Pages

Thursday, August 6, 2020

Phải Tập Sống Với Con Vi Khuẩn COVID-19 - Nguyễn Văn Thanh

Bác sĩ trẻ cầu nguyện cho các bệnh nhân COVID-19.

Mấy tuần nay, tin tức về số người bị lây nhiễm vi khuẩn COVID-19 ở Úc ngày càng tăng, đặc biệt tại tiểu bang Victoria làm cho chính phủ cũng như người dân càng lo lắng, sợ hãi. Tính đến thứ Ba ngày 29 tháng 7 thì trên toàn nước Úc có 15,582 người bị nhiễm vi khuẩn COVID-19, trong số đó có 176 người chết. Trong tuần lễ vừa qua, trung bình mỗi ngày có 374 người bị nhiễm vi khuẩn, đa số ở tiểu bang Victoria. Tuổi trung bình người bị nhiễm vi khuẩn là 39 tuổi. Tính đến hôm nay ở Úc có hơn 4 triệu người đã đi thử nghiệm vi khuẩn.

Theo báo cáo của Bộ Y Tế Úc trường hợp đầu tiên có vi khuẩn coronavirus bị phát hiện ở Úc là một người đàn ông từ Vũ Hán đã bay đến Melbourne ngày 20 tháng Giêng năm 2020. Sau dó số người bị nhiễm vi khuẫn coronavirus bùng phát ở NSW sau khi tàu du lịch Ruby Princess đến cảng Sydney ngày 19 tháng Ba. Gần 2,700 hành khách rời tàu mà không được kiểm tra sức khoẻ. Trong số hành khách này nhiều người đã bị nhiễm vi khuẩn COVID-19 mà không biết. Theo công ty Luật Shine Lawyers cho biết cho đến nay đã có hơn 700 hành khách từ tàu Ruby Princess bị nhiễm COVID-19.

Theo thống kê của Y tế NSW thì ngày 23 tháng Ba tại NSW có 818 người nhiễm COVID-19. Một tháng sau, ngày 24 tháng Tư có 2,982 người bị nhiễm vi khuẩn COVID, trong số đó có 34 người chết. Trường hợp ca nhiễm mỗi ngày mỗi tăng. Trong số những người chết, một số là hành khách tàu du lịch Ruby Princess.

Ngay khi bệnh dịch COVID-19 bùng phát ở Úc, chính phủ Liên Bang cũng như các tiểu bang đã huy động mọi phương tiện y tế để ngăn bệnh dịch, nhưng cũng phải kéo dài gần 3 tháng bệnh dịch mới thuyên giảm. Ngày 9 tháng 6 tại Úc chỉ có 2 trường hợp nhiễm bệnh được ghi nhận. Riêng tại tiểu bang Victoria không có trường hợp nào.

Nhưng chỉ một tuần lễ sau, bệnh dịch lại trở lại. Ngày 15 tháng 6 tại Victoria có 12 ca nhiễm mới được ghi nhận. Cuối tháng 6 tại Victoria có 64 ca nhiễm mới được ghi nhận, nâng tổng số người bị nhiễm COVID-19 ở Victoria lên 2,159 người. Riêng tại thành phố Melbourne có 1,830 người và 250 người ở vùng quê. Trong số đó có 20 người chết.

Ngày 7 tháng 7 tiểu bang Victoria tuyên bố đóng cửa. Chính phủ kêu gọi mọi người ở nhà và giới hạn sự đi lại. Trong khoảng thời gian 2 tuần lễ từ 8 tháng 7 đến 22 tháng 7 có 3,954 trường hợp nhiễm vi khuẩn được ghi nhận. Sự lây lan qúa nhanh đã buộc chính phủ phải đưa ra nhiều quyết định cứng rắn để ngăn chặn sự lan truyền của vi khuẩn. Cho đến ngày 29 tháng 7 vừa qua số người nhiễm COVID-19 ở Victoria là 9,304 người trong số đó có 92 người chết.

Riêng tại tiểu bang NSW trong 2 tuần lễ vừa qua đã có 154 trường hợp nhiễm vi khuẩn được ghi nhận, nâng tổng số người bị nhiễm ở NSW lên 3,529 người, trong số đó có 51 người chết. Theo tin đài truyền hình số 7 chiều ngày 29 tháng 7 có 85 người bị nhiễm vi khuẩn liên hệ đến nhà hàng Thái Rock và 18 người bị nhiễm liên hệ đến đám tang tại vùng Tây Nam Sydney.

Qua theo dõi sự di chuyển của những người bị nhiễm bệnh, cơ quan y tế xác nhận đa số những trường hợp lây nhiễm này là do qua tiếp xúc trong cộng đồng, thường là những nơi đông người, người có vi khuẩn đã đến đó và lây sang những người tiếp xúc với họ.
Không ai biết đến bao giờ mới có thuốc trị vi khuẩn COVID-19. Điều quan trọng lúc này là phải ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Để có thể ngăn chặn một cách hữu hiệu, chúng ta phải tập sống chung với con vi khuẩn này.

Đề phòng là cách hay nhất để tránh lây lan bệnh dịch. Chúng ta có thể giúp chặn bớt sự lan truyền bệnh dịch bằng cách thực hành những hướng dẫn của Bộ Y Tế như sau:
Rửa tay thường xuyên khoảng 20 giây bằng xà bông.
Tránh đụng chạm vào miệng, mắt và mũi khi chưa rửa tay.
Khi ho hay hắt xì lấy khủy tay che miệng lại.
Tránh đụng chạm đến những vật dụng ở nơi công cộng.
Tránh đụng chạm đến người khác, như bắt tay, ôm hôn.
Giữ khoảng cách an toàn 1m50 mỗi người
Nếu thấy có những triệu chứng như ho liên tục, đau cổ họng, sốt (37.8 độ hoặc cao hơn), thở khó khăn, người mệt mỏi, mất sức hãy đi gặp bác sĩ hoặc gọi 000 để được giúp đỡ.
Nếu nghi ngờ mình đã bị nhiễm vi khuẩn hoặc đã tiếp xúc với người nhiễm vi khuẩn hãy:
Tự cách ly, ở nhà, không tiếp xúc với ai.
Uống nhiều nước.
Nghỉ ngơi nhiều.
Nếu thấy khó thở hãy liên lạc ngay với cơ quan y tế địa phương và báo cáo triệu chứng của mình.

Chưa bao giờ phố Cabramatta vắng như cuối tuần thứ Bảy 25 tháng 7.

Tất cả bệnh dịch đều có thể kiểm soát được. Hãy theo sự hướng dẫn về vệ sinh, giữ khoảng cách và báo cáo trường hợp đã bị lây nhiễm sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn.
Cuối tháng Ba, thời gian bệnh dịch COVID-19 lây lan đang lên cao, chính phủ đã áp dụng luật khoảng không gian 4 thước vuông cho mỗi người ở những nơi sinh hoạt đông người. Nhưng đến cuối tháng 6 vừa qua, vì áp lực của giới kinh doanh nhà hàng, quán cà phê, câu lạc bộ .v.v., chính phủ đã giảm xuống 2 thước vuông cho mỗi người.

Việc giữ khoảng cách rất quan trọng, nhất là ở những nơi đông người. Chính phủ Liên bang cũng như Tiểu bang hàng ngày kêu gọi dân chúng hãy tôn trọng luật giữ khoảng cách và giới hạn con số người tham dự những buổi lễ, hoặc những sinh hoạt đông người. Nếu tự mỗi người chúng ta tôn trọng những hướng dẫn, những luật lệ của chính phủ đưa ra thì có thể đã ngăn ngừa được rất nhiều trường hợp lây nhiễm trong thời gian vừa qua.

Nếu thấy mình có những triệu chứng như đã nói ở trên hoặc nghi ngờ mình đã bị nhiễm vi khuẩn COVID-19, hoặc đã tiếp xúc với người có vi khuẩn – xét nghiệm dương tính, hãy tự cách ly, ở nhà và tiếp tục theo dõi. Nếu cần phải liên lạc ngay với cơ quan y tế gần nhất. Sự xem thường bệnh dịch của vài người đã mang đến thiệt hại cho rất nhiều người.

Chỉ cần một người có vi khuẩn COVID-19 đến một nơi nào đó bị phát hiện thì cơ sở đó sẽ bị đóng cửa. Cơ sở đó sẽ bị bắt buộc thực hiện tẩy trùng và tất cả những người có mặt ở đó cùng thời gian với người bị nhiễm sẽ phải đi thử nghiệm. Như trường hợp những người đã đến Crossroads Hotel ở Casual, nhà hàng Thai Rock ở Wetherill Park và những người tham dự dám tang ở Sydney vừa qua.

Chỉ cần một cửa tiệm được thông báo là có vi khuẩn thì cả khu vực đó không ai dám đến, như trường hợp phố Cabramatta thứ Bảy ngày 25 vừa qua. Để tránh những trường hợp tương tự điều quan trọng là người bị nhiễm vi khuẩn phải thành thật, minh bạch thông báo cho cơ quan y tế địa phương biết để kịp thời ngăn phòng sự lây lan trong cộng đồng.

Sự thiệt hại của sự lây nhiễm COVID-19 vô cùng to lớn, không thể nào nói được. Thiệt hại sinh mạng con người, thiệt hại về kinh tế, xã hội, công ăn việc làm, tổn thương tinh thần.

Thiệt hại về kinh tế, trong thời gian vừa qua chính phủ Úc đã phải chi ra mấy trăm tỷ dollars để giải quyết những khó khăn về kinh tế. Việc đóng của biên giới của nước Úc, cũng như giữa các tiểu bang đã làm ngưng trệ mọi sinh hoạt về thương mãi, du lịch, hàng không, giáo dục .v.v. gây ra sự tổn thất tài chánh vô cùng to lớn. Sự giới hạn về di chuyển đã làm gần một triệu người mất việc làm. Thất nghiệp, ngồi ở nhà, không có tiền, đã đưa đến nhiều xáo trộn xã hội. Con số người uống rượu, đánh bài, bạo hành trong gia đình đã gia tăng đáng kể trong thời gian vừa qua.

Số người bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần cũng gia tăng. Sự cô đơn, lo lắng cho tương lai, xáo trộn trong gia đình đã làm nhiều người xuống tinh thần. Nhiều người buồn phiền vì đã không được gặp mặt người thân đang bị cách ly trong các khách sạn, trong nhà thương, nhất là cha mẹ già trong các nhà dưỡng lão.
Không có nỗi buồn nào lớn hơn việc không được gặp mặt người thân trong lúc người thân bị nhiễm vi khuẩn COVID-19 nằm trong phòng cách ly. Đã có rất nhiều trường hợp người bị coronavirus chết trong cô đơn không một người thân bên cạnh.

Những người bị ảnh hưởng về tâm lý nhiều nhất là các bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện làm trong khu chữa trị bệnh dịch COVID-19. Họ đã phải chiụ đựng rất nhiều áp lực từ công việc đến tinh thần. Hàng ngày phải chứng kiến bệnh nhân ra đi, sự lo lắng cho chính bản thân có thể bị nhiễm bệnh, cho gia đình, người thân. Nhiều người không dám về nhà sợ mang bệnh về cho người thân trong nhà. Nhiều bác sĩ, y tá trẻ mới ra trường làm trong khu chăm sóc bệnh nhân COVID-19 không chịu nổi những áp lực quá nặng nề như vậy. Chúng ta biết ơn và cầu nguyện cho các bác sĩ, y tá, những người đang đối diện và chăm sóc cho các bệnh nhân vi khuẩn COVID-19 cho họ có niềm tin và nghị lực để tiếp tục công việc.

Vì sự an toàn của chính bản thân mình, của gia đình, của những người thân quen và của cộng đồng, chúng ta hãy tập sống chung với con virus COVID-19 này. Có thể trong thời gian sắp tới chính phủ NSW cũng bất mọi người khi ra đường phải mang khẩu trang nếu tình hình lây nhiễm không giảm bớt. Việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, tránh đến những nơi đông người, tuân thủ tất cả những hướng dẫn của chính phủ và những người có trách nhiệm đưa ra có thể là cách ngăn ngừa truyền nhiễm hay nhất mà tất cả mọi người phải thực hiện.

Chỉ có những người ích kỷ mới từ chối đeo khẩu trang. Trả lời một người viện dẫn “nhân quyền” để từ chối đeo khẩu trang, Thủ Hiến Victoria Daniel Andrews nói: “Đeo khâu trang – đó không phải là một yêu cầu thái quá. Ngày hôm nay có 10 gia đình đang chuẩn bị đám tang cho người thân của họ, những người bị nhiễm vi khuẩn coronavirus và người trẻ nhất trong số đó mới có ngoài 40.”
“ Nếu bạn chọn sự ích kỷ viện dẫn quyền “tự do cá nhân”, điều mà bạn đã đọc ở đâu đó trên trang mạng, tôi không biết, đó không phải là vấn đề nhân quyền. Đeo khẩu trang – không phải là một yêu cầu quá đáng.” Sự tuân thủ luật pháp cùng những hướng dẫn của chính phủ là điều hết sức quan trọng.

Câu chuyện người phụ nữ tên Eve Black đã đưa đoạn phim quay trong lúc cô từ chối trả lời cảnh sát tại một trạm kiểm soát lên facebook để diễu cợt đã bị mọi người xem đoạn phim đó chê trách, lên án mạnh mẽ. Trong đoạn phim khi được cảnh sát hỏi lý do việc di chuyển, Eve Black đã trả lời “tôi không cần phải trả lời ông. Tôi không biết ông”. Viên cảnh sát hỏi lại “vậy cô từ đâu đến đây?”. Một lần nữa Eva lại trả lời: “Tôi không cần phải trả lời ông”. Eva lại hỏi người cảnh sát “Tôi có phạm tội gì không?”. Eva lập lại và phóng xe đi. Trên xe Eva sung sướng hét lên: “F…ing, Trời ơi, Tôi thấy đã quá”.

Lên tiếng về hành động của cô gái này Cựu Tổng Trưởng Wayne Swan nói: “Đó là một hành động ngu dốt và vô giáo dục. Cuối cùng cô ấy nói cô ấy thấy đã quá. Tốt thôi cô ấy sẽ không thấy đã quá khi nằm trong phòng cách ly ICU”. (ICU là phòng chăm sóc đặc biệt dành cho những người bị bệnh nặng)

Nếu tất cả cộng đồng chúng ta cùng bảo nhau tuân thủ những hướng dẫn của các cơ quan y tế, của chính phủ là giữ vệ sinh, không đi ra ngoài nhiều, tránh tiếp xúc với những người không biết rõ họ đã đi những đâu, tránh đến những nơi đông người, giữ khoảng cách an toàn, báo cho cơ quan hữu trách khi biết có trường hợp nhiễm vi khuẩn và đi thử nghiệm thì chắc chắn sự lây nhiễm COVID-19 sẽ khó xảy ra.

Nguyễn Văn Thanh
Nguồn: https://vietluan.com.au/31831/phai-tap-song-voi-con-vi-khuan-covid-19

No comments:

Post a Comment