Pages

Saturday, August 8, 2020

Ho Do Dị Ứng - BS. Nguyễn Trần Hoàng

Phấn hoa là nguyên nhân thường gặp nhất của ho do dị ứng. (Hình minh họa: Philippe Huguen/AFP via Getty Images)

Hỏi:
Năm nào đến khoảng mùa này tôi cũng bị ho, sổ mũi, ngứa họng, ngứa mắt. Thường thường, bác sĩ của tôi chẩn đoán là do dị ứng, nhưng có lúc lại nói là cảm. Năm nay, lại thêm dịch Cô Vi, làm sao để biết là mình ho do nguyên nhân nào?  Dị ứng, cảm, Cô Vi 19, viêm họng, hay cúm? 

Có người nói là hen suyễn, bệnh bao tử, bệnh tim, ung thư phổi, và một số thuốc cao máu cũng gây ra ho.  Làm sao để biết là tại sao mình ho?  Phải chữa như thế nào?  Khi nào phải đi bác sĩ?

Đáp:

Nếu bệnh chỉ xảy ra vào một mùa, hết mùa bệnh lại đi, với các triệu chứng như ách xì (hắt hơi), sổ mũi, nghẹt mũi, có khi kèm theo mề đay, ngứa ngáy, ho khan, không có sốt, khó thở và đàm, thì có vẻ đó là một một bệnh rất thường gặp, xảy ra theo mùa, gọi là dị ứng mùa. (Nếu kèm theo khò khè, khó thở ra, thì có thể là dị ứng mùa đi kèm với suyển, vì các bệnh này có họ hàng với nhau.)

Dị ứng theo mùa (seasonal allergies), có người còn không may hơn, bị dị ứng quanh năm suốt tháng (perennial allergies), là các bệnh rất thường gặp. Phấn hoa là nguyên nhân thường gặp nhất của các loại dị ứng này. Có những loại hoa chỉ mọc vào một mùa nào đó, và nếu ta dị ứng với chúng, thì khi nào đến mùa của chúng, ta lại sẽ… khốn khổ.

Những cách sau đây có thể giúp giảm bớt các tác động khó chịu của các loại phấn hoa gây ra dị ứng:
Điều đơn giản nhất là tránh chúng. Mà muốn tránh thì phải biết chúng là gì và hôm nào chúng xuất hiện nhiều hay ít. Điều này có thể thực hiện bằng cách theo dõi các chương trình dự báo thời tiết.

Các chương trình dự báo thời tiết hàng ngày trên báo, radio và TV địa phương, thường dự báo số lượng các loại phấn hoa (pollen counts) trong ngày. Bằng cách theo dõi các chương trình này thường xuyên, ghi chú, để ý xem ngày nào có loại phấn hoa nào nhiều và mức độ trầm trọng của các triệu chứng của mình, ta từ từ có thể suy ra được mình bị dị ứng nhiều với các loại phấn hoa nào. Mặc dù các triệu chứng vẫn có thể xảy ra ngay cả khi số lượng phấn hoa thấp, thường thì trong những ngày mà số lượng phấn hoa (mà ta bị dị ứng với) thấp, triệu chứng có nhiều khả năng sẽ ít nặng hơn.

Nên có sẵn một số thuốc chống dị ứng mua không cần toa và có tác dụng ngay lập tức. (Hình minh họa: Scott Olson/Getty Images)
  • Những ngày mưa hay trời âm u, phấn hoa thường thấp hơn. Phấn hoa thường nhiều hơn trong những ngày nắng gió
  • Phấn hoa thường bay trong không khí nhiều nhất vào buổi sáng. Nói chung, những người bị dị ứng với phấn hoa nên ở tránh ra ngoài trước mười giờ sáng vào những mùa có nhiều phấn hoa. Ở trong nhà và đóng kín cửa lại. Nếu cần ra ngoài, nên lên kiếng và mở máy lạnh, chuyển luồng không khí để không cho không khí bên ngoài lùa vào.
  • Nên tắm rửa và gội đầu trước khi đi ngủ để giũ sạch hết tất cả bụi phấn đã tích tụ trên người trong ngày hôm đó.
  • Vào những mùa phấn hoa, tuyệt đối không nên phơi quần áo ngoài trời
  • Vào những mùa này, nên để người khác làm những việc ngoài trời như làm vườn, cắt cỏ. Nếu muốn làm những việc này, cần phải đeo các khẩu trang chống phấn hoa (pollen mask) và uống các thuốc antihistamines như Allegra, Zyrtec ba mươi phút đến một tiếng đồng hồ trước khi ra ngoài. Nếu làm việc, nhất là với máy móc, nên tránh các loại có thể gây buồn ngủ như Benadryl. Mỗi loại thuốc thường đều có ghi chú là có gây buồn ngủ hay không.
  • Nếu để ý, ta sẽ có thể biết loại cây cỏ nào ít gây dị ứng cho mình hơn, để chỉ chơi với các “bạn hiền” này mà thôi.
  • Nhớ đóng kín cửa trong các mùa này, ngay cả khi ngủ.
  • Nên thường xuyên (nhờ người khác) lau chùi bụi bặm trên bàn, ghế, kệ, tủ… trong nhà.
Ngoài ra, nên luôn sẵn sàng ngay từ khi các triệu chứng dị ứng bắt đầu xảy ra:
  • Nên có sẵn một số thuốc chống dị ứng mua không cần toa và có tác dụng ngay lập tức như diphenhydramine (Benadryl), clemastine (Tavist) và chlorpheniramine (Chlor-Trimeton). Trong số này, Chlorpheniramine là thuốc có tác dụng ngắn nhất và tương đối ít gây buồn ngủ hơn.
  • Các thuốc làm khô mũi như pseudoephedrine (Sudafed) có thể giúp giảm bớt các triệu chứng chảy mũi rất khó chịu rất nhanh. Tuy nhiên, những người cao huyết áp cần cẩn thận vì thuốc này có thể làm tăng huyết áp.
  • Nếu dùng các thuốc chống dị ứng không gây buồn ngủ (như Claritin, Allegra…), các thuốc corticosteroid hít vào mũi (như Flonase, Rhinocort, Beconase AQ…), trong mùa này, nên dùng thường xuyên chứ không phải đợi có triệu chứng rồi mới dùng, vì các thuốc này cần nhiều thời gian hơn trước khi bắt đầu có tác dụng.
  • Nếu bị ngứa và đỏ mắt, một số thuốc không cần toa như Naphcon-A, Opcon-A có thể giúp ích. Tuy nhiên, các thuốc này cũng có thể nguy hiểm ở những người bị cao huyết áp, glaucoma, cường giáp…
Tóm lại, tốt nhất là nên tìm xem mình bị dị ứng với cái gì và tránh tiếp xúc với chúng. Khi đã có triệu chứng, một số thuốc mua không cần toa có thể rất hiệu quả. Tuy nhiên, nếu đã có một bệnh gì khác ngoài bệnh dị ứng này, hoặc ở người lớn tuổi, hoặc nếu thấy bệnh tương đối nặng, nên gặp bác sĩ được được trị một cách thích hợp, tránh các tác dụng phụ và các tương tác thuốc có hại.
Trụ sinh hoàn toàn không giúp ích gì để chữa dị ứng mùa, nếu bệnh nhân không bị nhiễm trùng kèm theo.
Ho hen, nghẹt mũi, sổ mũi cũng có thể là triệu chứng của cảm hay cúm, nhưng mỗi bệnh có những điểm hơi khác nhau (sẽ trình bày tương đối kỹ hơn trong các kỳ sau).
Cũng có khi, cùng lúc mình có thể bị ho do dị ứng, rồi lại bị cảm, cúm hoặc viêm họng do vi trùng thêm vào. Khi đó phải chữa cùng lúc hai (hay nhiều) bệnh.
Nếu ho lâu, hoặc ho nặng, khó thở, sốt cao, kiệt sức, ho ra máu, hoặc ho hoài mà uống thuốc không cần toa một hai tuần vẫn không hết, thì nên đi bác sĩ sớm để có chẩn đoán chính xác và điều trị thích hợp.

Thân mến
(714) 531-7930
nguoi-viet.com

No comments:

Post a Comment