Pages

Wednesday, December 18, 2019

Tuổi Đá Buồn – Huy Phương


Cách đây vài chục năm tôi có đọc được một câu chuyện đâu đó mà nay tôi đã quên cả tên chuyện cũng như tác giả. Chuyện kể một cụ già sống trong một chung cư dành cho người cao niên, thường ngày ông lẳng lặng đi về, ít chuyện trò với ai, cũng như không thấy ai lui tới thăm viếng ông. Nghe nói vợ ông mất sớm, ông không có con cái, bạn bè thân thuộc. Một  buổi sớm kia, người ở chung dãy phòng với ông, chú ý đã mấy hôm nay ông không ra khỏi phòng, tuy vẫn nghe tiếng nói từ trong máy truyền hình phát ra, sợ có chuyện gì không hay, người kia gõ cửa nhưng không thấy trả lời. Nghi hoặc, ông ta báo tin với ban giám đốc chung cư, khi nhân viên đến mở cửa ra mới phát giác ông cụ đã chết ngồi trên ghế xô pha, có lẽ từ mấy ngày nay, trước máy truyền hình vẫn mở. Khi cảnh sát đến lập biên bản và đưa ông cụ vào nhà xác, người ta tìm thấy trong phòng ngủ của ông cụ treo đầy những vòng hoa cườm phúng điếu, mang những dòng chữ: "Vĩnh Biệt Bạn Hiền", "Muôn Vàn Thương Tiếc"..., dưới vòng hoa là những hàng chữ đề tên người hay nhóm người phúng điếu như: "Ban Giám Đốc Chung Cư Hoàng Hạc", "Hội Cựu Chiến Binh", "Công Ty Bảo Hiểm Vạn Thọ"... Ông cụ đã sợ chết đi, đám tang lạnh lẽo, không ai thăm viếng, đưa tiễn nên ông đã đặt mua những vòng hoa này, giấu giếm đem về vào những lúc vắng người, để sau này tự phúng điếu cho mình. Thể theo ý nguyện của người quá cố, những người đưa ông cụ đến "nơi an nghỉ cuối cùng", đã đặt những vòng hoa này lên mộ ông.


Ngày xưa, nhiều trường hợp cha mẹ, con cái, cháu chắt cùng sống chung trong một mái nhà, chỉ có một người quản lý tiền bạc, có khi bữa cơm cùng ăn chung với nhau. Họ không hề nghĩ đến tự do cá nhân, có khi hy sinh tình thân riêng tư giữa vợ chồng cho tiếng tăm của đại gia đình. Khi cha mẹ, ông bà về già, không còn khả năng làm lụng hay kiếm ra đồng tiền, phải sống nương tựa vào con cái, nên chúng ta ít thấy trường hợp quý vị già cả phải sống cô độc một mình. 

Hoàn cảnh những người già sống cô độc hiện nay trên khắp nước Mỹ không phải là ít vì chúng ta không còn hy sinh sự tự do riêng tư và điều kiện kinh tế khác xa với thời trước. Người già thì muốn tự do, không muốn ràng buộc vì con cái hay mang mặc cảm nhờ cậy, con cái thời nay có khi ít quan tâm đến cha mẹ vì mọi người đều nghĩ là người già có thể tự túc về kinh tế, có đủ trợ cấp, có nhà ở và thuốc men đầy đủ. Do vậy, người già đau ốm đã có nursing home, người già mạnh khỏe thì có "nhà già" (cao niên). Bây giờ đang vào độ cuối thu ở Mỹ, những ngọn lá phong se lạnh đã đổi màu, sau ngày đổi giờ, tôi có cảm tưởng trời tối nhanh hơn. Mỗi đêm tấm chăn đơn không còn đủ ấm, nghe trong xương cốt nỗi đau nhức gậm nhấm, bản thân tôi là một người đang sống gần gũi với vợ con, cũng cảm thấy một nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn, làm sao những cụ già trong nhà dưỡng lão, những vị cao niên cô quạnh một mình không cảm thấy buồn bã, cô đơn. 

Đã từng vào thăm những căn chung cư dành cho cho các cụ đang còn lành mạnh, tôi đã phải đi qua những dãy hành lang tối tăm vắng lặng như thiếu sinh khí, không một tiếng động từ bên ngoài vẳng vào, thiếu những âm thanh sinh hoạt của đời thường. Trên lối đi là những căn phòng vuông vắn, đơn điệu, với cánh cửa đóng im ỉm, có lần tôi đã nhìn trên cánh cửa ấy một vòng hoa tang nhỏ, đánh dấu trong căn phòng này một cụ ông hay cụ bà đã ra đi. Dưới sân, trên những chiếc ghế đá là những đôi bạn già hay những người ngồi hóng nắng; ở góc sân kia, trên một chiếc ghế khác, một bà cụ đang ngồi đan, ngủ gật, hai que đan rơi xuống đùi bà và búp len lăn xuống thảm cỏ.

Trong nursing home, trên đường đến phòng một người quen, một bà cụ ngồi trên xe lăn, quay ngang xe, chận tôi lại trong khi hai tay múa may, miệng nói những lời lảm nhảm vô nghĩa, khiến người nam y tá phải can thiệp vỗ về và đưa bà cụ về phòng. Đâu đây có tiếng la the thé, tiếng ho ùng ục, ậm ừ như không còn hơi sức để tống đờm dãi ra khỏi lồng ngực, trái lại ở trước vài cửa phòng, có những người ngồi yên lặng bất động như pho tượng buồn nhìn ra lối đi. Sau bữa cơm chiều được dọn sớm cho nhân viên ra về, những cụ già này trông ngóng một bóng dáng quen thuộc của những đứa con thân yêu đến thăm, có thể cuối tuần này chúng sẽ đưa cụ về nhà tắm rửa, ăn uống để cụ sống lại một ngày ấm cúng trong gia đình mà ngày nay đối với cụ, là một cái gì xa vời, khó kiếm. Ngày xưa đứa trẻ trông ngóng, chờ mẹ tan sở hay đi chợ về, ngày nay người mẹ già trong nhà dưỡng lão đang đợi chờ những đứa con, cũng như thế, nhưng lặng lẽ và an phận hơn. Nhưng rồi bóng chiều đã ngả, ngọn đèn đầu hành lang đã bật sáng, cụ lặng lẽ quay bánh xe lăn về phòng, và biết rằng đêm nay sẽ là một đêm khó ngủ. 

Không khí trên những hành lang của những căn nhà già hay cảnh ồn ào, hoặc đôi khi trái ngược, quá vắng lặng ở một góc nào đó trong viện dưỡng lão, một mùi khai nồng ở đâu thoảng lại, nhắc nhở cho ta nhớ đến mùi của một bệnh viện trong những ngày xa xưa ở quê nhà, khiến người thăm viếng như muốn bước qua thật nhanh và rút ngắn thời gian thăm viếng. 

Những người gìa luôn luôn cảm thấy cô đơn, xin hãy mang lại những vòng hoa đẹp đẽ tươi thắm cho người còn sống, vì khi chết đi, nằm trong quan tài, những vòng hoa phúng viếng chỉ trang trí được cho tang lễ cái vẻ rộn rịp, phô trương và cho những người sống đứng quanh quan tài. Những ngày Lễ Tết, Sinh Nhật, Giáng Sinh, Ngày Mẹ, Ngày Cha... những người già cần một đóa hoa tình nghĩa, là những lần thăm viếng, vòng ôm thân ái, những lời thăm hỏi. Tôi không nhớ có lần nào đó, một nhà văn đã viết một cách dí dỏm rằng: "Gả con gái đừng gả qúa xa để khi bát canh được mang đến nhà mẹ vẫn còn nóng!" theo ý của câu ca dao: "gả chồng thì gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng mang cho."

Bây giờ, con cái mỗi đứa lập nghiệp mỗi phương xa, những ngày sum họp cuối năm, tàu bè đi lại khó khăn, kinh tế hết thời phồn thịnh, một năm một lần không về gặp được mẹ cha. Bây giờ, tình cảm mỗi ngày một nhạt phai, thời đại ngày nay không còn "sửa gối, bưng trà" (gối nghiêng ai sửa, chén trà ai bưng"). Với những người già cô đơn và sống cô độc, không con cái, vợ hay chồng mất trước, gặp cảnh trái ngang của cuộc đời, cảnh khổ còn gấp nhiều lần.

Nhiều gia đình, ở trong những căn nhà rộng thênh thang, chỉ còn bóng đôi bạn già, trong khi con cái như những cánh chim trời đã bay xa, để lại cái "tổ trống" lạnh lẽo. Lá ngoài vườn rụng nhiều quét không kịp, trên lối đi rêu đã phủ xanh. Trong căn nhà, vắng tiếng cười, điện thoại nằm yên không một tiếng reo.

Chúng ta đã nghe đến "lệ đá", "tuổi đá buồn" như nói đến đá cũng biết buồn và biết nhỏ lệ, những tảng đá, qua thời gian đã mòn phai cùng sương nắng, những tảng đá không còn "lăn trên đồi". Tuổi già chính là những tảng đá nằm trong một góc tối ẩm thấp nào đó, những tảng đá đã xanh rêu. Nỗi buồn cũng an phận lặng lẽ, như tuổi già ở cuối cuộc đời rồi sẽ phôi pha, đắm chìm trong sự quên lãng.
Phước cho ai đã mất hết trí nhớ, để khỏi biết buồn.


Huy Phương 

1 comment:

  1. Đọc xong thấy buồn cho tuổi già quá! có con hay không con cũng vậy!! Cảm ơn NPN chia sẻ.

    ReplyDelete