Pages

Tuesday, October 20, 2020

Chuyện Mùa Bầu Cử - Huy Phương

Tài liệu hướng dẫn và phiếu bầu của cơ quan bầu cử Orange County gởi đến nhà các cử tri. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)

Cứ mùa bầu cử đến, thùng thư mọi nhà đều đầy “truyền đơn” của những ứng cử viên “vì dân vì nước,” vào các chức vụ dân cử! Ở ngoài đường phố thì ngập đầy bích chương, biểu ngữ mang chân dung và những khẩu hiệu kêu gọi “không có ai xứng đáng hơn tôi!”

Trong phạm vi nhỏ bé của cộng đồng Việt Nam tại địa phương này, năm nay đã có 27 người ra tranh 32 ghế dân cử, từ dân biểu liên bang đến một đặc khu vệ sinh tại địa phương. Nhiều người lại ứng cử vào tới ba chức vụ một lần, kiểu “vuột con lóc, thì móc con trê,” ghế thơm có bào ngư, ghế thường cũng có cháo. Làm chính trị kiểu này đúng là nắm thời cơ, không bỏ lỡ cơ hội, có máu con buôn. Rồi ra, đi làm dân cử cũng được xem như một cái nghề, mà mục đích ai cũng cần nghề để có miếng ăn.

“Vì dân vì nước,” hay gần gũi hơn là “phục vụ cộng đồng” đâu không thấy, nhưng vì danh, vì lợi thì đã thấy rõ, không danh lợi thì sao phải bỏ cày bỏ cuốc, tốn tiền bạc công sức và chịu biết bao nhiêu búa rìu dư luận, để được đắc cử vào một chức vụ nào đó.

Có đối thủ thì có tranh giành, có tranh giành, thì có chuyện vạch áo nhau cho thiên hạ xem lưng. Do đó nhiều ứng cử viên đã để lộ chân tướng, không nhận tiền của thế lực này, thì cũng “đi đêm” với các tổ chức vô minh khác. Mà cần gì phải đi đêm, người ta công khai giữa ban mặt, ban ngày. Lui tới, vào ra, chén anh, chén em với cộng sản, trong khi vẫn khoác áo là đại diện cộng đồng tỵ nạn, chống cộng sản, lúc dơi lúc chuột, hay làm loại tắc kè đổi màu. Dơi chỉ cần tháo cái cà vạt ra khỏi cổ là đã thành… chuột.

Những kẻ này chuyên đi hàng hai miễn là có lợi cho bản thân. Họ đã ngụy biện vì lý do này hay lý do khác, thậm chí còn biện minh “không vào hang hùm sao bắt được cọp!” Cọp nào ở trong tòa lãnh sự VC ở San Francisco? “Bắt cọp” nào thì chưa thấy, nhưng qủa là ô danh muôn thuở, khó bề gột rửa!

Loại làm chính trị này thế gian gọi là… chính trị hoạt đầu. Hoạt đầu được tự điển Hán Việt định nghĩa là “Cái đầu trơn, chui vào chỗ nào cũng lọt, chỉ người giảo hoạt.” Từ điển Nguyễn Quốc Hùng lại giải nghĩa thêm “chỉ kẻ giỏi xoay sở kiếm lợi.”

Để chỉ loại chính trị này, người Việt Nam lại có thành ngữ “chính trị thò lò.” Con thò lò (súc sắc, nhất lục) có sáu mặt, rất khó lường, biết ra mặt nào khi nó đang quay mòng mòng?

Người bản xứ làm chính trị không khó. Người Mỹ gốc Việt là những người vì cộng sản đã phải bỏ xứ sang đây. Ứng cử vào dòng chính của Hoa Kỳ, người Việt vai mang hai gánh nặng, có trách nhiệm của một dân cử của Hoa Kỳ, và không quên phục vụ cho cộng đồng người Việt, như những lời hứa hẹn thường nghe của các ứng cử viên. Là dân cử trong cơ chế của Hoa Kỳ, sao có thể phục vụ quyền lợi riêng của đồng hương mình mà bỏ quyền lợi của các sắc tộc khác?

Sát với cộng đồng tỵ nạn, lại có một tòa lãnh sự, hay đại sứ của cái đất nước mà dân tỵ nạn đã ghê sợ chạy thoát sang đây. Nhưng cơ quan này luôn luôn có tham vọng kiểm soát, kiềm chế mọi sinh hoạt của người Việt tỵ nạn, trong đó có những dân cử đã ra những nghị quyết cấm cửa Việt Cộng, chống đối, biểu tình, hô hào, đả đảo, tạo những bất  lợi cho đường lối chính trị của đảng đã chủ trương. Lẽ cố nhiên cộng sản cũng không mặn mà gì khi càng ngày có càng nhiều có nhiều người Việt (tỵ nạn cộng sản) đắc cử vào những chức vụ dân cử.

Trong một quốc gia có luật pháp như Hoa Kỳ, những thủ đoạn khủng bố, hăm dọa rất khó thực hiện, thì cộng sản chỉ còn một cách là mua chuộc. Không mua chuộc được công khai, trực tiếp thì gián tiếp, chồng chéo qua những tay sai, hay những kẻ đã bị mua chuộc rồi. Đó là những tên tài phiệt ra mặt công khai tuyên bố thân cộng hay nấp trong bóng tối, sẵn sàng rót tiền để yểm trợ gà nhà hay sẵn sàng đánh phá những người chống ta. Thậm chí chúng còn chi tiền cho ứng cử viên đối thủ người địa phương, để triệt hạ những ứng cử viên chống cộng.

Điều 6 của Nghị quyết 36 dành cho người Việt ở ngoại quốc (36 NQ-TƯ) đã nói: “Đầu tư cho các chương trình dành cho người Việt Nam ở nước ngoài của đài phát thanh, truyền hình và Internet; chú trọng đổi mới nội dung, hình thức và kỹ thuật của các chương trình này. Hỗ trợ việc ra báo viết, mở đài phát thanh, truyền hình ở ngoài nước. Xây dựng thư viện trên mạng Internet để phục vụ cho người Việt Nam sống xa tổ quốc.”

Ngân khoản để thực hiện điều 6 này rất tốn kém, có thể lên đến hàng triệu đô la, thì việc mua chuộc các ứng cử viên người Việt để vào được dòng chính Hoa Kỳ, chỉ là chuyện nhỏ.

Người ta phanh phui ra nhiều chuyện, có chứng minh, nhiều ứng cử viên có liên hệ qua lại với các giới chức kiều vận, vùng Little Saigon thì từ lãnh sự quán San Francisco. Số tiền dành để yểm trợ cho các ứng cử viên không phải là ít, được đi qua nhiều nguồn khác nhau. Ai cũng nói chuyện “phục vụ,’ “hy sinh” nhưng vẫn thậm thụt nhận tiền nơi này, nơi khác nhưng phát xuất từ một nơi, một nơi muốn khuynh loát cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng Sản tại địa phương. Cuối cùng thì nhìn lại, mặt mũi ai cũng lấm lem.

Do vậy kỳ này, cộng đồng tỵ nạn cầm lá phiếu phải dứt khoát, không chấp nhận, không khoan nhượng, tẩy chay những kẻ có liên hệ xa gần với cộng sản. Thái độ này có người cho là “quá khích!” Từ quá khích hay từ “cuồng” không có trong chính trị, vì trong công cuộc tranh đấu, chúng ta phải có thái độ hết lòng, “tận nhân lực, tri thiên mệnh!’ không thể nào có thái độ “xìu xìu ểnh ểnh. Chúng ta thua vì không hết lòng, vì lâu nay chỉ làm chuyện nửa vời, sợ đụng chạm, nể nang, kiểu “dĩ hòa vi quý!”

Khẩu hiệu “người Việt bầu cho người Việt” hình như không còn hữu hiệu nữa, đôi khi còn làm mang tiếng cho cộng đồng người Việt tỵ nạn của chúng ta.

“Bầu đúng, cử xứng!” “chọn mặt gửi vàng!” là những khẩu hiệu chúng ta đã nghe nhiều từ lúc ở trong nước ra đến hải ngoại. Trong một thế giới “vàng thau lẫn lộn,” hy vọng đồng hương may mắn chọn được một người xứng đáng cũng đã là quý lắm rồi! [kn]

Huy Phương

nguoi-viet.com

No comments:

Post a Comment