Tôi và vợ tôi ra tới khu lấy hành lý của phi trường Tân Sơn Nhất thì trời đã tối, Chuyến bay từ Đài Loan bị trễ 2 tiếng, mà khi đã về đến Saigon, chúng tôi cứ mãi bị loay hoay gần 45 phút ở khu kiểm soát giấy thông hành, thành ra đã trễ lại càng trễ hơn. Tất cả vì chúng tôi vô tình chỉ làm theo “phép vua”, mà không để ý đến “lệ làng”. Thôi thì những trở ngại của lần này làm thành kinh nghiệm cho những lần sau về thăm Việt Nam.
Tôi đoán vợ chồng
Toản (là em họ của tôi), đang đứng mõi chân chờ đợi chúng tôi ngoài cổng phi
trường, nên khi đẩy hành lý ra khỏi cổng, tôi dớn dác tìm kiếm chúng nó trong số
rất đông thân nhân đang đứng đợi.
Tôi nghe tiếng một
thanh niên đang hô lớn về phía chúng tôi:
-Bác Ba, Bác Ba.
Con ở đây này.
Tôi quay lại:
-Ủa, Trung. Ba má
con đâu?
Trung là con trai
lớn của Toản, cháu này năm nay hai mươi tuổi, vẫn còn đi học, nó trả lời:
-Dạ, tối nay có
chuyện bất ngờ. Ba má con phải đi tìm con Hiền liền, nó bỏ đi đâu từ sáng đến tối
chưa về.
-Bỏ đi? Tôi ngạc
nhiên nói. Hiền nó mới 14 tuổi mà sao đi lung tung vậy?
-Dạ, chuyện đó nói
sau nha bác, thôi hai bác lên xe, taxi đã chờ sẵn.
Xe đưa chúng tôi về
căn nhà mẹ vợ tôi ở đường Nguyễn tri Phương Quận 10. Trên đường đi, tôi vẫn bị
phân tâm vì mới nghe một câu chuyện liên quan đến cháu mình mà chưa nghe được
trọn vẹn. Vừa về đến nhà, thấy mẹ ra đón, chúng tôi rất vui. Mẹ còn khoẻ, chỉ
có chút ít bệnh già, nhưng nhờ ơn trời, mẹ không có bệnh gì trầm trọng.
Thăm hỏi, gửi quà
phương xa cho mẹ xong, sáng hôm sau, tôi lập tức bắt xe ôm sang nhà em họ, để
xem chuyện cháu Hiền ra làm sao rồi.
Bước chân vào nhà Toản, từ xa tôi đã nghe tiếng khóc nức nở của cô em dâu, có vài tiếng roi nghe chát chúa, tôi đoán là cháu Hiền đang chịu đòn. Đi vào bên trong phòng khách, quả nhiên tôi thấy cháu Hiền đang đứng, chịu đựng từng ngọn roi của Toản quất vào mông. Hiền chỉ mặc áo thun mỏng và quần soóc, chắc là đau lắm, nhưng cháu không hề khóc, ngược lại, mẹ cháu đứng cạnh cháu khóc tức tưởi. Dù chịu đòn, Hiền vẫn ương ngạnh đưa ánh mắt lạnh lùng nhìn Toản, nửa như thách thức, nửa như căm hờn.
Cảm thấy không ổn, tôi chạy đến rất nhanh giật lấy ngọn roi từ trên tay Toản, nắm tay bé Hiền kéo sang chỗ khác. Toản lớn tiếng phản đối:
-Anh Ba đừng can
thiệp để em dạy con. Nó không biết nghe lời cha mẹ.
Tôi bình tĩnh trả
lời:
-Đó đâu phải là
cách dạy con.
Rôi tôi quay sang
bé Hiền:
-Con đi đâu vậy, bộ
con không thương ba mẹ sao?
Bé Hiền đã có một
câu trả lời mà tôi hoàn toàn không thể ngờ:
-Không. Con không
thương ai hết.
Sau đó, cháu ngoe
nguẩy bướng bỉnh đi nhanh vào gian phòng phía sau. Tôi nhìn sang cô em dâu vẫn
còn khóc, giọt vắn giọt dài, Toản nhìn tôi lắc đầu ngao ngán:
-Gia đình em vô
phước không thể dạy được con.
Tôi lặng nhìn gia
đình Toản mà trong lòng đau xót.
oOo
Tôi mời Toản ra quán cà phê, mục đích là tìm hiểu thêm về cháu Hiền. Quán cà phê này trong khu lao động xe cộ rất ồn ào, thỉnh thoảng có tiếng rao hàng lanh lãnh bên ngoài. Tôi và Toản chọn một bàn ở sát bên trong để tìm sự yên tĩnh. Cách chúng tôi vài bàn, khách uống là hai cậu trẻ choai choai tóc nhuộm vàng đỏ, hút thuốc phả khói mịt mù, nói chuyện lớn tiếng có pha lẫn các tiếng chửi thề oang oang và công khai.
Toản nói với tôi,
đường phố Việt Nam xây dựng rất tiện nghi hiện đại, nhưng xã hội, con người thì
rất khác xưa, khuyên tôi không nên bận tâm nhiều chung quanh. Tôi thấy Toản hôm nay hơi tiều tuỵ có lẽ mất
ngủ vì đêm qua bận đi tìm con. Toản kể tôi nghe:
-Con Hiền nó thường
tụm năm tụm ba với một số bạn, sau giờ học nhiều khi không chịu về nhà, không cần
đến cơm nước, lấy lý do đi học nhóm, nhưng đàn đúm hư hỏng. Ở nhà là nó cứ bấm
máy lên mạng, không bao giờ giúp mẹ dọn dẹp quét tước. Cha mẹ gọi, nó không thèm
trả lời. Nó không biết lễ phép, không biết chào hỏi hoặc dạ thưa với người lớn.
Nó rất bướng bỉnh ngang tàng. Hôm qua nó đi chơi đến khuya, chúng em đi tìm khắp
nơi, khi biết nó ở nhà bạn, phải qua đó đón nó về, nhưng một tiếng giải thích
nó cũng không thèm nói.
Nghe Toản nói xong,
tôi hơi hoang mang, vì những điều đó thật lạ lùng, sao lại có thể xảy ra đối với
một cháu gái học trò nhỏ như Hiền? Tôi không biết hiện tượng này chỉ có ở cháu
Hiền hay có nhiều cô cậu học sinh khác cũng như vậy. Tôi hỏi lại Toản:
-Cháu nó học hành
như thế nào?
-Nó học tệ lắm, chắc
năm nay không vô nổi lớp 10.
Tôi chột dạ, vậy
là cháu tôi là đứa học trò biếng nhác hư hỏng thật rồi. Tôi biết gia đình Toản
sống rất nề nếp, nhưng có lẽ chung quanh là một xã hội phóng túng thực dụng, cho
nên những lời giáo huấn của cha mẹ đối với cháu Hiền xem ra không ăn thua gì.
Toản kể thêm, cháu
Hiền khó dạy khoảng từ năm 12 tuổi, năm ấy những sự kiện học sinh đánh thầy nở
rộ trên báo chí, có những học sinh “đại bàng” chỉ huy chia phe kết bè, làm mưa
làm gió, xử phạt đánh đập học sinh không cùng phe. Nghe người ta nói, nhà trường
có khi biết rõ, nhưng cũng phải làm ngơ, vì đa số các học sinh làm tay “anh chị”
đều là con em các quan chức cấp cao trong chính quyền. Tránh voi không xấu mặt,
chẳng thà mất trật tự một chút, còn hơn bị bể nồi cơm.
Từ năm lớp sáu đến
năm nay là lớp chín, cháu Hiền cứ liên tục có số điểm thấp trong các môn học
chính, nhiều giờ nghỉ học không lý do, thư báo cáo của nhà trường đều đặn gửi về
nhà. Dù rất bận, Toản cũng phải dự nhiều buổi họp phụ huynh để nghe những lời
than phiền của nhà trường. Gia đình không thể có biện pháp nào thay đổi được cháu
Hiền. Toản không biết ở trong trường, cháu có lên mặt “anh chị” với ai không,
mà sao thấy ở nhà, trong ngôn từ, càng ngày cháu càng lớn lối ngỗ nghịch, thậm
chí có khi dằn mâm xáng chén, mắng chửi ngay cả với cha mẹ. Toản cũng rất khổ
tâm vì cô Loan, mẹ cháu Hiền, cứ tìm cách bao che lỗi lầm cho Hiền, khiến cho
Toản không thể dạy con.
Theo Toản, một lý
do khác khiến cho khó dạy dỗ cháu Hiền, vì cháu bị ảnh hưởng rất lớn từ bạn bè
và môi trường giáo dục. Bạn bè giao du hư hỏng quá nhiều, và nền giáo dục suy đồi
tại Việt Nam là chuyện có thật. Có quan chức giáo dục ăn hối lộ, sửa điểm ở một
số kỳ thi, thu quá nhiều các loại phí trong nhà trường mà báo chí cũng đã lên
tiếng, có những giáo viên lấy điểm gạ tình, hoặc hiếp dâm học sinh … Các hiện
tượng đó đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý học sinh. Học sinh bây giờ không còn
kính trọng thầy cô như hồi chế độ trước.
Quả thật như thế
sao? Nghe qua tôi cảm thấy vô cùng bất nhẫn. Hình ảnh các bậc thầy cô là thiêng
liêng, là cội nguồn của tình thương bao la, là hy sinh vô bờ bến trong sự nghiệp
dạy dỗ các em nên người. Vậy mà ở thế kỷ này, hình ảnh thầy cô không còn được
kính trọng. Ca dao Việt Nam từng có câu:
Và tôi chợt nhớ đến vài câu thơ rất cảm động tôi đã đọc được
ở đâu đó:
Cơn gió vô tình thổi mạnh sáng
nay
Con bỗng thấy tóc thầy bạc trắng
Cứ tự nhủ rằng đó là bụi phấn
Mà sao lòng xao xuyến mãi không
nguôi
Tôi tự hỏi tại sao, tại
Việt Nam chỉ qua vài chục năm trong nền giáo dục duy vật, hình ảnh thần thánh của
người thầy, người cô đã hoàn toàn sụp đổ? Vì đâu nên nỗi? Có phải cuộc thay đổi
lịch sử mùa xuân 75, khi người ta quét sạch nền văn hoá (mà người ta cho là)
phản động, cũng đã quét sạch luôn các cội rễ tình cảm gắn bó thầy trò, quét
sạch các giá trị cao quý nhất trong các hình tượng thầy cô mà bao thế hệ học
sinh, dù bao nhiêu tuổi, vẫn mãi mãi tôn thờ?
Tôi không có cách
nào góp ý kiến về việc dạy dỗ con cái của Toản, chỉ khuyên nó cố gắng khuyên nhủ
cháu Hiền, tuyệt đối đừng dùng roi vọt.
Tôi trao cho Toản, chuyển gửi cho cháu Trung và cháu Hiền hai cái bao đỏ, trong đó có một số tiền nhỏ gọi là quà của bác Ba để các cháu mua sách vở. Đặc biệt là nhắn với Hiền, bác Ba nhắn lời khuyên cháu ráng học, kỳ này vào được lớp 10, bác Ba sẽ thưởng nhiều hơn. Nhắn là nhắn vậy, nhưng Hiền là con của cha mẹ nó, và là học trò của xã hội, tôi không biết cháu có cần đến phần thưởng của tôi hay không. Tôi không biết khi lớn lên một chút, cháu có tự ý thức, mà sửa đổi tánh tình được phần nào hay không.
Tôi chia tay Toản,
rồi sau đó một mình đi tản bộ, vừa để ngắm đường phố, vừa để tìm chút thư giản đầu
óc. Trên đường về, tình cờ tôi được chứng kiến bao mảnh đời rách nát. Những
hàng quán dẹp vội chạy trốn công an, những người nghèo lam lũ bán hàng rong, những
thanh niên lao động nặng nhọc kiếm cơm, những người già tật nguyền lê lết bán
vé số. Bao hình ảnh vất vả của những kiếp người cùng khổ, bên cạnh sự xa hoa
giàu có của giới cán bộ thượng lưu, trong một thành phố hiện đại, xe cộ dập
dìu.
Tôi đã từng đọc
qua báo chí trên internet, được biết con cái quan chức chuyên đi vũ trường,
quán bar, sở hữu các dàn siêu xe đắt tiền, trong khi khắp các hang cùng ngõ hẻm của Saigon, con cái
dân lao động rất nhiều người bị thất học đi làm thợ hồ, chạy xe grab không đủ
ăn, có đứa bị lôi kéo vào các tổ chức xã hội đen chuyên đi giựt dọc, đi đòi nợ
mướn, trở thành giang hồ giết người không gớm tay, phải lâm vào tù tội.
Tôi nghe nói các
cháu gái ở các vùng quê, còn trong tuổi đi học, nhưng bị dụ dỗ bỏ học, ra phố ăn
mặc hở hang đón khách cho các quán bar, hoặc làm tiếp viên ở các phòng massage,
phòng hớt tóc không chuyên nghiệp. Các cháu hành nghề công khai, ngay trước mũi
các đơn vị công an, nhan nhãn ở phố Pasteur, phố Bùi Viện, và các quán bar, các
phòng massage mọc lên như nấm trên khắp đất nước này. Báo chí bị bịt mắt vì cơ cấu, quan chức bị bịt mắt vì đồng tiền,
góp phần làm cho các tệ đoan xã hội ngày càng lan rộng, tội nghiệp cho cháu gái
đã đánh mất tuổi xuân, mai một kiến thức, mù mịt tương lai.
Những người trẻ ở
Việt Nam ngày nay không nhiều người đầu tư vào kỹ nghệ. Các công ty cổ phần ở
Việt Nam thành lập ào ạt nhưng không có sản phẩm độc lập, chỉ để mua bán đất
đai, làm quảng cáo sản phẩm, hay gia công hàng hoá cho các công ty ngoại quốc, Lao
động Việt Nam dư thừa chỉ được dùng đem đi xuất khẩu, trong nước mở các dịch vụ
gợi tình, mua bán thân xác phụ nữ.
Ai đã khiến cho những
người trẻ tương lai của đất nước Việt Nam, nay chỉ biết cắm đầu kiếm tiền, bất
kể đã tiếp tay cho các tệ đoan hoặc nhúng tay vào tội ác? Ai đã biến một vùng đất
quê hương tôi bao đời hiền hoà, là hòn ngọc Viễn Đông, là vựa lúa của vùng Đông
Nam Châu Á, nay lại đầy rẫy nhưng bất công và băng hoại xã hội? Ai?
Buổi sáng hôm nay,
tôi thật không ngờ vợ tôi lớn tiếng với tôi:
-Sao đầu óc anh “kỳ
thị” dữ vậy?
Nói xong, vợ tôi lập
tức quay mặt bỏ đi, tõ vẻ bực dọc lắm. Trong cuộc sống vợ chồng nhiều năm rồi, khi
tôi và cô ấy bất đồng ý kiến, lần nào tôi cũng đều phải chịu thua, vì thượng đế
đã cho phụ nữ quyền ưu tiên đó từ rất lâu rồi. Nhưng riêng lần này, tôi không nhượng
bộ. Tôi hoàn toàn không có tư tưởng “kỳ thị”, kỳ thị sao được khi mình là dân
đen trong khi họ đầy quyền lực? Cô ấy không hề biết rằng niềm vui của cô ấy lại
là nỗi buồn sâu kín của tôi, khó giải bày.
Số là, hai vợ chồng
đã từng đồng ý với nhau, sẽ dành thời gian còn lại ở Việt Nam để đi nghỉ mát
Vũng Tàu hoặc Đà Lạt, bù lại những ngày làm việc vất vả ở bên Mỹ trong nhiều
tháng qua. Vậy mà hôm nay vợ tôi lại đổi ý. Cô ấy yêu cầu tôi phải đặt vé “tua”
vài ngày đi thăm “thủ đô” Hà Nội và mấy tỉnh miền Bắc, cô ấy còn nói, đi để
nhìn thấy vẻ đẹp thủ đô, những thắng cảnh tuyệt vời của quê hương mình, và để
nhìn thấy “sự tiến bộ vượt bực” của một Hà Nội “ngàn năm văn vật”.
Tôi có lý do riêng
nên nhất quyết phản đối:
-Em muốn đi du lịch
ở đâu cũng được. Trên khắp thế giới này, ở cùng trời cuối đất, núi cao, biển rộng,
sông dài, nơi nào anh cũng vui vẻ theo sát bước chân em. Nhưng anh không đồng ý
theo em đi du lịch Hà Nội.
-Tại sao?
Tôi lặng thinh,
không thể nói lời giải thích. Tôi có nỗi ám ảnh kinh hoàng khi nghe nhắc đến
hai từ Hà Nội. Nó giống như một loại hội chứng chiến tranh, thường bám theo người
lính kể cả sau ngày giải ngũ.
Ngày xưa, lúc tôi
độ tuổi hai mươi, khi vừa mới nhập ngũ, trong nhiều năm liền, trên báo chí và
trên đài phát thanh, tôi đã nghe hai từ “Hà Nội” đại diện cho đội quân miền Bắc
tràn xuống xâm lăng miền Nam. Hai từ này được lập đi lập lại ngày này qua ngày
khác, đại loại như là: “Hà Nội đưa mười ngàn quân tấn công Ban Mê Thuột”, “Hà Nội
chuyển hàng tấn bom đạn vào đường mòn Hồ chí Minh”, “Hà Nội đánh chiếm Phước Long”, “Hà Nội đồng ý ngồi vào bàn hội nghị”, hay là
“Hà Nội vi phạm hiệp định Ba Lê” v.v… Ai đã gây kinh hoàng cho cuộc sống yên
bình của nhân dân miền Nam, khi tấn công tàn khốc vào các tỉnh phía Nam, hoặc
khi pháo kích vào thủ đô Saigon? Câu trả lời chính là “Hà Nội”. Không ai nói đó
là Võ Nguyên Giáp, hay là Phạm văn Đồng, chỉ nghe “Hà Nội” thôi, một “Hà Nội”
khát máu và tàn nhẫn.
Trong đầu tôi, nỗi
ám ảnh về Hà Nội phát sinh từ giai đoạn đó.
Sau ngày “Hà Nội”
chiếm trọn đất nước, tôi không thấy có sự gần gũi, thân thiện nào của “Hà Nội”
dành cho những người miền Nam, ít nhất là cho tới ngày tôi rời đất nước đi định
cư. Lúc ấy, “Hà Nội” rất kỳ thị lớp người như chúng tôi (mà họ gọi là “nguỵ”),
kể cả kỳ thị con cái của chúng tôi trong các trường học. “Hà Nội” kỳ thị đến
nơi đến chốn, không nhường một bước, chỉ có một điều là “Hà Nội” đã không thể
chận bước chân bọn chúng tôi, khi chúng tôi được đi định cư nước ngoài.
Ngày nay “Hà Nội” đã
biết cách thay đổi, “Hà Nội” đã tổ chức xã hội như những nước “tư bản dãy chết”,
để cho cán bộ đảng viên có nhiều cơ hội hối
mại quyền thế, xây dựng cuộc sống giàu sang, sống nhỡn nhơ phè phỡn trên đầu
bao lớp người dân lao động (đa số là con em của nhân dân miền Nam chính gốc)
muôn đời đói khổ.
Và những băng hoại
xã hội không thể nào kể xiết.
Cái văn hoá chuyên
biệt của Hà Nội hiện nay đã làm nhiễm độc môi trường giáo dục, làm hư hỏng
bao thế hệ trẻ, trong đó có con cháu chúng ta.
Vậy mà vợ tôi lại vẫn thích ca tụng một Hà Nội “ngàn năm văn vật”, cô ấy không hề nghe thấy tiếng thét gào của hồn thiêng sông núi.
Đã hai ngày rồi vợ
tôi không nói chuyện với tôi. Có lẽ cô ấy hiểu lầm tôi không tôn trọng quê
hương Việt Nam, tôi ích kỷ, không chiều theo ý vợ con lấy vé đi du lịch Hà Nội.
Cô ấy không cho tôi cơ hội giải thích, mà làm sao giải thích được, vì những điều
suy nghĩ của tôi, khó có thể nói ra thành lời.
Việc bất đồng giữa
vợ chồng đã làm mất cả ý nghĩa của chuyến về thăm Việt Nam lần này. Các dự tính
đi Đà Lạt hoặc Vũng Tàu cũng vì đó mà phải huỷ bỏ. Những ngày vừa qua, chúng
tôi không còn cùng nhau dạo bước ăn phở mỗi buổi sáng, không cùng nhau đón xe những
buổi tối đi xem các chương trình ca nhạc. Những ngày dài chờ chuyến bay về Mỹ,
vợ tôi thường đi siêu thị một mình, còn tôi chán nãn bỏ ra quán cà phê vỉa hè
ngồi gậm nhấm cô đơn. Tuổi già, vợ chồng mỗi người mỗi hướng, có nỗi buồn nào
hơn nỗi buồn này,
Đất nước tôi ngày
nay đã thống nhất, đó là điều ai cũng mong muốn. Nhiều người đã nói, trên dãi đất
hình chữ S này, nơi đâu cũng là quê hương, và trên truyền hình, người ta có
trình diễn những bài hát về Hà Nội nghe thật dịu dàng, ấm áp, như là “Em ơi Hà
Nội phố”, “Có phải em mùa thu Hà Nội” v.v…
Nếu quả Hà Nội
đáng yêu như lời họ nói, thì bên cạnh dáng yêu kiều, quyến rũ của Hà Nội, hãy nhìn
sang một phương diện khác, có ai thấy chăng, một Hà Nội lãnh đạm, khô khan, đầy
tham vọng, sẵn sàng o ép người, sẵn sàng dùng bạo lực để đạt mục đích?
Tôi đã bị “hội chứng
ám ảnh kinh hãi” về Hà Nội từ nhiều năm, nhất thời chưa thể phai mờ.
Tôi không hề xem
nhẹ quê hương Việt Nam, và lúc nào cũng muốn cùng gia đình đi thăm khắp cùng đất
nước, đi thăm nơi nào tôi cũng vui, nhưng tôi chỉ xin đừng thăm Hà Nội.
Không lẽ sự bất đồng hôm nay sẽ mãi mãi chia rẽ vợ chồng chúng tôi?
oOo
Chiều nay, tôi lững thững bước chân trở về để dùng cơm chiều như mọi ngày mà lòng nặng trĩu, vì tôi nghĩ, sắp phải đối diện với một bữa cơm lạt lẽo, vợ tôi mặt buồn rười rượi, còn tôi lơ đãng nhìn xa xăm, mong cho bữa cơm mau tàn.
Nhưng hãy nhìn
kìa. Vợ tôi ra vẻ rất hớn hở, vui tươi, tí ta tí tửng, vừa dọn bát chén vừa ca
hát nho nhỏ. Tôi thật không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Tôi vừa ngồi vào
bàn, vợ tôi liền chạy vòng qua sau lưng tôi, hai tay cô đặt lên hai vai tôi và
nói:
-Còn lại ít thời
gian, vợ chồng mình đi du lịch miền Tây nha anh. Mình mời cả gia đình chú Toản
cùng đi, em sẽ có thời gian săn sóc bé Hiền, còn anh có cơ hội hát hò đàn ca
tài tử. Không phải chồng của em ca sáu câu rất “mùi” hay sao?
Tôi hơi phân vân:
-Nhưng mà … bé Hiền
…?
-Không sao đâu
anh. Cháu Hiền đã đi chơi với em cả ngày nay. Nghe nói được đi chơi miền Tây
cháu vui lắm. Cháu nó thích hủ tiếu khô Sa đéc, còn em thì quá mê bún nước lèo
Sóc Trăng. Cháu Hiền đã hứa với em là cháu sẽ rất ngoan. Quê hương mình đẹp lắm
anh ơi. Sáng mai, anh gọi điện thoại bao xe nha anh.
-Ừ, mai anh gọi sớm.
Lòng tôi vui như Tết. Nhìn thấy vợ chồng tôi vui, mẹ tôi cũng rất vui. Lần này gia đình Toản cũng vui, vì vợ chồng nó có hy vọng thay đổi được cháu Hiền. Cảm động khi nhìn thấy thái độ đối xử rất đẹp của vợ tôi, trong lòng tôi chợt dâng lên một niềm hạnh phúc. Tôi hạnh phúc, không những vì gia đình tôi đã có trọn niềm vui, hạnh phúc này thật là to lớn, nhưng ngoài ra, trong lòng tôi còn dấy lên một niềm hạnhúc khác, đó là lần này tôi không phải đặt vé đi du lịch Hà Nội nữa.
TỪ SƠN
(Tháng 9/2020)
No comments:
Post a Comment