Pages

Saturday, December 5, 2020

Điếu Thuốc Ba Tôi - Văn Mỹ Lan

Hình minh họa

Mấy em tôi gọi điện thoại qua mét, giọng bực bội: “ Chị nói với Ba. Ổng bệnh vậy mà cứ lén hút thuốc hoài.”

Ba tôi đã trên chín mươi và đang bị ung thư gan. Ai cũng nói ung thư gan sẽ đi rất nhanh. Ba tôi đã chuẩn bị tinh thần. Má tôi và chị em tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần cả rồi nhưng ba vẫn kiên cường trụ được hơn ba năm dù lâu lâu phải cấp cứu. Bản thân tôi đã hơn ba lần bay về để tiễn biệt ba.

Tụi nó mét tôi vì nghĩ rằng tôi là chị lớn, lại là người cung cấp tài chánh cho ông cụ mấy chục năm nay. Chúng tin là tôi có uy tín với ông nhất.

Tôi hỏi lại:” Lén hút là sao?”

– Thì tụi em không cho ba hút thuốc sợ ông ho mà ông cứ lén hút hoài. Đã vậy má còn đồng loã, bả còn canh tụi em cho ổng hút nữa.

Tôi bật cười. Bà già tôi luôn có lối suy nghĩ và hành xử không giống bà già nào. Tôi khoái bà chỗ đó! Tôi hỏi:

– Ba hút thuốc gì?

– Ổng khoái nhất là Marlboro á. Ổng cứ nói thuốc này nhẹ hều, hút chút có sao .

Tôi gọi điện về cho má, vừa cười vừa hỏi:

– Bộ má canh tụi nó cho ba hút thuốc hả?

Nghe tiếng cười đồng loã của tôi, bà mạnh dạn nói:

– Ờ. Thì tao hỏi bây ổng đã chín mươi rồi. Nếu ổng không bệnh thì cũng không biết ổng” đi” ngày nào . Gần chết tới nơi rồi còn bày đặt kiêng cử làm gì. Còn sống ngày nào cứ để cho ổng sướng ngày đó đi.

Tôi về thăm ba sau lần nói chuyện với má, quà cho ông là hai cây thuốc lá mua ở phi trường. Má tôi vội đem thuốc vô phòng dấu. Ba tôi nhìn thấy hai cây thuốc lá cười rạng rỡ cứ như tôi ngày nào còn bé, được ông mua cho chiếc xe đạp mini đi học. Sướng nhất với ông là tôi để ông hút thoải mái, không cần phải giấu đút. Mà tôi đã không cự nự thì đố đứa nào dám nói. Từ hôm đó ông cứ hút công khai, chẳng cần phải dụi ngang điếu thuốc khi có đứa con nào bất chợt xuất hiện.

Mấy em biết được chị cho ba hút thuốc, có đứa bất mãn ra mặt. Có đứa còn dám nghĩ tôi mong ông cụ đi sớm để khỏi phải nuôi.

Rồi có lần ông rất khoẻ, ông đòi đi tắm biển. Ông muốn nghe tiếng sóng biển ầm ì,hương biển tanh tanh mùi cá, vị biển mằn mặn trong gió.

Lần đó bọn tôi mướn một nhà sát biển ở. Sáng sớm khi con cái còn say giấc ,ông cụ cởi trần ra biển bơi. Mấy đứa con lại la ầm lên: “ Ba ra biển bơi sớm vậy, rủi có gì rồi ai hay?”

Ba tôi nói : “ Có gì thì vớt xác ba lên chôn. Có chi mà ầm ĩ”.

Má tôi bênh chồng: “ Ổng đang bơi, đang sướng mà “đi luôn” là sướng tới chết rồi còn gì. Có chi đâu mà ầm ĩ.”

Cứ đụng tới cách hành xử hơi trái khuấy của ba tôi là nhà tôi chia hai phe. Tôi với má cùng phe. Mấy đứa con ít chăm sóc trực tiếp hay nuôi dưỡng lại cùng một phe.

Má tôi nói: “ Mấy đứa không thức đêm thức hôm chăm ông già, không nặng gánh cơm áo gạo tiền thuốc men thì tụi nó phải la to hơn để thể hiện sự quan tâm, thể hiện cái lòng hiếu thảo. Nói đại một câu cho sướng miệng lại được tiếng quan tâm tới cha mẹ thì ngại gì không nói. Tao bảo ổng cứ kệ tụi nó, thích làm gì thì cứ làm, muốn ăn mặn ngọt thế nào thì cứ ăn. Không cần kiêng cử gì cả nhưng ông cứ sợ đứa này la, đứa kia nói . Phải nói là cha mẹ già lại thích sợ con hơn ngày xưa con sợ cha mẹ nha. Khi bị con rầy la, cái miệng các cụ thì than chứ cái bụng cũng thấy sướng sướng . Nó la vẫn còn hơn nó không thèm nói đụng tới, ngó ngàng tới. Ông cứ kể thằng Khanh nó không cho tôi đi chụp hình, muốn đi là phải trốn mà đi. Con Lan không cho ăn nhiều mỡ sợ khó tiêu, con Liên bắt phải vận động sợ cứng khớp…

Ba tôi hút thuốc nên ho nhiều hơn. Mấy em tôi nhờ bác sĩ khuyên can ông nhưng bác sĩ nói :’ Hút nhiều là ho nhiều cụ nhá.” Ông trả lời: “ Ho cũng khổ mà nhịn cũng khổ bác sĩ ơi. Ho thì khổ lúc ho thôi, nhịn thì khổ suốt ngày đó bác sĩ à”.

Bác sĩ cười, chịu !

Rồi một ngày ba tôi đi nhẹ nhàng không phải vì ung thư, cũng không phải vì thuốc lá hay bơi sớm mà chết đuối dưới nước. Ông đi vì ông đã như một cây đèn cạn dầu nên thôi không cháy nữa. Vậy thôi!

Trên bàn thờ ông lúc nào cũng có một cây Marlboro . Mấy đứa con hay cấm ông hút thuốc giờ hay đến đốt một điếu thuốc lá cắm lên bàn thờ cho ông. Má tôi nhìn mà không nói gì!

Văn Mỹ Lan

Ngày 7 tháng 11, 2020

No comments:

Post a Comment