Chúa Nhật hôm đó có một bà lão đến gặp mình trước giờ Lễ, bà dúi
vào tay mình một phong thư có một ít tiền lẻ trong đó, với một lời gửi gắm:
“Xin cha cầu nguyện cho con gái con, sắp sửa đến ngày sanh đứa cháu ngoại đầu
tiên, xin cho hai mẹ con được mẹ tròn con vuông”. Mình trả lại phong thư cho bà
không dám nhận, mình nói với bà rằng, đây là bổn phận của con mà, bà cầm đi để
về mua thuốc bổ cho con bà ! Nhưng bà nhất quyết không chịu, bà nói: “Cha ơi
con dâng cho Chúa, để giúp những người đói khổ khác chứ đâu có cho cha ! Con muốn
dùng cơ hội này để xin cha cầu nguyện cho con và đứa cháu tương lai của con…”
Thế
là trong Thánh Lễ đó mình đã thật sốt sắng cầu nguyện cho người mẹ trẻ
ấy. Đúng một tuần lễ sau, người mẹ già lại đến gặp mình trước giờ lễ,
lần này trông nét mặt của bà có vẻ lo lắng hơn nhiều, rồi bà cũng dúi
vào tay mình một bì thư, mình vừa nhìn bà vừa hỏi: “Con bà đã sanh chưa
?” Bà trả lời với nét mặt đầy nỗi lo âu: “Thưa cha, xin cha cầu nguyện
cho cháu con, mẹ nó vừa sanh non, và cháu đang yếu lắm…” Mình cầm phong
thư mà lòng ngổn ngang, chẳng lẽ Chúa đã không nhận lời của người mẹ đó ?
Phải chăng Chúa cũng từ chối lời cầu nguyện của mình trong Thánh Lễ ?
Rồi Thánh Lễ hôm đó mình cũng dâng thật là sốt sắng, xin Chúa cho đứa
trẻ được khoẻ mạnh và bình yên…
Chúa
Nhật kế tiếp lại đến, mình đã trông ngóng để gặp người giáo dân ấy, hy
vọng biết thêm thông tin về sức khoẻ của cháu bà ta, và rồi cũng đúng
sát giờ Lễ bà xuất hiện, không đợi bà lên tiếng mình vồn vã hỏi thăm:
“Bà ơi, cháu bà sao rồi ?” Với hai hàng nước mắt lăn dài, bà rút trong
bóp ra một bì thư khác: “Xin cha cầu nguyện cho linh hồn cháu con, tên
Thánh là…”. Mình khựng lại, tự nhiên mình cảm thấy mọi thứ xung quanh
trở nên tối tăm bất thường. Mình dúi phong thư trở lại tay bà: “Thôi bà
cầm đi, con sẽ cầu nguyện cho cháu của bà !”, mình nói với tâm trạng vừa
buồn, vừa trống vắng vừa chao đảo trước một hoàn cảnh mà mình không bao
giờ nghĩ mình sẽ đối diện…
Bà
lão đã liên tiếp cầu xin Chúa, và bà có xin gì cho riêng mình đâu, chỉ
là cho đứa cháu và con gái mình… Một lời cầu xin quá đỗi bình thường,
quá chân thành, và xứng đáng, vậy mà đã không được nhậm lời, nhưng nếu
bà không có gì sai trong lời cầu xin này, chẳng lẽ là mình đã có gì sai ?
Chẳng lẽ mình không xứng đáng trước mặt Chúa ? Nhưng bà lão cũng nhất
định bắt mình nhận phong thư đó với lời nói quả quyết: “Cháu con mất
rồi, cha coi đây là món quà con thay cháu gửi đến những đứa trẻ mất mẹ
nha cha…”
Và
mình đã dâng Thánh Lễ ngày hôm ấy, đó là Thánh Lễ buồn nhất của mình,
mình cảm thấy bất lực trước Chúa, xấu hổ trước bà lão vì mình không thể
giúp bà được gì, ngay cả lời cầu xin đơn sơ… Mình cảm thấy mình giống
như một Linh Mục kém cỏi nhất của thế gian này, rồi trong kinh nguyện
của ngày hôm đó mình có phần oán trách Chúa: “Chúa ơi, tại sao lại là
con ? Tại sao… tại sao Chúa đã im lặng ?…
Buổi
tối hôm đó, mình cầm theo chiếc phong bì của bà lão và tất cả số tiền
xin lễ mình nhận được, lang thang vào trong bệnh viện như một người mất
hồn, gặp chị Nữ Tu điều dưỡng mà mình vẫn thường cộng tác với chị, gửi
tất cả những gì mình đang có trong tay cho chị: “Có người nhờ em gửi cho
chị, để chuyển cho những ai đang cần chị nhé”. Rồi mình lầm lũi ra về
như một tên trộm…
Thế
đó, sáng ngày hôm sau, mình nhận được tin của chị Nữ Tu trực đêm trong
bệnh viện: “Thưa cha, con nhờ cha chuyển lời cám ơn cho vị ân nhân nào
đó, nhờ số tiền hôm qua mà đã con giúp được cho một em bệnh nhân người
dân tộc cần truyền máu và nằm viện có tiền chi trả viện phí và còn mua
được hai hộp cơm cho hai mẹ con họ nữa…”
Mình
mừng quá, hy vọng tuần lễ sau có dịp gặp bà lão ấy để cảm ơn và dùng
tin này để an ủi bà, thế nhưng mình không còn thấy bà đi lễ nữa, suốt
hơn một năm trời sau đó, Thánh Lễ nào mình cũng cầu xin Chúa gìn giữ Đức
Tin của gia đình bà…
Phải
chăng có người cầu nguyện Chúa trả lời, có người không ? Theo mình thì
không phải vậy, Chúa sẽ luôn luôn đáp trả lời cầu nguyện của chúng ta !
Nhưng liệu chúng ta có nhìn ra điều đó hay không?
Còn
nhớ hình ảnh bà goá cầu nguyện đòi công bằng trước một ông quan toà vô
tâm trong Phúc Âm theo Thánh Luca, và rồi ông quan toà cũng phải đáp lại
đòi hỏi của bà ta ! Ngày xưa mình từng nghĩ rằng Chúa muốn dùng cách
làm của bà goá để ám chỉ việc phải cầu nguyện để Chúa nghe nhiều quá,
phát mệt mà đáp lời như vị quan toà kia !
Nhưng
thật ra Chúa không hề dùng ông quan toà vô tâm để mô tả cho hình ảnh
của Chúa, cho bằng việc Chúa muốn dùng ví dụ bà goá ấy đã cầu nguyện
không ngừng với Chúa khi bà đi đòi lại công bằng cho mình… Việc đòi lại
công bằng là đối với quan toà, việc cầu nguyện là đối với Chúa, chính
cầu nguyện đã làm cho bà có đủ can đảm và kiên nhẫn để đi đến cùng, để
rồi từ một người không có tiếng nói trước công chúng và quan toà (đồng
nghĩa với thân phận một goá phụ thời xưa), bà đã dùng tiếng nói trong
kinh nguyện của bà để làm thay đổi lòng dạ vô tâm của ông quan toà ấy…
và đem lại lẽ công bằng cho bà.
Cầu
nguyện liên lỉ mở lòng chúng ta ra với Chúa, chúng ta không còn là một
khối tách biệt với Chúa nhưng được thông phần, được kết hiệp trái tim
mình với trái tim Chúa, đến một mức độ mà đời sống chúng ta được nuôi
dưỡng bởi sức mạnh và lòng thương xót của Chúa, và từ đó dần dần chúng
ta trở nên giống Chúa trong cảm thức và trong hành động của mình, đến
mức độ mà mình có thể hy sinh và yêu thương như Chúa yêu thương.
Chúa
Giêsu đã từng cầu nguyện với Chúa Cha trong vườn Cây Dầu, không phải
qua đó để thay đổi ý Chúa Cha, không phải để làm cho quân lính gục ngã
trước chân Ngài, nhưng qua cầu nguyện Ngài đi đến cùng trên con đường mà
Chúa Cha đã đã muốn Ngài đi qua… Các môn đệ lúc bấy giờ, đã không cầu
nguyện liên lỉ và do đó, họ thay vì đi theo Chúa, đã bỏ Chúa, và trốn
Chúa, và chối Chúa…
Rồi
đến ngày mình phải chia tay cộng đoàn của giáo xứ đó để chuyển công tác
khác, sau Thánh Lễ hôm đó có nhiều giáo dân đến chào chia tay mình, có
một người phụ nữ trẻ đến trao cho mình phong thư để xin Lễ, rồi vì quá
đông người mình không kịp nói gì hơn ngoài lời chào và cám ơn cô ấy.
Trên
đường đi xa, mình tình cờ phát hiện phong thư ấy vẫn còn nguyên trong
một ngăn cặp, mở ra thì thấy dòng chữ quen thuộc nguệch ngoạc của bà lão
năm nào: “Thưa cha, chân con không khoẻ, nên con nhờ con gái con đến
gặp cha để xin hai Thánh Lễ tạ ơn, con xin một Lễ tạ ơn cho con gái con
đã quay lại với Chúa, sau nhiều năm nó bỏ Chúa, chắc cũng nhờ cú shock
bị mất con, nó mới biết mình cần Chúa. Con xin một lễ nữa cho cháu con
cũng vừa mới chào đời cách đây hai tháng nhờ hồng ân Chúa, cuối cùng nó
cũng sinh được mẹ tròn con vuông… Con chúc cha đi bình an”.
Đến
lúc này, nước mắt trên má lăn dài, mình phát hiện ra rằng chính lời cầu
nguyện của bà lão, đã thay đổi chính mình, làm cho mình biết khiêm tốn
hơn và biết trông đợi vào Chúa, biết lắng nghe Chúa theo cách của Ngài…
Và mình tin rằng cầu nguyện không phải là để thay đổi Chúa, mà là để
thay đổi chính mình, để mình có thể nghe được Chúa, nhận biết Chúa và
trở nên một với trái tim yêu thương của Ngài. Amen.
Lm. JOHN TOẠI
Wonderful story
ReplyDeleteCam on Cha da chia se mot cau chuyen rat hay, that cam dong, va dang de suy gam. Con xin loi vi khong co dau tieng Viet nen co the kho doc.
ReplyDeleteCâu chuyện quá đỗi tuyệt vời ...
ReplyDeleteTôi từng trong tâm trạng đột ngột mất con , đau đớn vô cùng . Lúc ấy , tôi than trách Chúa đã không thương xót nhậm lời . Tôi chỉ muốn rời xa . Nhưng càng lúc càng trong tuyệt vọng /
Chỉ đến khi tôi hiểu ra lời cầu xin đó đã làm chính tôi thay đổi , biết sống gần hơn với Chúa , qua việc liên lỉ nguyện cầu , không chỉ cho mình , mà cho tất cả những ai khổ đau . Nhờ thế , tôi không còn cô đơn mà cảm nhận thật rõ ràng sự hiệp thông tuyệt diệu .
Tôi đã biết khiêm tốn hơn trong lời cầu nguyện , biết trông đợi Chúa , biết lắng nghe Chúa theo cách của Ngài . Quả thật , tâm hồn tôi được hạnh phúc à bình an