Pages

Monday, August 17, 2020

Người Việt Khôn Vặt Chứ Không Thông Minh (Tạp Chí Đáng Nhớ)


Theo tôi, tính cách chủ đạo của người Việt Nam chúng ta là khôn vặt, khôn ranh và khôn lỏi, chứ không phải là thông minh. Khi nói điều này, tôi chắc rằng nhiều bạn sẽ tức giận và chuẩn bị chửi bới. Nhưng hãy bình tĩnh và nghe tôi giải thích sau đây.

Đúng là có người này và có người kia nên chúng ta không thể nói chung chung vậy. Và tôi cá rằng bạn sẽ nói điều tương tự nên sẽ cho rằng nhận xét của tôi về người Việt Nam là phiến diện và vô căn cứ. Đúng, ở đâu cũng có người này người kia. Chúng ta luôn có những người tài giỏi. Sẽ luôn có những cá nhân tiêu biểu, tài giỏi và thông minh. Nhưng cái tôi muốn nói ở đây là cái tính cách chủ đạo, nghĩa là cái văn hóa, cái dân tộc tính, cái tư duy chung của người Việt Nam. Và cái tính cách chủ đạo đó của dân tộc Việt Nam là khôn vặt chứ không phải thông minh.

Vậy khôn vặt nghĩa là gì? Có nghĩa là sử dụng những chiêu thức vặt, những chiêu thức nhỏ mọn, tận dụng những nhứ nhỏ xíu, dùng những trí khôn chút xíu để kiếm lợi cho bản thân và đẩy phần hại về cho người khác bất chấp hậu quả và tác hại trong dài hạn. Nghĩa là tư duy và suy nghĩ dài hạn mà không nghĩ dài hơn. Nghĩa là chỉ thấy những gì trước mắt chứ không thấy cái lâu dài. Nghĩa là suy nghĩ theo thời cơ chứ không suy nghĩ theo tầm nhìn. Nghĩa là suy nghĩ theo chiến thuật chứ không có chiến lược. Còn nói cho dễ hiểu là chỉ suy nghĩ cho hiện tại, thu lợi cho hiện tại còn ngày mai hay tương lai thì mặc kệ, không quan tâm và cũng không coi là quan trọng. Trong dài hạn thì cái tác hại của việc khôn vặt sẽ quay trở lại và gây thiệt hại lớn nhiều hơn nhưng vì tính cách khôn vặt nên chúng ta mặc kệ.

Nói tới đây chắc chắn sẽ có vài người nếu không phải là đa số người sẽ cảm thấy tức giận và chửi, đại loại như:
Mày là thằng nào mà dám nói vậy?
Đồ mất dạy.
Ở đâu mà chả thế? Ở đâu cũng có người này người kia.
Mày có tư cách gì mà nói thế?
Thế mày có tốt hơn không mà nói?
Tôi nói vậy không hề có ý định chê bai đất nước hay dân tộc. Ý của tôi là vầy. Bạn có thể tuy sinh ra trong một bãi rác, lớn lên trong một bãi rác, nhưng không đồng nghĩa với việc suốt đời bạn sẽ bị nhốt trong đó. Bạn hoàn toàn có thể thoát ra khỏi bãi rác và ý thức được điều đó để không tái phạm những thứ tiêu cực mà bấy lâu mình cho là hiển nhiên. Điều đó cũng không có nghĩa là bạn hay tôi không được quyền lên tiếng nói lên rằng chúng ta đáng sống trong bãi rác và cần phải dọn dẹp những thứ hôi thúi.

Bạn hoàn toàn có thể biến bãi rác đó thành một công viên xinh đẹp. Nhưng trước tiên thì bạn phải nhìn nhận và thừa nhận những thứ tiêu cực kia rồi mới có thể làm điều tốt đẹp hơn cho bản thân và môi trường xung quanh. Tôi nói ra để cho chúng ta biết chúng ra đang khôn vặt ở đây, đang làm gì sai, để chúng ta có thể cùng nhau sửa đổi. Nếu bạn cứ tiếp tục soi mói từng chữ một, từng chi tiết một mà không nhìn vấn đề một cách tổng quát thì đến bao giờ mới sửa được?

Giờ hãy quay trở lại chủ đề chủ bài viết. Tính cách chủ đạo của người Việt Nam chúng ta là khôn vặt. Điều này nó đã tồn tại ở trong tư duy và văn hóa của chúng ta rồi. Nó tồn tại lâu đến độ ngay trong truyện cổ tích cũng có hàng loạt và vô số câu truyện về tính cách khôn vặt và lấy tính cách đó để thể hiện sự thông minh tất thời.

Khôn vặt trong ca dao và truyện Cổ Tích
Chắc các bạn còn nhớ về câu truyện “con cọp và anh nông dân.” Con cọp đi hỏi con người “tao nghe nói con người có trí khôn, mày có thể cho tao coi cái khôn là gì được không?” Thì cái anh nông dân kia lại lừa con cọp rồi trói nó vô cái cây. Sau đó anh ta đốt nó lên. Vừa đốt vừa lấy roi đánh lên người nó và kêu “trí khôn của ta đây này, trí khôn của ta đây này” và cười trong sự sung sướng như anh ta là người thông minh nhất trên đời vì đã lừa được con cọp. Con cọp sau đó nó đau quá rồi nó bỏ chạy. Câu chuyện kết thúc.

Đó là một ví dụ điển hình của tính khôn lỏi, khôn ranh và khôn vặt chứ không phải là thông mình. Vì sao? Tại vì con cọp đó chạy đi rồi nó sẽ ăn thịt anh nông dân kia. Anh nông dân thông minh kia dù có khôn vặt gấp mấy rồi cũng sẽ gánh chịu hậu quả của mình.


Ca dao tục ngữ Việt Nam có vô số câu nói về tính khôn vặt của dân mình. Như “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau.” Nghĩa là nếu đi ăn cỗ ăn tiệc thì phải đi ăn trước vì sẽ được ăn đồ ăn ngon, nếu đi sau sẽ không còn nữa. Còn nếu lội nước thì có nguy cơ, có rủi ro nên tốt nhất hãy đi sau cho an toàn. Một câu nữa là “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” nói lên cái việc phải luồng lách trong cuộc sống, phải biết tận dụng hoặc lợi dụng để đạt được mục đích cho cuộc sống mình tốt đẹp hơn.


Nhân vật nổi tiếng nhất của sự khôn vặt không ai khác chính là Trạng Quỳnh. Toàn bộ những câu truyện đều nói là ông ta giỏi, ông ta thông minh vì đã qua mặt được nhiều người. Nhưng đó chỉ toàn là những hành động khôn vặt chứ chẳng thông minh gì cả. Kiểu như nói một hai câu rồi chặn họng người khác và coi đó là thắng lợi vĩ đại. Trong cuộc thi vẽ với một ông Tàu, trong khi ông ta vẽ con cọp thì ông Trạng Quỳnh vẽ 10 con giun và coi mình là người tài ba nhất thế giới vì đã dùng mẹo để chiến thắng. Nhưng kết quả trong thực tế là gì? Là Tàu vẫn đô hộ Việt Nam hàng trăm năm. Vậy cái thắng lợi khôn vặt kia của Trạng Quỳnh có ý nghĩa gì? Có cái gì để tự hào?

Kinh doanh khôn vặt

Nhưng mấy truyện đó là hồi xưa. Còn bây giờ cái mà thể hiện tính khôn vặt rõ ràng nhất là cái chiêu đưa giá mập mờ để bán hàng rong. Khi ra ngoài đường các bạn thấy những cái bảng giá trên những chiếc xe bán trái cây ghi “15,000 ½ ký.” Mà cái số 2 họ lại ghi nhỏ xíu khiến người từ xa không nhìn thấy và cứ nghĩ giá là 15,000 cho 1 kg nhưng thật ra là mắc gấp đôi. Người ta thấy giá rẻ quá liền ghé vô mua nhưng lúc đó mới biết sự thật. Nhưng vì đã lỡ ghé vô rồi nên cũng mua nhưng không hề vui vẻ hay hài lòng chút nào. Cái cảm giác của họ là đã bị lừa. Mà cái cảm giác bị lừa nó đau lắm bạn à. Bị một lần nhớ suốt đời. Bạn nghĩ nếu là bạn thì bạn sẽ phản ứng sau? Bạn có trở lại để mua từ người bán hàng đó không? Không. Chỉ cảm thấy bực bội và muốn chửi thề vì mình đã bị lừa thật đau đớn.



Đó là thể hiện của tính khôn vặt, vô cùng khôn vặt. Để làm gì? Để lừa người khác đi vào mua. Coi như mình đã thành công. Còn việc họ có ghé vào ngày mai hay trong tương lai không thì chẳng quan tâm. Mình đẩy xe bán đi chỗ khác. Đó là một cách suy nghĩ vô cùng ngắn hạn và cục bộ.

Cân điêu, cân thiếu
Một chuyện nữa là cân điêu, cân thiếu để đánh lừa người tiêu dùng. Một dân tộc, một nền buôn bán kinh doanh mà mất nết và gian dối đến mức cái chuyên cân đúng cũng là một lợi thế để đem quảng cáo. Tại sao một cái chuyện hiển nhiên như vậy lại là chuyện lạ ở xứ mình? Các bạn ra ngoài đường cũng sẽ thấy nhiều chỗ ghi “cân đúng” để quảng cáo. Chuyện đó mà cũng quảng cáo nữa sao? Bộ từ đó giờ ai cũng cân thiếu hay sao mà phải làm vậy? Thật nực cười. Điều đó cho thấy cái xã hội của chúng ta đang ở đâu?

Chúng ta khôn lỏi, khôn vặt, chứ không hề thông minh. Buôn bán làm ăn ở Việt Nam không hề nghĩ đến việc xây dựng uy tín, thương hiệu, ngày mai hay tương lai mà chỉ nghĩ đến hiện tại. Chỉ nghĩ đến việc làm sao để thu tiền từ người tiêu dùng nhiều nhất còn chất lượng thì mặc kệ.

Người Việt và người Hoa
Trước đây gần nhà tôi có một cặp vợ chồng gốc Hoa bán đồ. Mỗi lần con nít mà đến mua thì họ sẽ tặng cục kẹo. Thành ra lần sau mấy đứa con nít nếu có mua hàng sẽ đến chỗ của ông bà ta mà không đi chỗ khác. Còn những người Việt Nam thì hễ thấy con nít là bán hàng ăn gian. Các bạn thử nghĩ đi, trong cái cách làm ăn mà có thể cho là mức thấp nhất của xã hội thể hiện điều gì? Tư duy kinh doanh của người Việt khác với người Hoa ra sao? Dân tộc nào sẽ mạnh hơn dân tộc nào? Cộng đồng nào sẽ phát triển hơn cộng đồng nào?

Tôi thì không ưa gì lắm người Hoa nhưng tôi phải công nhận là họ kinh doanh rất giỏi. Họ biết nhìn xa trông rộng. Họ làm ăn có chiến lược và nghĩ đến việc lâu dài. Cho nên đi đến đâu chúng ta cũng thấy phố Tàu nhưng họ rất thành công và thành đạt.

Vì sao lại thế?
Nhưng vì sao người Việt Nam lại khôn vặt? Cái này thì tôi không rõ. Vì sao dân tộc tính lại như vậy? Tôi nghĩ một phần là vì lịch sử của chúng ta. Chúng ta đã bị đô hộ và sống trong nghèo đói nhiều qua nên chỉ biết làm sao để lo cho ngay hôm nay, sống đến ngày mai, chứ không hề suy nghĩ xa hơn được nữa. Từ thời Tàu, Pháp và nội chiến, dân tộc Việt chưa bao giờ được sống trong yên bình. Vì vậy cho nên tính khôn vặt đã ăn vô máu con người của chúng ta và trở thành dân tộc tính.

Với tính cách như vậy thì làm sao phát triển được? Chúng ta chỉ có thể tồn tại, chịu đựng để rồi sống tạm chứ khó có thể phát triển mạnh được. Tôi cảm thấy như chúng ta chỉ muốn sống tạm qua ngày, sống cho có, chứ chúng ta không muốn vươn lên thực sự.

Tôi rất là buồn vì điều đó. Vì tôi cũng là một người Việt Nam và tự hào về điều đó. Và tôi cũng muốn đất nước mình phát triển. Nhưng với tính cách khôn vặt hiện tại thì tôi không thể hài hình dung ra được là chúng ta sẽ phát triển bằng cách gì? Chúng ta sẽ phát triển thế nào?

Viết dựa theo clip của Dưa Leo.
Tạp Chí Đáng Nhớ

No comments:

Post a Comment