Mâm cơm bà bếp NPN
Đôi vợ chồng trẻ
vừa được bố mẹ cho ra riêng. Sáng hôm ấy, sau khi thổi cơm và nấu món xong, chị
vợ bèn ra thửa vườn phía sau nhà và lên tiếng gọi :
– Ai ơi, về ăn cơm.
Anh chồng dừng
tay, ngước mắt lên tình tứ :
– Ai gọi ai đấy ?
Chị vợ trả lời
ngọt như mía lùi :
– Ai gọi ai chứ ai nữa.
Anh chồng hỏi tiếp
:
– Cơm ai nấu ngon lắm hử ?
Chị vợ chu miệng
một cách rất duyên dáng và trả lời :
– Ai nấu làm sao ngon bằng ai được.
Từ mẫu đối thoại
ngắn ngủi, nhưng cũng rất dễ thương và ý vị kể trên, gã xin “bàn ra tán vào”
một chút về cách xưng hô của những người đang yêu. Thực vậy, thuở ban đầu, nếu
chỉ một mình Adong sống trong vườn địa đàng, thì mọi sự thật đơn giản và trong
sáng, chẳng có chi là nhiêu khê và rắc rối. Lúc bấy giờ, đối với Adong, chỉ có
“cái tôi” hay “cái ta” là cùng :
Đi ra, chỉ một mình tôi,
Đi vào, ta cũng mà thôi một mình.
Đi vào, ta cũng mà thôi một mình.
Thế nhưng, Thượng
Đế lại ngậm ngùi và động lòng thương xót trước cảnh tượng cô đơn vò võ của
Adong, nên chờ lúc ông ngủ say, đã lấy một chiếc xương sườn của ông mà dựng nên
Eva. Sau đó, Ngài dẫn Eva tới giới thiệu cùng Adong. Nhìn thấy Eva, đôi mắt
Adong đã rực sáng lên. Và cũng từ “phút đầu gặp nhau, tinh tú quay cuồng” ấy,
mọi sự bỗng trở nên khác. Adong không còn nói với chính mình nữa, những nói là
nói với người khác, nói cho người khác. Và cũng từ đó, vấn đề xưng hô được nảy
sinh.
Người nước ngoài thường nhận xét : Dân Việt nói cứ như y hát và tiếng Việt là một trong những thứ tiếng khó học nhất. Có những cha Thừa Sai học tiếng Việt suốt năm, sáu năm mà vẫn không dám đứng giảng trước công chúng, vì sợ phát âm sai, làm hỏng cả bài giảng.
Chuyện rằng : Một cha dòng Tên nọ đang giảng cho giáo dân trong Thánh Lễ sáng Chúa Nhật, bỗng thấy mọi người phì cười. Ngài bèn dừng lại và nói :
– Ai muốn cưới, thì ra ngoài sân mà cưới.
Cả nhà thờ lại
cười ồ, cho dù tiếng cười hơi bị vô duyên và không mấy lịch sự, bởi vì ngài chỉ
muốn bảo rằng : “Ai muốn cười, thì ra
ngoài sân mà cười”.
Đặc biệt trong phạm vi xưng hô. Người nước ngoài khó mà nắm bắt được nét tinh tế trong cách xưng hô của dân Việt ta. Thực vậy, Đối với tiếng Anh, tiếng Pháp, khi nói chuyện, người ta chỉ dùng “I-You”, “Je-Tu”, bất kể là nam hay nữ, già hay trẻ, lớn hay bé và cũng bất kể tâm tình hỉ, nộ, ái, ố của hai người lúc bấy giờ. Đúng thế, khi chuyện trò, thì ông Tổng Thống cũng tự xưng là “I”, là “Je” và gọi người khác là “You”, là “Tu”. Trong khi đó, anh lính quèn cũng tự xưng là “I”, là “Je” và gọi người khác là “You”, là “Tu”. (Với tiếng Pháp, chữ “Vous” thay thế cho chữ “Tu” trong một số trường hợp).
Tiếng Việt ta thì không như vậy. Khi nói chuyện, một người có thể đóng nhiều vai trò khác nhau. Chẳng hạn một chị đàn bà : Với ông bà nội, chị xưng là “cháu”; với ba má, chị xưng là “con”; với chồng, chị xưng là “em” và với mấy đứa con, chị xưng là “mẹ”. Nhưng rốt cuộc, chị vẫn là chị, vẫn chỉ là một con người mà thôi.
Đã vậy, người Việt
ta lại có thói quen thích đóng các vai giả. Chẳng hạn, một anh đàn ông 50 tuổi
có thể gọi một anh đàn ông khác chừng 30 tuổi là “bác” và xưng là “cháu”. Sở dĩ
như vậy vì người ấy đang nhập vai đứa con của mình để gọi người khách. Trong
quan hệ vợ chồng, người ta cũng hay nhập vai con để gọi người phối ngẫu. Vợ sẽ
không gọi chồng là “anh” mà là “bố thằng cu”, “bố nó”, hay ngắn gọn hơn chỉ là
“bố”. Và ngược lại, chồng sẽ không gọi vợ “em”, mà là “mẹ thằng cu”, “mẹ nó”
hay ngắn gọn hơn chỉ là “mẹ” theo kiểu :
– Bố ơi, chiều nay bố có đi chợ không ?
– Có. Mẹ cần gì không ?
– Ờ, bố mua cho mẹ chục xoài nghe.
– Xoài gì mà xoài. Mới ăn tuần trước đó
thôi. Xoài nóng, ăn nhiều đâu có béo bở gì.
– Nóng với chả niếc. Bố sao nhiều chuyện
thế. Mùa này xoài đang rẻ, cứ cho con ăn đã. Hết mùa thì chúng lại nhịn.
– Mẹ mày cứ hay chìu con.
Cách xưng hô của người Việt
– Cháu tuyên án bác 30 năm tù khổ sai vì tội
giết người.
– Anh phạt em 2 năm tù ở vì tội ăn cắp.
Như vậy, cách xưng
hô trong đời thường đã khá phức tạp và phong phú, huống chi trong tình yêu,
cách xưng hô lại càng phức tạp và phong phú hơn nhiều.
Khi bắt đầu quan tâm đến nhau
Cậu con trai và cô
con gái học cùng một trường, đi cùng một lối, hay ở cùng một xóm, hằng ngày gặp
gỡ và trò chuyện, họ có thể gọi nhau bằng “tớ” với “cậu”, “mình” với “bạn”,
“đằng ấy” với “đằng này”. Nhưng khi bắt đầu quan tâm đến nhau, họ liền thay đổi
cách xưng hô, đễ mỗi ngày một gần gũi và thân mật hơn.
Trước hết, cô con gái có thể gọi cậu con trai bằng “ông” và xưng mình là “tôi”. Chữ “ông” ở đây không phải là đã quá già, mà tôi với ông, chúng ta có một tư thế tương xứng để đối thoại, vì chúng ta là những người lớn với nhau. Ít ra cậu con trai phải ý thức mình “lớn” trước cô con gái đối diện. Nhưng không vì thế mà ông lại “ngây thơ cụ” gọi cô con gái bằng “bà” và xưng là “tôi”, bởi vì đối với một cô con gái chưa chồng mà bị kêu bằng bà, thì đó quả là một xúc phạm. Bộ người ta già lắm rồi sao? Sự già của đờn bà con gái là một “thảm trạng”, là một tai nạn. Người ta cố tránh để thấy rằng mình vẫn còn trẻ, còn đẹp, còn xinh và còn duyên.
Tuy nhiên, cậu con trai cũng có thể gọi cô con gái bằng “cô” và xưng mình là “tôi”. Tiếng “cô” ở đây có nghĩa là cô gái, cô nàng với âm vang còn trẻ, còn tự do, còn ở một mình, chưa lâm vào số kiếp “gái có chồng như gông đeo cổ”. Ở một mình nhưng không buồn tẻ và cô đơn, bởi vì đây là thời gian tích luỹ biết bao nhiêu hy vọng, đây là thời gian chờ đợi nao nức, pha lẫn chút bâng khuâng và lãng mạn :
Phất phơ trước gió, biết vào tay ai.
Tiếp đến, cô con
gái có thể gọi cậu con trai bằng “anh” và xưng mình là “tôi”. Xem ra cậu con
trai không thích được gọi bằng “ông”, bởi vì “đằng này tuy phận mày râu, nhưng
râu chưa đến nỗi dài để đáng được gọi bằng ông”. Vả lại kêu bằng ông, nó có vẻ
kiểu cách làm sao ấy. Thôi thì đành phải hạ xuống một bậc, gọi là anh nhé. Cô
con gái gọi cậu con trai bằng “anh” và xưng mình là “tôi”.
Nhưng chữ “tôi” xem ra vẫn còn xa lạ, vậy ta nên thay thế bằng cái tên của cô con gái, để được đằm thắm hơn. Thí dụ tên của cô con gái là Thanh. Lúc bấy giờ cô con gái gọi cậu con trai bằng “anh” và xưng mình là “Thanh”. Cách xưng hô này như muốn xác định: “Anh” là phận nam, còn “Thanh” là phận nữ. Cậu con trai phải nhận ra sự dịu dàng và êm đềm của lối xưng danh này. Tình cảm bắt đầu như hừng đông ló dạng. Cũng trong giai đoạn này, cậu con trai có thể gọi cô con gái bằng “Thanh” và xưng mình là “tôi”. Cậu con trai nhủ thầm: Mình gọi nàng là Thanh, thay vì gọi là cô, bởi vì chữ cô nó cứng nhắc sao ấy, còn mình thì vẫn xưng là tôi. Nếu tình cảm giữa Thanh và tôi chẳng đi đến đâu, thì tôi vẫn còn một lối thoát. Chứ nếu vội xưng mình là “anh”, hẳn sẽ bị chọc quê: Đúng là cái anh chàng ngớ ngẩn, chư gì mà đã ham.
Khi tình cảm tiến thêm được một bước nữa, người ta có thể gọi tên của nhau. Thí dụ: “Dũng-Thanh”. Cậu con trai bỏ đi tiếng “tôi” khô khan trước kia và thay bằng tên của mình. Bỏ “tôi” để xưng là “Dũng”, thì đã vượt qua được một chặng đường. Từ đây, Dũng là Dũng đối với Thanh và Thanh là Thanh đối với Dũng. Tuy nhiên cũng vẫn còn phải chờ đợi, bởi vì tình yêu cần kiên nhẫn và cân nhắc, chứ không thể đốt giai đoạn được.
Sau cùng, cô con gái gọi anh con trai là “anh” và xưng mình bằng tên, chẳng hạn như Thanh. Còn cậu con trai cũng gọi chị con gái bằng tên, chẳng hạn như “Thanh” và xưng mình là “anh”. Anh-Thanh, cách xưng hô này nói lên sự tin tưởng và chấp nhận lẫn nhau, mang một âm hưởng thật trìu mến, vì thế nó thường được sử dụng trong chốn riêng tư hay trong vòng thân mật mà thôi.
Khi đã bước vào tình yêu
Ngày xưa, người ta
thường quan niệm: Nam
nữ thọ thọ bất thân và trong phạm vi hôn nhân, thì cha mẹ đặt đâu con phải ngồi
đó. Vì thế, nhiều đôi mãi tới khi thành vợ thành chồng, mới biết mặt nhau và do
đó không tránh khỏi những lúng túng khi phải xưng hô với nhau trong những ngày
đầu. Khi nói chuyện, hai người nhiều lúc chỉ biết ấp úng, ngập ngừng và yên
lặng, như mẩu đối thoại dưới đây.
Chị vợ nói với anh
chồng :
– Má biểu… đem cho… cái nầy nè.
Anh chồng hỏi lại :
– Má biểu ai đem cho ai vậy ?
Chị vợ nhìn xuống,
đỏ mặt và thinh lặng. Phải dạn dĩ lắm, chị vợ mới đáp lại :
– Ai đây chứ còn ai nữa.
Khi tình yêu đã chín và nhất là khi đã trở thành vợ chồng, người ta thường xưng hô với nhau bằng cặp từ “Anh-Em”. Thực vậy, khi cậu con trai và cô con gái đã cân nhắc và chọn lựa, để ăn ở đời kiếp với nhau, thì hai chữ “Anh-Em” sẽ là một lời giao ước, kết nối chân tình một cách ngọt ngào và tình tứ nhất. Từ nay, anh phải là anh của em và em cũng phải là em của anh với một sắc thái thật đặc biệt, không giống như em gái hay anh trai trong gia đình.
Như trên gã đã trình bày: Sau khi Thượng Đế giới thiệu Eva cho Adong, thì mắt ông đã rực sáng và miệng ông đã vui mừng hớn hở mà kêu lên rằng :
– Này đây xương bởi xương tôi, và thịt bởi
thịt tôi.
Nếu như Adong lúc
bấy giờ sử dụng tiếng Việt, hẳn ông đã kêu lên:
– Mình ơi !
Hai chữ “mình ơi”
sao mà khắng khít, đậm đà yêu thương đến thế. Trong tiếng Việt, chữ “mình” vừa
là anh, vừa là em, vừa là chúng ta và cũng vừa là thân thể. Kể từ nay, mỗi
người trở nên một phần thân mình của nhau, anh đã là mình của em và em cũng đã
là mình của anh trong cương vị vợ chồng yêu thương cho nhau hạnh phúc và kết
quả trải dài qua con cái :
Mình với ta tuy hai mà một,Ta với mình tuy một mà hai.
Hạnh phúc từ trong
nhà tràn ra ngoài ngõ, lan tới hàng xóm láng giềng, khiến anh chồng, chị vợ
luôn hãnh diện và giới thiệu về nhau cho bàn dân thiên hạ bằng hai chữ “Nhà
Tôi”. Nhà là nơi có mái để che mưa, che gió, che nắng; là nơi để người ta đi,
dù chỉ một buổi làm, cũng ngong ngóng trở về. Lấy mái ấm mà đôi vợ chồng hạnh
phúc sống bên nhau, để chỉ người phối ngẫu, quả là một kiểu nói thật độc đáo
của người Việt ta. Trong tiếng Pháp “ma maison”, nhà tôi, dù có thân thiết lắm,
cũng chỉ là một căn hộ bằng bê tông cốt thép là cùng.
Xã hội Việt Nam ngày xưa
lấy nghề nông làm gốc :
Nhất sĩ nhì nông,
Hết gạo chạy rông,
Nhất nông nhì sĩ.
Nhất nông nhì sĩ.
Làm nghề nông, công việc vất vả nên cần phải có nhiều người để cùng chia sẻ. Vì vậy, người Việt ta thường cầu chúc cho nhau: Đa tử, đa tôn, đa phú quí. Cha mẹ vui vầy bên lũ cháu đàn con và ai cũng cảm thấy sung sướng trong cảnh gia đình đông đúc. Khi đứa con đầu lòng mở mắt chào đời, đưa hạnh phúc gia đình tới tình trạng sung mãn, thì anh chồng cũng như chị vợ thường dùng tên con để gọi nhau, chẳng hạn như : Má thằng Mít, ba con Xoài… Gọi tên con như vậy là để nhắc nhở cho nhau trách nhiệm gia đình trong liên hệ đầm ấm vợ chồng con cái.
Khi con cái đùm đề, thì tên đứa con đầu lòng nhường chỗ cho kiểu nói gộp lại, chẳng hạn như: Ba bầy trẻ, má xấp nhỏ… cho hợp lý và vừa lòng con cái, đồng thời nhấn mạnh đến gia thế đồ sộ và trách nhiệm tăng lên. Từ cha mẹ cho đến con cái, mỗi người một công việc, mỗi người một bổn phận. Thật là hạnh phúc cho gia đình nào trong đó mọi người yêu thương đùm bọc và nâng đỡ lẫn nhau.
Khi tức giận
Kinh nghiệm cho
thấy: Chúng ta không thể nào sống cô độc lẻ loi như một hòn đảo giữa biển khơi,
hay như một pháo đài biệt lập. Trái lại, chúng ta sống là sống với người khác,
nhất là với những người thân yêu trong gia đình. Thế nhưng, trong cuộc sống
chung này, chúng ta không thễ nào tránh đi cho hết những va chạm, bực bội và
tức tối. Đối với người Việt ta, việc xưng hô còn tuỳ thuộc vào tâm trạng. Những
khi cơm lành canh ngọt, thì lời lẽ cũng ngọt ngào theo. Còn những lúc gia đình
lâm vào cảnh xào xáo, người ta sẵn sàng văng ra những ngôn từ thật khó nghe:
Nào là “Cô-Tôi”, nào là “Ông-Tôi”, nào là “Mày-Tao”, nào là Thằng trời đánh,
nào là Con mẹ kia…Sau đây là một vài tình huống mà gã đã lượm lặt được.
Tình huống thứ nhất: Trong một cuộc tranh cãi, anh chồng bỗng chuyển sang giọng gay gắt, buông lời đụng chạm tới bố mẹ vợ. Cảm thấy bị xúc phạm, chị vợ không khóc như mọi lần, nhưng đanh mặt lại, nhìn anh chồng và thách thức :
– Anh vừa nói gì ? Anh nói lại tôi nghe xem
nào !
Lúc này anh chồng cũng đã bốc hoả lên đầu, xưng ngay “tôi-cô” và cuộc cãi vã kết thúc bằng việc anh chồng phóng xe ra đường, còn chị vợ thì ôm mặt khóc. Chưa hết, chiến tranh lạnh còn kéo dài suốt cả tuần lễ sau đó. Hai chữ “cô-tôi” sao mà lạnh lẽo và xa cách đến thế. Hai người coi nhau như kẻ thù và sẵn sàng ở vào cái thế đối đầu với nhau.
Tình huống thứ hai: Anh chồng bình thường rất chiều chuộng chị vợ, toàn gọi chị vợ bằng những cái tên thật trìu mến như: “Vợ yêu”… Nhưng đó là chuyện của năm đầu tiên chung sống. Còn sau đó, mỗi lần điên lên vì ghen, nhất là khi đã có tí men trong người, anh chồng sẵn sàng tuôn ra những tràng: “Mày-tao”, “Con kia”…Ban đầu chị vợ cả thấy rất sốc, nhưng sau đó cũng chuyển sang xưng “mày tao” với anh chồng.
Theo các chuyên gia tâm lý : Cho dù cãi nhau vì bất cứ lý do gì, ai đúng ai sai, vợ chồng tuyệt đối không bao giờ được xưng hô “mày-tao” với nhau. Điều này làm cho cả hai cảm thấy mình không được tôn trong, yêu thương và càng đẩy mâu thuẫn lên cao hơn.
Trong đời sống vợ chồng, cãi cọ cũng cần có nghệ thuật, bởi vì nếu biết cách, nhiều khi tranh cãi xong, vợ chồng thay vì nhìn nhau bằng cặp mắt hình viên đạn, thì lại hiểu nhau hơn, đồng thời giải quyết được những khó khăn và cùng nhau rút tỉa được những kinh nghiệm cho cuộc sống chung.
Theo lời một chị vợ kể lại: Hồi mới cưới, có lần vợ chồng bực nhau, chị vợ không chịu nổi, đã lớn tiếng xưng “tôi” với anh chồng. Lúc đó, anh chồng nghiêm nét mặt vào bảo :
– Em đừng xưng hô như thế với anh, nghe
chướng lắm. Nếu anh cũng nói vậy, em có buồn không ?
Lúc ấy, chị vợ cảm
thấy ngượng, nhưng vẫn còn chống chế :
– Nếu không xưng hô như thế, thì làm sao cãi
nhau được.
Anh chồng bèn ôn
tồn :
– Thế thì thôi, chúng mình đừng cãi nhau
nữa.
Sau lần ấy, chị vợ cảm thấy yêu và phục anh chồng. Từ đó, chị vợ không còn xưng hô như thế mỗi lần bực tức nữa.
Tóm lại, khi mâu
thuẫn với nhau, vợ chồng cần phải biết kiềm chế “cái tôi” của mình, lắng nghe
“nửa kia” và diễn đạt ý nghĩ của mình một cách tế nhị, đồng thời phải biết tôn
trọng lẫn nhau trong cách xưng hô. Như vậy, mới tránh đi được những sứt mẻ và
đổ vỡ.
(Dựa theo một số tài liệu trên Internet)
No comments:
Post a Comment