Pages

Monday, November 2, 2020

Thằng Chả - Nguyễn Thị Thêm


Tôi theo cháu qua thăm chị. Đó là căn nhà do cha mẹ chị để lại. Trước nhà có một khoảng sân rộng ngày xưa tôi rất thích đến chơi. Nơi đó bác trai trồng rất nhiều cây kiểng. Những cây gốc u nần hình dáng lạ kỳ được bác chăm chút mỗi ngày . Có cây hoa sứ cùi thật đẹp nhiều màu do bác cấy ghép, nhánh xòe ra nghiêng nghiêng như cô thiếu nữ đang uốn dẻo múa may. Những gốc mai vàng rực rỡ khoe mình vào dịp Tết được bác yêu quý đặt trước cửa ra vào. Nhiều nhiều lắm những gốc cây bác mua lại hay đào từ rừng về rồi chăm chút tưng tiu đặt vào những chậu gốm thật đẹp. Bác yêu hoa như người ta quý một món đồ cổ. Trân trọng và chăm chút.

Khi thấy tôi đứng ngắm nghía bác hay tâm sự:

-  Hoa cũng như người, có tâm hồn và biết rung động.

-  Vậy Bác có hay trò chuyện với hoa không? Tôi hỏi bác

-  Có chứ con. Cây nào không ra hoa, bác còn hăm he đánh đòn nữa đó

-  Vậy nó có nghe lời bác không? Tôi tò mò

-  Nó nghe lời chớ. Nó còn ngoan hơn con Mận nhà bác.

-  Chỉ giỏi mà, rất sợ và nghe lời bác. Tôi ngạc nhiên

-  Sợ thì sợ nhưng con gái mà nó thô lỗ như con trai. Bác nói hoài mà nó không sửa. Nó không yêu hoa yêu lá, nó thích cái gì đâu không à. Nó không giống bác một chút nào.

"Thích cái gì đâu" theo lời bác trai ba chị Mận nói là chị thích đi chơi nhiều hơn đi học. Chị mê tắm sông, câu cá nhứt là mê đá banh. Hễ có trận đá giao hữu nào tổ chức tại địa phương là chị đi coi cho bằng được. Chị la hét và vỗ tay rần rần trong những pha sút bóng ngoạn mục. Chị hoàn toàn  không thích thêu thùa bếp núc hoặc chăm chút bông hoa như ba chị. Ba Má chị thường than phiền là "Mụ bà nắn lộn" nên sinh chị ra là gái. Nhưng nhờ tính ngay thẳng, tốt bụng nên dù ăn to nói lớn bà con trong xóm ai cũng thông cảm. “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”

Khi tôi kể lại cho chị nghe câu nói của bác trai, chị cười to rồi nói:

- Trời ơi! Ông già Ba tri của chị. Chị giống ổng làm sao được chớ. Em coi ổng bỏ hàng giờ ra giữa trời để ngắm nghía một cây bông. Trời mưa trời gió, ổng sợ mấy cây bonsai chết, hì hục khiêng vô. Ổng sợ nó chết, bộ ổng không sợ ổng bệnh chết hay sao. Chị về thấy mà hết hồn, phụ ổng không kịp. Chị đâu có yêu hoa kiểu khùng khùng như ba chị. Em biết không có những bữa ổng không chịu ngủ chỉ ngồi đó uống trà chờ cây quỳnh trổ bông. Mà phải nó nở ra bạc ra tiền đâu. Nó nở xong một hồi là nó tàn. Có ứa gan không?

-  Thì tại vậy nên nó mới quý. Tôi nói với chị.

-  Quý cái con khỉ khô! Sức khỏe ba chị mới quý. Ổng ngồi đó thù lù cả đêm, ngày hôm sau ổng xụi lơ, mắt thâm quầng thấy thiệt nóng ruột. Chị tức mình muốn rinh mấy châu bông đó quăng ra đường cho bỏ ghét.

Chị chỉ nói vậy thôi chớ chị biết tính bác trai. Chị biết ba chị quý cây lắm nên dù lúc nghèo túng người ta trả giá cao mấy chị cũng không bán. Chị tâm sự mấy chậu bonsai là bạn già của ba chị. Bán đi ổng sẽ buồn sinh bệnh. Miệng chị hay nói đôi khi thô lỗ, nhưng chị có hiếu cực kỳ cả xóm ai cũng biết. Chị lúc nào cũng săn sóc và lo lắng tận tình cho cha. Thời thế thay đổi, sau 75 nhà nào cũng bị đánh tơi tả, nghèo khó. Một người lúc nào cũng ăn mặc tề chỉnh như bác trai mà có lúc tôi thấy bác mặc cái quần xà lỏn vải rút lên gần sát háng đứng tưới cây, tôi thật mũi lòng.

Nghe nói đâu bác trai là con cầu con khẩn nên được cha mẹ cưng chiều. Ông được đi học trường Tây và có cuộc sống phong lưu không lo cái ăn cái mặc. Đời sống công tử đào hoa của ba chị chấm dứt khi ông nội chị bệnh nặng và nhất quyết bắt con về nhà cưới vợ. Mẹ chị là cô dâu được cha mẹ chồng chọn lựa để kiềm chế bước chân lãng tử của chồng. Cô dâu chỉ là một cô gái bình thường ít học trong làng nhưng rất ngoan hiền, giỏi giang. Sau khi ông nội chị qua đời, mẹ chị hết mực lo lắng săn sóc bà nội chị và quán xuyến việc nhà. Ba chị không quen cuộc sống bó chân bó cẳng nên kiếm cớ đi buôn bán và vắng nhà thường xuyên. Chị được sinh ra không bao lâu thì bà nội bệnh nặng qua đời. Trước lời trối trăn của mẹ, ba chị từ bỏ tất cả về nhà chăm chỉ làm ăn. Nhà còn chút vốn liếng, có đất vườn nên cuộc sống cũng an nhàn.

Sau 75 cuộc sống cơ cực, mẹ chị bệnh nặng rồi mất. May mà căn nhà không lớn và ba chị không dính dáng đến chính quyền cũ nên nhà nước mới vẫn để yên. Ba chị phải bán dần đất hương quả để sinh sống. Ông sống vui với cây kiểng và vài con chim nuôi trong lồng. Chị Mận không thể tiếp tục học phải ở nhà buôn bán. 

Tôi theo gia đình xuất ngoại không có dịp về thăm.

......

Căn nhà chị đã thay đổi lối vào bằng một cái cổng sắt che chắn phía trước. Đó là một điều lạ khi tôi về thăm lại quê hương. Hình ảnh hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau không còn nữa. Ngày xưa nhà này ngăn cách nhà kia đôi khi chỉ là một hàng rào đơn sơ tượng trưng. Nếu là vườn rộng thì chỉ có một cái mương nhỏ hay một hàng mít phân ranh. Chỉ một bước chân là qua khỏi vườn nhà.Trước mỗi nhà là một hàng rào dâm bụt hay bông giấy cắt xén thấp cho đẹp tầm nhìn. Cổng vào nhà đơn sơ bằng gỗ cài sơ sài tạm bợ. Không có khóa chỉ thò tay vào mở chốt là xong.

Bây giờ nhà nào cũng kín cổng cao tường. Một cái cổng thật to và cao có khóa bên trong, có khóa bên ngoài kiên cố. Cái cổng to kềnh như lo sợ, như che dấu hay để thị uy. Nhà này muốn che kín cuộc sống của mình với nhà kia, như con người muốn đóng kín những gì mình nghĩ, mình làm không cho người khác biết.

Hai cô cháu bước vào sân. Cháu tôi gọi lớn :

-  Cô Mận Ơi! Có nhà không?

-  Có! Ai đó?

-  Con ! Hương. Có cô con về thăm cô Mận.

Một người phụ nữ trung niên bước ra. Tôi đứng ngây người nhìn chị. Chị Mận ngày xưa của tôi hiện ra dưới nắng chiều. Tóc chị uốn quăn, cột phía sau gọn ghẽ. Gương mặt chị đã thay đổi theo thời gian. Nụ cười  vẫn còn tươi dù hàm răng đã xiệu xạo. Chị mập lên nhiều, tướng đi trông phục phịch nhưng khá phúc hậu.

Hai con người cách xa mấy chục năm, qua nửa vòng trái đất gặp nhau chăm chăm nhìn nhau như cố nhớ lại hình ảnh ngày xưa:

-  Hạnh hả? Em dìa hồi nào? ( chị ôm lấy tôi ). Lâu dữ ha hai chị em mình mới gặp lại.

Tôi đưa tay ra ôm vòng lưng chị, vòng lưng đầy chắc và to

- Em về hôm qua. Mệt quá nên giờ mới qua chị.

Chị kéo tôi vào bên trong, chỉ cái bàn và cái ghế kêu tôi ngồi rồi chị vào lấy nước. Tôi đã nghe cháu tôi nói lại là chị mở tiệm bán nước và thức ăn. Nhưng tôi nhìn xung quanh nó hỗn độn thế nào.

Đây là cái sân trước ngày xưa bác trai để những chậu cây kiểng. Bây giờ biến thành một tiệm ăn nhỏ, mái che là những tấm tôn. Trời đã chiều, cây quạt máy chạy vù vù mà tôi vẫn nghe còn nóng. Xung quanh treo vài cái lồng chim. Những lồng gà nằm rải rác bay mùi khó chịu.

Chị mang hai ly nước cam vắt ra mời, nụ cười chị thật tươi nên trông chị vẫn còn trẻ so với số tuổi. Hai chị em tíu tít hỏi thăm nhau. Khi tôi hỏi những chậu kiểng của bác trai, chị ngậm ngùi thở ra, nước mắt ngân ngấn.

- Nghèo quá em ơi! Khi ba chị bệnh nặng chị đành phải bán để có tiền trang trải bệnh viện. Cây quý bán đi, người cũng không sống được. Tôi chỉ những lồng chim hỏi có phải là của bác ngày xưa, chị trả lời không phải em ơi! Chim ba chị nuôi chị bán hết rồi. Chị một mình làm sao chăm chim và nuôi bệnh. Mấy cái lồng chim này của "thằng chả" đó.

-  Thằng chả là ai? tôi ngạc nhiên hỏi

-  Là chồng chị chớ ai. Thằng chả đi làm chưa về.

Thằng chả? tôi nhớ bác trai và bác gái gọi nhau là Mình. Tiếng mình thân thương như hai mà một. Khi nhắc đến lúc vắng mặt thì hai bác gọi là "ông nhà tui " hay "bà nhà tôi". Ba má tôi thường gọi nhau "Má thằng Thích " hay "Ba thằng Thích" vì anh hai tôi tên Thích. Khi nói chuyện để ám chỉ chồng mình má tôi dùng từ "Ba xấp nhỏ". Đó là lối gọi của những người dân dã bình thường Có những người họ dùng "Tía nó" hay "Má nó" hoặc "Ông tui, ổng..." hoặc "Nhà tui.." Những người ăn học văn minh họ dùng "Anh, Em" hay gọi thẳng tên nhau rất ngọt ngào. "Anh ấy" hay "bà xã tôi" để nhắc đến người vắng mặt. Mỗi miền hay địa phương đều có cách gọi khác nhau. Nhưng nhắc đến chồng mà dùng từ "Thằng chả" thì chắc chỉ có chị Mận hay những người phụ nữ rất ghét chồng mình. Nhưng tôi nghe nói vợ chồng chỉ rất yêu thương nhau cơ mà.

-  Còn những cái lồng gà này?

-  Ừa! Thì cũng của thằng chả chớ ai. Gà chọi đó em. Chị đã nói thằng chả khô nước miếng mà thằng chả không nghe. Cứ ham nuôi cái gì đâu không? mệt muốn chết. Buôn bán mà để mấy cái này ...em coi mất vệ sinh... Ngày xưa ba chị mê cây cảnh, bây giờ chồng chị mê nuôi chim, đá gà Thiệt không biết nói làm sao nữa.

Chị than vãn về chồng về thằng con một cũng giống cha mê đá gà và cá độ. Làm bao nhiêu tiêu xài hết, đến bây giờ cũng chưa chịu lập gia đình. Chồng chị tốt bụng nhưng ham chơi, thích nhậu. Tôi nghĩ đến chị hồi xưa mà cười một mình. Như vậy hai người cũng giống nhau, nồi nào úp vung nấy.

Tôi xin phép chị được vào nhà đốt cho bác nén nhang. Chị dắt tay tôi dẫn đi. Tôi như trở lại hồi còn nhỏ vào nhà này được bác gái cho ăn xôi, ăn bánh canh nóng hổi. Được bác trai ra sau vườn hái ổi hái mận cho ăn. Tôi như đứa con gái nhỏ được hai bác thương yêu. Căn nhà vẫn vậy, không sửa sang gì thêm nên đã cũ theo ngày tháng. Bàn thờ gia tiên có thêm hình bác trai và bác gái trên đó. Tôi đốt nén hương thưa với hai bác con gái nhỏ về thăm. Xin hai bác chứng giám. Nước mắt tôi rưng rưng. Nước mắt chị Mận cũng rưng rưng.

Có tiếng xe nổ vang ngoài cửa rồi tiếng thắng kít thật gấp. Chị Mận nghe tiếng xe đã biết ai vào cổng

-  Thằng chả về.

Tôi theo chị ra ngoài. Một người đàn ông, da sạm đen thân hình ốm yếu đang gạt tó chiếc xe một cách khó khăn. Tôi chưa kịp hỏi gì chị đã chửi thề:

- Đm lại xỉn.

Rồi chị băng băng bước ra, tôi vội đi theo dự tính ra chào chồng chị. Tới nơi, người đàn ông còn loay hoay cởi cái nón bảo hiểm, chị ào tới:

-Đm, bữa nào cũng xỉn. Có ngày chết ở ngoài đường cho coi.

Người đàn ông không tỏ vẻ gì là giận hay hối lỗi. Anh ta quăng cái nón bảo hiểm xuống đất, vuốt má chị Mận một cái cười hề hề:

- Vợ cưng! Em đẹp nhất nhà. chửi cũng đẹp.

Rồi chẳng ngó gì tới tôi, chân thấp chân cao anh ta đi vào nhà. giọng lè nhè:

- Hôm nay có mấy xị chớ nhiều nhỏi chi đâu em.

Tôi chưa kịp phản ứng ra sao, chị Mận còn loay hoay lượm cái nón bảo hiểm móc vào ghi đông xe thì đã nghe tiếng của anh ta:

-Bà xã! Vô đây biểu, anh xỉn quá rồi.

Chị Mận nhìn tôi cười ngượng ngập

-  Chị phải vô pha nước chanh cho thằng chả uống. Không thôi thằng chả ói đầy nhà. Hôm nào chị ghé thăm em nha. Đm, chồng với con.

Rồi không đợi tôi trả lời, chị vội vã chạy vào nhà theo tiếng la:

- Tui vô đây nè! Đừng có ói giữa nhà nghen cha nội...

.....

Tôi ghé lại thăm chị Mận vào sáng mồng ba Tết. Vừa để chúc Tết vừa chào tạm biệt chị, ngày mồng bốn tôi phải trở lại Hoa Kỳ. Từ hôm thăm chị tới nay đã hơn 2 tuần lễ. Thời gian đó tôi bận đi tour đã mua trước từ bên Mỹ. Hôm đến nhà vì  vội vã đi về tôi không có thời gian trao đổi số phone, nên hai chị em không liên lạc với nhau.

Việt Nam mình ăn Tết quá lớn. Khắp nơi những tụ điểm ăn chơi sang trọng và tấp nập con người. Hội hoa Xuân với những cây cảnh, hoa lá trang trí xa hoa chi phí nhiều tỉ bạc. Năm nay nhà nước ban hành luật lệ giao thông mới. Dân chúng bàn tán xôn xao từ Bắc vào Nam.

Thứ nhất là ai đi xe hai bánh khi xét phải đúng tên trong giấy chủ quyền xe. Thôi chết rồi, bà con la lên. Chủ quyền xe chỉ có tên một người, trong nhà không ai đi ké được. Cả gia đình dành dụm mua chỉ được một cái xe kiếm cơm. Giờ thì làm sao. Mặc dân dân la, công an cứ buồn buồn thổi còi chận lại.  Biết điều thì cho đi, không có thủ tục đầu tiên thì xe bị đưa đi vì phạm luật. Xe nghi ngờ bị đánh cắp.

Thứ hai là phạt rất nặng những người say rượu lái xe. Nói là để an toàn giao thông nhưng cũng là để công an kiếm thêm chút cháo, nhà nước kiếm thêm tiền. Quan anh, quan em thì có xe con, tài xế chở mặc sức mà nhậu ở những nhà hàng sang trọng. Chỉ có dân nghèo lãnh đủ vì đôi khi không nhậu vẫn bị thổi và bắt thở để kiểm tra. Luật pháp cũng né người có tiền nên phạt hay không phạt tùy theo tình hình vui buồn của kẻ có quyền. Riêng xe taxi, xe ôm  được chiếu cố tận tình rất đắt hàng vào dịp Tết. Bạn nhậu cứ dô dô tận tình, rồi a lô là xe tới rước đưa về tận nhà. Tiền trao cháo múc, không sợ công an, an toàn trên xa lộ. Các quán hàng, tụ điểm ăn uống cứ thế mà đầy nghẹt khách. Quán rượu tràn ra đường.

Điểm đặc biệt ở VN vào những ngày giáp Tết là tặng quà và liên hoan bất kể lớn nhỏ. Cơ quan nhà nước lại càng không thể bỏ qua. Cấp trên thưởng cho cấp dưới, cấp dưới tặng quà cấp trên. Chức vụ càng lớn giá trị quà càng có giá trị. Giá trị đi theo những hợp đồng béo bở, những mối làm ăn có lợi nhuận kếch xù. Theo kiểu suy nghĩ bất thành lời của dân chúng là hối lộ, đút lót, là lấy của công thành quà cáp biếu xén lẫn nhau.

Tội nghiệp nhất vẫn là dân lao động nghèo. Quà mừng xuân tặng cho cấp trên, quà cám ơn thầy cô cho con cái. Trong không khí rộn ràng diêm dúa mừng Tết có pha lẫn nhiều giọt nước mắt của những người nghèo, người khó. Sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn thể hiện rõ ràng trong xã hội. Tiền VN chi ra nhiều như giấy, từng xấp, từng xấp còn mới tinh, cáu cạnh. Những tờ giấy 500.000 đồng mỏng te sợ đếm dính tay. Một bao thơ nho nhỏ, nhẹ tênh có thể là cả ngàn đô la. Công nhân được thưởng bằng quà hiện vật, còn cấp cao quà Tết đơn sơ một lẵng hoa và một bao thơ nho nhỏ khiêm nhường cám ơn.

Có những bữa tiệc trị giá cả ngàn đô cho những ông to bà bự. Nhưng cũng có những người nghèo mỗi ngày chỉ  kiếm được vài trăm ngàn đồng VN. Hôm tôi đi thăm thắng cảnh Tràng An, người chèo đò của gia đình tôi là một bà chừng 50 tuổi. Bà là một trong những người dân sống lâu đời ở khu vực này. Nhà đất họ bị nhà nước quy hoạch để làm khu sinh thái. Vì vậy họ được thu nhận chèo đò đưa đón khách. Đò do công ty cấp, có đánh số hẳn hoi, làm việc luân phiên theo thứ tự.  Nếu đò hư hỏng phải bỏ tiền túi tự sửa chửa.  Mỗi chuyến đò khách du lịch phải trả 200.000$ một người. Cứ 6 người ngồi một đò và xong một chuyến, người đưa đò được trả 200.000$. Chủ thầu thu về 1 triệu.

Có tổng cộng 2.000 chiếc đò như vậy, nên nếu xoay tua, thì một ngày đắt khách nhất cũng chỉ đi được một chuyến là cùng. Chuyến đầu tiên phải có mặt từ bốn giờ rưởi sáng. nếu tới tua mà không có mặt thì kể như mất lượt ưu tiên, phải bắt đầu lại  vòng sau. Có nhìn họ chèo mới thật thương, nhất là những lúc ngược gió chiếc đò như muốn đứng lại. Cho nên thường khách du lịch cũng chèo phụ, vừa vui, vừa trợ giúp con đò đi nhanh hơn. Tiền họ kiếm được thêm để sinh sống đa phần là tiền thưởng của khách hảo tâm. Họ sinh ra và lớn lên từ nơi này như cái cây rễ đã bám chặt vào đất không muốn rời xa. Và thế cả đời họ phơi mình trên sông nước quê hương và an phận như vậy.

Một ngày tôi

Những ngày cuối năm trước Tết Nguyên Đán cả nước rộn ràng. Công nhân lao động ở xa chen chúc nhau mua vé tàu về quê ăn Tết. Công ty xí nghiệp, cơ quan nhà nước tổ chức tổng kết, bình bầu tiên tiến, liên hoan cuối năm. Ở đâu cũng thấy ăn uống, tiệc tùng, bông hoa, quà cáp. Khác xa các nước tư bản không có những lễ lạc như vậy.

Chưa bước vào sân trước nhà chị Mận, tôi  đã nghe tiếng dô dô ồn ào vang ra. Tôi khựng lại và có ý muốn quay về thì đã thấy chị Mận bưng cái gì đó đi ngang và nhìn ra.

Chị mừng rỡ hỏi thăm mấy tuần nay sao không thấy tôi ghé. Chị kéo tay tôi vào. Tôi hỏi:

-  Chị cúng đưa ông bà rồi hả chị? Chị cười lắc đầu:

- Đã cúng kiến gì đâu em ơi! Ngày nào thằng chả cũng nhậu như vậy hết. Chắc tới chiều tối chị mới cúng đưa.

Tôi bước vào sân , trên chiếc chiếu trải giữa nền nhà, một đám đàn ông đang ngồi nhậu. Mọi người ngừng nói và các cặp mắt đổ dồn về phía tôi. Tôi lịch sự cúi đầu chào và ngó chị Mận. Chị giới thiệu tôi là cô em hàng xóm ngày xưa từ Mỹ về ghé thăm. Chồng chị Mận đứng dậy, loạng choạng bước ra nói lè nhè:

- Chào cô em gái của bà xã tui. Tôi gật đầu :

- Chào anh.

- Ê! Bà xã yêu quý, đem thêm mồi cho anh. Mời cô ngồi xuống uống với tụi tui một ly.

Tôi lắc đầu từ chối  nói không biết uống rượu. Thế nhưng anh ta cứ lè nhè xáp lại mời tới mời lui.

- Không mấy khi cô về, Tết nhứt, uống một ly mừng Xuân

Cả nhóm bạn vỗ tay khiêu khích:

-  Mày mà mời được, tao chịu phạt 3 ly.

- Tao cá độ một thùng bia

- Tao bao một chầu lẫu Năm Ri

Mặc ai nói gì, tôi lặng lẽ bước qua hướng khác, xin phép chị Mận cho tôi vào nhà đốt hương chúc Tết ông bà. Tôi rất chướng mắt với lối chào mời sỗ sàng bất lịch sự. Nhưng đã lỡ đến đây, thôi thì làm lẹ thủ tục rồi về

- Bà xã đâu, lấy thêm mồi. Tết nhứt mình cứ nhậu thả ga nha anh em. Dô!

Tôi thấy chị Mận nhìn lom lom anh chồng. Chị có lẽ đã bất bình vì thái độ suồng sã của chồng. Nhưng chị cố nén giận vì ngày tư ngày Tết. Trong lúc tôi bật lửa đốt hương trước bàn thờ chị nói với tôi:

- Em đốt nhang đi nha. Chị đem mồi cho thằng chả. Rồi chị lẩm bẩm: "Đ..mẹ nhậu nửa đi, nhậu cho ung thư gan chết mẹ cho rồi"

Nhìn chị bưng dĩa tôm khô củ kiệu ra cho chồng tôi thương chị và phụ nữ VN quá. Xã hội này sao đàn ông sướng và hư quá như vậy. Vợ đâu phải con hầu hay người ở. Mới sáng thôi đã say như thế này thì làm sao giúp đỡ vợ, dạy bảo con cái. Cái gương vô trách nhiệm sẽ làm băng hoại những thế hệ về sau. Tại sao họ không biết quý bản thân, thương yêu cơ thể mà mẹ họ khó nhọc sinh ra, nuôi cho khôn lớn. Tôi nhìn họ mà tội nghiệp cho những người vợ, người con của họ. Rượu là lễ nghĩa, rượu không thể thay thế nước mà uống từ sáng sớm. Nhưng biết sao bây giờ, chính họ đã đẩy họ vào đường cùng của bệnh tật.

Khi chị Mận trở lại, tôi chào chia tay chị và xin phép ra về. Không quên chúc chị một năm mới sức khỏe, tiền vào như nước. Chị cười nói với tôi

- Làm gì mà có tiền vào như nước hả em. Chị khổ trần thân vì thằng chồng say xỉn. Chắc kiếp trước chị mắc nợ cha con thằng chả.

Tôi vừa bước ra thềm nhà  thì có một chiếc xe vội vã chạy vào rồi thắng két một cái. Trên xe hai thanh niên bước xuống. Một người đi nhanh vào chỗ mấy lồng gà. Anh ta mở cửa chuồng ôm một con gà ra. Chồng chị Mận la lớn:

- Mầy rinh con Tơ đi đâu?

- Tui có độ bữa nay. Nhất định con Tơ thắng chắc.

- Thắng cái ông cố nội mày! Công an đang rình đó. Nó chụp một cái ...

- Tui biết mà, tía lo nhậu đi. Tui mà thắng bữa nay, mai tui bao tía một chầu "hoành tráng."

Chị Mận trong nhà chạy ra la lớn.

- Phi, Phi ...

Tên thanh niên không thèm ngoái đầu nhìn lại, nó ôm con gà ngồi ở yên sau. Chiếc xe rồ máy lao ra khỏi cổng. Chị Mận đứng yên như trời trồng miệng lẩm bẩm:

- Không biết sáng giờ nó ăn uống gì chưa?

 Nguyễn thị Thêm

No comments:

Post a Comment