích làm dáng với những y phục mới lạ.


Người hướng dẫn viên du lịch dẫn chúng tôi đến địa điểm tập trung rồi đi làm giấy tờ. Qua cửa khám xét rất kỹ như vào cửa hải quan. Đoàn người nhích từng bước để vào theo lối đi quy định sẳn. Những người đàn ông mặc y phục màu trắng nghiêm trang có mặt mọi nơi. Từng người, nhất là phụ nữ được chú ý rất kỹ về trang phục khi đi vào. Cô em gái chung đoàn với chúng tôi bị giữ lại vì mặc áo thun dầy dài tay trắng rất kín đáo. Họ không chấp nhận phụ nữ mặc áo màu trắng tinh. Ngà ngà hay điểm hoa văn thì được. Nhờ cô hướng dẫn viên du lịch có đem theo hờ một cái áo chùng đen, cô em mặc thêm vào nên họ cho vào cửa.

Sắp hàng từng người một rồng rắn, nhích từng bước, đi thật lâu mới được vào trong. Đó là một nhà thờ hoàn toàn bằng đá cẩm thạch trắng, các loại đá quý và gốm sứ. Có 82 mái vòm, 4 ngọn tháp. Trong nhà thờ có tấm thảm len rộng 6.000 mét vuông. Nhà thờ có thể chứa đến 40.000 tín đồ. Phòng cầu nguyện chính được coi là lớn nhất thế giới. Ai muốn cầu nguyện thì vào bên trong.


Chúng tôi đi ra khỏi khu vực thăm viếng. Ra gần cỗng, cô em đi chung vì quá nóng lột chiếc khăn trùm đầu khỏi mái tóc và chồng cô ta chụp hình. Một người bảo vệ trong nhà thờ bước tới và đề nghị đội khăn lên. Đồng thời xóa tất cả hình chụp lúc đó trong Iphone em tôi và chồng cô ta.
Ra ngoài, chúng tôi sắp hàng và theo chiếc xe nhỏ chở người của nhà thờ ra nơi tập trung.

Chúng tôi được đến xem pháo đài Al Jahili. Thăm Zeyed House, Thăm khu buôn bán Emirate với các tiệm bán đủ loại gia vị địa phương. Thăm chợ Al Mina để mua đồ lưu niệm.

Khu bán đồ gia vị Dubai

Tiếp tục chương trình hôm nay chúng tôi sẽ đến YAS ISLAND
Yas Island Rotana cách vài phút lái xe từ trường đua Yas Marina Circuit nơi tổ chức các giải đua thể thao, Câu lạc bộ chơi Gôn, bến thuyền  Yas Marina, công viên nước Yas Waterworld Abu Dhabi, trung tâm mua sắm Yas Mall. Chúng tôi ghé thăm công viên giải trí Ferrari World Abu Dhabi.

Nơi triển lãm của hãng xe Ferrari rất lớn, các quảng cáo và hình ảnh bắt mắt du khách.


Thế là chúng tôi chấm dứt những ngày thăm viếng Dubai. Ngày kế tiếp là xe của Gate 1 sẽ đưa chúng tôi ra phi trường. Cho nên chúng tôi phải thanh toán hết thức ăn đem theo và trong tủ lạnh.

Buổi tối mấy chị em tập trung tại phòng em trai tôi một lần nữa, lấy mì gói ra nấu, ăn khô bò, nho, và mấy bịt mảng cầu dai vừa chín tới. Mãng cầu không dai, hột nhiều, cho nên kết luận là mua nhầm mãng cầu quá dỡ.

Tất cả hành lý đều được bỏ vào vali. Sáng mai chúng tôi sẽ trả phòng. Tất cả Vali sẽ gửi ở phòng tiếp tân rồi mọi người đi chơi. Buổi chiều chúng tôi sẽ về lại khách sạn, xe Gate 1 sẽ đón ra phi trường về lại Cali.

Buổi sáng còn lại chúng tôi dự trù đi thăm QUẦN ĐẢO CÂY CỌ của Dubai. Đó là một hòn đảo nghe nói rất đẹp nằm ngoài bờ biển của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập trong vịnh Ba Tư.

Hòn đảo Cây Cọ Dubai Hình Google

Tuy nhiên thời gian để đến, thăm viếng và đi về sẽ không kịp ra phi trường. Do đó cả mấy chị em đổi ý quyết định đón xe lửa, một lần nữa đi lại trung tâm thương mại Dubai.
Nơi đây có nhiều thức ăn, thăm lại tòa nhà chọc trời  BURJ KHALIFA và quang cảnh xung quanh vì tối hôm trước không thấy rõ.


Hôm nay chúng tôi đến nơi này chủ ý là mua vé xem thế giới biển  (Aquarium)mà các báo chí thường ca ngợi rằng lớn nhất nhì thế giới. Liên lạc tại phòng tiếp tân của khách sạn vào buổi sáng. Chúng tôi biết có hai chương trình để đi chơi, giá cả khác nhau. Nghĩ rằng mình chỉ có buổi sáng, nếu chọn chương trình đi xuống đại dương coi cá mập thì không đủ thời gian nên không mua chương trình này. Mua vé online tại khách sạn giá được bớt hình như 15% chúng tôi trả khoảng 450 dm (33USD).
Aquarium nằm bên trong trung tâm Mall. Bên ngoài chiếm một vị trí khá lớn để giới thiệu. Đứng trên lầu nhìn xuống có thể thấy màn ảnh quảng cáo và người đi lại ở dưới.


Bên trong được trình bày, trang trí rất lộng lẫy và bắt mắt. Các loài cá trong bể bơi lội và nhiều loại cá biển khá lạ và đẹp.

Đi qua cầu dây để vào khu thăm các loại chim, loài bò sát và côn trùng. Đi, ngắm, chuyện trò, chụp hình một vòng là thấy hết đường. Chúng tôi trở lại tìm ngõ khác thì cũng ra chỗ cũ. Ngạc nhiên tìm cô phụ trách để hỏi thì cô ấy cười trả lời:
- Dạ! Vé của quý vị chỉ có vậy.

Cả nhóm tôi lại nhìn nhau cười. Thì ra dân Cali thêm một lần nữa bị hố. Vì Aquarium ở Long Beach, ở San Diego đâu có thua gì ở đây. To, rộng và đẹp hơn là khác.


Ra khỏi cửa vẫn còn rất sớm mấy chị em dẫn nhau đi ăn, đi dạo các cửa hàng rồi đón xe lửa về khách sạn. Giờ đây chúng tôi làm những kẻ không nhà vì phòng đã trả. Lại loay hoay chụp hình, nghỉ ngơi, thay quần áo thoải mái nhưng ấm áp để ngồi dài lâu trên máy bay.

TRỞ VỀ MỸ

Đúng giờ xe Gate 1 đến đón chúng tôi đưa ra phi trường Dubai. Check in xong, nhân viên Gate 1 lại đến hỏi chúng tôi có cần giúp đở gì nữa không, họ chúc chúng tôi trở về bình yên và cám ơn đã chọn họ.


Về tới phi trường LAX đúng ngay ngày đầu tiên phi trường áp dụng chương trình mới về vấn đề đưa đón hành khách.  Khi đi ra, xe bus của phi trường sẽ đưa hành khách ra địa điểm ấn định. Xe nhà sẽ đón hành khách tại đây. 
Chúng tôi gửi xe tại khách sạn nên xe của khách sạn đổi địa điểm mới, đón chúng tôi trên lầu hai của phi trường. Tôi không lên xe bus của phi trường đến chỗ ấn định mới nên không biết nó ở chỗ nào, có tiện lợi hay không. Tôi nghĩ tuy rằng giải quyết được vấn đề kẹt xe khi đổ hay đón khách nhưng cũng phiền cho hành khách khi hành lý quá nhiều.

Tôi đã có một tuần lễ đi Dubai và tôi viết bài này để gửi tặng cho những ai chưa đi đến đó. Rất thật, rất thật.

Có nhiều địa danh tôi có tới nhưng tôi không viết hết vì thoáng qua, tên khó nhớ và tôi cũng hay quên. Sợ viết ra không đúng thì còn tệ hại hơn. Những chi tiết bằng số liệu tôi viết ra đây đều là do vào Google tìm. Chứ người hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Anh tôi nghe không hiểu.

Thú thật, khi chưa đi Dubai nghe người ta ca tụng:" Ở Dubai xe Taxi toàn là Mercedes, còn ở khách sạn đón khách toàn là xe loại sang trọng mắc tiền nhất thế giới". Cho nên tôi nghĩ Dubai lộng lẫy, giàu sang ghê gớm lắm. Nhưng những ngày ở Dubai tôi chưa thấy xe Ferrari hay xe Rolls Royce, Cadillac chạy trên đường. Xe Mercedes, BMW  thấy được một ít, còn thì đa số là Honda, Toyota, Hyndai chạy bình thường như những người đi làm bên Mỹ.


Khách sạn chúng tôi chọn thuộc khách sạn 5 sao. Cách phục vụ tiếp tân khá chu đáo. Trong phòng cũng đầy đủ những vật dụng cần thiết cho du khách. Thức ăn sáng rất đầy đủ và giống như những khách sạn tôi đã từng đi, chỉ khác không hề có thịt heo. Nhưng họ có các loại nước uống pha chế đặc biệt rất ngon và bổ dưỡng.
Nhưng ngày thứ nhì buổi sáng vào phòng vệ sinh, nước từ trên lầu trên chảy xuống ướt cả sàn. Chúng tôi kêu người tới sửa. Buổi chiều về họ đã sửa xong.

Cô em nằm giường kế bên, buổi sáng đang nằm check mail trên Iphone, bỗng thấy một chú rệp mập ù bò trên chăn. Sợ quá cô ta la lên rồi dùng khăn đè chết con rệp. Máu loang một vệt trên tấm mền đắp. Tôi sợ quá cũng vội lật chăn tìm. May không có tên rệp đặc công nào. Hai chị em tính khiếu nại nhưng nghĩ lại thôi thì ngày mai họ thay chăn khác cũng được. Thế nhưng suốt mấy ngày ở tại khách sạn, người dọn phòng chỉ sắp chăn lại cho ngay ngắn, tấm chăn dính máu vẫn y nguyên.

Có thể chuyến đi của tôi không may nên mọi việc không như ý muốn. Cũng có thể tôi đi chưa hết, thấy chưa hết những nơi nổi tiếng của Dubai nên tầm nhìn tôi hạn hẹp. Đó là điều mà chính tôi cũng tiếc nuối. 

Trong bài này, có những nơi tôi không được đến để đích thân chụp hình, nhưng tôi cố gắng tìm hình ảnh trên Google để giới thiệu đến các bạn những gì nổi tiếng nhất của Dubai.


Tiền nào của đó. Dubai là nơi dành cho những người giàu có. Những khách du lịch sang trọng sẽ đến ở những khách sạn đắc tiền. Sự phục vụ sẽ thật xa hoa đúng tầm cỡ. Họ chắc chắn sẽ có cái nhìn khác tôi. Đương nhiên.


Năm 2020 sẽ có "New Dubai Festival" tin chắc Dubai sẽ có nhiều mới lạ hơn cho người thăm viếng. Vườn hoa sẽ mở cửa và sẽ không còn thấy những cần cẩu dọc ngang khắp mọi nơi. Dubai hứa hẹn là điểm thăm viếng sang trọng và cầu kỳ nhất trên thế giới vào năm 2020.

Nguyễn Thị Thêm                                                                        

No comments:

Post a Comment