Pages

Tuesday, February 2, 2021

Có Khi Biển Lặng - Nguyễn Văn Sâm

Biển Ba Động (Trà Vinh)

Sáng sớm tàu qua khỏi chòi đáy cửa Ba Động hướng về phía Đông. Cả ngày lênh đênh trên biển nhắm hướng mặt trời. Biển láng trơn như tờ giấy trải trên bàn. Lấp lánh ánh nắng càng lúc càng dịu lần, rọi một lằn đỏ lợt lăn tăn chạy song song với con tàu, xuất phát ra từ mặt trời vàng ối núp nửa mình dưới đường giao tiếp giữa không gian và mặt nước. Ngoài xa kia minh mông một màu xanh lờ lợ đẹp vô song. Thỉnh thoảng từng đàn cá nhám lội đua, phô bày những cái lưng gù, cong quá độ. Ngó chúng phóng nhảy bơi đua, cả bọn ai nấy đều không nháy mắt, tưởng chừng như nắm bắt được sự thảnh thơi của đàn cá mà dân đất liền không dễ gì có dịp thưởng thức. Tiếng máy tàu xình xịch trầm trầm vẫn hồn nhiên phát ra âm thanh cố hữu của mấy ngày ru đoàn người vô giấc ngủ vật vờ.

Khi tàu quay mũi về hướng Nam chừng một giờ đồng hồ thì chỉ còn bốn người, không say sóng, tương đối khỏe, trụ trên nóc tàu, thưởng thức cảnh hoàng hôn.

Rốc, trẻ nhứt bọn, đương nằm, tay lót dưới ót làm gối, hơi ngóc đầu dậy, nói chõ vô ba người ngồi.

‘Người ta đi biển sóng gió, mưa bão, hải tặc, đói khát; tàu mình đi như ngao du. Thiệt là may vô cùng. Bữa nay là mùng bảy Tết coi như còn Tết, mình đặt tên cho buổi chiều đẹp hôm nay là ‘Biển Xuân Bình Yên’ để sau nầy nhớ lại nha anh em?’.

Ông Cường, bạn già ngồi bên tay trái của Thãnh điều chỉnh:

Không phải chiều nay thôi mà là nguyên cuộc hải trình nầy là Biển Xuân Bình Yên. Biển Xuân Bình Yên đã hỗ trợ cho tàu Trà Vinh chúng mình và những con tàu khác đương linh đinh những ngày gần đây.’

Thãnh quay qua khều vai người bạn ngồi bên mặt:

‘Xuân bình yên thì có nhạc, quý bạn đương thưởng thức nhạc của máy Kobuta 4 blốc đầu bạc. Trầm hùng hết biết thấy không! Đây là tiếng nhạc tiễn đưa, cùng một điệu đó nhưng tàu có phước thì được tiễn vô đất hứa, đất tự do. Còn tàu vô phước…’.

Già Cường, hích nhẹ vô vai Thãnh:

‘Phủi, phủi, ông nội ơi đừng nói gở! Ai có mặt trên tàu cho tới giờ nầy đều có phước hết. Bao nhiêu người mất tiền mà lỡ chuyến, biết bao người bị bắt lại mất hết tiền bạc còn bị vô tù. Chúng ta sắp tới nơi rồi chẳng phải có phước là gì?’.

Thãnh gật gật đầu chấp nhận sự phát biểu của người đồng hành nhưng anh vẫn tiếp tục miên man với ý nghĩ mình:

‘Có phước chăng, anh chàng ba hoa tuyên bố với bạn mới thân rằng tao tới Mỹ được thì thằng chủ tàu đừng hòng lấy được thêm một cắc, thiếu mấy lượng hả, tin đi, ngu sao trả, nó chủ tàu lời biết mấy! Có phước chăng, thằng cha xồn xồn lợi dụng đêm tối mò con nít? Có phước chăng người nào đó trên tàu lượm được vàng của bạn đồng hành yểm luôn khiến họ khóc sưng mắt? Có phước chăng cái gia đình giàu kia, ỷ đi đông người chi tiền nhiều luôn luôn càu nhàu là tàu xui vì cho đàn bà ‘mang mển’ theo khiến cho có người bốn mắt trên tàu? Có phước chăng mấy cha còn mạnh mẽ mà hễ cần tát nước thì làm bộ say sóng nằm vật vờ như gà mắc toi.

Đức, anh chàng ngồi bên mặt triết lý:

‘Sống chết cả tàu là do cộng nghiệp tất cả người trên tàu, không phải phước hay hung của một vài lời nói. Cộng nghiệp tức là tổng số phước trừ đi tổng số hung của từng người trên tàu. Trừ qua trừ lại còn nhiều phước thì cả đoàn thoát, còn nhiều hung thì họa tới cho cả đoàn…’

Lại cái hít vai lần nữa của già Cường, lần nầy mạnh hơn khiến Thãnh như muốn ngã chúi:

‘Phủi, phủi nữa. Cứ nói gở. Anh Đức không nói hết câu đâu ai nói anh không thông minh đâu’.

Lại cái ông già mê tín tin nhảm. Còn cái ông trời Đức nữa, từ cõi trên xuống trần không bằng! Nắm bắt nguyên lý của vũ trụ cộng cộng trừ trừ phước phước họa họa. Làm như thiên nhiên có cái máy tính nhiệm mầu ghi lại mọi chuyện lớn nhỏ của cả chục tỷ người trên trái đất. Tuy nghĩ vậy nhưng Thãnh và cả bọn không ai phản đối. Cữ kiêng cũng là lo lắng cho toàn thể trên tàu thôi. Tội gì chống chế cho mích lòng mích bề.

Thãnh nhích ra mé ngoài rìa mui tàu, bỏ chưn xuống đong đưa để nhận được vài giọt nước từ dưới bắn lên mát mát thoải mái. Anh ngó ra trước mũi tàu, nó xé nước thấy thương luôn. Ngọt sớt. Tội nghiệp nó coi dềnh dàng vậy nhưng cốt không phải tàu đi biển mà chỉ là một chiếc ghe cui, chở hàng đi sông được cơi mui đóng ván thành ghe lồng nhưng ghe vẫn huờn là ghe. Gắn máy bự chạy ngon lành vậy thì kêu là tàu nhưng be ghe đi sông đâu có cao hơn mặt nước bao nhiêu như be tàu đi biển. Tất cả phó thác cho Trời Phật thôi. Cũng gần tháng Ba rồi. Tháng Ba biển lặng bà già đi biển. Anh ngó theo đàn cá phóng đua ngoài xa, tránh ý nghĩ bi quan chợt xuất hiện trong đầu, chậm rãi thọc tay vô túi quần lấy bao thuốc móc hai điếu cong queo ẩm ẩm trao cho hai người ngồi kế, chuyển đề:

‘Rốc không hút thuốc khỏi mời! Tức quá bên phe mình hùng dũng, nhân bản, khôn ngoan, cái gì cũng hay ho vậy mà thua tụi nó, một bọn chuyên môn bắt chước bọn Tàu phù dơ dáy…’.

Không ai góp ý, chuyện quá hiển nhiên. Im lặng. Thời gian trôi qua chừng 5, 7 phút. Biển sóng lăn tăn, vũ trụ như ngủ gục, chỉ có tiếng máy tàu, tiếng gió thổi lướt nhẹ vô mang tai và tiếng ngáy đều của anh chàng Rốc đương êm đềm bước vô giấc ngủ.

Vò vò điếu thuốc trên tay cho ngay ngắn, Thãnh tiếp:

‘Nầy nha: Tân nhạc của Ngụy mình thì hay không chỗ chê. Tân cổ giao duyên mới nổi lên chưa bao lâu nhưng cũng hết xẩy con cào cào. Nhạc của họ hả? The thé điệu nhạc Tàu, văn chương thì toàn là xúi trẻ con nhảy vô lửa, giả tạo tới láo lếu… đọc không vô. Tiểu thuyết của mình thì mở rộng về mọi phía cạnh của đời sống, không sắt máu là điều rất đáng ngưỡng mộ lại còn tự do đưa ra những khía cạnh bất toàn của xã hội. Hay biết là bao nhiêu! Đọc Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền hả, mỗi hàng làm cho mình khôn ra mỗi hàng. Đọc truyện của lính trận miền xa như Y Uyên, Trần Hoài Thư… hả, thấy biểu lộ rõ ràng ruột gan thầm kín nhưng họ vẫn để bổn phận lên trên. Có ai chỉ đạo bày mưu độc xử gì đâu…’.

Mùi cơm chín bay thoát ra từ cửa sổ tàu quẹt vô mũi bốn người. Anh thanh niên Rốc mới nghe ngáy đó đã lẹ làng ngồi dậy lên tiếng:

‘Phải xuống phụ anh chị Sáu dọn cơm ăn. Cơm trắng với xì dầu sống qua ngày nhưng mà vui đáo để… Mấy ông nói chuyện trời ơi đất hỡi gì đâu không, nghe nhức óc quá tui chẳng hiểu mô tê gì hết. Thực tế đi mấy ông! Sống qua con trăng nầy rồi tính sau, nói chuyện xưa chi cho mệt. Xuống ăn một lượt cho vui!’.

Ba người đều lắc đầu một lượt.

Đức bỗng nhiên nổi hứng, nói hơi lớn tiếng:

‘Hồi ở nhà tôi dự định là nếu có dịp ra ngoài thì tìm cách qua Mỹ ám sát ông Thiệu để trừ cái tội ra lịnh rút quân mà không chuẩn bị làm mất nước vậy mà còn cuỗm theo 16 tấn vàng để hưởng một mình’.

Không khí trở nên nặng nề mặc dầu lúc nầy gió đổi chiều thổi phần phật vô mặt mọi người. Già Cường quay qua Thãnh chép miệng rồi chậm rãi nói từng câu như muốn điều mình sẽ nói được nghe cẩn thận:

‘Cũng không biết nói sao về chuyện quân sự vì tôi là dân civil, nhưng là phụ tá hành chánh cho ông Uyển tôi biết cho tới hết hai tuần đầu tháng 5 thì vàng vẫn còn trong kho. Muốn mở kho vàng phải cần ba chìa khóa mà ba ông lớn đó có bao giờ có mặt đủ đâu. Triệu tập báo trước 2, 3 ngày còn chưa chắc đã được. Nghe đâu như ông tổng giám đốc Ngân Khố mấy bữa chót không ai thấy ông ta’.

‘Ông Uyển là ai?

‘L. Qu. Uyển, thống đốc Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam, học bên Tây về, có vợ đầm’.

Thãnh và Đức đều lõ mắt ngó người nói chuyện với mình.

‘Chuyện mở kho nếu có thì tôi sẽ biết trước hơn ai hết’. Già Cường nuốt nước miếng lấy hơi, tiếp. ‘An ninh toàn thể khu ngân hàng, nhứt là bên ngoài hầm vàng là nhiệm vụ tổng quát của tôi. Lấy vàng chuyển đi làm sao tôi không biết chớ. Tụi nó lấy sau nầy đó, có thể là cuối tháng 5, lúc đó thì tôi đã bị cho ngồi chơi sơi nước rồi. Họ phóng tin đồn để trút tội cho người khác. Cái đòn bá đạo đó coi vậy mà có kết quả’.

‘Thù hằn làm mình nặng nề tâm lực’. Đức nói sau khi rít một hơi thuốc dài rồi búng mạnh tàn xuống biển như liệng đi sự hằn học từ lâu chất chứa trong lòng. Những tia lửa nhỏ nhoi bị trùng dương nuốt chửng không để lại dấu vết. ‘Bao nhiên năm nay tôi thù chuyện mất tư cách đó của ông tổng thống nhà mình nên lòng không lúc nào thấy nhẹ nhàng. Bây giờ nghe anh Cường nói cảm tưởng như mình lật được trái núi Thái Sơn xuống khỏi trái tim. Tôi lên tàu với lòng nung nấu căm hờn kẻ làm mất tương lai của mấy chục triệu người thế hệ chúng mình… Và biết bao lớp con cháu nối tiếp sau đó… Bây giờ thì...’ Người nói chép miệng mỉm cười như chữa thẹn. ‘Tôi đã liệng cái lòng hận thù trật chìa đó xuống biển cho trôi theo sóng rồi. Để thần cá trùng dương xử lý. Tôi lờ mờ hiểu rằng bạn cũng như thù, vì quyền lợi, họ phóng ra nhiều độc chiêu mình không tưởng tượng được và dễ dàng mắc bẫy …’.

Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi,
Đường trường mịt mùng em không đến nơi.
Mây nước buồn cơn lửa binh, hết chuyện chung tình,
Khóc than riêng em một mình………

Trời ơi, bởi sa cơ chiến trường thọ tiễn nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu… Hà.

Tiếng Hà xuống hò ư ư ngọt lịm như giọng Út Trà Ôn phát ra giữa biển minh mông, làm nổi gai ốc người thưởng thức. Cả ba người quay mặt về sau khi những câu nói lối vừa cất lên, tới khi tiếng hát quê hương quyện trong bầu trời thì họ đẩy thực tế qua một bên để sống với thế giới ảo Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà của Giọt Máu Chung Tình.

Thì ra nãy giờ anh chàng Rốc ngồi dậy rồi nhưng chưa chịu xuống ăn cơm, lặng lẽ hóng chuyện, đợi tới lúc cao điểm của câu chuyện mới cất tiếng ca hóa giải.

Già Cường bỗng nhiên hào hứng chỉ ra xa, chỗ năm bảy con chuồn chuồn quần quần bay lấy nước:

‘Mình sắp khỏe rồi nha anh em. Gần tới đất liền nên mới có chuồn chuồn ra biển. Loại nầy không bay được xa, chừng vài chục hải lý là cùng, tàu mình chạy chừng 6, 7 giờ là tới nơi…’.

Mọi người đều phấn khởi đổi lại thế ngồi ngó ra chung quanh tàu, nhưng tiếng bi quan của Đức làm không khí trở lại bình thường ngay:

‘Cái khó là không biết mấy trự nầy từ hướng nào tới, thôi thì cứ nhắm hướng Nam như lâu nay cho chắc ăn. May ra chừng giữa khuya thì tới đảo. Tha hồ mà hít thở không khí tự do’.

Tiếng tới đảo và tự do như nước cam lồ rót vô cổ họng mọi người. Họ vui lên trông thấy…

Vài giọt mưa lác đác rơi, tạt vô mặt mọi người, kéo theo từng cơn gió mạnh lắc lư con tàu và những thùng nước bất tận bắt đầu đổ xuống từ trời cao. Lục đục chui vô khoang. Tiếng càu nhàu nho nhỏ của ai đó:

‘Ông Trời thiệt kỳ cục, mưa mà không báo trước gì hết, làm mình loi nhoi như chuột mắc lũ’.

Thãnh đặt chưn lên bệ cửa sổ, đu mình vô trong, cười thầm. Trời báo trước chứ sao không. Chuồn chuồn bơi thấp thì mưa ông bà mình nói có sai đâu. Thôi thì có nước ngọt dự trữ cũng yên chí nếu đi lạc đường.

Mưa càng lúc càng mạnh, bầu trời đen tối, màu âm u của đêm và của cơn mưa lớn hòa hợp với sóng dữ thét gào. Tàu chòng chành đánh thức tới những đứa nhỏ vốn mê ngủ nhứt. Tiếng lườn tàu từng hồi đập lên nước sau khi được nưng lên kêu răng rắc ai cũng rùng mình liên tưởng tới tình trạng bi đát có thể xảy ra.

Giọng già Cường lầm thầm cầu xin: ‘Vái cho cộng nghiệp của tàu lớn. Vái cho trên tàu không có thằng nào đâm cha giết chú, bán nước buôn dân. Nguyện cầu Phật Bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn. Cầu Chúa Ky Tô thương tình chúng con… Thãng nhắm mắt suy nghĩ tới điều xui nhứt xảy ra cho con tàu. Cái thằng Rốc chết bầm miệng nói đặt tên buổi chiều nay là Biển Xuân Bình Yên mà nó lên giọng như câu hỏi khiến cho có điềm chẳng lành. Lại còn ca bài ca chết chóc ‘đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà…à…’. Anh nhắm mắt ôn lại những kỷ niệm xa xưa trong quá khứ đời mình, những mối tình đẹp còn vương vấn trong trí thấy vui đời khi nhớ về, vài ba mối tình một chiều thoáng qua không để lại nhiều dấu vết.

Gió vẫn rít răng. Mưa vẫn phong ba. Trời vẫn tối đen. Âm thanh va chạm tàn bạo của lườn tàu lên sóng nước vẫn tiếp tục từng cơn như báo hiệu Tử Thần đương đứng chực đâu đây đợi chờ thời điểm. Tiếng khóc của đám nít nhỏ trong khoang tối biểu lộ nỗi hãi hùng càng lúc càng nhiều hòa với tiếng sóng gió thành giai điệu đặc trưng của chết chóc. Giọng ù ơ vỗ về trấn an của những bà mẹ nghe rụt rè bi thiết của thất vọng chán chường.

Trong bối cảnh đó Thãnh chìm vô giấc ngủ. Mệt nhọc.

Alexandria, LA, Nov. 22-30-2017

(Kỷ niệm hai chuyến hải trình lén lút 78, 79)
Nguyễn Văn Sâm

No comments:

Post a Comment