Xe từ từ đi vào phố quận Long Thành.
Em tôi nói với con gái và thằng rể Mỹ
- Xe gần tới trường ngày xưa ba đi học rồi đó.
- Trường high school phải không ba?
- Đúng rồi. Nó nằm bên tay phải của con. Chị ơi! Gần
tới chưa?
Tôi
nhướng người nhìn qua cửa xe. Long Thành bây giờ thay đổi nhiều quá, tôi không
thể đoán được là tới đâu rồi. Nhà nối tiếp nhà, xa lạ như nhiều nơi tôi đã đi
qua ở VN hơn nửa tháng nay. Nó lạ đến phũ phàng và tàn nhẫn cho những
người yêu phố quận như chị em tôi.
Tôi nhớ
ngôi trường có cái cổng ngay trước quốc lộ 15 mà bây giờ đã đổi thành 51. Nhưng
qua một số hình ảnh các bạn đăng ở Facebook, cổng trường đã thay tên và dời sâu
vào bên trong, như nhường sự quan trọng của ngành giáo dục cho sự đi lên của kinh
tế thị trường.
-Em chú
ý bên tay phải, chỗ nào có cái bồn nước cao cao, nhìn vào con hẻm. Trường mình
và cái cống nằm sâu trong đó.
Đứa
cháu chạy chầm chậm để chị em tôi tìm về kỷ niệm của thuở học trò.
-Kìa!
Kìa bồn nước kìa! Nó đó, trường của ba ngày xưa học đó con.
Em tôi
hí hửng đưa tay chỉ vào con đường có cái cổng trường và thấp thoáng dãy lầu
chưa kịp nhìn kỹ đã chạy khuất lần sau dãy phố. Trong xe bao nhiêu cái đầu đều
quay về hướng đó, cả chục đôi mắt mở to để nhìn.
Xe chạy
lướt qua, em tôi còn cố gắng quay đầu lại nhìn, như nhìn tuổi thơ mình vụt mất.
Đường vào trường vắng ngắt vì là nghỉ Tết, nhưng dường như ở đó có tiếng cười
giòn giã của các em tôi và tôi. Có những tà áo trắng, áo xanh hay áo trắng quần
xanh một thuở học trò. Có những niềm vui nỗi nhớ không thể nào quên. Có
những ... tội nghiệp em tôi và tôi mãi mãi không quên ngôi trường Long Thành
trong kỷ niệm.
Không
gian và thời gian dường như dừng lại để quay về quá khứ. Không ai nói với ai
câu nào. Cả xe dành một phút im lặng cho hai chị em tôi truy điệu tuổi thơ. Một
thời tuổi thơ đã mất và một khoảng thời gian rất dài vì cuộc sống không cho
phép chúng tôi trở lại nơi này.
Ngôi
trường Trung Học Long Thành của những người con phố quận. Chúng tôi có 4 năm
học tập nơi đây. Bốn năm rất ngắn nhưng ở cái tuổi mới lớn nó là kỷ niệm vàng
son. Là những bậc thang học hỏi để vào đời, là cung bậc của ước mơ và
hoài vọng.
Tôi như
thấy lại em tôi thật dễ thương, thật đẹp trai trong bộ đồng phục quần xanh áo
trắng, phù hiệu trên túi áo và nụ cười thật tươi của cậu con trai vừa mới
lớn. Bộ ba Trí-Thanh-Thông trên ba chiếc xe Honda của một thuở nào. Ngoài ra
còn có Nguyễn văn Sẽ, Hồ văn Rốt, Thanh Hải, Ngọc Anh, Thanh Thủy, Đoàn Lê
Dung... Những đứa em thật ngoan, xinh đẹp và học giỏi. Có tiếng hát của Trần
thị Ngọc cao vút bài "Hòn Vọng Phu". Có Phạm Thị Thuận và các bạn múa
nhịp nhàng trong bài hát "Chiều Lên Bản Thượng". Những cô sơn nữ vai
mang gùi thật xinh xắn dễ thương.
-Chị
ơi! Mình đã tới rạp hát Thuận Thiên chưa chị?
Câu hỏi
của em lôi tôi về thực tế. Phố xá bây giờ khác quá nên tôi không biết mình đã
đến chỗ nào, đã tới Cầu Quản Thủ hay chưa? Đây là con đường đưa chúng tôi về
Ngã Ba Phước Thiền để chúng tôi ghé đốt hương cho người chú ruột. Hai bên đường
những ruộng lúa thật đẹp, gió đồng đội trong lành đã mất dấu. Tất cả đều đô thị
hóa. "Nước ta là một nước nông nghiệp" đã không còn trên khắp lãnh
thổ VN.
Xe
ngừng trước một tiệm là đại lý của hãng điện thoại và đồ điện tử. Đứa cháu nói:
" Cô Chú xuống đây trước, con tìm chỗ đậu xe." Tôi ngỡ ngàng nhìn
quanh. Đúng là chỗ này. "Ngã ba Phước Thiền" quán nước và cũng là nhà
của chú tôi nằm ngay tâm điểm. Nhưng nhà đâu mất rồi tôi không thấy. Một
hành lang nhỏ dẫn sâu vào bên trong, con trai chú tôi đã cho người ta thuê phía
trước mặt tiền nhà làm cửa tiệm. Tiền thuê hàng tháng là lợi tức để sinh sống.
Tôi
nghĩ đến những căn nhà lầu, những biệt thự bị đánh tư sản sau 30/4/1975. Nhà
đang ở bị chiếm đoạt tức tưởi. Gia đình chủ nhà phải năn nỉ để được sống chui
rúc trong chái bếp sau hè để khỏi phải đi kinh tế mới. Bây giờ thì khác rồi, em
tôi tình nguyện ký hợp đồng cho thuê. Thôi thì đành lùi ra sau ở để sống còn.
Đồng tiền có giá trị vạn năng thay đổi tất cả. Đành thôi: "Gặp thời thế
thế thời phải thế."
....
Xe quẹo
vào con đường đi vào Bình Sơn. Tôi mơ hồ nhớ lại .Đây là con đường quen thuộc
đến trường của chị em tôi. Ngay góc này cái lầu cao cao là nhà của gia đình Dáo
Nga mà người Long Thành gọi thân mật là "Ông Tồn". Giao điểm của ngã
ba là cây xăng ông Tồn. Đi tới một chút có một căn phòng nhỏ là nơi học tập của
Châu Dáo Nga và Châu Đỉnh Sanh lớp tôi. Chúng tôi thường tập trung nơi này để
ôn bài, tán gẫu và chờ nhau về Bình Sơn một lượt. Kế đó là tiệm sách Châu Hải
và nhà của anh Châu Hải ba của Châu Chương Thành. Con đường dẫn về sẽ ngang qua
nhà cô Hai Nhơn má của Ngọc Nhẫn. Ngôi nhà mà ngày xưa các cô giáo dạy Long
Thành ở trọ. Là nơi cô nữ sinh nào cũng muốn ghé mà không dám bước vô. Các cô
giáo là biểu tượng cho sự xinh đẹp, văn minh, tài giỏi và sang trọng. Là hình
ảnh mơ ước của chính tôi và nhóm bạn.
Long
Thành của tôi, phố chợ của tôi và con đường về nhà tôi đó. Bây giờ 72 tuổi tôi
đi qua nơi này để tìm dấu vết của riêng tôi- Ngôi nhà màu tím của thuở tôi tròn
20 tuổi- Căn nhà với các rèm cửa màu tim tím do chính tôi may. Cái máy may ba
tôi đặt mua từ nước Nhật bằng chính tiền học bổng của tôi. Ngày tôi khoe ba tôi
chứng chỉ đậu Tú Tài của mình cũng là ngày tôi mở tung kiện hàng đựng cái máy
may hiệu Singer này. Trong đời chưa bao giờ tôi có niềm vui lớn như lúc đó.
Trong căn nhà này, tôi đã tự may cho mình những bộ đồ mặc ở nhà, tự cắt may áo
dài bằng cách rập khuôn từng phần một. Nơi này tôi đã bước qua thời con gái để
thành đàn bà bằng một đám cưới. Có học trò đến trang trí phòng cô dâu, có hướng
đạo đến dựng rạp và cổng vu quy. Có biết bao là kỷ niệm.
Xe đã
chạy qua khỏi cầu rồi mà tôi vô phương tìm thấy cái ngõ nhỏ quen thuộc vào nhà
mình. Không cách chỉ nhìn ra nhà của Khưu Thị Xuân, Khưu thị Hoa hay nhà của
Trương Phượng. Tôi tự nhủ với mình:" Soi vào gương, mình còn không nhìn ra
mình bảo sao phố xá còn nguyên hình dạng cũ. "
Ngày
xưa trên con đường này ngày hai buổi đi về, tôi đã cùng các bạn đạp xe từ Bình
Sơn ra Long Thành để học. Chúng tôi là con em của những công nhân cao su thuộc
sở Bình Sơn. Dân phu đồn điền đa số là miền Bắc di cư được Tây tuyển mộ. Trường
sở chỉ tới lớp nhì là hết. Lên tới lớp nhất là chúng tôi được ra trường quận để
học năm cuối thi lấy bằng Tiểu học. Kỳ thi tuyển vào đệ thất Trung Học Long
Thành năm xưa ấy, tôi được đậu thủ khoa và được học bổng suốt bốn năm liền. Bạn
bè tôi rất ít được cha mẹ cho học lên cao. Lên tới Trung học chúng tôi chỉ còn
đâu sáu đứa. Tôi, Quỳ, Nhạ, Tú, Lê thị Ngọc, Phất (nếu tôi nhớ không lầm).
Trời
chưa sáng tiếng kẻng vang vang, dân phu dậy nấu cơm ăn để ra lô đi làm là chúng
tôi dậy học bài. Kẻng hồi hai phu xách thùng cạo mủ ra điểm dân là chúng tôi
cũng chuẩn bị đi học. Con đường đến trường mấy đứa đi xe đạp lỉnh kỉnh tập vở
và gà mên cơm. Con đường lô Bàu Ngỗng chạy dài những hàng cao su thẳng tắp.
Trên con lộ dài, người ta cất những chòi canh để gát lửa. Chúng tôi thả xe đạp
dưới chân chòi và leo lên chòi ngồi ăn cơm sáng. Xong lại tiếp tục đạp xe tới
trường. Mùa lá cao su rụng, chúng tôi dừng xe, chạy rượt những lá cao su bay
bay, hoặc hốt từng bụm lá vàng tung lên không gian. Mùa hè rủ nhau đi lượm hột
cao su kiếm tiền mua vở học.
Đường
đến trường phải đi qua Bình Lâm. Nhà của Huỳnh Thạch Sa, Phạm Thị Của, Nguyễn
tấn Hưng, Ngô Văn Bông hình như ở nơi này. Tôi nhớ khi học sinh Bình Sơn ra
trường quận Long Thành học khá đông, chủ tây cho xe đưa rước mỗi ngày. Xe ở
trên trống trơn, thùng xe có hai dãy ghế ngồi. Chúng tôi thủ sẵn một cây cù móc
dài. Chôm chôm Bình Lâm trái thật sai, xòe ra cả ngoài đường lộ. Thế là cứ đứng
ở trên xe giựt chôm chôm thật mạnh. Trái rớt xuống sàn xe, chia nhau ăn thật
vui. Có một lần má Huỳnh Thạch Sa ra đón xe mắng vốn. Chúng tôi bị la một trận.
Nhưng học trò mà, ăn không phải là chính, phá mới là niềm vui của lũ quỷ phá
nhà chay.
Tuổi
thơ của chúng tôi cũng bị nhiều vết hằn thương đau không thể xóa do chiến
tranh. Có khi xe đang chạy trên đường để đến trường. Bỗng nhiên dừng lại. Trước
mặt hai hoặc ba cây sao su bị cưa ngã xuống chắn ngang đường. Hồi đó chúng tôi
gọi là "Đường bị đắp mô" chỉ chờ lính ngoài quận vào dẹp và mở đường
cho dân đi lại. Vì ở đó có gài lựu đạn hay mìn cho nên ai cũng sợ.
Lần nào
cũng vậy, tài xế phải tìm cách chạy luồn lách vào trong lô cao su để tìm lối ra
cho chúng tôi đến trường kịp giờ. Vì phải chạy trên khoảng trống giữa hàng cây
cao su và leo lên những ụ đất nên giằng, xốc rất nguy hiểm. Thường thì mỗi lần
như vậy chúng tôi đều bị trễ giờ. Điều ám ảnh tuổi thơ của tôi là những người
bị giết chết treo lên nhánh cây, hay bị bắn ngồi dựa gốc cao su với bản án
trước mặt. Thật ghê rợn và tàn nhẫn.
Điều
không thể ngờ được là sau 1975 tôi lại nằm trong đội ngũ công nhân trồng lại lô
cao su Bàu Ngỗng. Người làm tổ trưởng của tôi lúc bấy giờ lại chính là học trò
cũ của tôi. Có nhiều khi trên con đường này, với chiếc xe đạp cà tàng trở về
nhà, tôi đã gặp các bạn cùng lớp Trung học ngày nào, ì ạch thồ những bao bắp,
khoai mì từ Cẩm Đường về Long Thành. Mệt, vất vả và chua xót quá nên chúng tôi
như kẻ xa lạ đường ai nấy đạp. Con dốc đời còn gập ghềnh và cao hơn con dốc Bàu
Ngỗng hay Cầu Ông Trữ mà chúng tôi phải vượt qua.
Năm nay
tôi về quê ăn Tết. Con đường từ Bình Sơn về Long Thành cũng dài ngần đó, nhưng
đã thay đổi nhiều vì gần 60 năm đã trôi qua. Con đường Bàu Ngỗng rợp bóng cao
su thuở xưa giờ đã cưa sạch sẽ. Một khoảng đất trống chạy dài mút tầm mắt chói
chang. Nông Trường Bình Sơn sẽ là một phần của kế hoạch “ Sân Bay Quốc tế Long
Thành”. Nghe nói năm 2025 sẽ đưa vào sử dụng. Xã Suối Trầu đã bị xóa sổ. Đội
Hai Cầu Ông Trữ nằm trong diện bồi thường và di đời. Nông Trường An Viễng, Xã
Cẩm Đường cũng nằm trong kế hoạch. Người dân chỉ chờ đợi chính phủ có chính
sách thỏa đáng. Quận Long Thành rồi sẽ có một bộ mặt khác khi tôi về thăm
lại lần thứ nhì không biết lúc nào.
Bảy
mươi hai tuổi đời, tóc tôi đã bạc, cuộc đời truân chuyên như gương mặt đầy
những vết chân chim. Bạn bè tôi kẻ còn người mất và tản mạn trên khắp thế giới.
Chúng tôi thường liên lạc với nhau qua phone và internet. Sợi dây liên kết để
giữ tình bạn của chúng tôi mãi mãi bền chặt chính là ngôi trường Trung học Long
Thành.
Mỗi con
người Việt Nam khi ra đi đều mang theo mình hình ảnh quê hương và vô cùng trân
trọng. Dẫu tôi có chết trên xứ người, thân xác có thành tro bụi, nhưng trái tim
tôi vẫn yêu nơi này: Làng quê Bình Sơn nghèo nàn, phố quận Long Thành thân
thiết và ngôi trường Trung Học một thời mới lớn.
Nguyễn Thị Thêm
No comments:
Post a Comment