Pages

Friday, October 16, 2020

Làng Tôi - Hàn Thiên Lương


Có một người thường đi du lịch , đã đi khắp bốn phương trời, tình cờ được hỏỉ:”-Thầy đi nhiều vậy Thầy thấy nơi nào đẹp nhất?”Người ấy nhanh nhẩu trả lời rằng:”không có nơi nào đẹp hơn quê hương ta!” 

Thật sự tôi rất tâm đắc về câu nói nầy! Quê hương tôi là nước Việt Nam đã chìm đắm trong chinh chiến điêu linh, nay tuy có nét hào nhoáng bên ngoài, tựu trung vẫn còn bị kềm kẹp xích xiềng. Quê tôi cũng là một làng nhỏ nằm sát biên giới Việt Miên, làng Hiệp Hòa , đã từng đổ nát điêu tàn! Nay đang sống cuộc đời viễn xứ,tôi xa cách làng quê vạn dặm, nhưng hình ảnh thôn trang yêu dấu đó luôn đậm nét trong hồn tôi!

Ai có đứng trên sông Vàm Cỏ Ðông một chiều nắng phai, sẽ thấy sông nước mênh mông, khói lam chiều nhẹ tỏa xa xa bên kia biên giới, tâm hồn như trải rộng ra, ta sẽ thương nhớ mênh mông, thương người xưa đi mở đất, thương những người mới đây ngã xuống vì kiên trì  giữ đất!

Làng quê tôi nương mía bạt ngàn, nổi tiếng với hảng đường Hiệp Hòa. Thuở còn học lớp tiểu học, mỗi lần thầy nói đến công nghiệp Ðông Dương, thầy luôn kể đến dệt Nam Ðịnh, đường Hiệp Hòa. Lúc đó tôi hảnh diện lắm, tôi nói với bạn ngồi bên cạnh:” Hiệp Hoà là làng của tao đó”

Những nương mía quê tôi thì bạt ngàn, kinh mương ngang dọc chi chít, nên có những cầu tre lắt lẻo. Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi nhưng tình tứ thơ mộng. Ðứng trên cầu tre nhìn xuống dòng kinh xanh biếc, hoa súng đủ màu nhấp nhô như cười cợt như đón chào khách qua cầu. Hồi hộp nhất lúc chân bám vào thanh tre thân cầu, tay nắm vào sà tre dọc, tay trái nắm tay cô bạn gái cùng xóm để dìu giúp cô qua cầu. Ôi chao bước được xuống cầu, thở một cái phào, nhìn cô, cô e thẹn!Tôi bất chợt nói:

-“Chà, nói té xuống kinh, không biết ai vớt ai cô nhỉ”. Cô cũng làm thinh , nhưng mặt cô đỏ hồng lên! Niềm vui đó có phải là nét đẹp quê hương, sao không bao giờ phai nhạt trong tôi!?

Làng quê tôi không chỉ có mía, những cánh đồng hai bên đường trải thảm xanh, đó là những cánh đồng lúa mênh mông. Ðó là những cánh đồng đậu phộng, mịn như nhung, điểm hoa vàng, nhìn xa như những cánh bướm vàng rực rỡ. Các cô thiếu nữ tưới đậu trong chiều nắng phai, xa xa nghe chàng trai nào đó trêu ghẹo :

 “Cô kia tưới đậu bên đàng

Cô đừng tưới ướt hoa vàng của tôi”

 Cô cũng tinh nghịch đáp lại:

“Hoa vàng hãy cất trong lầu vàng

Cớ sao lại vất bên đàng hởi ai

Những lời hát tình tứ như vậy là  tiếng lòng sống động của làng quê tôi.. Ai cũng có nụ cười hiền hoà, đẹp nhất là mối tình quê thuở đầu đời, những niềm vui nhỏ mong manh nhưng khó quên!

Riêng tôi còn nhớ, một hôm mẹ tôi bị cảm, Cha tôi bảo tôi qua chợ Rạch Nhum bổ cho mẹ tôi một thang thuốc. Tôi đội nón đi lúc mặt trời chưa mọc, đi ngang qua nhà cô Tỵ, người yêu của tôi, thấy cô đang loay hoay trong mấy rò dưa leo, tôi bèn bỏ nón trên bờ đê vào hái dưa với cô.. Cứ giỏ đầy tôi kéo cô đẩy. Có lần tôi kéo mạnh quá, Tỵ ngã chúi vào người tôi. Phản ứng tự nhiên tôi ôm nàng, tóc nàng bung xỏa vào mặt tôi, nhưng nàng gượng dậy.Tôi hỏi Tỵ”-Em gội đầu bằng xà phòng xả hả?”

Tỵ đáp:”-dạ xà phòng xả’

Tôi cười và nói:”Vây em là bà xã của anh nhé”

Tôi vừa dứt lời thì Tỵ nhanh miệng:”-cầu trời được như vậy hở anh”

Tôi im lặng, không đáp nhưng nhưng đồng tình với niềm thương yêu tràn ngập trong lòng tôi!

Ngay khi đó nghe tiếng cha tôi:”: Tâm còn ở đó hả? Mặt trời qua khỏi ngọn tre rồi mà còn ở đây. Con bổ thuốc về tới nhà chắc mẹ con chết rồi!”

Nghe vậy tôi vội vàng chui ra rò dưa leo và đáp:”-Dạ để con đi”. Tôi chạy luôn một mạch, quên hẳn còn bỏ lại chiếc nón trên bờ đê và người yêu của tôi đang ngồi im ẩn trong rò dưa leo!

Buổi chiều gặp lại Tỵ cười và trêu tôi:”-sáng về có bị đòn không anh”

Tôi đáp:- không, ba hiền lắm!

Tỵ nắm chặt tay tôi và nói:”- đời con gái thương chồng cũng mong cha mẹ chồng hiền đó anh.

Thuở đó vào những năm 1957 1958 là thuở bình yên nhất của quê hương miền Nam, và chúng tôi cảm nhận được hạnh phùc tràn đầy. Thường những ngày giáp Tết  tôi và Tỵ chèo xuồng ba lá đem hàng ra chơ Rạch gốc. Lúc trở về  xuồng lướt nhẹ trên dòng kinh, chúng tôi cho thuyền len lỏi vào các kinh mía. Các luống mía đã trổ cờ nên rất cao và che rợp dòng kinh, tiếng klêu ríu rít của các con chim nhỏ( gồm chim sẻ sắc ô, dòng dọc, áo già manh manh,… dân địa phương gọi là chim mía) đang bắt các con côn trùng có cánh bay quanh cờ mía để hút mật, thật một hoạt cảnh vui mắt vui tai.Thuyền cứ trôi ,trôi mãi nhiều lúc trôi lạc vào cụm rừng tram thấp , dân địa phương gọi là rừng tràm rau râm. Hoa tràm nở trắng xóa, hương tràm toả ngát làm chúng tôi  ngây ngất, hồn chúng tôi cũng xiêu đổ theo gió nhẹ mùa xuân!

Ðó là hạnh phúc buổi đầu đời nhưng rất ngắn ngủi, những điều mơ ước  như bèo mây, vì chỉ vào năm 1960, bọn Việt Cộng xuất hiện từng đêm;

Gia đình tôi rút êm lên Saigon, riêng gia đình của Tỵ không có đủ hoàn cảnh để đi sớm.

Một đêm du kích Việt Cộng bắt thanh niên thiếu nữ đi đào đường đắp mô, trúng mìn chúng gài, gây tử thương bảy người trong đó có Tỵ. Nàng chết trong niềm cô đơn xa vắng, người yêu cũng không thể trở về thắp cho nàng một nén hương!

Ngược lại thời gian những năm 1945, 1946, 1947, nhớ lại thật khủng khiếp. Khi Pháp trở lại xâm lăng Việt Nam, toàn dân đứng lên đáp lời sông núi. Cán bộ cộng Sản  nắm chặt phong trào Việt Minh nên việc giết chóc xãy ra hằng ngày! Họ đưa ra chính sách tiêu thổ kháng chiến: các nhà ngói bi triệt hạ, sợ Tây lấy làm đồn bót. Các nhà giàu đều bị Việt Minh viếng. Nhìn chung nhà các ông Hội Ðồng, Cai tổng, viên chức hội tề… đều tan nát, các tín đồ Cao Ðài bị tàn sát!

Sau Tết Mậu Thân, nhiều người dân trong làng phải khổ sở vì mấy tên du kích. Số là  quân đội VNCH truy kích quân Cộng Sản, phát hiện được nhiều hầm vũ khí giấu sát bờ mương, góc rào cạnh nhà dân. Người dân nào có nhà gần  hầm vũ khí bị phát hiện sẽ bị bọn du kích nghi là chỉ điểm và bị tra hỏi không may có thể bị chúng sát hại! Ðiển hình nhà bà Sáu Trang , sát bên rào, lính Quốc gia phát hiên một hầm đạn B40 do VC cất giấu, thế là đêm về bọn du kích đến bắt bà tra tấn…Sau nầy bà bị bệnh tâm thần chết vào năm 1976. Trước khi chết mấy tháng bà cứ lôi Việt Cộng ra chửi. Dân chúng trong thôn xóm điêu tàn, đang đói khổ được cười thầm…thỏa lòng như được bà Sáu chửi thế cho mình vậy!

Với nét bút đơn sơ tôi chi phác họa niềm đau khổ của làng quê tôi. Hiệp Hòa, một làng quê êm ả hiền hòa, ghi vào lòng tôi một dấu ấn yêu thương tuyệt vời. Một xóm làng chìm đắm trong chinh chiến điêu linh, nay còn quằn quai trong gong cùm Cộng sản! Mảnh đất đó nay đang ôm chặt thân xác mẹ tôi. Quên sao được , cũng trên mảnh đất đó, mồ người yêu của tôi đang quạnh hiu bên bờ suối âm u, những rừng tre quanh năm rì rào xanh bóng lá, tựa hồ lòng tôi luôn luôn âm vang lời của Tỵ như lời nguyền yêu thương đến chết!

Hàn Thiên Lương                               

No comments:

Post a Comment