Pages

Monday, March 2, 2020

Tuổi - Song Thao

Cụ ông người Nhật Masazo Nonka, sanh ngày 25/7/1905,
Người đang giữ kỷ lục Guinness về đàn ông thọ nhất thế giới còn sống. Hình: .JIJI PRESS/ AFP-Getty Images 

Tuổi là thứ trời cho, cứ năm mới gõ cửa là cái đầu nặng thêm một tuổi. Muốn hay không cũng chẳng được.
Chuyện khá lạ làm cả thế giới căng mắt coi tòa sẽ xử ra sao. Ngày 3/12 vừa qua, Tòa ra bản án như thế này: “Ông Ratelband có quyền tự do cảm thấy ông trẻ hơn tuổi thật 20 năm và hành động phù hợp với tuổi ông tự nghĩ. Nhưng sửa ngày sinh của ông sẽ gây ra việc các dữ kiện trong 20 năm về ngày sinh, ngày tử, hôn phối và những điều đã ghi vào lý lịch biến đi mất. Điều này sẽ gây ra những hậu quả phức tạp về phương diện pháp lý và đời sống xã hội”.

Tuổi là thứ trời cho nhưng con người, tới một tuổi nào đó, chán với tuổi. Chán nhưng chẳng làm chi được. Tuổi cứ đổ xuống đầu, như mưa rơi, rồi như tuyết rơi. Khi tuyết đã đổ xuống mái tóc, rất nhiều người không ưa. Tuổi mà làm chi! Chỉ là thứ nuôi sống tổ chức Kỷ Lục Guinness. Từ khi có kỷ lục Guinness đếm tuổi để phân hơn thua, có người thích, có người không thích. Ông Robert Wiener chắc không thích tuy ông chẳng được Guinness sờ tới.

Ông vừa được 110 tuổi và được báo chí Canada công kênh lên như người già nhất Canada. Ông nói với các ký giả: “Tôi không giống như người trúng giải Nobel hay một anh hùng cứu sống được người khác. Tôi chỉ già đi thôi!”. Ông nha sĩ về hưu sống ở Montreal này là người thành lập khu nha khoa của bệnh viện Do Thái và từng là giáo sư của Đại học McGill đã khoát tay: “Tôi chỉ hưởng gene tốt của cha mẹ tôi. Giản dị có vậy thôi!”. Nhưng chuyện ông “lên” 110 tuổi không giản dị.

Nữ Hoàng Elizabeth đã tự tay viết thiệp chúc mừng ông. Thủ môn của đội hockey Montreal Canadiens hiện nay là Carey Price cũng gửi thiệp mừng tới ông. Tại sao anh chàng trẻ tuổi này lại gửi thiệp chúc mừng? Vì khi còn con nít ông đã giữ gôn cho đám trẻ chơi hockey trên vỉa hè ở khu Outremont; khi theo học ngành nha của Đại học Queens University, ông cũng giữ gôn cho đội hockey của nhà trường. Ông sinh ra vào đúng năm đội hockey Canadiens của thành phố Montreal này được thành lập. Trong nửa giờ nói chuyện với ký giả Christopher Curtis của báo The Montreal Gazette, ông vẫn say mê nói về hockey. Ông cho biết ngày đó chơi hockey giản dị hơn bây giờ nhiều. Bây giờ, theo ông: “Có nhiều đội quá. Người ta phải lấy tất cả các đấu thủ trẻ của các đội thiếu niên lên chơi nên phải thay đổi luật chơi cho dễ dàng hơn. Không còn những Jean Beliveau hay Guy Lafleur nữa! Tôi không muốn coi nữa”.

Sống lâu không phải là điều quan trọng. Sống khỏe mạnh quan trọng hơn. Ông Robert Wiener có được điều này. Sức khỏe ông rất tốt, đi đứng ngon lành, chỉ bị nặng tai nên khó nghe, tự lập trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Chỉ mới năm ngoái ông mới chịu thuê người trông nom giúp đỡ ông. Đó là ông Roberto Yaptangco. Ông này cho biết: “ Ông Wiener rất đáng nể. Ông còn ngồi xổm được, đạp xe thể thao mỗi ngày 30 phút, nhấc mấy quả tạ nhẹ. Muốn hay không, nay ông đã là một ngôi sao. Tuần trước đài truyền hình Global TV đã phỏng vấn ông, ngày mai tới lượt CTV News!”. Trí nhớ ông cũng còn ngon lành. Ông nhớ rất rõ những ngày thơ ấu của ông, những sinh hoạt xã hội ngày đó nay đã mất. Ông nhớ hơn cả là buổi hẹn hò đầu tiên khi ông bắt đầu cua bà Ella, người sau này trở thành vợ ông: “Bữa đó tôi mặc chiếc áo có tên trường McGill cho oai!”. Ông hồi tưởng lại một cách luyến tiếc cuộc sống với bà. Họ cưới nhau vào năm 1937. Bà mất cách nay bảy năm. Ông nói là sự ra đi của bà đã gây sốc cho ông. Tới bây giờ ông vẫn chưa gạt bỏ được cú sốc đó. Tiễn ký giả ra về, ông còn vớt vát: “Tôi chỉ may mắn hưởng được gene tốt. Tôi không làm được chi cả. Tôi không thắng được chi cả. Tôi chỉ sống lâu hơn bình thường thôi!”.

Quả ông Wiener có sống lâu, có nhiều tuổi, nhưng ông chưa đụng được tới kỷ lục nhiều tuổi của những người khác đã được Guinness chiếu cố tới. Như cụ Masazo Nonaka của Nhật đang là cụ ông già nhất thế giới còn sống tới nay. 

Cụ sơ sơ mới lên 112 tuổi và 259 ngày. Guinnesss vừa trao bằng chứng nhận cho cụ tại nhà riêng ở Ashoro trên đảo Hokkaido ngày 10 tháng 4 năm nay. Dân Nhật nổi tiếng là có nhiều người sống…dai nhất thế giới. Thống kê cho biết Nhật hiện có 54.397 cụ ông và cụ bà đạt 100 tuổi trở lên, trong đó có 282 cụ đã trên 110 tuổi. Nhưng người sống dai nhất thế giới với kỷ lục 122 tuổi và 164 ngày lại là cụ bà Jeanne Louise Calment, người Pháp, sanh năm 1875, mất năm 1997.

Nghe thấy những núi tuổi như vậy, thấy ngộp! Người ta càng ngày càng nhiều cơ hội cộng tuổi. Tuổi lềnh khênh làm chật chội trái đất. Những người ít tuổi thấy trái đất này ngột ngạt. Như người tuổi trẻ Bùi Chí Vinh than van.
Hoàn toàn không có một chỗ trú cho chúng ta
Đây là thời đại của những người già cả
Tuổi 40 nghĩa là nhà thơ trẻ
Khoảng 60 làm thi sĩ là vừa
Từ 70 trở đi là tuổi của nhà vua
Quan lại mới ăn lộc bằng năm tháng
Trong khi tuổi của tình yêu chỉ cần vài cơn nắng
Một chút mưa đủ cảm thấy mình già
Chúng ta yêu nhau ngày một ngày ba
Sợi tóc bạc phếch trong trái tim mới lớn
Cứ thêm một ngày là tình thêm chết sớm

Sống lâu coi bộ chẳng phải là điều đáng khoe khoang. Cụ Nguyễn Công Trứ, khi về già, được hỏi tuổi đã ỡm ờ: “Ngũ thập niên tiền nhị thập tam”. Năm chục năm trước mới 23 tuổi. Cụ không ăn gian tuổi nhưng mập mờ đánh lận con đen!

Con cháu cụ, ông Hoàng Lộc, kẻ nòi tình, tới nay (không biết đã già chưa) vẫn mỗi ngày làm thơ tình trên Facebook, khi được gọi là “chú” hay “bác” đã…nổi điên.
là bữa em gọi ta bằng chú
chú như cha – ta đã hết đường
là bữa em gọi ta bằng bác
bác hơn cha – lại càng vô phương….
xưng hô – xưng hô nghe quá mệt
bà con chi nhau mà lễ nghi?
thôi em gọi ta bằng thằng trớt
cho ta thêm dày dạn tình si
họ hàng chi nhau mà chú bác
tình ta kìa – em hoài giả lơ
mà cho dù ta là chú bác
cứ yêu em – làm chi ta chừ?

Ông Hoàng Lộc đã giở trò bài bây, không chịu già, cũng không chịu ngưng “chi chi với tình”. Ông Hồ Chí Bửu cũng rứa. Các ông mần thơ toàn một thứ nòi tình.

bà xã bảo ta là một trong những ông già chưa chịu chết
sống quậy linh tinh và ca tụng đàn bà
trời ạ, làm sao cưỡng lại trái tim ham muốn
vẻ mỹ miều rực lửa của loài hoa
…………
sá gì đâu cuộc đời ô trược
mai mốt rồi cũng về với cỏ cây
ta đâu phải thánh hiền mà sống đời mực thước
giống như thơ ta bay bổng theo mây.

Con người là thứ chúa rắc rối. Tuổi trời cho rất công bằng. Cứ mỗi năm ịn một tuổi trên đầu, già trẻ lớn bé giầu nghèo đều nhận y như nhau. Bình đẳng tuyệt đối. Nhưng cái lắt léo của tha nhân đã bóp méo tuổi. Một luật sư bỗng hui nhị tì. Ông đứng đợi thánh Peter trước cửa thiên đàng để…kiện: “Con nghĩ chắc chắn là có sự lầm lẫn, thưa Ngài. Con không thể chết như vậy được. Con đang ngồi làm việc với các đồng nghiệp. Không có vật gì đổ lên người con. Con không bị đột quỵ, đứng tim. Con không mang bất cứ thứ bệnh nào trong người. Vậy tại sao con lại ở đây?”. Thánh Peter hỏi lại tên tuổi, bấm vào computer, ngồi đợi kết quả. Ngài nhìn chăm chú vào màn hình và phán: “A! Anh chết già!”. Luật sư cãi: “Chết già? Thưa Ngài, con năm nay mới 34 tuổi, sao lại chết già được?”. Thánh Peter nhìn chăm chú vào màn hình, phán tiếp: “Ờ! Cũng lạ thật! Lấy tổng số tiền anh nhận của khách hàng, chia cho 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm, thì năm nay anh đã 106 tuổi!”.


Cụ bà Jeanne Louise Calment, người Pháp, thọ nhất thế giới: 122 năm và 164 ngày.

Tuổi, và những phó sản của tuổi, tưởng là cái thứ cứng ngắc, hóa ra cũng du di được. Một ông 70 tuổi về Việt Nam cưới cô vợ 25 tuổi. Hai người đi Đà Lạt hưởng tuần trăng mật. Đến ngày thứ tư thì cô vợ trông rất phờ phạc. Thừa lúc chồng vào nhà tắm, cô vợ lẻn xuống tiền sảnh của khách sạn ngồi uống cà phê xả hơi. Chủ khách sạn, tuổi còn trẻ, tiếc ngọc thương hoa, hỏi xách mé: “Sao? Hạnh phúc không?”. Cô khách hàng trút giận: “Hạnh phúc cái con khỉ! Mệt muốn chết đây này. Lão đó đã lừa tôi!”. Anh chủ khách sạn nhíu mày hỏi lại: “Lừa làm sao?”. Giọng tức tối, cô nói: “Lão ấy bảo đã dành dụm cả mấy chục năm nay không dám xài phung phí. Tôi cứ tưởng là lão ấy nói chuyện tiền!”.


Ghé vào mấy chuyện joke cho vui chứ tuổi vẫn là tuổi. Khi nó tới gõ cửa, ta chẳng cãi cọ chi được. Vậy khi nào được gọi là “già”, cái từ ít người ưa nhưng vẫn phải chấp nhận. Với các cụ ông, già là khi cô bồ non tỉ tê: “Mình à, tụi mình lên lầu tù ti cho thoải mái nhé”. Cụ hổn hển trả lời: “Em chọn một! Anh không thể làm cả hai chuyện một lần được”. Già là khi một ai đó khen cụ có đôi giầy da cá sấu đẹp quá, cụ nhìn xuống chân và thấy mình đang đi chân không! Còn các cụ bà, già là khi không mang xú chiêng thì các vết nhăn trên mặt biến mất hết!

Già quả thật có nhiều cái bất tiện. Chúng ta thường mất thời giờ thở than khi phải sống với những cái bất tiện đó. Nhưng nếu nhìn vào chúng với một con mắt độ lượng, chúng ta có thể cho chúng đi chỗ khác chơi một cách vui vẻ. Nhà văn Nguyễn Đức Lập, thường ký bút danh “Bọ Lập”, nghe già bắt chết. Nhưng thực tế ông chưa có thể mon men tới tuổi già được. Vậy mà ông lại muốn già trước tuổi bằng cách ăn gian. Ông giả già! Ông tưởng tượng đang sống vào năm 2049, khi đó ông đã già đáu, viết cho bạn gái một bức thư tình: “Sắp tới ngày sinh nhật em nhỉ. Thế là em đã tròn tuổi 80. Hôm đó anh sẽ cố gắng điện thoại. Nhưng anh nói trước, nếu em nghe tiếng xào xào tức là anh nói rằng em đấy hả. Khi nghe tiếng thùm thùm tức là anh đang chúc em sinh nhật vui vẻ. Ðến khi nghe tiếng phù phù nhiều lần là anh đang hôn em. Nhớ hồi ấy, anh đưa hai tay lên nhấc bổng em quay mấy vòng giữa trời, em cười rất to. Giờ anh nhìn lại đôi tay mình, hình như tay ai, nhìn rất tội. Hôm qua anh cố nhấc con búp bê bé tý lên cao mà nghe tiếng xương cốt kêu răng rắc, sợ quá nên thôi”. 

Già là già nhưng thái độ nhìn vào cái già của mình như thế nào mới là chuyện cần phải ngôn. Tuổi nào cũng là tuổi. Tuổi già cũng là tuổi chứ bộ. Vậy thì, nếu không tránh được thì nên nghĩ tốt về nó. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, đồng thời là nhà văn, nhà thơ, dưới bút hiệu Đỗ Nghê, là một người như thế. Trong bài “Một Chút Lan Man”, ông viết: “Ngẫm lại sự đời, tôi thấy hình như hầu hết chúng ta chẳng bao giờ thực sống. Lúc còn trẻ, ta mơ ước tương lai, sống cho tương lai. Nghĩ rằng phải đạt cái này cái nọ, có được cái kia cái khác mới là sống. Khi có tuổi, khi đã có được cái này cái nọ, cái kia cái khác thì ta lại sống cho quá khứ! Hừm! Nhỏ mong cho mau lớn, lớn mong cho nhỏ lại. Quả là lý thú! Tóm lại, ta chẳng biết quý những giây phút hiện tại. Một người 60, tiếc mãi tuổi 45 của mình, thì khi 75, họ sẽ tiếc mãi tuổi 60, rồi khi 80, họ sẽ càng tiếc 75! Vậy tại sao ta không nghĩ ta đang ở cái tuổi tuyệt vời nhất của mình, lại không yêu thích nó đi, sao cứ phải…. nguyền rủa, bất mãn với nó. Có phải tội nghiệp nó không? Ta đang ở cái tuổi nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi, không thể có tuổi nào đẹp hơn nữa!…

Khi 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình. Đến 40 thì ai nghĩ gì mặc họ. Đến 60 mới biết chả có ai nghĩ gì về mình cả! Tóm lại, chấp nhận mình là mình và từ bi với mình một chút. Có lẽ như vậy hay hơn cho mình”.
Bạn bè cùng trang lứa với tôi bây giờ là những người cao tuổi cả. Không những cao tuổi, còn cao máu, cao đường và cao mỡ. Người cẩn thận thì kiêng khem, đo đạc hàng ngày. Người ẩu tả thì cao chi thì cao, mặc xác chúng. Ông bạn Trường Kỳ của tôi không thể là người cẩn thận. Ông có đủ bốn cái cao trên nhưng ông nhìn chúng rất thấp. Ông coi chúng như pha. Chẳng kiêng khem, chẳng tập tành, vui đâu chầu đấy. Kệ mẹ chúng! Ông thường phán như vậy. Vậy mà ông vẫn yêu đời, phây phây như chẳng có chi cao thấp. Khi đời không dung ông nữa, ông ra đi cái rụp, bỏ lại tuổi tác cho trần gian. Cuối cùng, ai cũng tới lúc rũ tuổi để tới chốn không tuổi!

Song Thao
12/2018


No comments:

Post a Comment